Cộng đồng quốc tế tìm tương lai hậu chiến sự cho Dải Gaza
Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp thượng đỉnh để phác thảo kịch bản tương lai Dải Gaza sau khi chiến sự kết thúc, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đáp chuyến bay đến Arab Saudi để tiếp tục nỗ lực vạch “kiến trúc cho hòa bình lâu dài” ở Trung Đông.
Lãnh đạo các nước EU trong hai ngày 21 và 22/3 nhóm họp thượng đỉnh tại trụ sở liên minh ở Brussels để thảo luận về vấn đề tiếp tục viện trợ Ukraine cũng như căng thẳng leo thang tại Trung Đông. Hãng thông tấn Anadolu dẫn lời quan chức ngoại giao Đức cấp cao cho biết, một trong những chủ đề được các lãnh đạo EU rất chú trọng là tìm ra một “kịch bản thực tế” về quyền lực ở Dải Gaza sau khi cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào vũ trang Hamas của người Palestine chấm dứt.
EU muốn góp sức kiến tạo tương lai đó thông qua “vai trò quan trọng” trong hỗ trợ tái thiết Dải Gaza về cả tài chính và các dự án khác. Hiện chưa có thỏa thuận cụ thể nào được thống nhất, nhưng các cuộc đàm phán đang diễn ra khá tích cực. EU cũng trông đợi vào một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza, cho rằng việc các bên đạt thỏa thuận trao đổi con tin “có mối liên hệ rất chặt chẽ” với nỗ lực thiết lập ngừng bắn.
Người dân Palestine ở Dải Gaza đang sinh sống trong cảnh thiếu thốn nghiêm trọng do tác động của chiến sự. Ảnh: Mena
Sau khi xung đột ở Dải Gaza nổ ra năm ngoái, EU đã lên án việc nhóm vũ trang Hamas của người Palestine tấn công vào lãnh thổ Israel, cho rằng Tel Aviv có quyền tự vệ. Tuy nhiên, EU cũng nhiều lần hối thúc Israel tôn trọng luật quốc tế, đồng thời nêu quan ngại về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza. Hôm 20/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng, EU trông đợi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn để bảo vệ dân thường, đồng thời thả tự do cho các con tin, cũng như tăng cường viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau đó tiết lộ, các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra và có thể đạt kết quả tích cực. “Tôi không muốn đưa ra hy vọng hão huyền ở đây, nhưng tôi có niềm tin rằng, (triển vọng ngừng bắn) hiện nay thực tế hơn so với quãng thời gian dài vừa qua”, ông Scholz nêu quan điểm.
Việc phác thảo kịch bản hậu chiến sự cho Dải Gaza được mô tả là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo Israel có được an ninh cơ bản nhất, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của người Palestine, giúp các bên đi đến giải pháp hòa bình để từng bước xử lý triệt để mâu thuẫn. Theo AP, tháng 1/2024, các ngoại trưởng EU từng khẳng định việc một nhà nước Palestine được thành lập là giải pháp đáng tin cậy duy nhất để đạt được hòa bình ở Trung Đông. Tháng 2/2024 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng đề nghị quân đội Israel tiếp tục có quyền hoạt động “tự do vô hạn” ở Dải Gaza, nhưng sau đó vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ và cộng đồng châu Âu.
Video đang HOT
Song song với nỗ lực ở Brussels, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21/3 đã bay tới Trung Đông vì hai mục đích chính, một là tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza; hai là tập trung vào thiết kế “kiến trúc cho hòa bình lâu dài” ở Trung Đông, bao gồm kế hoạch quản lý và đảm bảo an ninh tại Dải Gaza khi giao tranh dừng lại. Đây là lần thứ sáu ông Blinken đến Trung Đông kể từ tháng 10 năm ngoái. Ông đã có các cuộc gặp với Ngoại trưởng Faisal bin Farhan và Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi, quốc gia có ảnh hưởng lớn trong thế giới Arab.
Theo New York Times, Mỹ rất muốn thuyết phục Arab Saudi chấp thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, một động thái có thể dẫn đến việc Israel nhượng bộ người Palestine trong một số vấn đề then chốt. Washington coi đó là một bước tích cực nhằm đạt được mục tiêu dài hạn hơn nhằm duy trì sự ổn định ở Trung Đông, cũng như thiết lập hòa bình thật sự giữa Israel và Palestine. Đổi lại mong muốn của Mỹ, Arab Saudi trông đợi Mỹ và Israel giúp họ thiết lập chương trình hạt nhân dân sự trên lãnh thổ Arab Saudi cùng những hỗ trợ quân sự lớn hơn từ Washington.
