Con trai ông Hồ Cẩm Đào có thể làm Bí thư Thành ủy Tây An
Hiện ông Hồ Hải Phong là Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, một TP ở tỉnh Chiết Giang, có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Tây An.
Ông Hồ Hải Phong, con trai duy nhất của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có khả năng sẽ trở thành Bí thư Thành ủy Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây ở Tây Bắc nước này, báo South China Morning Post (Hong Kong) dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết ngày 11-3.
Một nguồn tin nói các công tác chuẩn bị đang được tiến hành ở Tây An để đón ông Hồ Hải Phong về nhận nhiệm vụ mới.
“Ông Hồ sẽ nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo cấp cao trong tỉnh”, theo một nguồn tin của South China Morning Post.
Bước tiến lớn, ngang hàng thứ trưởng
Một nguồn tin khác nói theo kế hoạch ban đầu ông Hồ Hải Phong sẽ được bổ nhiệm lãnh đạo Phòng Tổ chức tỉnh Phúc Kiến, nhưng sau đó kế hoạch được thay đổi.
Ông Hồ Hải Phong, con trai nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khả năng sẽ trở thành Bí thư Thành ủy Tây An. Ảnh: SCMP
Hiện ông Hồ Hải Phong là Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, một TP ở tỉnh Chiết Giang, có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Tây An.
Nếu việc đề bạt này thành hiện thực, ông Hồ Hải Phong cũng sẽ trở thành một thành viên của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Thiểm Tây. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong sự nghiệp chính trị của ông Hồ Hải Phong, năm nay 46 tuổi, khi ông sẽ có vị trí ngang hàng thứ trưởng.
Theo South China Morning Post, nếu việc đề bạt được thông qua và ông Hồ Hải Phong thể hiện tốt ở thử thách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình thì uy tín của ông sẽ được nâng cao và con đường sự nghiệp sẽ vững chắc hơn.
Tây An là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc ở phía tây bắc, tuy nhiên thời gian qua liên tiếp xảy ra bê bối chính trị với một loạt quan chức bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra tham nhũng.
Các quan chức này bị cáo buộc tham nhũng và lơ là nhiệm vụ sau khi không tuân thủ các mệnh lệnh từ Chủ tịch Tập Cận Bình phải hủy bỏ các khu biệt thự trái phép xây trên một khu bảo tồn thiên nhiên ở núi Tần Lĩnh ở phía nam tỉnh Thiểm Tây.
Video đang HOT
Khu biệt thự được xây dựng trong một khu bảo tồn thiên nhiên trên núi Tần Lĩnh ở tỉnh Thiểm Tây, bất chấp chỉ đạo đập bỏ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: CCTV
Tuy nhiên nhà phân tích chính trị Dương Lý Phần cho rằng làm Bí thư Thành ủy Tây An có thể sẽ là nhiệm vụ đầy khó khăn với một người không nhiều kinh nghiệm chính trị như ông Hồ Hải Phong. Do đó muốn thành công, ông Hồ Hải Phong cần phải thể hiện mình có năng lực sẵn sàng đáp ứng vị trí này.
Rất được lòng ông Tập
Ông Hồ Hải Phong tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại trường đại học Giao Thông Bắc Kinh. Ông Hồ từng làm một kỹ sư cấp cao tại doanh nhà nước Tsinghua Holdings chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo và robot, sau đó trở thành Chủ tịch của công ty thiết bị an ninh Nuctech, công ty con của Tsinghua Holdings.
Đến năm 2009, ông Hồ Hải Phong trở thành Bí thư Đảng bộ doanh nghiệp Tsinghua Holdings. Mãi đến năm 2013, ông Hồ Hải Phong mới tham gia chính trị.
“Lúc đầu ông Hồ Hải Phong không mấy hào hứng với chuyện trở thành quan chức. Ông ấy có kế hoạch trở thành một nhà kỹ thuật và một giảng viên”, tờ South China Morning Post dẫn lời một người biết về ông Hồ Hải Phong.
