Con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga kể chuyện bố mẹ bị sát hại: Đến giờ tôi vẫn hay bị chuyện kỳ lạ
“Những lúc bị đòn oan ức, mình cũng đau lòng. Mình tin nếu là bố mẹ thì sẽ không đánh mình, không đối xử với mình như vậy”, diễn viên Hà Linh, con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga trải lòng.
Vụ án sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga 42 năm trước là một sự kiện chấn động cả nước thời đó và kéo dài mãi tới nhiều năm sau. Ngay cả khi hung thủ đã phải trả giá cho tội ác của chúng thì tới tận bây giờ, người ta vẫn còn bàn cãi về những bí ẩn đằng sau vụ án ấy.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, vào cái đêm định mệnh ấy, vì bảo vệ con trai khỏi kẻ bắt cóc mà vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết. Nhưng theo lời kể của diễn viên Hà Linh – người con trai duy nhất của cố nghệ sĩ Thanh Nga và cũng là nạn nhân, nhân chứng trong vụ thảm sát đêm đó thì sự thật đã bị… bóp méo.
” Tôi còn nhớ rất rõ, trên đường từ rạp hát về nhà, có một chiếc xe hơi chạy theo. Tới ngã sáu Phù Đổng, tôi nói với bố mẹ “mình chạy vô nhà, đóng cửa lại là nó hết vô được”. Xe vừa tới nhà là chiếc xe đó áp vô liền.
Bố tôi ngồi ở ghế tài xế. Mẹ và tôi ngồi phía sau. Bố tôi mới chỉ nói “mấy ông muốn gì, mình vô nhà bàn lại” thì họ đã lấy súng bắn. Nếu bố tôi phản ứng, họ sợ mà bắn thì không nói. Đằng này, bố tôi không làm gì cả. Lúc bố bị bắn, mẹ tôi nói “bố chết rồi, thì mẹ con mình chết theo”. Họ quay súng bắn mẹ tôi “, diễn viên Hà Linh đã mở đầu như thế về câu chuyện năm xưa của bố mẹ mình.
Cả người nặng tới không nhúc nhích được khi chứng kiến bố mẹ bị bắn chết
Chứng kiến thảm cảnh đó, anh có bị ám ảnh?
Tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài. Đến giờ tôi vẫn hay bị những chuyện kỳ lạ. Lúc họ bắn mẹ tôi xong, từ sau lưng mẹ, tôi lồm cồm bò ra tới cửa xe mà không bước xuống được. Cả người nặng tới mức không nhúc nhích nổi, cũng không kêu ra tiếng. Và từ đêm đó cho tới bây giờ, hễ khi nào tôi căng thẳng, lo lắng hay mệt mỏi điều gì là người lại bị như thế.
Tôi còn nhớ là khi bố mẹ tôi bị bắn, chị giúp việc chạy ra bế tôi vô nhà thay đồ. Tôi sợ tới mức ướt hết người. Anh Hải (anh trai NSƯT Hữu Châu – PV) chạy qua nhà đầu tiên. Anh Hải ôm tôi khóc rồi cậu Hai chạy qua đưa mẹ đi cấp cứu. Sau đó, tôi chỉ nghe kể lại vì mình được đưa ra sau nhà.
Cho tới khi mọi người đưa tôi vô viện và nói tôi “vuốt mắt mẹ đi con”. Mẹ tôi chết không nhắm mắt. Chỉ tới khi đưa tôi vào, cả nhà hứa là lo cho tôi thì mẹ mới nhắm mắt. Bởi lúc đó, tôi còn quá nhỏ. Mẹ tôi mất, trên mặt còn nguyên son phấn trang điểm sau khi hát tuồng Thái hậu Dương Vân Nga.
Bố mẹ mất khi anh mới 5, 6 tuổi, anh có nhớ được nhiều không?
Tôi không có nhiều kỷ niệm với mẹ nhưng cái gì đã nhớ là in hết vào đầu, không xóa được. Tôi nhớ là 4 tuổi, tôi vẫn bú bình. Bố mẹ đi diễn thường đem tôi theo, cho chơi trong sân khấu. Ở đó rất nhiều muỗi nên mẹ thường thoa dầu khắp người tôi cho khỏi muỗi đốt.
Về nhà, mẹ nhúng khăn ướt lau mình cho tôi, pha một bình sữa để đầu giường để khuya tôi dậy lấy bú rồi ngủ tiếp. Ngày ngày, mẹ ưa nấu nước ấm cho tôi tắm. Có bữa tôi vừa đi vừa đái vào chậu nước, mẹ phải đổ đi vì không tắm được nữa.
Lúc bố mẹ mất, anh có cảm nhận được?
Tôi cảm nhận được chứ. Ngay buổi tối bố mẹ mất, tôi được đưa về nhà bà ngoại. Cả nhà hỏi tôi uống sữa thế nào để làm. Tôi bỏ uống sữa, bỏ bú bình từ đêm đó. Tối đó, tôi ngủ còn thấy bố mẹ về chơi. Tôi ngồi trong mùng nói chuyện với họ. Bà ngoại hỏi, sao không ngủ mà ngồi đó, tôi nói “con ngồi chơi với bố mẹ”.
Sau khi chôn cất bố mẹ, làm mộ xong xuôi, tối đó tôi nằm mơ gặp bố mẹ. Trong giấc mơ đó, bà ngoại ngồi trên cái ghế, bố mẹ tôi ngồi khóc, nói bị đánh quá nhưng bố đỡ cho mẹ hết. Giở cái áo của bố lên thì thấy rất nhiều lằn roi trên người. Sáng dậy, tôi kể cho bà ngoại nghe. Ngoại bảo cũng mơ y chang như vậy.
Bà ngoại dắt cả nhà lên mộ. Ở lỗ âm dương có hai cái chai nhét giấy bên trong được niêm lại. Gia đình phải mời thầy về giải.
Sau đó không lâu, có lần tôi suýt chết. Tôi cứ ngồi bấm ngón tay. Bà ngoại hỏi tính gì, tôi nói, tính ngày chết. Sau đó, tôi sốt mê man, đi bác sĩ giỏi cũng không tìm ra bệnh.
Ngoại đưa tôi lên chùa An Phú ở quận 8 gặp sư ông. Sư ông bảo quy y cho tôi và tất cả con cháu trong nhà. Đọc kinh xong, sư ông lấy áo cà sa đắp lên người tôi. Xong là tôi tỉnh, chạy xuống dưới chơi mà lúc lên chùa là gia đình phải khiêng.
Những năm tháng sau khi bố mẹ mất, anh sống thế nào?
Tôi may mắn còn bà ngoại nên cũng sống như mọi người. Năm 1988 bà ngoại mất thì tôi lớn rồi. Năm 1990 tôi vô trường sân khấu học, cũng đã tự lo được cho bản thân. Lúc nhỏ, mình chỉ tủi thân ở chỗ, các bạn có những tình cảm của bố mẹ mà mình không có được. Hoặc đôi khi, các bạn được làm nũng bố mẹ thì mình không có được cảm giác đó.
“Rất nhiều người làm giỗ mẹ tôi”
Video đang HOT
Bố mẹ anh đã mất được 42 năm rồi nhưng tới tận bây giờ vẫn có rất nhiều khán giả và đồng nghiệp tưởng nhớ. Ngày sinh nhật hay ngày giỗ của bà, họ đều mua hoa, mua bánh kem lên mộ. Thậm chí, trong nghề có nhiều nghệ sĩ thờ mẹ của anh. Cảm nhận của anh như thế nào?
Họ phải tin tưởng thì mới thờ cúng. Việc thờ cúng là một cách củng cố niềm tin để họ đi đúng đường. Còn về tâm linh, ai hiền thì được người ta thờ. Người ác, người ta thờ làm chi. Mẹ tôi phải thế nào thì mới được như thế. Dĩ nhiên, tôi vui, tôi tự hào. Đám giỗ mẹ tôi, rất nhiều người làm chứ không chỉ mình tôi.
