Công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi
Ngày 3/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ công bố kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vaccine thương mại NAVET-ASFVAC do Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất.
Đại diện Công ty Navetco nhận giấy chứng nhận lưu hành vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tại Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lần đầu tiên xảy ra vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020. Đến nay, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.
Tháng 11/2019, ngay sau khi các nhà khoa học của Hoa Kỳ công bố nghiên cứu thành công chủng virus vaccine DTLCP nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử đại diện Cục Thú y sang Hoa Kỳ gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP.
Từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y ký Thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu Nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện. Tháng 7/2020, Cục Thú y cho phép nhập khẩu chủng virus vaccine DTLCP nhược độc được cắt bỏ đoạn gien I177L để nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã có 3 doanh nghiệp tiên phong, có đủ nguồn lực, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP; bao gồm: Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty TNHH MTV AVAC và Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco.
Tại Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco, ngay sau khi tiếp nhận chủng virus vào tháng 9/2020, công ty đã khẩn trương triển khai nghiên cứu. Kết quả, trong điều kiện sản xuất, vaccine bảo hộ trên 80% số lợn với độ dài miễn dịch đạt 6 tháng đối với lợn thịt từ 8-10 tuần tuổi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và nhiều cuộc họp, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và công ty sản xuất vaccine thú y để đánh giá các kết quả nghiên cứu, sản xuất và hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine DTLCP của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.
Tháng 5/2022, đại diện các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã có văn bản khẳng định những kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng vaccine DTLCP của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco phù hợp, thống nhất với kết quả do nhà khoa học của Hoa Kỳ thực hiện.
Trong thời gian tới, việc tổ chức giám sát, sử dụng vaccine sẽ theo 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vaccine và đáp ứng miễn dịch bảo hộ; giai đoạn 2 sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vaccine, Bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng vaccine trên phạm vi toàn quốc.
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper tại Việt Nam đánh giá, sự hợp tác, phối hợp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng chung tay giải quyết vấn đề toàn cầu như bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Văn phòng Cục Kiểm dịch động thực vật tại Đại sứ quán Hoa Kỳ đã hỗ trợ thúc đẩy thoả thuận giữa Cục Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, Cục Thú y Việt Nam và Navetco. Thỏa thuận là nền tảng để các nhà khoa học Hoa Kỳ hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam trong quá trình phát triển, thử nghiệm và vaccine được công bố.
Theo Đại sứ Marc E. Knapper, việc nghiên cứu được vaccine an toàn và hiệu quả là vô cùng phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và nhân lực trong lĩnh vực thú y. Hoa Kỳ ủng hộ việc phát triển các loại vaccine mới để đề cao sức khỏe con người và động vật. Các nhà khoa học của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cao cơ sở hạ tầng ngành thú y để kiểm soát các dịch bệnh động vật.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá việc nghiên cứu thành công vaccine phòng bệnh DTLCP là thành tựu ngành thú y Việt Nam và Hoa Kỳ. Khi thương mại hóa sản phẩm thì mục tiêu của doanh nghiệp sẽ là tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng với trách nhiệm xã hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong rằng doanh nghiệp sẽ cân bằng lợi nhuận với giá thành để nông dân có thể dễ dàng tiếp cận vaccine. Từ đó giúp cho người chăn nuôi an tâm sản xuất, ngành chăn nuôi phát triển vững chắc hơn.
Tại lễ công bố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao giấy phép lưu hành vaccine thương mại phòng bệnh DTLCP cho Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.
Dự kiến đến cuối năm 2022, Việt Nam sẽ cấp phép lưu hành thêm 2 loại vaccine khác để phục vụ cho phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh không lây sang người, chỉ xảy ra trên lợn, có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi giống lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Nóng: Việt Nam sắp công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi
Bộ NNPTNT đã có kết nối và giám sát việc sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ năm 2019, sang đến năm 2020 đã có kết quả và chuẩn bị công bố.
Hệ sinh thái nghiên cứu sản xuất vaccine đa dạng
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, DTLCP xảy ra 100 năm nay tại nhiều nước trên thế giới nhưng đến giờ vẫn chưa có vaccine, thuốc chữa. Độc lực của loại virus này rất cao, đường lây truyền phức tạp.
Việt Nam có quy mô đàn lợn rất lớn khoảng 28,02 triệu con, nên càng gặp nhiều khó khăn về áp lực phòng chống DTLCP.
Theo ông Tiến, khi phòng chống dịch, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng thực tế vẫn có những vấn đề mới đặt ra.
Vì thế Bộ NNPTNT cũng sẽ có điều chỉnh, nhất là điều chỉnh Quyết định 4527/QĐ-BNN-TY (về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP) để sát thực tiễn hơn, nhất là việc tiêu hủy lợn bị dịch.
