Công nhân không dám sinh con vì thiếu nhà trẻ
Chia sẻ với tâm tư của nữ công nhân “không dám cưới chồng, cưới thì không dám sinh con. Nếu sinh cũng phải gửi về quê vì không có chỗ trông con”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ GD-ĐT làm gấp chính sách đề giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà trẻ.
Ngày 11/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc làm việc của Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Nguyễn Thị Thu Hồng nêu một thực trạng cần can thiệp, hỗ trợ người lao động là vấn đề thiếu nhà trẻ, trường mầm non phổ biến tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt ở các khu công nghiệp phía Nam. Bà Hồng cảnh báo, đây là hệ lụy mà nếu không giải quyết thì 10 năm sau sẽ phát sinh hậu quả xã hội rất lớn.
Bà Hồng khát quát: “Nữ công nhân hiện nay nhiều người không dám cưới chồng, cưới thì không dám sinh con. Nếu sinh cũng phải gửi về quê vì không có chỗ trông con”.
Video đang HOT
Thời gian qua, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra với nhóm trẻ gửi tại các hộ gia đình, nhà trẻ không phép ở các khu công nghiệp.
Có mặt tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Nghĩa cũng chia sẻ với nhận định này. Mới cách đây ít ngày, trong một cuộc hội thảo ở TP HCM, bà Nghĩa đã phát biểu về thực trạng hàng nghìn công nhân và người có thu nhập thấp phải “nhắm mắt” gửi con vào nhà trẻ, mẫu giáo không phép bởi không có cách nào tốt hơn. Cả nước hiện có khoảng 14.000 trường mầm non, giữ trên 500.000 trẻ em nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân.
Một trong những nguyên nhân là bởi có đến hơn 2,1 triệu lao động làm việc trong các Khu công nghiệp, trong đó có tới 65% công nhân ở độ tuổi sinh con nên hàng năm có hàng nghìn trẻ cần được gửi vào các điểm giữ trẻ.
Vì các khu công nghiệp thiếu trường rất nhiều nên ở những khu vực này, dịch vụ trông giữ trẻ phát sinh với mô hình lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình mà phần lớn các cơ sở chưa được cấp phép về vệc chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ ở nhóm tuổi nhà trẻ. Hiện tượng này rất phổ biến ở những tỉnh công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương.
“Đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra ở những cơ sở trông giữ trẻ tự phát này nhưng nếu “dẹp” thì lại không có chỗ cho công nhân gửi con em. Cơ quan quản lý đành chấp nhận giải pháp cho tồn tại sau khi tổ chức bồi dưỡng thêm khoảng 3 tháng cho người làm dịch vụ này, hỗ trợ trường lớp về chuyên môn, nghiệp vụ” – bà Nghĩa cho biết.
Đại diện Bộ GD-ĐT kiến nghị các địa phương thực hiện đầy đủ quy hoạch, bắt buộc khi làm khu công nghiệp nhất thiết phải đảm bảo hạ tầng, trường lớp. Hiện có rất nhiều khu công nghiệp nhưng hiện mới chỉ có 112 trường học các cấp tại các khu công nghiệp.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, không thể không xã hội hóa việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non bởi ngân sách nhà nước không thể đảm đương nổi. Ngay cả những địa phương có nguồn lực như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai cũng không thể xây đủ nhà trẻ cho con em công nhân ở các khu công nghiệp.
“Đúng là có cơ sở giữ trẻ tư thục chỗ này chỗ khác làm sau nhưng thực tế nhu cầu lớn thế, cơ sở vật chất trường lớp, người kinh doanh cũng có hướng đầu tư thì sao nhà nước không ủng hộ, về thuế khóa, đào tạo giáo viên, hỗ trợ giáo cụ, thiết bị dạy… Tôi đến Bình Dương thì thấy không có cách nào khác, dứt khoát phải dựa vào dân để nhà nước quản lý được, trẻ nhỏ, phụ huynh và cả người đầu tư đều có lợi ích” – Thủ tướng phân tích.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh thêm về phương thức phối hợp công – tư, dựa và nguồn lực của dân, của xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ và quản lý để nguồn lực từ xã hội làm tốt hơn.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng với các bộ, ngành như Tài chính, Kế hoạch Đầu tư đưa ra chính sách phù hợp nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng bức thiết cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung.
P.Thảo
Theo Dantri