Hồi xưa, giỗ mẹ tôi làm ở nhà xong chạy qua nhà anh Châu (NSƯT Hữu Châu – PV) nhưng bây giờ tôi nói anh Châu làm luôn. Anh Châu bảo “Tao chờ câu đó biết bao lâu. Tao muốn làm ở nhà lắm nhưng mày là con, tao không dám. Mày phải nói tao mới làm”. Giờ giỗ mẹ tôi, anh Châu làm còn tôi qua phụ.
Cũng nhiều người nói, đến lúc để mẹ tôi siêu thoát rồi. Mình cứ lên mộ hoài, níu kéo hoài… mẹ không đi được. 42 năm rồi!
Cá nhân tôi nghĩ, ngay cả việc nhiều người thờ cúng nghệ sĩ Thanh Nga cũng là một… cách níu kéo?
Bởi vậy nhưng tôi không dám nói. Mình là con, vẫn mong mẹ được siêu thoát.
Tuy nhiên cũng khó trách, bởi mọi người quá yêu kính bà. Hơn nữa, tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của bà. Điều đó củng cố thêm niềm tin tâm linh cho người nghệ sĩ, nhất là lúc họ cần điều đó để bám trụ nghề này?
Mẹ tôi phù hộ nhiều người. Hồi năm 1985, có một cô ở Mỹ về Việt Nam, tìm đến nhà bà ngoại để mua mấy bộ đồ của mẹ. Cô ấy nói, mơ gặp mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ cô lập gánh hát bên Mỹ. Vì cô ấy nói vậy nên ngoại mới bán, chứ không là ngoại giữ lại hết.
Tôi không xin mẹ cái gì hết. Tôi rất ngại. 12 năm trước làm kỷ niệm 30 năm ngày giỗ bố mẹ tôi, có vài người thân bên Mỹ rất mong tôi qua đó sống. Tôi đi phỏng vấn rớt 2 lần liên tục. Mọi người bảo tôi xin mẹ nhưng tôi không xin. Chuyện đó, không đáng phải xin, chỉ khi nào nguy cấp tới tính mạng, tôi mới xin.
“Biến cố lớn nhất đời tôi là bố mẹ mất. Người ta được thấy bố mẹ sống già rồi mất đi còn thời điểm bố mẹ mất, tôi quá nhỏ. Nhưng cũng may là vì nhỏ quá, chưa hiểu chuyện nên tôi không bị tác động nhiều, nếu là 19, 20 tuổi thì chắc sẽ sốc dữ lắm.
Đôi lúc mình cũng đau lòng, nhất là những khi bị đòn oan ức. Đó là lúc nhớ bố mẹ nhiều nhất vì mình tin nếu là bố mẹ thì sẽ không đánh mình, không đối xử với mình như vậy.
Cuộc đời hạnh phúc nhất là còn cha còn mẹ. Cuộc đời ai chẳng vấp ngã nhưng khi vấp ngã, bố mẹ là người đỡ mình lên, chỉ cho mình hướng đi đúng. Còn tôi làm gì có ai chỉ. Tự đứng lên, tự tìm đường đi tiếp mà chẳng biết đúng hay sai vì đâu có ai hướng dẫn cho mình.
Tôi sống và làm việc theo cảm tính, cảm thấy đúng thì làm. Bố mẹ còn thì mình còn nghe lời. Bố mẹ mất biết nghe lời ai” ! – Diễn viên Hà Linh –
Con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga: Tôi đi bất cứ đâu trên đất nước, ngồi trên xe mà khán giả chạy theo chỉ mặt!
Con trai duy nhất của cố nghệ sĩ Thanh Nga giờ đã ở tuổi U50. Anh hoạt động nghệ thuật gần 30 năm qua, từng một thời lừng lẫy trên các sân khấu hài nhưng không phải ai cũng biết tiếng.
Nghệ sĩ Thanh Nga là cái tên không ai không biết, từ giới cải lương đến diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ trong nhiều thế hệ; từ những khán giả ở tuổi gần đất xa trời đến những bạn trẻ mười tám, đôi mươi.
