Công nghệ trên tuyến đầu chống dịch COVID-19
Dịch bệnh bùng phát vượt quá khả năng chống đỡ của hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế, tiềm ẩn nguy cơ khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, gây ra những gián đoạn nghiêm trọng trong các hoạt động kinh tế- xã hội.
Trong bối cảnh đó, công nghệ rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Y tế điện tử và các công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Thiết bị xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Phòng thí nghiệm Abbot của Mỹ sáng chế.
Y tế điện tử và chăm sóc sức khỏe từ xa phát triển từ nền tảng thông tin và công nghệ thông tin liên lạc (ICT) để phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe, đem đến nhiều dịch vụ hơn trong khi lại giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Những ứng dụng này có ý nghĩa quan trọng trong công tác chống dịch bệnh, cụ thể là hỗ trợ các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý các trường hợp lây nhiễm, cũng như tăng cường quản lý năng lực y tế.
Những thông tin nhanh chóng, ngay cả khi các ca lây nhiễm chưa được khẳng định, có thể giúp giới chức thu thập dữ liệu và kiểm soát dịch bệnh trước khi mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.
Các công nghệ di động đã được ứng dụng rộng rãi trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát để hỗ trợ việc xét nghiệm và truy vết liên lạc. Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương đã triển khai chiến lược kiểm soát dựa trên việc quét màu mã QR – màu xanh là không lây nhiễm, màu vàng là đang trong quá trình xét nghiệm, và màu đỏ là đã xác định nhiễm virus – cho mọi đối tượng. Cách làm này giúp chính quyền có đủ thông tin chính xác về quy mô dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu sự hoang mang trong dư luận.
Video đang HOT
Trong khi đó, y tế điện tử có thể hỗ trợ các cuộc điều tra và phản ứng trước sự bùng phát của dịch bệnh trên 4 khía cạnh chính. Công nghệ này giúp việc xác định dịch bệnh trở nên dễ dàng hơn. Hầu hết các quốc gia hiện đều có hệ thống giám sát điện tử tích hợp với hồ sơ y tế điện tử (EHR) để nhanh chóng khoanh vùng khi dịch bùng phát.
Y tế điện tử cũng hỗ trợ rất hiệu quả việc xác định và xem xét trường hợp lây nhiễm, tạo hồ sơ tham khảo lâm sàng. Người ta đã thiết lập một bộ tiêu chuẩn để xác định xem một cá nhân có nên được xếp vào diện mắc căn bệnh đang trong quá trình điều tra hay không. Việc xác định các ca bệnh có thể dựa trên triệu chứng và dấu hiệu, hoặc dựa trên xét nghiệm, hay cả 2. Hệ thống EHR chứa dữ liệu bệnh nhân COVID-19 đã được sử dụng cho công tác này.
Y tế điện tử giúp quá trình xét nghiệm nhanh và chính xác hơn. Việc thiếu trang thiết bị và hạ tầng xét nghiệm chính là một khúc mắc chính trong quá trình ứng phó dịch bệnh, dẫn đến việc số ca lây nhiễm tăng mạnh và các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải. Người máy và nhiều loại máy móc đã được triển khai để đảm bảo việc cách ly nguồn bệnh hiệu quả hơn.
Ngoài ra, y tế điện tử hỗ trợ việc triển khai các biện pháp giám sát, xác định những cá nhân có nguy cơ lây nhiễm cao. Các biện pháp truy vết tiếp xúc đã được sử dụng để kiềm chế sự lây lan của COVID-19 trên khắp thế giới. Tại nhiều quốc gia, những công cụ giám sát khác như camera theo dõi, cũng đã được sử dụng để xác định những cá nhân có tình trạng không bình thường trong đám đông. Tuy nhiên, các công cụ này không tránh khỏi việc bị chỉ trích do xâm phạm quyền riêng tư.
Dịch bệnh rõ ràng đã thách thức khả năng của hệ thống chăm sóc y tế trong khi các nhà vật lý học và y bác sỹ phải đương đầu với khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên, y tế điện tử có thể hóa giải phần nào những căng thẳng này. Các chuyên gia về y tế có thể nhanh chóng và dễ dàng truy cập hệ thống EHR để tìm kiếm, cập nhập và đảm bảo dữ liệu thông tin bệnh nhân từ nhiều địa điểm khác nhau.
Chăm sóc sức khỏe từ xa là một công cụ giúp tháo gỡ phần nào những áp lực đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tại Australia, chăm sóc sức khỏe từ xa đang được sử dụng để hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 thay vì buộc họ phải trực tiếp tới các cơ sở thăm khám.
Nhiều công nghệ khác cũng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới để đối phó với dịch bệnh, chẳng hạn như công nghệ in 3D trong việc sản xuất đồ bảo hộ cá nhân. Các chính phủ cần khích lệ hướng đi này hơn nữa bằng cách đề ra các chính sách tạo điều kiện phù hợp cho các nhà sản xuất tại địa phương.
Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển ngành y - dược Việt Nam
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ luôn nỗ lực bám sát các yêu cầu thực tế, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra vừa qua.
Khoa học và công nghệ đã và đang đóng vai trò quan trọng giải quyết những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực y tế và y dược học, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ thiết thực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bám sát nhu cầu cấp thiết của xã hội
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã nỗ lực bám sát thực tiễn, đảm bảo các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và thế giới, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam, ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch, ngành khoa học và công nghệ đã tích cực huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng chống dịch theo phương châm "chống dịch như chống giặc".
Bộ sinh phẩm (bộ Kít) realtime RT PCR one step phát hiện vi rút corona chủng mới (nCoV)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng được ghi nhận trong việc sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 được công nhận về chất lượng để sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam cũng đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu hơn về virus, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, kháng thể đơn dòng và vắc-xin. Việt Nam cũng đã sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công nhiều loại robot phục vụ chăm sóc y tế cho người nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hóa đã được xây dựng và hình thành trước đó, với sự tham gia rất trách nhiệm và hiệu quả của các đơn vị chức năng của các bộ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông... nhiều ứng dụng đã được triển khai hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch trong y tế như: Bản đồ vùng dịch, phần mềm khai báo y tế...
Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 cũng như kết quả nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy, sự quan tâm đầu tư của nhà nước và xã hội, các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học Việt Nam. Thực tế này cho thấy Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các "bài toán" của đất nước, giải quyết nhu cầu cụ thể, cấp thiết của xã hội.
Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ y - dược ngang tầm thế giới
Thời gian qua, Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nhiều công nghệ cao trong y tế tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở người như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, trị liệu tế bào, mổ nội soi, kỹ thuật y sinh phân tử, y học hạt nhân... Đặc biệt là việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não và người cho sống; các tiến bộ đột phá trong nghiên cứu ghép tủy, điều trị bệnh lý chấn thương cột sống có thể liệt tủy. Đến nay, ngành y tế đã xây dựng được 3 trung tâm ghép tạng ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh...
Bên cạnh đó, kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp mạch của Việt Nam cũng đã ngang bằng với các nước trên thế giới, tính riêng can thiệp mạch cấp cứu đã cứu sống hơn 3.000 người/năm, kỹ thuật can thiệp mạch cũng được ứng dụng trong điều trị tiêu hóa, hô hấp, thần kinh... Ngoài ra, kỹ thuật nội soi và vi phẫu thuật nội soi trong chuyên khoa sọ não, tai - mũi - họng, nhãn khoa, tiêu hóa, phẫu thuật cột sống bằng công nghệ laser rất phát triển mang lại nhiều thành công, hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe người bệnh, nhiều kỹ thuật như kỹ thuật xạ trị 3 chiều, xạ trị trong chọn lọc SIR hay còn gọi là phương pháp tắc mạch phóng xạ, cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước đã phát huy được tiềm năng về dược liệu và thuốc y học cổ truyền của Việt Nam, quy hoạch một số vùng chuyên canh sản xuất dược liệu, góp phần ổn định nguồn nguyên liệu làm thuốc và xuất khẩu. Khoa học và công nghệ cũng góp phần quan trọng trong việc phát hiện được gần 4.000 loài thực vật và nấm dùng làm thuốc ở Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu thì dự báo có tới 6.000 loài thực vật có thể dùng làm thuốc tại Việt Nam.
Ngành y - dược Việt Nam đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa thay thế thuốc nhập khẩu và có khả năng xuất khẩu. Những tiến bộ kỹ thuật trong ngành y - dược đã đóng góp cho việc thực hiện chính sách thuốc thiết yếu, góp phần thực hiện thành công công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân như: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất các loại vắc-xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng, làm chủ công nghệ trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm và bệnh mới phát sinh... Có thể nói, khoa học và công nghệ đã góp phần tích cực trong khống chế, đẩy lùi và từng bước thanh toán một số bệnh nguy hiểm ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm như: Dịch tả, dịch hạch, sốt rét, bại liệt, uốn ván sơ sinh và gần đây là bệnh SARS, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, điển hình là việc nghiên cứu sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tin tưởng rằng, với sự đồng hành, đóng góp của toàn bộ nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người dân và doanh nghiệp, ngành khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
TPHCM tiếp nhận gói sản phẩm công nghệ hỗ trợ chống dịch COVID-19 Các sản phẩm công nghệ sẽ giúp số hóa việc khai báo và kiểm soát lịch sử dịch tễ, đơn giản hóa công tác quản lý dữ liệu y tế của ngành Y tế thành phố, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn thời gian từ xa thông qua kết nối trực tuyến. Chiều 9/4, tại TPHCM, ông Jesse...