Công an phường Xuân La, quận Tây Hồ triệt phá đường dây tiêu thụ xe gian: Nhờ phát huy tốt tinh thần quần chúng tố giác tội phạm
17g ngày 19-1-2012, thông tin từ quần chúng nhân dân báo về CA phường Xuân La cho biết, chiếc xe Air Blade (có đặc điểm trùng với chiếc xe mà chị Giang bị đánh cắp) xuất hiện tại cửa hàng sửa chữa xe máy ở đường Nguyễn Hoàng Tôn.
Tháng 10-2010, gia đình chị Nguyễn Hương Giang đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân La, quận Tây Hồ bị mất cắp xe máy Air Blade, màu đen ngay tại nhà riêng. CA phường Xuân La đã lập tức vào cuộc xác minh nhưng do thủ phạm là kẻ lai vãng nên hơn một năm trôi qua, vụ trộm xe máy vẫn chưa được khám phá…
17g ngày 19-1-2012, thông tin từ quần chúng nhân dân báo về CA phường Xuân La cho biết, chiếc xe Air Blade (có đặc điểm trùng với chiếc xe mà chị Giang bị đánh cắp) xuất hiện tại cửa hàng sửa chữa xe máy ở đường Nguyễn Hoàng Tôn. Nhận được tin báo, Ban chỉ huy CA phường Xuân La hội ý nhanh và đưa ra hai giả thiết.
Giả thiết thứ nhất, chiếc xe trên chính là tài sản mà chị Giang bị mất cắp. Giả thiết thứ hai, nếu chiếc xe đó không phải là tài sản của chị Giang thì cũng là tang vật của một vụ án khác, đây rất có thể là đầu mối của đường dây tiêu thụ xe gian.
Các đối tượng trong đường dây tiêu thụ xe gian do CA phường Xuân La khám phá
Ảnh do CA phường Xuân La cung cấp.
Sau khi phân tích tình hình, các trinh sát CA phường Xuân La đến cửa hàng sửa chữa xe máy ở Nguyễn Hoàng Tôn. Nhưng khi các chiến sĩ CA phường Xuân La xuất hiện, cả chủ xe và chiếc xe đã biến mất. Ngay lập tức, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy Vũ Văn Quyết được mời về trụ sở CA phường Xuân La để làm rõ sự việc.
Video đang HOT
Trung tá Lê Hồng Hòa – Trưởng CA phường Xuân La khẳng định: “Vụ án được khám phá thành công là nhờ tinh thần cảnh giác, trách nhiệm cao của người dân trong việc tố giác tội phạm. Cũng nhờ tin báo của quần chúng nhân dân mà trong những năm qua CA phường Xuân La đã khám phá thành công hàng chục vụ án lớn nhỏ. Nơi nào làm tốt công tác vận động tố giác tội phạm, nơi đó tội phạm sẽ không còn đất để hoạt động”
Tại CQCA, ban đầu Quyết quanh co cho rằng không biết người điều khiển chiếc xe Air Blade nói trên. Trước tình huống này, CA phường Xuân La tiếp tục mời 3 người thợ sửa chữa xe máy tại cửa hàng của Quyết về trụ sở CA phường thu thập lời khai và thông tin để đấu tranh với Quyết. Với biện pháp nghiệp vụ sắc bén cùng những bằng chứng, các chiến sĩ CA phường Xuân La buộc Quyết phải khai nhận, người điều khiển chiếc xe Air Blade xuất hiện tại cửa hàng của Quyết chính là Phạm Đăng Thanh, SN 1988, hộ khẩu tại thôn 1, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, hiện tạm trú tại ngách 25/40, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Thanh đã có thời gian từng làm việc tại cửa hàng sửa chữa xe máy của Quyết.
