Công nghệ sạc nhanh có những loại nào? Sạc nhanh thế có an toàn không?
Tốc độ sạc không phải điều quan trọng duy nhất, yếu tố an toàn của sạc nhanh cũng là điều người dùng luôn quan tâm.
Trong khi các công nghệ mới được tích hợp ngày càng nhiều trên smartphone, nhưng công nghệ pin Lithium-Ion gần như vẫn dậm chân tại chỗ trong nhiều năm nay. Đó là lý do vì sao công nghệ sạc nhanh đang được xem như cứu cánh cho thời lượng sử dụng của các smartphone hiện đại ngày nay. Đó là lý do tại sao nhiều thương hiệu smartphone cũng như các hãng công nghệ tập trung vào phát triển khả năng sạc nhanh cho pin trên smartphone.
Cho dù có đến một rừng các công nghệ sạc nhanh như Samsung Adaptive Fast Charge, Apple Fast Charge, OnePlus Dash Charge, Huawei SuperCharge, Qualcomm Quick Charge, Motorola Turbo Charge, Oppo VOOC và nhiều thứ khác, nhưng nó tập trung vào ba công nghệ chính: Qualcomm Quick Charge, Oppo VOOC và Huawei SuperCharge.
Các công nghệ sạc nhanh như Samsung Adaptive Fast Charge và Motorola Turbo Charge thực ra chính là Quick Charge, còn OnePlus Dash Charge cũng chính là công nghệ sạc nhanh Oppo VOOC.
Các công nghệ sạc nhanh khác nhau không chỉ mang lại các khác biệt về tốc độ sạc, mà còn gây ra một vấn đề đáng quan tâm khác: đó là nhiệt độ. Đối với các viên pin Lithium-Ion đang được sử dụng trên đại đa số smartphone, nhiệt độ có các tác động quan trọng. Pin có thể mất 80% công suất hoạt động nếu ở nhiệt độ 60 độ C trong một năm. Nguy hiểm hơn, nhiệt độ quá cao còn có nguy cơ làm pin bị quá nhiệt hoặc thậm chí cháy nổ. Vậy loại sạc nhanh nào an toàn hơn
Các cách tiếp cận khác nhau về sạc nhanh
Mặc dù có các cách tiếp cận khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản của công nghệ sạc nhanh từ hai hãng trên đều tương tự nhau – truyền tải năng lượng lớn hơn để pin đầy nhanh hơn. Thay vì các củ sạc thông thường với công suất từ 2,5W đến 5W, các củ sạc nhanh có công suất lớn hơn, có thể đến 20W hoặc cao hơn nữa.
Một trong những khác biệt quan trọng giữa công nghệ Quick Charge của Qualcomm và VOOC của Oppo nằm ở cách đạt được dòng sạc công suất lớn. Trong khi Qualcomm sử dụng hiệu điện thế cao hơn (5V, 9V, 12V trên các dòng điện tương ứng 2A, 1.67A, 1,5A) để có công suất sạc lớn hơn (từ 10W đến 18W), Oppo sử dụng dòng điện với cường độ lớn hơn, tới 4A với hiệu điện thế 5V để có được công suất 20W.
Để truyền dòng điện với cường độ lớn bằng VOOC, Oppo sử dụng cổng sạc Micro-USB với 7 chân tiếp xúc (các pins) thay vì 5 điểm tiếp xúc như cổng Micro-USB thông thường trên thiết bị và dây sạc của mình. Ngoài ra pin của Oppo cũng được thiết kế với 8 chân tiếp xúc thay vì 4-5 chân tiếp xúc như thông thường.
Qualcomm có lý do để chọn cách tiếp cận bằng hiệu điện thế cao. Họ cần trang bị tính năng sạc nhanh này cho các thiết bị sử dụng chip Snapdragon của mình, với nhiều loại cáp sạc và củ sạc khác nhau. Việc sử dụng dòng sạc với cường độ cao sẽ làm các sợi cáp mỏng bị nóng lên nhanh chóng và gây nguy hiểm cho người dùng. Do đó, Qualcomm đã chọn cách tăng hiệu điện thế của dòng sạc lên để có thể sạc nhanh mà không sản sinh ra quá nhiều nhiệt trên dây dẫn và giảm điện năng hao phí trên đường truyền tải.