Về nỗ lực tìm kiếm ngừng bắn ở Dải Gaza, Israel và Hamas hiện đang tham gia các vòng đàm phán kéo dài 2 tuần tại Doha do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian. Một quan chức cấp cao của Israel hôm 20/3 đánh giá đây là vòng đàm phán “phức tạp”, đồng thời bày tỏ sự bi quan về khả năng đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas, cáo buộc Tel Aviv phá hoại nỗ lực đối thoại với việc đột kích vào Al-Shifa, bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza. Reuters dẫn thông báo của quân đội Israel tuyên bố loại khỏi vòng chiến đấu 90 tay súng và bắt 160 thành viên khác của Hamas ở bệnh viện Al-Shifa. Tuy nhiên, Hamas nói rằng, những người thiệt mạng là bệnh nhân hoặc dân thường tới bệnh viện Al-Shifa lánh nạn.
New York Times cho biết thêm, ông Blinken sẽ sớm đến Israel để yêu cầu Tel Aviv có kế hoạch bảo vệ dân thường hiệu quả khi họ tấn công thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Sau hơn 5 tháng giao tranh, ít nhất 32.000 người đã thiệt mạng ở Dải Gaza vì hỏa lực Israel, phần lớn là phụ nữ và trẻ em; ngoài ra, hàng chục ngàn người khác đã bị thương. Chiến dịch tấn công của Israel cũng san phẳng cơ sở hạ tầng, gây ra nạn đói nghiêm trọng, khiến hơn 2 triệu người Palestine phải di dời và hiện phần lớn họ đang cố gắng sinh tồn trong các khu lều trại tạm bợ ở Rafah.
Mờ mịt triển vọng hạ nhiệt xung đột ở Dải Gaza
Khả năng tìm kiếm lệnh ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas của người Palestine ở Dải Gaza trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi Tel Aviv quyết định tăng cường hoạt động tấn công, bất chấp kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
New York Times ngày 25/12 dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố các lực lượng nước này đang và sẽ tăng cường chiến dịch tấn công nhắm vào phong trào vũ trang Hamas ở Dải Gaza dù phải hứng thiệt hại về nhân lực.
"Chiến sự đang khiến chúng ta phải trả giá đắt. Nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục chiến đấu", Thủ tướng Israel tuyên bố.
Theo thông báo phát đi trước đó cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, họ đã tấn công hơn 200 mục tiêu ở Dải Gaza trong 24h gần nhất. Phát ngôn viên IDF Daniel Hagari tiết lộ thêm, lực lượng mặt đất Israel đang giao tranh trong một "khu vực dày đặc" ở thành phố Khan Younis lớn nhất phía Nam Dải Gaza và dự kiến triển khai bổ sung binh sĩ để tìm kiếm và phá hủy các đường hầm của Hamas. Xung đột ở phía Bắc Dải Gaza cũng có dấu hiệu leo thang, dù Israel đã kiểm soát hầu hết khu vực được vài tuần. Theo AP, Israel mất 17 binh sĩ vì chiến sự Gaza trong cuối tuần qua, nâng tổng số binh sĩ thiệt mạng lên 156.
Hầu hết nhà cao tầng ở Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại đến mức không thể ở được do chiến sự. Ảnh: GettyImages
Việc chiến sự mở rộng về quy mô được đánh giá là sẽ khiến tình hình nhân đạo ở Dải Gaza tiếp tục diễn biến xấu đi và gia tăng nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm về mục tiêu, dẫn đến thương vong cho dân thường.