Cán bộ chuyên môn kiểm tra công cường độc sau khi tiêm vaccine thử nghiệm dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn tại Công ty NAVETCO. Ảnh: Trần Xuân Hạnh
Qua đánh giá 6 lô vaccine của NAVETCO sản xuất thử nghiệm đều đạt yêu cầu với 100% lợn tiêm vaccine được bảo hộ và 100% lợn đối chứng chết do virus DTLCP cường độc.
Đối với vấn đề nâng cao sức đề kháng, phòng chống DTLCP, Bộ cũng đã nâng cao công tác kiểm tra đánh giá tình hình thực tiễn để từ đó xây dựng được các mô hình an toàn sinh học để nâng cao sức đề kháng không bị DTLCP.
Mũi thứ 3 là tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học theo quy mô trang trại và gia đình được Bộ quyết định bằng quy trình cũng là yếu tố giúp giảm thiểu DTLCP.
Mũi quan trọng nhất là sản xuất vaccine phòng DTLCP. "Vấn đề này Bộ đã có kết nối và giám sát từ năm 2019 sang đến năm 2020 đã có kết quả. Đáng ra chúng ta sẽ công bố vaccine DTLCP vào tháng 6, tháng 7 năm 2021 nhưng do đại dịch Covid-19 nên việc triển khai khảo nghiệm, kiểm nghiệm tại 2 vùng Bắc - Nam bị chậm lại. Do đó phải kết thúc tháng 12/2021 chúng ta mới xong được quy trình này" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện không chỉ Công ty NAVETCO mà Công ty NTD cũng đang ở trong bước thử nghiệm, kiểm nghiệm và chuẩn bị cho khảo nghiệm vaccine DTLCP. Bên cạnh đó còn có Tập đoàn Dabaco cũng đang nghiêm cứu và đã có kết quả bước đầu. Như vậy hệ sinh thái cho nghiên cứu sản xuất vaccine DTLCP của Việt Nam sẽ tương đối đa dạng không những đáp ứng cho phòng, chống dịch bệnh trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
"Đây là không chỉ là sự nỗ lực của ngành mà còn là cố gắng rất lớn từ phía các doanh nghiệp, các nhà khoa học. Chúng ta có niềm tin là khi công bố thì vaccine DTLCP đã được nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần bằng phương pháp hiện đại với các chỉ tiêu theo dõi rất tỉ mỉ, phong phú đến 5-6 lần đều đáp ứng được với dịch rất cao. Tiếp đến là độ dài miễn dịch, thứ ba là không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chăn nuôi. Sau khi có kết quả, Bộ sẽ thành lập hội đồng và công bố sớm và đưa ngay vaccine DTLCP vào phục vụ sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi lợn" - ông Tiến khẳng định.
Nâng cao vị thế ngành chăn nuôi Việt Nam
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho biết, đến nay việc nghiên cứu sản xuất vaccine DTLCP đang được triển khai đúng tiến độ theo tinh thần khẩn trương nhất, đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định, bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan.
Theo ông So, Dabaco vẫn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn tất những công việc cần thiết, phấn đấu tháng 12/2021 có thể công bố kết quả dự án.
"Thành công của dự án này chính là bước đột phá trong điều chế vaccine, nâng cao vị thế, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam bởi đến nay, trên thế giới chưa có nước nào nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine DTLCP" - ông So nói.
Việc sớm đưa vaccine phòng, chống bệnh DTLCP vào sản xuất và thương mại hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của nước ta.
NAVETCO đang nghiên cứu sản xuất đồng thời 2 loại vaccine dùng 2 chủng virus vaccine DTLCP nhược độc. Dự án nghiên cứu vaccine DTLCP tại NAVETCO đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng, có thể sử dụng trình Cục Thú y xin cấp phép để sản xuất và lưu hành vaccine tại Việt Nam.
Kết quả thu được cho thấy virus DTLCP chủng G-delta I 177L an toàn trên lợn khi sử dụng liều cao gấp 104 so với liều miễn dịch tối thiểu cho mức độ bảo hộ 100% lợn được gây miễn dịch. Khả năng trở lại độc lực của chủng virus vaccine cũng đã được kiểm tra với kết quả qua 5 lần cấy chuyển liên tục trên lợn không xuất hiện các dấu hiệu bệnh DTLCP ở các đời cấy chuyển, đặc biệt ở đời 5. Điều này chứng tỏ tính ổn định của chủng virus G-delta I 177 L.
Vaccine sản xuất từ chủng này cho khả năng bảo hộ tốt thông qua phương pháp đánh giá bằng công cường độc, dùng chủng virus DTLCP cường độc phân lập tại Việt Nam.
Việt Nam sản xuất thành công vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi Sáng 1/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thông tin kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi. Phun khử trùng nhằm phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN Dự kiến ngày 3/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chính thức công bố thành...