Cố nghệ sĩ Thanh Nga là người duy nhất được đồng nghiệp, báo giới cũng như khán giả phong tặng danh hiệu "Đệ nhất đào" trong giới cải lương. Bà cũng là thần tượng của rất nhiều ngôi sao tiếng tăm trong showbiz Việt như Hồng Vân, Minh Nhí, Hoàng Mập, Trấn Thành...
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tới người con duy nhất của cố nghệ sĩ Thanh Nga, dù anh cũng hoạt động nghệ thuật gần 30 năm qua, cũng một thời lừng lẫy trên các sân khấu hài từ Nam ra Bắc. Anh là diễn viên Hà Linh.
Hà Linh bây giờ đã U50. Dù tên tuổi không rần rần như cậu Sáu - Đệ nhất danh hài Bảo Quốc, không được nhiều người biết tiếng như anh họ Hữu Châu, thậm chí còn thua cả "thằng em" Gia Bảo nhưng Hà Linh vẫn miệt mài làm nghề, vẫn đều đặn đóng phim truyền hình, sitcom, tiểu phẩm hài.
Anh không giàu có nhưng vẫn được ăn cơm Tổ từ cái nghề truyền thống của gia đình, dòng tộc suốt 3,4 thế hệ lẫy lừng trong nghệ thuật.
Hà Linh từng giành giải Nhì cuộc thi Sao nối ngôi mùa 3 năm 2018. (Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).
"Ngồi trên xe mà khán giả chạy theo chỉ mặt"
Anh sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật với những tên tuổi lừng lẫy như Đệ nhất danh hài Bảo Quốc - cậu của anh; Đệ nhất đào Thanh Nga - mẹ của anh; Đệ nhất bầu Nguyễn Thị Thơ - bà ngoại anh... Hẳn là con đường làm nghề của anh nhiều thuận lợi?
Nếu tôi theo cải lương thì cơ hội nổi tiếng nhiều lắm vì lượng người yêu thích mẹ tôi rất đông đảo, chắc chắn họ sẽ ủng hộ mình nhưng qua hài thì tôi gần như phải làm lại từ đầu.
Đối với hài, khán giả thích ai chỉ thích người đó, không vì ái mộ một người trong gia đình mà ái mộ lây người kia. Họ thương cậu Bảo Quốc thì cùng lắm là biết tôi chứ không chắc đã thích tôi. Hồi xưa, anh Hữu Châu đi hài còn gian khổ hơn tôi nữa.
Khi tôi qua hài là trăm điều khó. Lúc học trong trường, đâu ai dạy mình diễn hài. Thầy cô chỉ dạy diễn xuất thôi. Khi mình làm nghề thì mới đi diễn hài. Diễn bi rất dễ, diễn hài rất khó. Đi diễn hài, đứng nói 3 phút mà không ai cười là đổ mồ hôi rồi. Khổ cái, đã đổ mồ hôi thì càng nói càng vô duyên.
Hồi đó, muốn đi diễn hài là cả một vấn đề. Nhóm Tam Tấu Trẻ gồm 3 người là tôi, Hữu Lộc, Hữu Tâm (em trai danh hài Hữu Nghĩa - PV). Mới đầu, anh em tôi phải diễn các tụ điểm quán bar, cà phê, công viên sau mới vô được sân khấu chính thống như 126, Trống Đồng.
Anh em tôi xin cậu Sáu (danh hài Bảo Quốc - PV) nói một tiếng với biên tập ở sân khấu Trống Đồng. Biên tập là người chịu trách nhiệm chương trình, họ cho mình cơ hội, diễn được thì diễn, không được thì thôi.
Chúng tôi được thuận lợi đó nhưng có được hay không là do năng lực của mình. Hồi đó, Trống Đồng, 126 là vua của các tụ điểm. Các biên tập biết nhau hết. Nghe chúng tôi diễn ở Trống Đồng rồi thì các sân khấu khác cũng dễ thở hơn. Từ các sân khấu chuyên nghiệp mới vô Nhà hát Hòa Bình.