Tiến hành xác minh nơi tạm trú của Thanh, CA phường Xuân La được biết, Thành cùng vợ đã rời nhà trọ từ 18g chiều ngày 19-1-2012. Vậy Thanh rời nhà trọ đi đâu? Tiếp tục đấu tranh với Quyết, CA phường Xuân La biết được, Thanh về quê vợ tại xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Trung tá Lê Hồng Hòa – Trưởng CA phường Xuân La nhận định, nếu không tìm được Thanh trong thời gian sớm nhất thì công tác điều tra vụ án này ở giai đoạn sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, ngay trong đêm 19-1-2012, tổ công tác gồm 4 chiến sĩ CA phường Xuân La đã về xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Khi các chiến sĩ CA phường Xuân La ập vào nhà bố mẹ vợ của Thanh thì Thanh vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao hành vi phạm pháp của mình bị phát giác nhanh đến vậy. Đối tượng Thanh cùng chiếc xe Air Blade được di lý về CA phường Xuân La. Lúc này kim đồng chỉ 4g30 ngày 20-1-2012.
Tại CQCA, Phạm Đăng Thanh khai nhận, chiếc xe Air Blade BKS 29Z5 – 2101 mà Thanh đang sử dụng, Thanh mua của Trần Văn Diệu, SN 1985 là thợ sửa xe máy, có hộ khẩu tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, hiện tạm trú tại quận Hoàng Mai với giá 12 triệu đồng. Mua được xe, do có thời gian làm tại cửa hàng sửa chữa xe máy của Quyết, Thanh biết được gia đình chị Giang bị mất chiếc xe Air Blade màu đen, BKS 29Z5 – 2101 nên Thanh đã đến Phố Trần Nhật Duật, Hà Nội mua một BKS giống như BKS của chiếc xe mà gia đình chị Giang bị đánh cắp để hợp lý hóa chiếc xe của mình.
Tiến hành bắt khẩn cấp và khai thác nóng đối tượng Trần Văn Diệu, CA phường Xuân La phát hiện, ngoài bán cho Thanh chiếc xe Air Blade không rõ nguồn gốc trên, từ năm 2010 đến năm 2011, Trần Văn Diệu còn tham gia mua bán 5 chiếc xe gian khác. Nguồn gốc những chiếc xe này do một đối tượng tên Quân cung cấp…
Hiện toàn bộ hồ sơ về đường dây tiêu thụ xe gian này đã được CA phường Xuân La chuyển CA quận Tây Hồ để tiếp tục điều tra mở rộng. Theo thông tin mà PV báo Pháp luật & Xã hội mới nhận được, đến nay CA quận Tây Hồ đã thu giữ được 4 chiếc xe, xác định được hai bị hại trong đường dây mua bán xe gian này.
Điều 250 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định hình phạt đối với Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn; Thu lợi bất chính lớn; Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn; Thu lợi bất chính rất lớn. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn; Thu lợi bất chính đặc biệt lớn. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Theo PLXH
Không dám tố cáo vì sợ trả thù
Người tố giác tội phạm, người làm chứng... thường đứng trước nhiều mối đe dọa, trong khi những quy định của pháp luật để bảo vệ nhân thân của những đối tượng này vẫn còn nhiều hạn chế, chung chung khiến nhiều người không dám nói ra sự thật...