“Tuy nhiên Ban Tổ chức Đảng chọn ông ấy vì chính phủ trung ương cần những tài năng trẻ sinh trong thập niên 1970″, người này nói thêm.
Trước ông Hồ Hải Phong, gần đây Trung Quốc cũng đã đề bạt hàng chục cán bộ sinh trong thập niên 1970 vào hàng tương đương thứ trưởng.
Ông Hồ Hải Phong bắt đầu sự nghiệp chính trị với vị trí Phó Chủ tịch TP Gia Hưng ở tỉnh Chiết Giang, chỉ vài tháng sau khi bố mình là ông Hồ Cẩm Đào về hưu. Đến năm 2016, ông được đề bạt lên là Chủ tịch TP Gia Hưng.
Đến tháng 7-2016, ông trở thành Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, trở thành lãnh đạo đảng trẻ nhất trong tỉnh Chiết Giang.
Thời gian ở Lệ Thủy, ông Hồ Hải Phong đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bảo vệ môi trường cũng như công nghiệp thân thiện môi trường, phù hợp với thông điệp của ông Tập Cận Bình: “Các ngọn đồi xanh và các dòng nước sạch là những mỏ vàng, mỏ bạc thật sự”.
Ông Hồ Hải Phong được biết đến có nhiều hoạt động thúc đẩy các dự án phát triển thân thiện môi trường. Ảnh: SCMP
Tháng 4-2018, khi chủ trì một diễn đàn về phát triển Vành đai kinh tế sông Dương Tử, ông Tập Cận Bình đã có lời khen ngợi chiến lược phát triển xanh của ông Hồ Hải Phong.
Tháng trước, ông Hồ Hải Phong có một bài viết trên tạp chí Đảng ở Chiết Giang, nói rằng sẽ xem lời khen ngợi của ông Tập Cận Bình như một động lực và sẽ tiếp tục hoạt động nhằm đạt được sự cân bằng lành mạnh giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Một cử chỉ làm hòa của ông Tập?
Giống bố mình, ông Hồ Hải Phong được những người gần gũi mô tả như là một người kín đáo, ít nói, không thích phô trương, ồn ào.
Một trong những sự kiện hiếm hoi mà tên ông Hồ Hải Phong xuất hiện trên truyền thông nước ngoài là vào năm 2009 khi công ty Nuctech dính vào một vụ bê bối tham nhũng ở Namibia, một quốc gia ở miền nam châu Phi.
Thời điểm đó, nhà chức trách Namibia nói ông Hồ Hải Phong không phải là một nghi phạm trong vụ bê bối tham nhũng này nhưng vẫn muốn ông điều trần cung cấp lời khai.
Ông Hồ Cẩm Đào lúc còn là Chủ tịch Trung Quốc (trái) và ông Tập Cận Bình lúc còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Theo nhà phân tích chính trị Dương Lý Phần, việc đề bạt ông Hồ Hải Phong có thể được xem là một cử chỉ làm hòa của ông Tập Cận Bình với những người ủng hộ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, trong bối cảnh ông Tập đang đối mặt nhiều thách thức lớn cả trong và ngoài nước.
“Ông Tập hiện đang đối mặt một tình huống khó khăn”, South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Dương, ý muốn nói đến cuộc chiến thương mại với Mỹ và đà trì trệ tăng trưởng kinh tế trong nước.
Theo PLO
Nữ sinh lên truyền hình tố giáo viên xâm hại mình trong 4 năm
Một nữ sinh 17 tuổi ở Trung Quốc đã lên truyền hình tố cáo giáo viên của mình có hành vi xâm hại tình dục, quay clip để đe dọa, tống tiền cô trong suốt 4 năm qua. Vụ việc đang tạo làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Nữ sinh 17 tuổi ở Trung Quốc tố cáo giáo viên của mình có hành vi xâm hại cô trong suốt 4 năm. Ảnh: Weibo
Theo SCMP, Đài Truyền hình Thiểm Tây (Trung Quốc) vừa phát sóng đoạn clip một nữ sinh là nạn nhân của vụ xâm hại tình dụclên tiếng tố cáo kẻ đã thực hiện hành động đồi bại với mình. Điều gây sốc nhất, người có hành động này lại chính là giáo viên của cô.
