Công-tơ-mét bị tua, người mua ôtô cũ làm sao để nhận biết?
Hiện nay, ở Việt Nam việc tua lại đồng hồ công tơ mét được thực hiện khá dễ dàng với chi phí thấp và hầu như ở tất cả các dòng xe. Những lưu ý sau có thể sẽ giúp bạn nhận biết công-tơ-mét xe có bị tua hay không khi chọn mua ôtô cũ.
Kiểm tra thông số cơ bản của xe
Nội dung kiểm tra các thông số bao gồm: Năm sản xuất của xe, năm mà xe được đăng ký (lần đầu và các lần sau đối với xe đã đổi chủ), số lần thay đổi chủ xe. Những thông tin này, bạn có thể kiểm tra được dựa vào giấy tờ đăng ký, đăng kiểm của xe. Năm đăng ký lần đầu chính là thời điểm chiếc xe bắt đầu lăn bánh, từ đó có thể tính được số km trung bình tương ứng với số năm đã đi.
Số năm lăn bánh của xe – năm đăng ký lần đầu quyết định khá nhiều tới số km xe lăn bánh thực tế. Ảnh: Khánh Linh.
Đối với xe gia đình, trung bình dòng ôtô phổ thông có thể đi được khoảng 10.000 – 15.000 km/năm. Đối với các dòng xe sang cao cấp, hay xe thể thao số km thường sẽ thấp hơn, khoảng 10.000 km trở lại. Còn đối với xe chạy dịch vụ, số km đương nhiên sẽ cao hơn có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Ví dụ đối với một chiếc xe sản xuất và đăng ký vào năm 2015 tính đến thời điểm năm 2020, chiếc xe chạy được khoảng trên 70.000 km tương đương với khoảng 15.000 km/năm là con số tương đối chính xác.
Kiểm tra lịch sử bảo dưỡng của xe
Trong thời gian sử dụng xe, các chủ sở hữu thường sẽ đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ tại các garage xe. Và hoạt động đó sẽ được các thợ bảo dưỡng ghi lại thông tin chính xác trong sổ nhật ký bao gồm số km, thời gian, nội dung…
Kiểm tra hiện trạng nội thất – ngoại thất xe
Nội thất: Bề mặt ghế ngồi (đặc biệt là ghế lái) nếu xe đi ít sẽ không có nhiều nếp nhăn và độ đàn hồi còn tốt, độ mòn của vô lăng, các nút công tắc, tay cầm của các cánh cửa… Xe sử dụng càng nhiều thì các chi tiết này sẽ càng dễ xuất hiện hao mòn, đổi màu, trầy xước.
Bề mặt da ghế lái sử dụng nhiều sẽ bị nhăn và chuyển màu tương đương với mức sử dụng trên 50.000km. Ảnh: Khánh Linh.
Tay nắm cửa bị mòn và đổi màu cho thấy mức độ sử dụng thường xuyên. Ảnh: Khánh Linh.
Video đang HOT
Ngoại thất: Các vết trầy xước xung quanh thân xe, gioăng cao su cửa xe còn chắc chắn hay đã bị nhão, viền nắp ca-pô có bị kênh hay còn kít…
Phụ tùng: Độ mòn của ốc vít, độ mòn của lốp xe (kiểm tra gai lốp còn không, độ sâu của rãnh lốp), bề mặt đĩa phanh có bị mòn, bề mặt la-zăng có nhiều vết xước hay vết cắt sâu…
Lốp xe đã bị mòn gai và độ sâu của rãnh lốp giảm cho thấy xe đã di chuyển nhiều. Ảnh: Khánh Linh.
Độ mòn của ốc vít và một số phụ tùng khác có thể đánh giá mức độ sử dụng của chiếc xe. Ảnh: Khánh Linh
Gầm xe là một trong những yếu tố quan trọng cần kiểm tra do các xe đã sử dụng nhiều gầm xe sẽ bị mục, gỉ sét, có nhiều vết lõm do gạch đá văng lên nhiều lần hoặc bị cấn khi lên xuống lề đường. Qua đó cũng có thể đánh giá mức độ sử dụng xe của chủ cũ.
Việc lái thử xe sẽ cho bạn có được những cảm nhận về khả năng vận hành, các tiếng động, độ rung của xe, độ trễ của chân ga… sau một thời gian sử dụng.