Khó công bằng cho người tố cáo
Thực tế hiện nay cho thấy, do cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn thiếu và yếu nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạn đấu tranh công khai, trực diện với những đối tượng vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Công Phú, cán bộ hưu trí phường Đức Giang, quận Long Biên: "Trong các vụ án, vai trò của người cung cấp thông tin, tố giác tội phạm là rất quan trọng. Ngay trong vụ án bắt cóc cháu bé mới 2 ngày tuổi xảy ra tại bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa qua, vai trò của người lái xe taxi trong việc tìm ra cháu bé là không thể phủ nhận. Đáng buồn là hiện nay, người tố cáo tố giác tội phạm thường khá dè dặt khi cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng do yếu thế hơn người bị tố cáo, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước. Cán bộ công chức tố cáo lãnh đạo của mình nhiều khi sẽ gặp bất lợi. Người có vị trí sẽ lợi dụng địa vị, khả năng kinh tế để trả thù, trù dập người tố cáo: nhẹ thì phân công những công việc không phù hợp, nặng có thể buộc thôi việc... Chính bởi lẽ đó tố cáo nặc danh luôn có số lượng nhiều hơn những tố cáo có đề tên, địa chỉ cụ thể trong hoàn cảnh khi pháp luật chưa có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ người tố cáo. Do vậy, muốn bảo vệ người tố cáo trước hết là phải xử lý thông tin nhanh chóng kịp thời, triệt để. Nếu không, người bị tố cáo sẽ có các ưu thế, điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo".
Trên thực tế đã không ít lần, nhiều bạn đọc gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ phản ánh những bức xúc của họ trước một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị họ gửi đơn thư khiếu nại hay cung cấp những thông tin cần thiết thì họ từ chối vì "sợ" bị trả thù. Điều này, đã gây khó khăn không nhỏ trong vấn đề điều tra, xác minh thông tin của phóng viên...
Quy định còn nhiều bất cập
Theo Luật sư Võ Đình Hải, Đoàn luật sư Hà Nội, trong nhiều vụ án hình sự, người tố giác, người làm chứng, người bị hại tỏ ra e ngại, bất hợp tác hoặc hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Nguyên nhân không chỉ do chính bản thân họ mà còn do sự bất cập của các quy định pháp luật.
Ở nước ta, những nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân đã từng bước được pháp luật ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự, BLTTHS năm 2003 ("Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác", "Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng", "Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra"), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000, Nghị định số 99/2002/NĐ-CP ngày 27-11-2002 của Chính phủ và Thông tư số 09/2004/TT-BCA(V19) ngày 16-6-2004 hướng dẫn áp dụng một số biện pháp bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án về ma tuý của Bộ Công an... Tuy vậy, trừ lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và lĩnh vực phòng, chống ma túy, còn lại hầu hết các quy định chỉ mới dừng lại ở nguyên tắc, thiếu hướng dẫn cụ thể, nhất là các biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục, lực lượng tiến hành bảo vệ, kinh phí để bảo vệ.
Luật sư Hải cũng cho rằng, mặc dù chưa có thống kê chính thức về tình hình đe doạ, xâm hại đối với người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự, nhưng thực tế cho thấy việc họ bị mua chuộc, đe doạ, khống chế, gây thiệt hại là có thật. Điều này đã khiến người dân hoang mang, lo sợ, không dám tố giác. Mặt khác, từ khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực đến nay, những quy định về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự chưa được hướng dẫn chi tiết và được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm phải bảo vệ những người này, nhưng do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, thủ tục, biện pháp và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực nên còn lúng túng trong việc quyết định và triển khai các biện pháp bảo vệ. Trong khi đó, người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không biết quyền được bảo vệ của mình và cũng do không tin tưởng vào cơ quan tố tụng nên thường thoái thác nghĩa vụ pháp lý nên không nhiệt tình hợp tác. Mặt khác, hiện cũng chưa có cơ quan, đơn vị chức năng nào chủ động trong việc bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc sớm xây dựng một chế định pháp lý hoàn chỉnh về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại là việc làm cần thiết cần được tiến hành trong thời gian sớm nhất, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo ANTD
Truy lùng kẻ giết lái xe ôm, thay tên đổi họ Ngày 29/12, CQĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố Nguyễn Văn Tuấn, 21 tuổi trú tại huyện Phù Cừ (Hưng Yên) về tội giết người, cướp tài sản, kết thúc hành trình 20 ngày người lái xe ôm, xảy ra tại địa bàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Việc bắt giữ Tuấn có sự phối hợp chặt chẽ của Phòng CSĐT...