Nhóm hài Tam Tấu Trẻ gồm 3 anh em: cố nghệ sĩ Hữu Lộc, Hà Linh (đứng bên trái) và Hữu Tâm em trai danh hài Hữu Nghĩa đứng bên phải.
Tam Tấu Trẻ cũng được xem là một trong những nhóm hài đắt show thập niên 1990, 2000. Thời hoàng kim của các anh như thế nào?
Thời hoàng kim của hài, 1 tuần dưới 30 show là chúng tôi không diễn. Một ngày phải 4 show trở lên, tụ điểm nhiều vô cùng. Lễ tết, có người chạy 13 show, té xỉu trên sân khấu. Diễn từ trưa tới khuya, 18, 20 show cũng có.
Thứ Hai được gọi là Ngày của sân khấu hài. Thứ bảy, chủ nhật là dành cho ca nhạc. Thế nhưng thứ Hai luôn luôn đông khán giả hơn thứ bảy, chủ nhật. Cuối tuần chừng 2.000 ghế nhưng thứ Hai nào cũng 3.000 đến 3.500 ghế. Riêng liveshow của anh Hoài Linh là phải 4.000 ghế.
Sau liên hoan sân khấu hài là loạt chương trình Gặp nhau cuối tuần, Gala Cười... Thời điểm đó, hài thống lĩnh thị trường giải trí. Tôi đi bất cứ đâu trên đất nước, mình ngồi trên xe mà khán giả chạy theo chỉ mặt dù mình không phải là nhóm hài tên tuổi gì lớn.
Từng một thời tung hoành các sân khấu hài mà giờ lại chứng kiến từng sân khấu, từng tụ điểm năm nào "rơi rụng", cảm giác đó thật khó tả đúng không anh. Nhưng anh có từng nghĩ tới nguyên nhân vì sao, hài lại "chết"?
Hài thoái trào từ lúc các tiểu phẩm hài được quay. Một nhóm có khoảng chục cái tiểu phẩm mà họ xin quay hết rồi phát trên tivi, bán đĩa thì tới lúc không còn gì. Tới năm 2007, ý tưởng kịch bản gần như không có gì mới. Khán giả coi nhiều, trình độ cũng lên, mảng miếng bị lộ hết nên hài đi xuống.
Quãng năm 2009, 2010 là hài "giãy giụa", sau đó sống thoi thóp. Hồi xưa, các bar, cà phê đêm nào cũng diễn hài. Một số nhóm hài đi diễn không có giấy phép. Khi công an tới làm việc, quán bị phạt, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh. Thêm tình huống đó khiến họ sợ nên hạn chế mời nhóm hài mà chỉ mời ca sĩ... cho lành. Hài vì thế mất điểm diễn.
Ngay tới sân khấu 126 và Trống Đồng từng được xem là "vua" của các sân khấu hài ở TPHCM cũng không còn. Nhưng tôi tin, hài không bao giờ chết. Người miền Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung thích hài hước. Họ đã gian khổ trong cuộc sống nên luôn cần nụ cười. Quan trọng là mình làm như thế nào thôi...
Thời hoàng kim của tấu hài những năm thập niên 1990, đầu giữa những năm 2000, nhóm hài Tam Tấu Trẻ rất đắt show.
"Mình không hất chén cơm của người ta được"
Cậu Sáu Bảo Quốc của anh được đồng nghiệp và khán giả gọi là Đệ nhất danh hài. Anh họ Hữu Châu thời điểm đó cũng là nhóm hài cực kỳ nổi tiếng diễn cùng Hữu Nghĩa, Minh Nhí. Anh có được cậu và anh họ nâng đỡ không?
Trong nghề này, tệ lắm mới phải nâng đỡ. Tôi diễn xong, cái gì chưa ổn, cậu Sáu góp ý, anh Châu cũng vậy. Đó là sự giúp đỡ thiết thực nhất, còn bản thân tôi chưa đến nỗi cần phải nâng đỡ.
