Công chúa xinh đẹp nhất châu Âu không màng ngôi báu
Công chúa út trong hoàng gia Thụy Điển nổi tiếng xinh đẹp và đa tài, vừa kết hôn cùng chàng trai người Mỹ và có cuộc sống hiện đại tại New York như những công dân bình thường.
Nữ Công tước xứ Halsingland và Gastrikland Madeleine được mệnh danh là công chúa xinh đẹp nhất châu Âu. Ảnh: Trekbbs
Sự kiện đình đám bao trùm nền quân chủ châu Âu trong tuần lễ đầu tiên của tháng 6 này, chính là đám cưới của Công chúa Thụy Điển Madeleine Therese Amelie Josephine 31 tuổi, với chuyên gia tài chính người Mỹ Christopher O’Neill 39 tuổi vào ngày 8/6 vừa qua.
Video đang HOT
Là người con thứ 3 cũng là con gái út của Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf, ngoài tước hiệu nữ Công tước xứ Halsingland và Gastrikland ra, Công chúa Madeleine ngay từ hồi còn là thiếu nữ đã nổi tiếng qua biệt danh “Cô công chúa xinh xắn nhất châu Âu”, bởi vẻ đẹp kiêu sa quý phái của mình.
Ảnh: Nàng công chúa xinh đẹp nhất châu Âu
Theo tập tục truyền đời trong vương triều Thụy Điển, thì Công chúa út Madeleine là người đứng hàng thứ 4 trong việc kế vị ngai vàng, sau Công chúa cả Victoria và cô con gái Estelle mới hơn 1 tuổi của bà này; cũng như sau người anh trai là Hoàng tử Carl Philip vẫn còn độc thân. Nếu vị hoàng tử Thụy Điển này lấy vợ và có con, tức thì quyền kế vị của Công chúa Madeleine mặc nhiên tụt xuống hàng thứ 5 do phải đứng sau đứa trẻ mới chào đời.
Trong thực tế Madeleine không hề mơ tưởng đến ngày sẽ thừa kế ngôi báu của vua cha. Khác với người chị Victoria chỉn chu tuân thủ lối sống quân chủ gò bó cứng nhắc, cô em Madeleine lại thường xuyên phản bác các hủ tục phong kiến nặng nề. Thời trẻ, Công chúa Madeleine vốn là “mối ruột” của các tụ điểm giải trí ở thủ đô Stockholm, khiến đám vệ sĩ hoàng gia vã mồ hôi hột vì luôn phải canh chừng… Chính đặc điểm này khiến Madeleine lại có thêm một biệt hiệu nữa là “Nàng công chúa của thời hiện đại”.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử nghệ thuật ở Trường đại học Tổng hợp Stockholm vào năm 2006, Công chúa Madeleine lại ghi danh học thêm khoa Tâm lý trẻ em cũng tại ngôi trường danh tiếng này. Ngoài hai tấm bằng cử nhân nói trên, nàng công chúa hiếu học còn sở hữu nhiều bằng cấp chuyên môn khác như luật học, nhân chủng học, dân tộc học, kiến trúc, thiết kế thời trang, trang trí nội thất… trở thành một trong những nhà quý tộc có tầm tri thức hàng đầu Âu lục phù hợp với xu thế hiện đại.
Đồng thời Công chúa Madeleine còn sử dụng thông thạo 3 ngoại ngữ phổ biến ở châu Âu là tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp. Những sở trường khác của Công chúa Madeleine là sân khấu kịch nghệ, múa ba lê, cưỡi ngựa, trượt tuyết, leo núi….
Sau 7 năm quen biết, vào đầu tháng 8/2009, Công chúa Madeleine tuyên bố sẽ đính hôn với người bạn trai hơn mình 3 tuổi là luật sư đồng hương Jonas Bergstrom. Nhưng 8 tháng sau lễ đính ước bị hủy bỏ, bởi người chồng tương lai đã dan díu với một nữ sinh đại học gốc Na Uy.
Chán nản vì tình yêu bị phản bội, giữa năm 2010 Công chúa Madeleine chuyển sang New York, Mỹ, sinh sống, chính thức làm việc như một tình nguyện viên tại Văn phòng đại diện Quỹ Nhi đồng Thế giới (WCF) do mẹ cô, Hoàng hậu Silvia, sáng lập vào năm 1999, cũng là tổ chức phi lợi nhuận thường đứng ra bảo trợ các kỳ đại hội quy mô quốc tế chống lại nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Đến đầu năm 2011 thì cô có quan hệ tình cảm với C. O’Neill, một chuyên viên tài chính người Mỹ sinh trưởng tại Anh, là con trai của nhà sáng lập Quỹ đầu tư đa quốc gia kỳ cựu Noster Capital. Vào ngày 25/10/2012, họ đã chính thức đính hôn.
Trước gần 500 khách mời bao gồm tất cả đại diện của các vương triều châu Âu, trong đó có cả Công chúa Takamado đến từ Nhật Bản. Rồi toàn thể thành viên của Quốc hội và Chính phủ Thụy Điển, cũng như các vị đại diện ngoại giao đoàn ở Vương quốc Thụy Điển đã tề tựu đông đủ tại khu nhà nguyện trong cung điện Hoàng gia Drottningholm Palace ở Stockholm. Giữa 21 loạt đại bác vang rền theo nghi thức quốc gia, cô dâu chú rể đã trao nhẫn cưới cho nhau trong sự cổ vũ nồng nhiệt của quan khách có mặt.
Theo thỏa thuận trước hôn lễ, chú rể Christopher O’Neill sẽ không tiếp nhận tước vị Công tước xứ Halsingland và Gastrikland của vợ, bởi như vậy đã trở thành thành viên Hoàng gia Thụy Điển và không được phép tham gia vào thương trường theo luật định. Thay vào đó, chú rể sẽ được gọi một cách chính thức là “ngài Christopher O’Neill, phu quân của nữ Công tước xứ Halsingland và Gastrikland” để thuận lợi cho công việc kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng của mình.
Đồng thời Công chúa Madeleine cũng cho biết, tuy đã tuyên bố từ bỏ quyền nối ngôi, nhưng cô vẫn giữ cam kết duy trì nhiệm vụ thay mặt vua cha nay đã 67 tuổi tại các hoạt động văn hóa liên quan đến Vương quốc Thụy Điển ở Mỹ. Được biết, sau tuần trăng mật, cặp uyên ương sẽ trở lại căn hộ trong khu Manhattan ở New York, tiếp tục cuộc sống như mọi công dân bình thường khác.
Theo VNE