Cộng đồng ASEAN, sự gắn kết sâu rộng
Cộng đồng ASEAN ra đời là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình hợp tác và phát triển của ASEAN.
Cộng đồng Chính trị – An ninh ( APSC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN – Ảnh: Reuters
Lễ ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN diễn ra sáng 22.11 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27. Dưới sự chứng kiến của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN sáng ngày 22.11 đã đặt bút ký tuyên bố chung lịch sử này.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao VN, mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng ASEAN thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài. Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị – An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế ( AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ( ASCC).
Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC)
APSC được hình thành nhằm mục tiêu tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị – an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung.
Hợp tác trong khuôn khổ APSC bao gồm hợp tác kiến tạo một nền an ninh toàn diện ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ứng phó thiên tai khẩn cấp và hợp tác về an ninh hàng hải… ASEAN khẳng định không hướng tới hình thành liên minh quân sự ở khu vực, hoặc một khối phòng thủ chung; các nước thành viên có quyền tự do theo đuổi chính sách đối ngoại riêng cũng như bố trí phòng thủ riêng của mình.
Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 năm 2009 xác định 3 thành tố chính của APSC gồm: Xây dựng một cộng đồng dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung; Tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện; Hướng tới một khu vực năng động và rộng mở với bên ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết.
Theo kế hoạch đó, ASEAN đã và đang đẩy mạnh hợp tác về chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực, đồng thời tập trung hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau nhằm ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng – an ninh, nghiên cứu các biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình và hợp tác kiến tạo hòa bình sau xung đột cũng như hợp tác trên các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. ASEAN cũng đã tích cực tăng cường vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng, mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, nỗ lực phát huy vị trí là động lực chính trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và thu nạp.
Video đang HOT
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành nhằm tạo một thị trường chung và một cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều, đồng thời hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu – Ảnh: Reuters
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành nhằm tạo dựng một thị trường chung và một cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều, đồng thời hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Để đưa ASEAN trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, AEC tập trung vào các biện pháp dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn. Bên cạnh đó, AEC còn chú trọng củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như phát triển các kỹ năng thích hợp.
Các biện pháp nói trên đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN…
Nhằm xây dựng một khu vực AEC cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử. Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về Phát triển Kinh tế Đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là hỗ trợ các nước thành viên mới, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Để ASEAN trở thành khu vực hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC)
ASCC sẽ có mối quan hệ bổ trợ và tạo thuận lợi cho việc hình thành APSC và AEC – Ảnh: Reuters
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) nhằm gắn bó chặt chẽ các nước Đông Nam Á trong một cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp, với các “xã hội quan tâm và chia sẻ”. Cộng đồng văn hóa – xã hội gồm có 4 thành tố: Xây dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau; Điều tiết những ảnh hưởng về mặt xã hội của các liên kết kinh tế; Đảm bảo tính bền vững của môi trường; Tăng cường nền tảng gắn kết xã hội của khu vực.
Mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) và Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.
Trong ba trụ cột, AEC được coi là quan trọng nhất. Sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Còn ASCC sẽ có mối quan hệ bổ trợ và tạo thuận lợi cho việc hình thành APSC và AEC.Tất cả 10 nước thành viên ASEAN đều đã sẵn sàng cho một cộng đồng chung vào ngày 31.12.2015. Khi đó, ASEAN sẽ có thêm động lực phát triển và trở thành một cộng đồng hòa bình, tiến bộ và thống nhất.
Ngọc Mai
Tổng hợp
Cộng đồng kinh tế ASEAN là thị trường lớn thứ tư thế giới
Ngày 20.11, các Hội nghị cấp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 27 khai mạc vào hôm nay 21.11.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi ăn tối thân mật với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 20.11 - Ảnh: Lam Yên
Dẫn đầu đoàn VN là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.
Bên lề hội nghị, thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có buổi trò chuyện với báo giới Việt Nam về ích lợi của việc thành lập Cộng đồng chung ASEAN cuối năm nay.
Việc hình thành Cộng đồng chung ASEAN sẽ dựa trên ba trụ cột ở ba lĩnh vực: chính trị- an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội.
Về mặt chính trị-an ninh, đây là cơ hội rất lớn thể hiện quyết tâm của các nước ASEAN đóng vai trò chủ động trong việc đề ra các giải pháp đối với các vấn đề hoà bình và an ninh trong khu vực. Trong đó, đương nhiên Biển Đông sẽ trở thành vấn đề quan tâm chung.
Về văn hoá - xã hội, chúng ta có thể thúc đẩy về mặt giáo dục, cụ thể là các vấn đề liên quan đến quy định về chuẩn giáo dục của các nước hay việc tạo điều kiện cho việc di cư của người lao động giữa các nước ASEAN với nhau.
Về kinh tế, làm sao có một cơ sở sản xuất chung, một thị trường chung để tăng cường kết nối giữa các nước ASEAN, giảm chênh lệch về sự phát triển giữa các nước thành viên. Việc nào sẽ tạo cho ASEAN sức cạnh tranh cao hơn so với các khối kinh tế khác bên ngoài cũng như tạo sự phát triển đồng đều giữa các thành viên.
Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chậm nhất vào năm 2050 Đông Nam Á sẽ là thị trường lớn thứ tư trên thế giới.Việc hình thành AEC là sự ra đời của một khu vực tích hợp - một tập thể trong nền kinh tế toàn cầu, đánh dấu sự khởi đầu mới cho hơn 630 triệu người trong khối.
Đề nghị Singapore tạo điều kiện nhập cảnh cho công dân Việt Nam
Trong ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan. Theo đó, bên cạnh việc nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tăng cường kết nối doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, cảng biển, du lịch..., Việt Nam còn đề nghị Singapore hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để công dân Việt Nam nhập cảnh Singapore nhanh chóng. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi việc xúc tiến đàm phán và ký kết Hiệp định đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Singapore.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có bữa ăn tối thân mật với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur - Malaysia)
Theo Thanhnien
Thượng đỉnh ASEAN sẽ bàn về đảo nhân tạo phi pháp Vấn đề đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Biển Đông sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần 27 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Đường băng Trung Quốc đang xây dựng trên Đá Xu Bi - Ảnh: DigitalGlobe Chiều 19.11, kết thúc cuộc họp trù bị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM), trả lời câu...