Cũng có cách tiếp cận tương tự như Oppo VOOC, Huawei SuperCharge lựa chọn mức điện áp tương đối thấp và cường độ dòng điện cao hơn để truyền tải năng lượng. Tuy nhiên, kết hợp với giao thức Smart Charge Protocol độc quyền của mình, Huawei SuperCharge tự động điều chỉnh các thông số sạc của mình dựa trên yêu cầu của pin (có thể thay đổi giữa 5V 2A, 4,5V 5A, 5V 4,5A), để có được tốc độ tốt nhất cũng như làm giảm nhiệt độ và tổn thất khi sạc.
Video đang HOT
Trong khi đó, Super VOOC còn có tốc độ cao hơn nữa khi Oppo cho biết có thể sạc đầy viên pin 3.400 mAh của mình chỉ trong 35 phút, nhờ vào củ sạc có công suất cao tới 50W (10V, 5A) – cao hơn cả sạc của laptop (thường chỉ có 40W). Để làm được điều này, pin của Find X Lamborghini chia thành hai cell 1.700 mAh độc lập. Do đó khi sạc bằng Super VOOC, mỗi viên pin sẽ được sạc với dòng điện 5V/5A (25W) để có thể tốc độ nhanh vượt trội so với sạc cho một viên pin duy nhất.
Đó là lý do tại sao dù SuperCharge có tốc độ ấn tượng khi sạc từ 0 đến 70% cho viên pin 4.200 mAh của Mate 20 Pro chỉ trong vòng 30 phút, nó vẫn thua kém Super VOOC trên Oppo Find X Lamborghini và Oppo R17 Pro khi chỉ mất 35 phút và 38 phút để sạc từ 0 đến 100% cho các viên pin 3.400 mAh và 3.700 mAh của hai thiết bị trên.
Mức độ an toàn của sạc nhanh
Không chỉ có thời gian sạc nhanh hơn, cách tiếp cận của Oppo VOOC và Huawei SuperCharge có một ưu điểm khác so với Quick Charge, đó là nhiệt độ. Do Quick Charge sử dụng hiệu điện thế cao để sạc nhanh, trong khi pin smartphone vẫn chỉ có thể nạp vào dòng điện có hiệu điện thế thấp. Vì vậy, mạch sạc trong điện thoại sẽ phải chuyển dòng sạc đó sang hiệu điện thế thấp và cường độ cao, và do đó sẽ làm nóng điện thoại trong quá trình sạc.
Trong khi đó, củ sạc VOOC của Oppo và củ sạc Huawei SuperCharge đã đảm nhận công đoạn chuyển đổi này, hạn chế khả năng sinh nhiệt trên điện thoại do phải chuyển đổi hiệu điện thế dòng điện. Tuy nhiên, dường như do giao thức SCP của Huawei SuperCharge được trang bị trên cả điện thoại và củ sạc, các thử nghiệm cho thấy nhiệt độ khi sạc thường cao hơn so với công nghệ VOOC của Oppo.
Nóng hơn tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của pin và đây mới là nguyên nhân chính chứ không phải tốc độ sạc. Tuy nhiên nếu nhiệt độ dưới 40 độ C thì sự giảm tuổi thọ không đáng kể lắm. Bản thân việc sạc pin cũng đã khiến tuổi thọ pin giảm đi rồi, nhanh hay chậm cũng vậy thôi.
Về cơ bản, công nghệ sạc nhanh Super VOOC cũng tương tự như VOOC, với hiệu điện thế thấp và cường độ dòng cao, nhưng được nạp đồng thời vào hai viên pin. Do đó, nó cũng không làm điện thoại bị nóng lên như khi sạc với công suất lớn cho một viên pin duy nhất. Điều này không chỉ duy trì tuổi thọ của pin mà còn đảm bảo được an toàn cho người dùng trong quá trình sạc.
