Cõng nợ sau “cơn lốc” cầm cố ôtô
Đến nay đã gần 2 năm khi “cơn lốc” cầm cố ôtô trôi qua, người dân ở xã Tiến Xuân vẫn chưa hết “choáng” vì tiền mất, tật mang, rồi biết bao nhiêu chuyện đau lòng đã xảy ra và nhiều gia đình đang phải đối mặt với số tiền nợ khá lớn…
Khóc, cười sau chuyện cầm cố ôtô
Nếu như giữa năm 2010, lần đầu tiên khi đến xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất chúng tôi chỉ được nghe hai chuyện đó là chuyện bán đất và chuyện nhận cầm cố ôtô, thì lần thứ hai vào giữa năm 2011, chúng tôi trở lại Tiến Xuân, đó là lúc bóng đen của “cơn lốc” cầm cố ôtô đã bao phủ trên địa bàn xã này. Vì vậy ở đây không còn cảnh các nông dân thứ thiệt đánh xe hơi tiền tỉ đưa nhau đi uống rượu như trước nữa. Và cũng không còn cảnh xe ôtô tấp nập ra vào trên con đường chính của xã như trước đây. Một người dân bật mí, phải ra các sườn đồi hoặc vào rừng mới nhìn thấy những chiếc xe tiền tỉ đó.
Video đang HOT
Người dân khóc khi ký biên bản bàn giao xe ôtô đã cầm cố
Quả nhiên, khi đến một quả đồi ở xóm Gò Chói chúng tôi mới thấy bóng dáng một chiếc xe ôtô. Nhưng hiện chiếc xe này đã bị sa xuống ruộng, nên xe đang được buộc vào 2 con trâu để kéo xe lên bờ. Người phụ nữ đang điều khiển con trâu để kéo chiếc xe ôtô này cho biết, gia đình chị đã bị lừa trên 600 triệu đồng để cầm cố chiếc ôtô đó, nay tiền mất, họ sử dụng chiếc xe để chở gạch, khỏi phải thuê xe công nông đỡ tốn tiền… Do con trai chị (mới 15 tuổi) lái chiếc xe này chở gạch, không may xe bị sa xuống ruộng…
Và nhiều gia đình ở Tiến Xuân khi biết mình bị lừa đảo, họ đã sử dụng những chiếc xe ôtô đã cầm cố đó để dùng vào việc chở lúa, chở cây mang vào rừng trồng, thay cho việc thuê xe công nông như trước đây… còn chủ sở hữu của những chiếc ôtô đó cứ ngậm ngùi đứng nhìn tài sản của mình bị hủy hoại… Không ít người dân ở Tiến Xuân khi biết những chiếc xe mình đang nhận đặt cầm cố là xe gian, một phần do sót của, một phần vì kém hiểu biết pháp luật nên họ đã mang những chiếc ôtô đó giấu vào rừng, hoặc giấu trong vườn hay mang xe đi gửi tại nhà người quen ở xã khác… để trốn tránh việc bị thu hồi xe.
Và hiện tại, khi vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Cơ quan Công an TP Hà Nội điều tra sắp đến giai đoạn cuối, chúng tôi lại về Tiến Xuân lần thứ ba. Tại đây, chúng tôi đã được nghe những chuyện đau lòng như gia đình ông An, bố và con trai cãi nhau, rồi từ mặt nhau vì trước đó khi được bố mẹ chia đất, con trai họ mang bán lấy tiền cầm cố ôtô và suốt ngày đi uống rượu. Nay xe bị thu, đất đã hết, con trai lại sinh ra nát rượu về nhà chửi bố mẹ đòi bán đất tiếp. Rồi chuyện hai anh em ruột trong gia đình vợ chồng ông bà Minh đòi chia thêm đất để bán đi lấy tiền trả nợ đã cầm cố ôtô. Do bố mẹ chia đất không đều nên dẫn đến việc anh em họ mâu thuẫn nhau, sau đó vác quắm lao vào bổ nhau, kết cục đau lòng người bị thương tật, kẻ phải ngồi tù…
Hàng chục người dân Tiến Xuân trước đây khi bị cuốn vào “cơn lốc” cầm cố ôtô, ít nhiều họ đã vay nợ và họ hy vọng sau đó sẽ bán đất để trả nợ. Nhưng giờ đây, đất ở các huyện ven ngoại TP Hà Nội còn ngóng cổ chờ người mua thì nói gì đến đất ở Tiến Xuân. Vì vậy người dân đã phải cõng thêm một khoản nợ và đối mặt với việc trả lãi hàng ngày, nên chưa kịp thoát nghèo giờ lại còn nghèo hơn… Nhiều người dân không khỏi bùi ngùi khi chia sẻ, họ là nạn nhân và họ đang chờ việc xử lý nghiêm minh của pháp luật đối với những đối tượng trong đường dây lừa đảo tinh vi.
