Công ty y tế Bio-Rad tuồn tiền hối lộ như thế nào
Ở Việt Nam, Bio Rad bị tố cáo thường hối lộ các viên chức bệnh viện và phòng thí nghiệm, sử dụng một nhà phân phối trung gian để tránh bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý.
Trụ sở công ty Bio-Rad tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ. Ảnh: honestbuildings
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Mỹ hôm 3/11 thông báo, công ty thiết bị và nghiên cứu y tế Mỹ Bio-Rad vừa chấp thuận nộp phạt 55 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc hình sự và dân sự về hành vi hối lộ quan chức chính phủ của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Bio-Rad được thành lập vào năm 1952 tại Berkeley, hiện đặt trụ sở tại Hercules, California, Mỹ. Công ty ban đầu tập trung vào mảng phát triển và sản xuất hóa chất đặc biệt, sử dụng trong sinh học, dược phẩm và các ứng dụng nghiên cứu khoa học đời sống khác. Đến nay, Bio-Rad hoạt động trên hai phân khúc: khoa học đời sống và chẩn đoán lâm sàng, với quy mô toàn cầu. Công ty có gần 8.000 nhân viên, giám đốc điều hành là ông Norman D.Schwartz. Khách hàng của Bio-Rad thường là các bệnh viện, viện nghiên cứu lớn, cơ sở y tế công cộng, phòng thí nghiệm…
Thuê trung gian hòng né tránh pháp luật Việt Nam
Theo thông báo điều tra của SEC, Bio Rad từ năm 2005 đến năm 2009 duy trì một văn phòng đại diện bán hàng ở Việt Nam. Giám đốc văn phòng Việt Nam được phép phê duyệt những hợp đồng có giá trị lên đến 100.000 USD và chi hoa hồng đến 20.000 USD. Văn phòng Việt Nam sẽ báo cáo mọi thông tin chi tiết cho giám đốc khu vực Đông Nam Á (RSM) của Bio-Rad có trụ sở đặt tại Singapore, và từ đây tiếp tục báo về cho giám đốc quản lý chung toàn khu vực châu Á.
Video đang HOT
Trong khoảng thời gian này, dưới sự chỉ đạo của giám đốc văn phòng Việt Nam, đại diện bán hàng đưa hối lộ dưới hình thức tiền mặt cho viên chức ở các bệnh viện và phòng thí nghiệm nhà nước để họ đồng ý mua sản phẩm của Bio-Rad.
Năm 2006, RSM phát hiện hành động hối lộ này từ một nhân viên tài chính và tỏ ra hết sức lo lắng. Nhưng đại diện văn phòng Việt Nam cho biết, hối lộ là một điều bình thường ở Việt Nam.
Ngày 18/5/2006, đại diện văn phòng gửi một email tới RSM và nhân viên tài chính của công ty, rằng việc trả phí cho bên thứ ba “vi phạm Chính sách Đạo đức Kinh doanh của Bio-Rad” nhưng nếu không làm điều này, Bio Rad có thể mất đến 80% doanh thu ở Việt Nam. Người này đề xuất phương án thuê một người trung gian để đưa những khoản tiền hối lộ cho các nhân viên chính phủ Việt Nam, như một cách giúp Bio-Rad né tránh trách nhiệm.
Theo đó, Bio-Rad Singapore sẽ bán sản phẩm cho một nhà phân phối của Việt Nam với mức chiết khấu lớn. Bên phân phối bán lại cho các khách hàng thuộc nhà nước với giá chuẩn và dùng một phần trong mức chênh lệch làm tiền hối lộ.
RSM và giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều biết nhưng đồng ý cho qua. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến cuối năm 2009, văn phòng Việt Nam thực hiện những khoản thanh toán không hợp lý trị giá 2,2 triệu USD cho các đại lý và nhà phân phối.
Những khoản hối lộ này được ghi trong sổ sách là “tiền hoa hồng”, “chi phí quảng cáo”, và “chi phí đào tạo”. Nhờ hành vi hối lộ, Bio-Rad Singapre đã thu về 23,7 triệu USD tổng doanh thu bán hàng.
Tại Thái Lan, chi hối lộ 9%
Bio-Rad nắm giữ 49% cổ phần tại công ty Diamed Thailand và thông qua công ty này bắt đầu thực hiện các hành vi hối lộ từ tháng 10/2007.
Diamed Thailand sử dụng một đại lý ở Thái Lan để bán sản phẩm cho các khách hàng chính phủ. Đại lý thu về 13% tiền hoa hồng. Trong đó, họ giữ 4% và trả cho các nhân viên chính phủ 9% để đổi lấy các khoản làm ăn sinh lợi nhuận.
Giám đốc quản lý chung khu vực châu Á- Thái Bình Dương biết về hành động hối lộ khi tham gia một buổi họp với nhà cung cấp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan vào tháng 6/2008. Người này chỉ thị cho nhà điều hành Bio-Rad Singapore điều tra vụ việc. Mặc dù biểu hiện hối lộ đã rõ, giám đốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương vẫn không ra lệnh ngừng hành vi này.
Từ năm 2007 đến 2010, Diamed Thailand chi trả không đúng cách hơn 700.000 USD cho các nhà phân phối, tạo ra 5,5 triệu USD lợi nhuận. Những khoản tiền này cũng được ghi trong sổ sách dưới mác tiền hoa hồng.
Tại Nga, hoa hồng cao, từ 15% đến 30%
Từ năm 2005 đến năm 2010, Bio-Rad SNC, công ty con của Bio-Rad có trụ sở tại Pháp, chi cho các đại lý ở Nga từ 15% đến 30% tiền hoa hồng. Các đại lý Nga trích một phần hoa hồng của họ cho các nhân viên chính phủ để đổi lại các hợp đồng bán thiết bị chẩn đoán y tế béo bở.
Bio-Rad SNC đã trả cho các đại lý ở Nga tổng cộng 4,6 triệu USD để đạt doanh số 38,6 triệu USD. Khoản chi bất hợp pháp này được ghi trong sổ sách vẫn là tiền hoa hồng.
Bio-Rad SNC và giám đốc Bio-Rad Nga đều nắm được thông tin về sự việc nhưng phớt lờ. Đầu năm 2010, ngay sau khi Bio-Rad Nga chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đại lý ở Nga, họ đã mất hợp đồng với chính phủ.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hà Nội sẽ có khu thương mại nông nghiệp
Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ này và Liên danh Pan Asia (Hàn Quốc) đang phối hợp nghiên cứu mô hình Khu phức hợp bán buôn và thương mại nông nghiệp phù hợp với hiện trạng của Hà Nội.
Mô hình Khu phức hợp bán buôn và thương mại nông nghiệp sẽ được trang bị hệ thống đấu giá bằng công nghệ IT, điều này sẽ giúp giảm các khâu mua bán trung gian, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho người nông dân đồng thời góp phần ổn định giá thị trường đối với mặt hàng nông sản, tiết kiệm chi tiêu cho người dân. Đặc biệt, hàng hóa sẽ được kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Dự kiến, thiết kế quy hoạch tổng thể của dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay.
Theo ANTD