Khả năng giữ cho điện thoại không bị nóng lên trong quá trình sạc còn quan trọng hơn khi xét đến việc người dùng thường có thói quen vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, đặc biệt để xem video hoặc chơi game. Do đây là các tác vụ cần dùng nhiều đến CPU và GPU, nên nó cũng sẽ làm điện thoại nóng lên. Cộng với nhiệt độ sinh ra trong quá trình sạc, sẽ rất dẫn đến hiện tượng quá nhiệt.
Do vậy, các thiết bị sạc nhanh bằng hiệu điện thế cao sẽ chuyển về điều kiện sạc bình thường với mức điện thế thấp, khi vừa sạc vừa xem video hoặc chơi game để tránh gặp vấn đề về quá nhiệt. Trong khi đó, do cả VOOC và Super VOOC đều sử dụng điện thế thấp để sạc nhanh nên sẽ không gặp phải vấn đề quá nhiệt này. Người dùng vẫn có thể vừa sạc nhanh vừa sử dụng smartphone để chơi game hoặc xem video một cách an toàn mà không gặp vấn đề tăng nhiệt. Tuy nhiên chúng tôi cũng không khuyến khích các bạn làm thế.
Vẫn có yếu điểm dù rất an toàn
Mặc dù có tốc độ sạc nhanh vượt trội cùng khả năng đảm bảo an toàn hơn so với các đối thủ cạnh tranh, Super VOOC vẫn có một điểm trừ đáng kể: tính tương thích. Công nghệ sạc này không chỉ đòi hỏi pin phải được thiết kế đặc biệt, mà còn dùng củ sạc và cổng sạc riêng, không thể dùng các loại củ sạc và dây sạc ngoài thay thế.
Theo GenK
Những cách giúp sạc smartphone mau đầy pin
Sạc thẳng vào ổ điện, dùng bộ sạc iPad cho iPhone, hạn chế sạc không dây là những cách có thể giúp người dùng nhanh chóng có một chiếc smartphone với lượng pin kha khá để sử dụng.
Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn sạc nhanh hơn:
Tránh sạc qua máy tính
Sạc qua máy tính khá tiện lợi nhưng nếu muốn sạc điện thoại nhanh nhất có thể, người dùng nên cắm sạc vào ổ điện. Công suất dòng điện trên cổng USB máy tính chỉ ở mức 0,5 ampe trong khi ở củ sạc thường là 1-2 ampe (đôi khi cao hơn).
Sử dụng bộ sạc với ampe cao hơn
Không phải bộ sạc nào cũng giống nhau. iPhone đi kèm với bộ sạc 5 volt/1 ampe trong khi iPad là 5 volt/2,4 ampe. Do đó, dùng sạc iPad cho iPhone sẽ nhanh đầy pin hơn. Một số đời iPhone cũ không thể chịu được dòng điện 1 ampe trở lên, tuy nhiên ở một số đời như iPhone 6 có thể tải được 1,6 ampe.
Ngoài ra, thiết bị của bạn chỉ cho phép dòng điện đi qua trong khoảng cường độ mà máy chịu được nên người dùng không cần lo lắng điện thoại bị quá tải hay hỏng hóc, miễn bạn dùng bộ sạc chất lượng.
Sử dụng bộ sạc iPad có thể giúp một số dòng iPhone mới nhanh đầy pin. Ảnh: The New York Times.
Theo một số thử nghiệm do Macrumors thực hiện, những thế hệ iPhone mới như iPhone X có thể sạc từ 0 đến 72% chỉ trong 1h khi dùng loại sạc mới dành cho iPad. Trong khi nếu sử dụng loại sạc dành cho iPhone, con số này chỉ đạt 39% với cùng khoảng thời gian sạc.
Dùng bộ sạc nhanh
Rất nhiều smartphone dùng sạc nhanh tiêu chuẩn của Qualcomm hoặc một số thương hiệu khác thuộc công ty này. Do đó bạn có thể dùng sạc nhanh Samsung Adaptive với smartphone Motorola và sạc Motorola TurboPower cho điện thoại Samsung. Một số dòng iPhone mới nhất hay Google Pixel cũng có thể dùng chung nguồn sạc. Tuy nhiên, cũng có vài smartphone riêng biệt chỉ sử dụng sạc đặc chủng như OnePlus 5.