NBCNews dẫn thông báo của cơ quan y tế tại Dải Gaza thống kê, ít nhất 70 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một cuộc tập kích dữ dội trong đêm Giáng sinh 24/12 do IDF thực hiện nhắm vào khu trại tị nạn al_Maghazi tại miền Trung Dải Gaza. IDF chưa trực tiếp xác nhận vụ tấn công, nhưng cho biết họ đang xem xét các báo cáo về "sự cố" tại trại tị nạn al_Maghazi. Theo AP, tại bệnh viện al-Aqsa gần hiện trường, những người bị thương và thiệt mạng được chuyển đến liên tục. Trong số họ có hàng chục nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Thông tin về việc Israel tăng cường hoạt động tấn công được loan báo chỉ hai ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ra nghị quyết kêu gọi các bên tuân thủ các nghĩa vụ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế; tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp, an toàn và không bị cản trở một cách trực tiếp cho dân thường Palestine ở Dải Gaza; trả tự do cho các con tin ngay lập tức và vô điều kiện; nhanh chóng thiết lập một cơ chế của LHQ để đẩy nhanh các chuyến hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza thông qua các quốc gia không can dự vào cuộc xung đột; đồng thời đảm bảo rằng hàng viện trợ đến được với người dân ở khu vực. Rõ ràng, việc chiến sự leo thang sẽ khiến các hoạt động viện trợ vào Dải Gaza gặp nhiều khó khăn.
Nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã liên tiếp kêu gọi các bên xung đột nhanh chóng tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt xung đột. Tuần trước, sau sự cố quân đội Israel nổ súng làm chết 3 con tin Israel ở phía Bắc Gaza do nhầm tưởng họ là mối đe dọa, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đã hứng áp lực lớn hơn từ dư luận trong và ngoài nước về việc phải thúc đẩy nỗ lực đàm phán để giải cứu các con tin. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã đi vào ngõ cụt khi Israel không sẵn sàng ngừng bắn lâu dài; còn Hamas ngày 25/12 tuyên bố trên TASS rằng họ từ chối tham gia đàm phán bất kỳ thỏa thuận mới nào về trao đổi con tin tại Dải Gaza, trước khi Israel chấm dứt các hoạt động quân sự.
Từ phía Mỹ, dù ủng hộ Israel trong chiến dịch nhắm vào Hamas, Washington gần đây tỏ ra lo lắng và hối thúc Tel Aviv cải thiện nỗ lực bảo vệ dân thường Palestine. Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cách đây vài hôm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: "Bảo vệ thường dân Palestine ở Gaza vừa là nghĩa vụ đạo đức vừa là yêu cầu chiến lược". Trước áp lực từ Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant khi đó tuyên bố nước này đang cân nhắc về giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến. "Chúng tôi sẽ sớm có thể phân tách được các khu vực khác nhau tại Gaza", ông Gallant mô tả.
"Ở những nơi chúng tôi đã đạt mục tiêu, chúng tôi sẽ chuyển dần sang giai đoạn tiếp theo và bắt đầu đưa người dân (Palestine) trở lại". Tuy nhiên, quan chức Israel đã không nêu kế hoạch cụ thể hay mốc thời gian nào cho khả năng cho người Palestine trở về nhà cửa của họ.
Bước sang ngày giao tranh thứ 80, hầu hết nhà cao tầng tại Dải Gaza đã đổ sập dưới hỏa lực của Israel. Số liệu của LHQ được AlJazeera công bố cuối tháng 11/2023 cho thấy, hơn 234.000 ngôi nhà đã bị hư hại trên khắp Dải Gaza và 46.000 ngôi nhà bị phá hủy, chiếm khoảng 60% nguồn cung nhà ở cho 2,3 triệu người Palestine. Với cường độ giao tranh hiện tại, nếu tình hình không sớm hạ nhiệt, Dải Gaza có thể trở thành mảnh đất không thể sinh tồn và triển vọng đưa người Palestine trở về nhà cửa của họ trở nên bất khả thi. Về thương vong, tính đến ngày 25/12, hơn 20.000 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 52.000 người khác bị thương. Tuy nhiên, trong số 36 bệnh viện được đăng kí ở Dải Gaza, hiện chỉ còn 9 cơ sở duy trì hoạt động một phần. Tất cả các bệnh viện này đều ở phía Nam dải đất và đang trong tình trạng quá tải.
Trong thông điệp phát đi trước lễ Giáng sinh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: "Sự tàn phá của hệ thống y tế Gaza là một thảm kịch... Chúng tôi kêu gọi áp đặt một lệnh ngừng bắn ngay lập tức"
Thúc đẩy nỗ lực quốc tế viện trợ Dải Gaza Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy Israel và lực lượng Hamas tiến đến ngừng bắn, cộng đồng quốc tế đang khẩn trương thiết lập các cơ chế chuyển hàng hóa cứu trợ vào Dải Gaza để xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với người Palestine. Hãng tin AP ngày 30/10 ghi nhận 33 xe tải chở theo nước sạch, thực...