Công bố kết quả xử lý dioxin Hồ Cổng 2, sân bay Biên Hòa
Chiều 20/1, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), Bộ Quốc phòng – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia 701) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hòa Kỳ tổ chức Lễ công bố kết quả xử lý dioxin Hồ Cổng 2, sân bay Biên Hòa; khởi động Dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh ưu tiên; ký kết Ý định thư về hợp tác truyền thông khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hoá học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2026-2020, phương hướng nhiệm vụ 2021-2025, sáng 8/1/2021. Ảnh: Dương Giang/ TTXVN
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Marie Damour và Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock đã tham dự sự kiện.
Tại buổi lễ, ông Lê Đình Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 701 đã công bố về kết quả bước đầu xử lý đất nhiễm dioxin tại khu vực Hồ Cổng 2, sân bay Biên Hòa; nội dung khởi động Dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh ưu tiên; nội dung Ý định thư về hợp tác truyền thông khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Theo đó, Dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa được khởi công từ tháng 12/2019. Năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết khí hậu, đặc biệt là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, song với sự nỗ lực của Quân chủng Phòng không – Không quân, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa cùng các cơ quan chức năng, dự án đã thực hiện bốc xúc được gần 1.200 mét khối trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, đưa vào khu vực xử lý ở công đoạn tiếp theo; giải phóng và phục hồi toàn bộ diện tích bề mặt Hồ Cổng 2 (hơn 5.300 m2), đáp ứng tiêu chuẩn về ngưỡng dioxin của Việt Nam, đảm bảo về an toàn lao động, con người, môi trường và các công trình xung quanh.
Video đang HOT
Kết quả xử lý dioxin ở Hồ Cổng 2 là cơ sở để bàn giao mặt bằng cho tỉnh Đồng Nai sắp tới, góp phần bảo vệ môi trường an toàn cho người dân. Tiếp nối kết quả dự án đã đã được, Quân chủng Phòng không – Không quân tiếp tục bàn giao mặt bằng các khu vực ô nhiễm dioxin phía trong sân bay Biên Hòa với tổng diện tích khoảng 7,2 ha cho Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để tiến hành xử lý, phục hồi và xây dựng công trình của dự án trong năm 2021.
Tại buổi lễ, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và các đối tác thuộc Chính phủ Việt Nam, trong đó có Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đã khởi động một dự án hợp tác mới nhằm hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại 8 tỉnh ưu tiên. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cam kết cung cấp 65 triệu đô la cho dự án này trong 5 năm tới, nhằm đảm bảo người khuyết tật có cơ hội hòa nhập xã hội toàn diện và chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Dịp này, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 701 và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ký kết văn bản hợp tác nhằm tuyền truyền những nỗ lực, cố gắng của các bên, đồng thời thu hút sự quan âm của các tổ chức, cá nhân, trong nước, quốc tế nhằm đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam.
Nỗ lực khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin tại Việt Nam
Sáng 8/1, tại Hà Nội, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, các thành viên Ban Chỉ đạo 701.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; giải quyết chế độ, chính sách trợ cấp, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ; tăng cường hiệu quả quản lý, thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ, Bộ Quốc phòng-Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp với các địa phương triển khai bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế thực hiện các dự án.
Giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 500.000 ha, trong đó hơn 400.000 ha do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80.000 ha do các tổ chức quốc tế thực hiện. Hơn 12.624 tỷ đồng là tổng nguồn lực đã được dành cho công tác khảo sát, rà phá bom mìn, trong đó từ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 là 1.427 tỷ đồng, từ các dự án đầu tư phát triển là 9.000 tỷ đồng, từ viện trợ không hoàn lại của nước ngoài khoảng 2.197 tỷ đồng (tương đương với 95,5 triệu USD). Trong giai đoạn hiện nay, việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30.000-50.000 ha/năm.
Các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin được tổ chức khắc phục cơ bản, trong đó có việc hoàn thành xử lý, cô lập ở sân bay Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), đang tiến hành nghiên cứu xử lý ở sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sân bay ASo (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế); tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ cho nạn nhân ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học/dioxin.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 701 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS, đến nay, đã xử lý khoảng 260 tấn chất độc CS trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9; khoanh vùng chống lan tỏa cho 18 điểm xử lý tập trung tại các tỉnh; xây dựng bản đồ các điểm phát hiện tồn lưu...
Tính đến nay, có khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 73.000 con đẻ của họ đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin từng bước được cải thiện thông qua các chương trình, dự án, hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan.
Kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43 năm 2015, số 14 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Nghị định số 18 của Chính phủ về quản lý, thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch quốc gia, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin; tập trung hoàn thiện các văn bản về bảo đảm chế độ, chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin và con cháu của họ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong nước, quốc tế để tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam; tổ chức thực hiện các dự án về xử lý dioxin, dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc hóa học, dự án rà phá bom mìn bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Quá trình triển khai các dự án cần chú ý bảo đảm an toàn đối với con người, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn ODA.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 701 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá bom mìn; đề tài nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh hóa học kết hợp với xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy có nguồn gốc từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt.
Song song với việc tăng cường giải quyết chế độ, chính sách, trợ giúp nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh và con cháu của họ, công tác nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để đấu tranh giành quyền lợi, công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần được tiếp tục tiến hành, bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế./.
Tham gia gìn giữ hòa bình là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là một trong những trụ cột của đối ngoại quốc phòng, là điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm gần đây. Chiều 7/1, tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng...