Công thức bí mật của TikTok
Trí tuệ nhân tạo và kho dữ liệu khổng lồ giúp thuật toán TikTok gợi ý nội dung hiệu quả, từ đó giữ người dùng ở lại lâu hơn trên nền tảng.
Khi ByteDance mua lại Musical.ly và sáp nhập chương trình hát karaoke này vào TikTok năm 2018, nó đơn giản chỉ là một ứng dụng video ngắn giữa hàng nghìn ứng dụng dành cho giới trẻ.
Tuy nhiên, sau hai năm, TikTok nằm trong số những ứng dụng được tải về nhiều nhất thế giới. Nó phổ biến đến mức trở thành đích ngắm mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc – vốn trước đó chỉ tập trung vào chip và 5G.
TikTok đang trong quá trình đàm phán với các công ty Mỹ. Ảnh: Reuters.
Theo SCMP, việc thâu tóm Musical.ly đưa ByteDace đặt chân tới thị trường Mỹ. Còn nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy sự bùng nổ của TikTok nằm ở thuật toán For You với khả năng hiển thị nội dung cá nhân hóa thông minh dựa trên AI.
Thuật toán TikTok hoạt động cụ thể thế nào vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, hồi tháng 6, TikTok tiết lộ công cụ gợi ý nội dung của họ được phát triển dựa trên ba yếu tố: sự tương tác của người dùng trên ứng dụng (như họ like một đoạn phim hay theo dõi một tài khoản nào đó), các yếu tố trong video mà người dùng xem (như âm thanh, hashtag) và bối cảnh liên quan tới người dùng (như họ có xu hướng chọn ngôn ngữ gì, ở nước nào, loại thiết bị đang sử dụng).
“Trên những ứng dụng khác, nhiều người có thể xem một số video nổi bật giống nhau, nhưng dữ liệu do For You đề xuất với mỗi người là duy nhất và phù hợp với riêng cá nhân đó”, TikTok giải thích trên blog.
Nhờ cơ chế hiển thị video cá nhân hóa, người dùng TikTok trên thiết bị Android dành tới hơn 68 tỷ giờ cho nền tảng này năm 2019, gấp ba lần so với một năm trước đó, theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường App Annie. Nó cũng thu hút gần 90 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ tính đến tháng 6, tăng gần tám lần so với tháng 1/2018, theo số liệu nêu trong đơn kiện chính phủ Mỹ của TikTok.
Giới phân tích nhận định, thuật toán của TikTok về cơ bản cũng tương tự thuật toán được tìm thấy trên các ứng dụng của nhiều công ty công nghệ khác. Giáo sư Wong Kam-fai, chuyên gia tại Hiệp hội AI Trung Quốc, cho hay sự khác biệt trong giải pháp của mỗi công ty nằm ở engine trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, AI của TikTok có thể ưu việt, nhưng không thực sự “độc nhất vô nhị”.
Phó giáo sư Julian McAuley tại Đại học San Diego, cũng cho biết, hệ thống đề xuất nội dung đã xuất hiện từ gần hai thập kỷ qua trên các trang thương mại điện tử như Amazon, hay công nghệ gợi ý phim tiếp theo có mặt trên Netflix từ cách đây cả chục năm.
Video đang HOT
Do đó, bí kíp thứ hai làm nên thành công của TikTok chính là thông tin cá nhân về người dùng.
“Thuật toán sẽ chẳng là gì nếu không có dữ liệu”, Jim DuBois, cựu Giám đốc thông tin của Microsoft, nhận định.
“Công nghệ vận hành hiệu quả khi thuật toán và dữ liệu người dùng đều ổn. Một phần lý do các ứng dụng của ByteDance có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ nằm ở dữ liệu người dùng của họ”, Hao Peiqiang, blogger về phần mềm, chia sẻ quan điểm.
“Các quy định về quyền riêng tư ở Trung Quốc quá lỏng lẻo và nhận thức về bảo vệ sự riêng tư cũng tương đối thấp”, Hao nói, ngầm nhắc tới “mỏ vàng” về dữ liệu cá nhân mà ByteDance đã thu thập thông qua ứng dụng. TikTok nhiều lần khẳng định họ lưu trữ dữ liệu về người dùng Mỹ trên các máy chủ đặt bên ngoài Trung Quốc và không cung cấp cho chính quyền Bắc Kinh.
Với lý do lo ngại về dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia, Mỹ ra lệnh cấm TikTok hoạt động tại nước này, trừ khi được một công ty Mỹ mua lại. Hàng loạt tên tuổi lớn đã bày tỏ mối quan tâm tới thương vụ như Microsoft, Twitter, Walmart…
Tuy nhiên, theo chính sách kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc, các công nghệ liên quan đến “đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu” và “giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo” phải được chính phủ Trung Quốc thông qua trước khi thực hiện giao dịch trao đổi, mua bán. Do đó, ByteDance có thể phải bán TikTok mà không kèm thuật toán cho Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, thuật toán đề xuất nội dung và AI engine là thứ giúp TikTok giữ chân người dùng, tạo nên sự tăng trưởng đột phá. Nếu TikTok được bán mà không kèm thuật toán, nó có thể không còn hấp dẫn nữa và các công ty Mỹ sẽ không dám mạo hiểm mua lại.
Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên smartphone, công nghệ gợi ý nội dung cũng bị chỉ trích vì tạo ra “bong bóng lọc thông tin”, tức người dùng gần như chỉ tiếp cận các nội dung dựa trên thói quen cũ, khiến góc nhìn về thế giới của họ có thể bị ảnh hưởng.
Giá trị của TikTok ở đâu
TikTok đang sở hữu thuật toán đề xuất nội dung đáng giá cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo, nhưng Microsoft có thể không tiếp quản được toàn bộ.
"Có một triệu câu hỏi xung quanh thỏa thuận TikTok - Microsoft nếu thương vụ xảy ra, nhưng điều chưa ai giải đáp thỏa đáng và chính xác là việc mua TikTok có ý nghĩa gì với Microsoft", cây bút Kevin Roose của New York Times thắc mắc.
Roose đã gửi câu hỏi này đến cả TikTok và Microsoft. Ashley Nash-Hahn, phát ngôn viên của TikTok cho biết họ không bình luận về tin đồn. Microsoft từ chối đưa ra ý kiến.
Điểm mạnh của TikTok là thuật toán đề xuất nội dung mạnh mẽ và cộng đồng sáng tạo lớn.
Thông thường, việc mua bán của các công ty khá đơn giản. Giả sử một nhà hàng lớn muốn mua lại một tiệm ăn nhỏ hơn, phía mua sẽ được hưởng mọi thứ, bao gồm tài sản hiện có như bếp núc, công thức nấu ăn bí mật, bất động sản đang sở hữu... và cả các khoản nợ của tiệm ăn. Luật sư và ngân hàng sẽ thẩm định giá trị khối tài sản, ước tính số tiền sinh ra trong tương lai. Cuối cùng, thỏa thuận được soạn ra và cả hai sẽ ký vào cam kết nếu đồng ý mua bán.
Nhưng việc Microsoft mua lại TikTok phức tạp hơn thế nhiều.
TikTok đã mất thời gian dài để tách mình ra khỏi ByteDance nhưng lại vẫn liên quan mật thiết tới các hoạt động do công ty mẹ điều hành tại Trung Quốc. Các nguồn tin gần đây cho thấy hầu hết tính năng cốt lõi của TikTok được phát triển bởi kỹ sư Trung Quốc thông qua bộ phần mềm "Zhongtai" hoặc "Central Platform" mà ByteDance dùng chung cho hơn 20 sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, hầu hết quyết định quan trọng về hoạt động và chiến lược của TikTok đều do các giám đốc điều hành tại Trung Quốc đưa ra. Điều này khiến việc tách biệt TikTok và ByteDance không thể diễn ra một sớm một chiều.
Về nguyên tắc, sau khi bị một công ty Mỹ thâu tóm, TikTok sẽ "cắt đứt" liên quan với ByteDance và những gì "dính dáng" đến Trung Quốc. Một số giám đốc cấp cao người Mỹ của TikTok, bao gồm CEO Kevin Mayer, cũng như đội kỹ sư làm việc ngoài Trung Quốc có thể sẽ thích ứng nhanh với thay đổi này. Nhưng phía mua sẽ mất đội ngũ đang làm việc cho TikTok tại trụ sở ở Bắc Kinh - vốn là những người giỏi nhất, có kiến thức uyên thâm nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thuật toán mới là điểm "ăn tiền", là tài sản quý giá nhất mà TikTok đang sở hữu. Trên nền tảng này, các video ngắn được đề xuất từ nguồn cấp dữ liệu theo cách rất riêng và hấp dẫn, gọi là "for you page" (FYP). Không ít ứng dụng video ngắn tương tự đã cố tìm cách bắt chước, nhưng không thành công.
Eugene Wei, một blogger và là chuyên gia công nghệ lâu năm, ví thuật toán FYP của TikTok là "chiếc mũ phân loại phù thủy" trong loạt phim Harry Potter. "Thuật toán của TikTok như một 'nhà mai mối' nội dung nhanh chóng và hiệu quả. Nó có thể phân tích hành vi của người dùng rất nhanh, sau đó đưa họ đến các ngõ ngách được cá nhân hóa dựa trên sở thích", Wei nhận xét. Còn với Roose, thuật toán FYP của TikTok thực sự là "món nước sốt bí mật" - thành phần cực kỳ quan trọng giúp tăng khả năng tiếp cận video đến chính xác từng thị hiếu.
Mỗi phút, hàng tỷ cử chỉ vuốt, chạm và xem được thực hiện trên TikTok. Hệ thống sẽ ghi nhận hàng tỷ dữ liệu mỗi ngày và đưa vào cơ sở dữ liệu khổng lồ, sau đó sử dụng AI để dự đoán video nào được người dùng chú ý và gợi ý nội dung cho họ. Những video này sẽ tiếp tục giúp AI của họ học và ngày càng hoàn thiện khả năng đề xuất của mình.