Sau khi tự mình kiểm tra một số những chi tiết phía trên mà vẫn chưa hoàn toàn yên tâm, bạn có thể đưa xe đến các garage uy tín hoặc tại các trung tâm chính hãng. Tuy sẽ mất thêm chi phí, nhưng đây là cách đáng tin cậy nhất để kiểm tra hiện trạng xe một cách tổng thể trước khi bạn đưa ra quyết định.
Mua xe cũ, mất trắng tiền cọc vì "xuống tiền" cảm tính
Không ít khách hàng ôm phải "quả đắng", hoặc mất trắng tiền cọc, hoặc nhận chiếc xe lỗi với quyết định vội vã của mình.
Mất trắng tiền cọc vì cả tin
Tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng, anh Lý Anh Sơn (35 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết định đi mua một chiếc xe cũ. Theo những thông tin được rao trên một số trang mua bán xe hơi, anh tìm được một chiếc Mazda 3S đời 2014 rất "vừa miếng" tại một salon xe cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội).
Tâm lý háo hức khi mua ô tô lần đầu, lại chưa có kinh nghiệm về xe cộ, anh Sơn đã nhanh chóng bị nhân viên bán hàng tại salon "thôi miên" bằng những lời có cánh. Chiếc xe hơn 5 năm tuổi với ngoại hình long lanh, nội thất sạch sẽ khiến anh không do dự, xuống ngay tiền đặt cọc 20 triệu đồng và hẹn 1 tuần sau lấy xe.
Khách đi mua xe cũ cần kiểm tra thật kỹ trước khi xuống tiền đặt cọc (ảnh: Hoàng Hiệp)
Tuy vậy, 3 ngày sau đến lấy xe, anh Sơn cùng một người bạn có kinh nghiệm kiểm tra thì phát hiện, xe từng bị tai nạn khá nặng, phần đầu móp méo, ảnh hưởng đến cả máy. Lúc này, anh Sơn quyết định không lấy xe và đề nghị salon hoàn lại tiền đặt cọc. Phía salon từ chối thẳng thừng với lý do anh Sơn đã xem kỹ xe rồi mới đặt cọc, việc cọc tiền là tự nguyện chứ không ai ép buộc.
Sau cuộc đàm phán nảy lửa, cuối cùng hai bên thống nhất "cưa đôi" số tiền đặt cọc. Anh Sơn đành ngậm ngùi mất 10 triệu đồng do sự nhanh nhảu quá mức cần thiết.
Không được "may mắn" như anh Sơn, anh Nguyễn Viết Giang (29 tuổi, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) dù đã rất cẩn thận nhờ một người thợ làm tại một xưởng sửa chữa ô tô ở gần nhà cùng đi xem xe. Thế nhưng, anh vẫn dính quả đắng không ngờ.
Cuối năm 2019, anh Giang cùng người thợ xem chiếc Toyota Innova đời 2015 tại một salon ô tô cũ tại quận Cầu Giấy . Sau cái "gật đầu" của người thợ cùng đi, anh quyết định lấy luôn chiếc xe này về vừa phục vụ gia đình, vừa chạy dịch vụ khi rảnh rỗi.
Sau thương vụ mua xe này, anh Giang "cảm ơn" người thợ xe 3 triệu đồng. Thế nhưng, một thời gian chạy xe, chiếc Innova 5 năm tuổi rất hay hỏng vặt.
"Có hôm, khi đưa vợ con về ngoại, chiếc xe đi như bị hụt hơi, cứ giật giật rất khó chịu. Một người chú bên đằng ngoại cũng là thợ xe đã xem qua và khẳng định, chiếc xe này trước đây đã chạy dịch vụ rất nhiều và đã bị tua lại công-tơ-mét đến cả chục vạn km", anh Giang bức xúc kể lại.
Sau đó, anh Giang đã gọi điện đến salon trước đây để trần tình thì tình cờ phát hiện salon này cũng đã phải "cắt" từ 5 - 7 triệu đồng cho người thợ sửa xe nọ. Anh Giang chỉ biết tự trách mình vì đã quá tin tưởng người thợ kia, phải ngậm ngùi ôm "quả đắng".
Cách đây 1 tháng, một người phụ nữ tên G.B. ở tại TP. Hồ Chí Minh gây xôn xao trong cộng đồng mạng khi "tố" một salon cũ tại quận Tân Bình đã bán cho chị chiếc Toyota 86 cũ có chất lượng kém. Chị G.B sau khi đặt cọc 50 triệu đồng cho salon này mới mang xe đến đại lý chính hãng kiểm tra.