Bóc gỡ đường dây lừa đảo
Công an TP Hà Nội đã thành lập Ban Chuyên án để tập trung điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan đến việc đặt ôtô cho người dân xã Tiến Xuân và một số xã lân cận. Sau một thời gian điều tra, Cơ quan Công an làm rõ Trịnh Lan Hương (SN 1977), ở ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, Giám đốc TNHH Hoa Trịnh Gia (trụ sở ở 43 đường Pháp Vân, Hà Nội) thường đến một số công ty chuyên cho thuê xe tự lái (trong đó có Công ty Ngô Minh, ở đường Nguyễn Khang, Hà Nội) để thuê hàng chục chiếc ôtô với giá từ 700.000 – 1 triệu đồng/ngày. Sau đó, Hương mang xe đến đặt cho Phùng Xuân Tân, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Tiền Phong và Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Công ty CP Vận tải xây dựng công trình giao thông mỗi xe lấy từ 200-300 triệu đồng để lấy tiền tiêu sài.
Một đoạn đường vào xã Tiến Xuân không còn cảnh ôtô tiền tỉ tấp nập như trước đây
Hoạt động thực chất của Công ty CP Vận tải xây dựng công trình giao thông và Công ty CP Đầu tư thương mại Tiền Phong do Nguyễn Quang Tuyến và Phùng Xuân Tân làm giám đốc chỉ là kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Sau khi nhận đặt ôtô do Lan Hương mang đến, Tuyến và Tuân biết những chiếc xe đó không phải là tài sản hợp pháp, nhưng họ đã thông qua một số cò mồi ở xã Tiến Xuân, rồi mang những chiếc xe ôtô đó đến Tiến Xuân để đặt lại cho người dân ở đây với giá bằng (hoặc cao hơn) số tiền mà họ đã nhận đặt xe của đối tượng Trịnh Lan Hương để được hưởng chênh lệch một khoản lãi suất khoảng 6%/tháng.
Cơ quan điều tra – Công an TP Hà Nội đã làm rõ có gần trăm chiếc ôtô do 2 đối tượng Nguyễn Quang Tuyến, Phùng Xuân Tuân và một đối tượng khác đã mang đến xã Tiến Xuân để lừa đảo người dân ở đây dưới hình thức người dân và doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn. Người dân cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất cao, còn doanh nghiệp thế chấp bằng xe ôtô. Hai đối tượng Tuyến và Tân sẵn sàng ứng trước hàng chục triệu đồng trả lãi cho người dân. Do kém hiểu biết, lại hám lời nên không ít nông dân ở Tiến Xuân đã mất cả tỉ đồng vì cầm cố những chiếc xe gian này.
Một cán bộ điều tra cho biết, người dân xã Tiến Xuân không những kém hiểu biết về pháp luật, mà còn không hiểu biết về ôtô, nên họ bị các đối tượng trên lừa đặt xe ôtô với số tiền cao hơn cả giá bán xe ôtô thực tế đến trăm triệu đồng. Người dân nào hiểu biết một chút thì còn có bản hợp đồng ký với chúng, nhưng có gia đình đã mất đến cả tỉ đồng cầm đặt xe ôtô mà vẫn không được các đối tượng đó đưa cho một mẩu giấy làm tin. Giờ thì những chiếc xe ôtô mà người dân cầm cố liên quan đến tang vật của các vụ án đã được cơ quan công an thu giữ và trả lại cho chủ sở hữu của chúng.
Trước khi rời xã Tiến Xuân dù đã chiều muộn, nhưng chúng tôi vẫn thấy một người nông dân ở đây đang đi cày cùng con trâu trên thửa ruộng của mình. Ông cho biết, ông là một trong số ít người dân ở Tiến Xuân không bị cuốn vào “cơn lốc” cầm cố xe ôtô từ hai năm trước đây. Lúc đầu, ông cũng thấy buồn vì ông và các con của mình không được lái ôtô đi uống rượu như nhiều gia đình khác cùng thôn. Nhưng hiện tại, ông thấy vui vì gia đình ông đã để dành được một khoản tiền kha khá xây được mấy gian nhà cho con lấy vợ ra ở riêng. Ông khẳng định, nếu mọi người trong gia đình ông cứ chăm chỉ lao động, thì chẳng mấy lúc họ sẽ mua được ôtô…
Theo Petrotimes