Tuy nhiên, có những lúc việc đề xuất nội dung của TikTok không thực sự hoàn hảo. Roose cho biết đã có lần anh nhận các video được đề xuất từ Ấn Độ và Trung Quốc dù đang ở Mỹ. Thậm chí, anh còn nhận được video từ Douyin - "anh em sinh đôi" với TikTok, được ByteDance dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Trụ sở ByteDance tại Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.
ByteDance tự coi mình là một công ty AI. Bản chất của việc xây dựng AI là cho nó học càng nhiều dữ liệu càng tốt. Điều này đồng nghĩa rằng thuật toán càng tối ưu, việc học càng nhanh và AI càng thông minh.
"Liệu khi thuật toán của TikTok áp dụng ở Mỹ, chỉ được đào tạo dựa trên dữ liệu của người dùng Mỹ, nó có ít gây nghiện hơn không?" - "Điều đó hoàn toàn có thể", Roose hỏi và tự trả lời nói. Anh cũng nhấn mạnh, ngay cả khi ByteDance sẵn sàng "chia tay" với các thuật toán của TikTok và mô hình máy học đang sở hữu, công ty mua lại ứng dụng này cũng khó duy trì những điểm hấp dẫn hiện có của nó.
Karl Higley, một kỹ sư hệ thống từng làm việc cho Spotify, cho rằng TikTok có thể phải làm lại từ đầu khi về tay công ty Mỹ. "Để cá nhân hóa ứng dụng như hiện tại, TikTok phải có dữ liệu lịch sử của người dùng Mỹ. Nếu dữ liệu cũ bị xóa, trải nghiệm mới sẽ hết sức tồi tệ", Higley nhấn mạnh.
Tất nhiên, các công ty công nghệ Mỹ hiện nay không hề thua kém Trung Quốc nếu nói đến việc xây dựng các thuật toán gây nghiện. Điều này có nghĩa là TikTok sau khi về tay người Mỹ có thể xây dựng lại những công nghệ cốt lõi, đủ sức khiến người dùng không nhận ra sự khác biệt so với hiện tại. Dù vậy, đây không phải là việc làm dễ dàng, thậm chí có thể mất từ vài tháng đến vài năm - thời gian đủ để Facebook hay Snapchat vượt qua.
Ngoài việc đảm bảo sự hấp dẫn của TikTok, Microsoft hay bất kỳ công ty nào mua lại ứng dụng này cũng cần nhanh chóng bảo tồn một "tài sản" quý giá khác: văn hóa của những người sáng tạo nội dung.
"TikTok là 'nhà' của một cộng đồng lớn, là 'vùng đất' sôi động của các tài năng sáng tạo và là 'trụ sở' của các KOL - những người xem nó như công cụ kiếm tiền toàn thời gian", ký giả Taylor Lorenz nhận xét.
Môi trường này đã khiến nhiều hãng phải "ganh tị". Facebook đang săn lùng những nhà sáng tạo như trên TikTok bằng nâng cấp mới Instagram Reels. Tính năng đăng clip vui nhộn từ 5 đến 60 giây của mạng xã hội lớn nhất thế giới đang được ví như "bản sao" của TikTok.
Một số ý kiến cho rằng nếu bị thâu tóm, TikTok sẽ giảm rủi ro bằng cách thực hiện các giao dịch độc quyền trong nhiều năm với những nhà sáng tạo tại Mỹ, như YouTube và Twitch từng làm. Bên cạnh đó, công ty có thể tăng sức cạnh tranh bằng cách đưa vào tính năng kiếm tiền.
Dù vậy, nhiều nguy cơ vẫn hiện hữu.
Hank Green, CEO công ty giáo dục Complexly, một ngôi sao YouTube và là một "Tiktoker" với hơn 600.000 người theo dõi, nói rằng thương vụ mua lại ứng dụng này của Microsoft khiến những người sáng tạo nội dung hoài nghi. "Một trong những điểm tích cực về TikTok là đội kỹ thuật đứng sau ứng dụng có thể thực hiện nhiều thay đổi theo cách nhanh nhất và mọi người cũng cởi mở tiếp nhận", Green nói. "Nhưng nếu bạn nhận ra rằng sự thay đổi đó đến từ bên ngoài hệ sinh thái, bạn sẽ cảm thấy đó là sự 'ngoại lai' khó thể chấp nhận".
Mặc cho còn nhiều khó khăn, việc mua lại TikTok vẫn là "thương vụ thập kỷ" của người Mỹ. "Nếu tôi có cơ hội mua TikTok, tôi cũng sẽ mua", Green nói. "Có rất nhiều giá trị trên nền tảng này hoàn toàn chưa được khai thác".
Diễn biến mới đầy bất ngờ trong thương vụ TikTok 'bán mình' ở Mỹ Với thay đổi chính sách từ chính phủ Trung Quốc, không dễ để TikTok bán mảng vận hành ở Mỹ. Thương vụ bán mảng vận hành tại Mỹ của TikTok đang vấp phải những chướng ngại mới trong bối cảnh thời hạn mà Mỹ đưa ra gần kề. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể sẽ bịc cấm trên phạm vi...