Cũng như các trường hợp trên, chị B phát hiện xe lỗi, đã quay lại yêu cầu salon trả tiền cọc và không lấy chiếc xe này nữa nhưng salon không chấp nhận. Lý do cũng được salon này nêu ra, đây là tiền cọc để mua xe chứ không phải tiền cọc để chị đi xem xe để rồi "không thích thì không lấy".
Sự việc trên vẫn đang tranh cãi chưa có hồi kết, thậm chí hai bên còn "dọa" đưa nhau ra toà để làm rõ việc này.
Cần chú ý điều gì về pháp lý khi mua xe cũ
Tranh cãi sau khi đặt cọc mua xe cũ là câu chuyện khá phổ biến, nhất là với nhiều người chưa có kinh nghiệm mua xe.
Ông Dương Trung Kiên - chủ một salon ô tô cũ tại Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thông thường, khách hàng chỉ đặt cọc khi thực sự đã ưng và chốt lấy chiếc xe đó. Việc đặt cọc mua bán xe kèm cam kết giữa các bên thường thể hiện rõ trong văn bản và được hai bên đồng thuận.
"Đối với các salon lớn, có uy tín, những hạng mục cam kết chất lượng như: xe chưa từng bị ngập nước, không bị tai nạn hoặc động cơ nguyên bản,... sẽ được ghi thẳng vào hợp đồng đặt cọc để khách yên tâm", ông Kiên nói
Tuy nhiên, ông Kiên cũng chỉ ra rằng, nhiều cơ sở kinh doanh làm ăn chộp giật có thể ỉm những điều khoản này đi hoặc chỉ cam kết "mồm" nhằm tạo lòng tin ban đầu. Lúc khách hàng phát hiện ra xe lỗi thì đã bị "cầm đằng lưỡi" rồi.
Là một người có kinh nghiệm trong việc làm các thủ tục mua bán ô tô, Công chứng viên Đào Duy An - Giám đốc một văn phòng công chứng tại Hà Nội phân tích, khi khách đã "bồ kết" "em xe" nào thì quyết định đôi khi nhiều cảm tính. Khi đó, khách thường chủ quan và dễ "dính chưởng" với nhân viên sales.
"Thường thì bạn sẽ bị họ thuyết phục đặt cọc thật nhanh, số tiền đặt cọc từ lớn đến nhỏ dần tùy theo độ hào phóng của bạn. Đôi khi bạn tặc lưỡi và nhanh chóng xuống tiền đặt cọc và có thể có nhiều rủi ro xảy ra", ông An nói.
Theo ông An, sau khi đặt cọc, khách hàng nên đến một văn phòng công chứng để làm các thủ tục mua bán, giấy tờ xe sẽ được xem xét bởi những người có chuyên môn thẩm định, tránh những sai sót hay vấn đề về pháp lý.
Trao đổi về vấn đề trên với VietNamNet, Luật sư Dương Đức Thắng - Phó giám đốc Công ty Luật Myway (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dẫn chiếu điều Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc. Ông cho biết, về nguyên tắc, khi khách hàng mua xe và salon đã ký hợp đồng đặt cọc mua xe với nhau thì hai bên đã phát sinh quyền và nghĩa vụ của mình và phải tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng.
"Thông thường, khách hàng đem xe đi kiểm tra, phát hiện ra nhiều lỗi thì khách hàng không thể yêu cầu trả lại xe và đòi lại tiền đã đặt cọc mà phải chấp nhận mất toàn bộ hoặc một phần số tiền đặt cọc. Việc này tuỳ vào thoả thuận cụ thể với salon trong hợp đồng", luật sư này bày tỏ quan điểm.
Theo ông Thắng, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình, khách hàng cần xem xét kỹ tình trạng xe, trao đổi với salon ô tô cho xe đi kiểm tra rồi mới đặt cọc hoặc để tránh những rắc rối về sau.
Trước khi lái thử ô tô, cần lưu ý những điều gì? Tìm hiểu kỹ về chiếc xe sẽ dự định lái thử, tuân thủ theo người chỉ dẫn,... là những nguyên tắc hàng đầu trước khi lái thử ô tô. Trước khi mua xe và lái thử, khách hàng nên hiểu thật sâu về chiếc xe để tránh những rủi ro không mong muốn Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tuỳ thân Điều kiện...