Cổng sạc mỗi smartphone được thiết kế để chấp nhận cường độ dòng điện nhất định vì vậy bạn không bắt buộc phải sử dụng loại sạc với công suất mạnh nhất. Smartphone trang bị Quick Charge 2.0 chỉ có thể sạc ở tốc độ 2.0 cho dù được kết nối với sạc Quick Charge 3.0.
Vì vậy bạn nên kiểm tra smartphone của mình có thể dùng được loại sạc nào. Trên trang web của Qualcomm có sẵn danh sách các thiết bị và loại sạc hỗ trợ từng dòng.
Gần đây, các thiết bị mới đều đi kèm bộ sạc nhanh tương ứng. iPhone của Apple là ngoại lệ duy nhất khi vẫn dùng bộ sạc 1 ampe chậm chạp. Nếu người dùng iPhone muốn sạc nhanh nhất có thể, họ phải mua thêm cáp Lightning to USB-C và bộ sạc power adapter chuẩn USB-C.
Tùy vào smartphone và bộ sạc mà bạn có thể tiết kiệm được kha khá thời gian. Apple nói rằng sạc nhanh của họ có thể sạc từ 0 đến 50% chỉ trong 30 phút, trong khi Qualcomm khoe khoang rằng với khoảng thời gian đó, Quick Charge 3.0 có thể sạc được 80%.
Sạc không dây chưa thể thay thế sạc thường
Tuy sạc không dây tiện lợi nhưng tốc độ cũng như dung lượng sạc chưa thể so sánh với các phiên bản có dây hiện nay. Ngay cả với "Fast Charge", dù sạc nhanh hơn nhiều so với các loại sạc không dây khác nhưng vẫn tốn nhiều thời gian so với những loại sạc ampe cao của iPad. Nếu bạn cần điện thoại của mình đầy pin nhanh chóng, sạc có dây vẫn là lựa chọn tối ưu.
Công nghệ sạc không dây hiện nay chưa thể thay thế cho sạc thường. Ảnh: Wirecutter.
Tắt điện thoại hoặc đặt chế độ "Máy bay": Quan niệm lạc hậu
Bạn ắt hẳn đã nghe nói smartphone sẽ sạc nhanh hơn nếu tắt điện thoại hay đặt ở chế độ "máy bay". Điều này nghe có vẻ hợp lý, bởi nếu điện thoại sử dụng ít pin hiển nhiên sẽ sạc nhanh hơn.
Thực tế lại cho thấy không có nhiều khác biệt. Theo New York Times, thử nghiệm sử dụng bộ sạc cơ bản với iPhone 7 mất 52 phút để pin từ 0 đến 50% dù cho điện thoại được mở hay không. Một thử nghiệm khác thực hiện bởi kênh YouTube TheUnlockr cho thấy sự khác biệt khi bật điện thoại lúc sạc và tắt chỉ là vài phút.
Thậm chí nếu như chế độ "Máy bay" có giúp bạn sạc nhanh đôi chút, khiến bạn có thể bỏ lỡ tin nhắn hoặc cuộc gọi đến.
Smartphone của bạn sạc "không đều"
Điện thoại không sạc từ 0 đến 100% với cùng vận tốc. Thực hiện những cách làm trên chỉ có thể tạo ra khác biệt từ 0 đến 80%. Sau khoảng này, pin điện thoại sẽ sạc với tốc độ bình thường đến khi đầy 100%. Do đó, sạc nhanh chỉ giúp bạn nhanh chóng có smartphone với lượng pin tương đối để tiếp tục sử dụng chứ không hoàn toàn sạc đầy trong thời gian ngắn nhất.
Theo Báo Mới
So sánh tốc độ sạc nhanh của Apple, Huawei, Samsung và OnePlus Công nghệ sạc nhanh của hãng smartphone nào là hiệu quả nhất trong bài so sánh tốc độ sạc nhanh giữa các thương hiệu Apple, Huawei, Samsung và OnePlus? Ngoài những công nghệ về vi xử lí, RAM thì các smartphone tầm cao hiện nay đều được trang bị công nghệ sạc nhanh. Sạc nhanh không chỉ giúp người dùng sạc đầy pin...