Công ty liên quan đến “siêu lừa” Huyền Như bị kiểm soát đặc biệt
Chứng khoán Phương Đông, công ty bị “ siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hàng trăm tỉ đồng đang bị đình chỉ hoạt động tự doanh chứng khoán trong 60 ngày.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 880/QĐ-UBCK ngày 16.10.2018 đình chỉ hoạt động tự doanh chứng khoán của CTCP Chứng khoán Phương Đông. Thời hạn đình chỉ từ ngày 16.10.2018 đến ngày 15.12.2018.
Nguyên nhân là do không duy trì các điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 70 Luật chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006.
Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động tự doanh chứng khoán, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông chỉ được phép bán các khoản đầu tư hiện tại, không được làm phát sinh các khoản đầu tư mới và tăng giá trị các khoản đầu tư hiện tại; công bố thông tin theo quy định, có phương án khắc phục và báo cáo tình hình thực hiện phương án theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
UBCKNN cũng ra quyết định đặt công ty Chứng khoán Phương Đông vào diện kiểm soát đặc biệt.
Nguyên nhân là do công ty này đã 2 năm liền thua lỗ liên tiếp, đồng thời Công ty Chứng khoán Phương Đông là một pháp nhân liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank, VTB).
Năm 2011, Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại ngân hàng Vietinbank. Khi đó Huỳnh Thị Huyền Như là thành viên hội đồng quản trị của ORS. Trong khi đó, ORS lại là bên bị hại trong vụ án lừa đảo mà Như là thủ phạm.
Huỳnh Thị Huyền Như khai về việc huy động vốn của công ty CP chứng khoán Phương Đông bằng hợp đồng ủy thác giả vào Nhà Bè, TP.HCM (do bà Như soạn thảo và ký giả chữ ký). Đối với hợp đồng với TP.HCM, bà Như ký giả chữ ký chị Hương, còn với Nhà Bè là Như ký giả chữ ký anh Võ Anh Tuấn, đóng dấu giả, số tiền gốc không cố định, thường duy trì từ 5 đến 20 tỉ đồng. Ngoài ra nếu có tiền qua đêm, phía công ty Chứng khoán Phương Đông chuyển cho Như sau đó Như lại chuyển trả.
Tổng số tiền bao gồm cả gốc và lãi của hợp đồng ủy thác và tiền qua đêm là 1.824.850.167.999 đồng. Toàn bộ giao dịch vay mượn tiền của Chứng khoán Phương Đông, Như đều thỏa thuận trực tiếp với Vũ Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Quy…
THIÊN BÌNH
Theo LĐO
"Siêu lừa" Huyền Như tiếp tục bị truy tố khung phạt tù chung thân
Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc tự huy động vốn để chiếm đoạt gần 1.100 tỷ đồng của năm công ty để trả nợ cá nhân.
Ngày 25.11, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng lần hai truy tố Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Vietinbank, chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Huỳnh Thị Huyền Như (áo đỏ). Ảnh: H.D
Theo cơ quan công tố từ năm 2007, Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.
Đến năm 2010, kinh doanh thua lỗ đồng thời phải trả lãi suất cao, Huyền Như không còn khả năng thanh toán. Biết các công ty: Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Bảo hiểm Toàn cầu, Hưng Yên và An Lộc muốn gửi tiền vào ngân hàng, Huyền Như nảy sinh ý định chiếm đoạt để trả nợ.
Huyền Như đã lấy danh nghĩa quyền trưởng phòng đi huy động tiền gửi cho cơ quan, trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với những người môi giới, đại diện của 5 công ty trên. Huyền Như cho đối tác biết về việc nhận tiền gửi của các đơn vị này với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần của Nhà nước.
Đồng thời, bị can hứa hẹn trả cho người môi giới đại diện các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới. Thực tế Huyền Như trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới bằng tiền cá nhân.
Cáo buộc của VKS cho rằng Huyền Như đã lợi dụng các cá nhân đơn vị gửi tiền vào Vietinbank muốn nhận lãi suất cao để thỏa thuận trái pháp luật, dẫn dụ họ gửi tiền.
Khi các đơn vị này chuyển tiền thanh toán vào mở tại Vietinbank, Như lập chứng từ ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền của các khách hàng đi trả nợ cá nhân bị can.
Với thủ đoạn trên, từ tháng 5 đến tháng 9.2011, Huyền Như đã chiếm đoạt gần 1.100 tỷ đồng của 5 công ty. Cụ thể, bị can chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên; hơn 170 tỷ của Công ty An Lộc; 380 tỷ đồng của Công ty Phương Đông; gần 125 tỷ của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu và gần 210 tỷ của Công ty SBBS.
Liên quan đến vụ án, cơ quan công tố cáo buộc, ông Võ Anh Tuấn sai phạm ở chỗ biết Huyền Như lấy tên giả, mượn danh nghĩa cán bộ ngân hàng để huy động vốn của Công ty Hưng Yên nhưng để mặc Huyền Như làm giả hợp đồng, giúp cấp dưới này chiếm đoạt hơn 200 tỷ. Ông Tuấn được cấp dưới chia cho 10 tỷ đồng.
Trước đó, đầu năm 2014, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Huyền Như bị cấp sơ thẩm cáo buộc chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng.
Một năm sau, TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm điều tra lại đối với Huyền Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt tiền của 5 công ty. Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi của Huyền Như và đồng phạm có dấu hiện tội Tham ô tài sản.
Quá trình điều tra bổ sung lần đầu, VKSND Tối cao truy tố thêm 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (hiện là Ngân hàng TMCP Nam Việt) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Họ bị cho là đã để nhân viên đứng tên gửi 1.500 tỷ đồng vào Vietinbank thông qua Như và để cô ta chiếm đoạt 200 tỷ. Hành vi này được tách sang một vụ án khác.
Đầu năm nay, TAND TP.HCM dự kiến xử giai đoạn 2 đại án Huyền Như song tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của bị can có dấu hiệu tội Tham ô tài sản.
Sau đó, VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố Huyền Như tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
10 sếp ngân hàng đánh mất 200 tỷ vào tay 'siêu lừa' Huyền Như ra sao?
Theo Hoàng Việt (VNE)
CGST Huế phát hiện ô tô chở lượng lớn gỗ quý không có dấu kiểm lâm Trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, lực lượng thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện xe ô tô vận chuyển lượng lớn gỗ quý không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm lâm. Ngày 21/10 một cán bộ Đội CGST Đường sắt thuộc Phòng CGST Đường bộ - Đường sắt...