Nhóm hài của cậu và anh Hữu Châu đều rất đắt show, tại sao anh không tham gia nhóm hài với họ mà lại lập nhóm riêng?
Trước tôi, nhóm đã có người rồi, nếu tôi vô thì người kia làm gì để ăn. Cậu tôi nói "mình không hất chén cơm của người ta được". Cậu Sáu nói đúng quá nên tôi đâu dám nói gì.
Người ta đang diễn hàng đêm tự nhiên mình nhảy vào giành, người ta phải đi làm lại từ đầu, cực người ta. Tôi cũng là diễn viên, tôi hiểu cảm giác đó.
Thời điểm khó khăn, tôi cũng hỏi thăm "sau này Ba Sáu có cần thì kêu con" nhưng thật ra, nhóm đang ổn định rồi. Còn anh Châu thì mê diễn kịch hơn, lâu lâu anh Châu đi tấu hài cho vui thôi.
Hơn nữa, sau này tôi cũng là nhóm trưởng một nhóm hài. Khi Hữu Tâm đi nghĩa vụ quân sự rồi về Đoàn văn công quân khu 7 thì nhóm hụt người, mời Long Đẹp Trai về. Lúc đó Long mới ra trường. Khi hài "giãy giụa, thoi thóp", anh Hữu Lộc mở sân khấu Nụ Cười Mới, Long với Hoàng Mèo đi theo luôn đến giờ. Còn tôi đứng riêng một nhóm hài của mình.
Khi công việc gặp khó khăn, anh đánh tiếng nhưng cũng không được sự giúp đỡ của cậu, anh có chạnh lòng không?
Không, tôi thấy bình thường. Những lúc cần, cậu Sáu vẫn kêu. Lâu lâu, tôi có đi diễn tiệc cưới với cậu. Nhiều người cũng hỏi, sao cậu cháu không diễn với nhau thì đó là dịp để mình trả lời. Bản thân tôi cũng là trưởng nhóm, thi Gala cười tôi thi nhóm tôi, anh Lộc thi nhóm anh Lộc.
Hà Linh và cậu Sáu Bảo Quốc.
Khi nhắc tới danh hài Bảo Quốc, mọi người đều dành cho ông sự kính trọng về đạo đức làm nghề. Anh có được cậu dạy về cách sống, cách cư xử với đồng nghiệp?
Cậu Sáu dạy hàng ngày, gặp là cậu Sáu nói. Ngày xưa, đi chương trình vui lắm. Hồi đó chú Duy Phương làm bầu, đi chương trình, trên xe có 4 nhóm hài thì 3 nhóm là gia đình tôi. Nhóm cậu Sáu, nhóm anh Châu và nhóm của tôi. Những chuyến đi như thế là lúc cậu Sáu chỉ bảo rất nhiều.
Trong nghề này bị một kiểu, diễn viên thành công thường đạp bầu show. Đó là quy luật. Lúc mới vào nghề, bầu show đè đầu diễn viên thì lúc nổi tiếng, họ ép lại bầu. Ví dụ, họ hẹn 10 giờ nhưng 8 giờ đã tới, vẫn phải cho diễn. Không cho diễn là họ đi mà khán giả tới vì có tên người đó, giờ không cho diễn thì bầu show chết.
Nhưng cậu Sáu nói với anh em tôi "con đi làm phải nương với bầu. Bầu ăn chén cơm thì mình mới có chén cháo, giành mất chén cơm của bầu, bầu làm không nổi, bầu đói thì mình làm gì có ăn".
Cho nên, tôi đi diễn ít khi nào ép bầu, cái gì nhường được là nhường. Ai bận, cần chạy trước chỉ cần nói với tôi một tiếng, tôi sẵn sàng nhường. Mình ở không, giành làm gì.
Đó là điều cậu tôi dạy nhưng không nhiều người làm được. Mình đi diễn hài hàng đêm, cọ quẹt nhau hoài nhưng mình không muốn gây hấn người ta. Mình kẹt xin diễn trước mà họ kêu kẹt, không cho. Mình diễn xong, ra ngoài thấy họ ngồi uống cà phê. Họ làm với mình vậy thì sau này, mình không nhường nữa thôi.