Theo đó, nạn nhân trong vụ việc là một nữ sinh năm nay 17 tuổi, học tại Trường trung học số 4 (huyện Chenggum tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Người bị cáo buộc là thầy giáo họ Ni (giáo viên của trường).
Nữ sinh cho rằng cô bị xâm hại lần đầu tiên vào năm 2015 (khi đó cô 13 tuổi). Cô được ông Ni mời đến một lớp học, với lý do sẽ dạy cô vẽ.
"Khi tôi vừa vào phòng, ông ấy túm lấy tôi từ phía sau. Tôi đã lấy hết sức chống cự, la hét nhưng ông ấy không buông tôi ra. Ông dùng tay che miệng, đánh và xâm hại tôi" - nữ sinh nói.
Cũng theo nữ sinh, giáo viên đã quay clip sự việc lại và dùng nó để uy hiếp, dọa cô không được nói với ai.
Sau đó, nữ sinh bị ông Ni liên tục cưỡng hiếp trong nhiều năm. Khi cô phản ứng thì ông sẽ đánh và tiếp tục đe dọa nếu nói ra sự việc sẽ công khai video, cô sẽ bị mọi người chê cười.
Nữ sinh bị giáo viên của mình xâm hại trong lớp học vẽ. Ảnh: Weibo
Cho đến ngày 18.2.2019, khi cô cố gắng thuyết phục thầy giáo xóa các video, nhưng không thành công, cô tiếp tục bị đánh.
"Ông ấy tát liên tiếp vào mặt tôi, rồi túm cổ, lôi tôi ra khỏi xe của ông. Sau đó tôi tiếp tục bị đánh cho đến khi có người qua đường chạy đến can ngăn và báo cho cảnh sát"- nữ sinh nói.
Không thể chịu đựng thêm nữa, nữ sinh đã quyết định lên tiếng, dù biết phải đối mặt với áp lực dư luận.
"Con gái tôi đã cố tự tử nhiều lần nhưng tôi không biết lý do thực sự mà chỉ nghĩ con bị áp lực vì học hành" - mẹ của nữ sinh chia sẻ với báo chí.
Hiện đoạn trả lời phỏng vấn của nữ sinh đang được các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đưa tin, đã có 18 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo sau 1 ngày đăng tải.
Theo SCMP, hiên nhà chức trách đã bắt đầu một cuộc điều tra về các cáo buộc của nữ sinh. Hiện ông Ni đã bị cảnh sát giam giữ.
Vụ việc cũng đang tạo làn sóng "#MeToo" mạnh mẽ tại Trung Quốc. Phong trào lan rộng khắp các trường học và cơ sở đại học. Các nạn nhân bị tấn công, quấy rối tình dục đang tiếp tục lên tiếng.
Một năm trước, Luo Qianqian - cựu sinh viên của Đại học Beihang ở Bắc Kinh - đã cáo buộc, cô và ít nhất 5 phụ nữ khác bị một giáo sư quấy rối tình dục. Sau cuộc điều tra, vị giáo sư đã bị sa thải vì có hành vi vi phạm kỷ luật hành chính và các tiêu chuẩn để trở thành một giáo viên.
BÍCH HÀ (THEO SCMP)
4 điểm nhấn trong phát biểu của ông Tập nhân 40 năm Trung Quốc mở cửa Dưới đây là 4 điểm nhấn trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa. Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo "hoàn toàn đúng đắn" của Đảng Cộng sản Bài phát biểu của ông Tập nhấn mạnh đến vai trò của Đảng Cộng Sản như là một người thiết...