Hà Linh được cậu Sáu dạy bảo nhiều về đạo đức làm nghề cũng như cách cư xử với đồng nghiệp bầu show.
"Nghề nuôi được tôi đủ ăn, đừng suy nghĩ cao siêu thì được"
Khi không còn sân khấu, tụ điểm để diễn hài thì một diễn viên hài như anh làm gì để... sống sót trong cái nghề khắc nghiệt này?
Khi Gala Cười giảm nhiệt, tôi về sân khấu kịch Hồng Vân. Làm được một thời gian, tôi thấy buồn quá nên xin nghỉ. Hàng đêm mình quen chạy show rồi, giờ ngồi một chỗ, không chịu được. Lúc đó, các tụ điểm vẫn còn lai rai.
Cỡ năm 2009, hài thoi thóp thì Sở Văn hóa kêu tôi về ổn định ở một nhà hát nào đó, đừng lông bông nữa. Tôi được biên chế vào Nhà hát Kịch Thành phố. Làm được 2 năm, tôi chồn chân quá, lại xin nghỉ, bỏ cả biên chế luôn.
Thời điểm làm ở Nhà hát Kịch Thành phố, tôi làm công tác văn phòng mà phim thì kêu đi liên tục. Bắt buộc mình phải chọn một trong hai. Tôi làm thực hiện chương trình, quản lý tổ diễn viên mà phim kêu đúng dịp Nhà hát có chương trình là thua.
Mình cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng thấy nhiều xung đột quá nên bỏ ra làm cho công ty của một người em chuyên quay tiểu phẩm hài. Tôi làm biên tập, chỉnh sửa, tìm diễn viên, sắp xếp lịch quay... vì mình học đạo diễn rồi nhưng cũng chỉ được 2 tháng lại nghỉ vì tính nghệ sĩ quá, không hợp với môi trường công ty.
Giờ tôi vẫn đi quay sitcom, phim truyền hình, tiểu phẩm hài.
Anh có sống tốt nhờ nghề không?
Không. Nếu mình đừng suy nghĩ cao siêu thì được. Nghề nuôi được tôi đủ ăn. Giờ sống được là mừng rồi chứ sống khá thì không. Hồi xưa mình dư dả lắm, giờ bớt rồi. Nói chung, giờ tôi rất rảnh rỗi (cười).
Hà Linh trong phim Vua bánh mì.
Diễn viên trẻ bây giờ nhiều quá, họ giỏi nghề còn mình thì bị cũ mặt. Nhiều người khuyên, đang thời của mình, bào được bao nhiêu thì bào nhưng tôi không đồng tình lắm. Càng bào càng cũ mặt. Cũ quá thì sau này không bao giờ được tận dụng nữa. Vừa phải thì lâu lâu vẫn được trở lại, không bị chán.
Mà nghề này, Tổ cho ăn cơm Tổ thì chỉ ăn cơm Tổ thôi, không ăn cơm ngoài được. Tôi cũng kiếm thêm bằng bán hàng online nhưng bán cho vui là chính vì tôi bán cho người quen là nhiều. Bản thân tôi cũng không muốn khuếch trương.
Chừng 4 năm trước, tôi còn bán micro, rất đắt hàng, ai cũng gọi cho Hà Linh để mua. 1 ngày tôi bán 30, 40 cái, mình thành shipper luôn vì mình tự đi giao để chỉ cho người ta cách lắp, cách xài.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
NSND Bạch Tuyết ra tận mộ thắp hương cho nghệ sĩ Thanh Nga và gặp điều kì lạ Khi NSND Bạch Tuyết khấn xong, cây hương cô thắp cho nghệ sĩ Thanh Nga cong lại. Cô nhanh chóng nhận ra điều này và nói với đàn chị của mình. NSND Bạch Tuyết được biết đến là một trong những nghệ sĩ cải lương gạo cội của Việt Nam, đàn chị của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này....