Con sán nhái dài 7 cm chui lên não người đàn ông
Bệnh nhân 52 tuổi ở Lâm Đồng bị đau đầu, co giật, yếu nửa người, bác sĩ gắp từ não bệnh nhân một con sán nhái.
Trước đó các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM chụp cộng hưởng từ, phát hiện bệnh nhân bị tổn thương vùng vỏ não vận động do u nang ký sinh trùng.
Kíp phẫu thuật đã gắp ra khỏi não bệnh nhân một con sán dài khoảng 7 cm. Giải phẫu con sán sau đó xác định là loài sán ký sinh trong nhái.
Sau mổ, suốt 4 tuần bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng ký sinh trùng. Ông xuất viện ngày 19/12.
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết sán nhái thường ký sinh ở mắt người, rất hiếm gặp trong não. Người dân có nguy cơ nhiễm sán khi ăn thịt ếch, nhái, gà, vịt, chim, rau sống hoặc sử dụng thức ăn không được làm sạch và chế biến kỹ.
Sán nhái khi nhiễm vào cơ thể sẽ theo mạch máu di chuyển đến các bộ phận, sau đó sinh sản và phát triển thành nhiều nang ở các vị trí khác nhau trong cơ thể.
Video đang HOT
Sán nhái dài 7 cm trong não người đàn ông. Ảnh: N.P
“Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết não, liệt nửa người không hồi phục, thậm chí tử vong”, bác sĩ Anh nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, mọi người nên ăn các thực phẩm chế biến kỹ và có nguồn gốc rõ ràng. Nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, yếu nửa người, co giật, người bệnh đến bệnh viện để khám và điều trị.
Theo đại diện Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP HCM, sán nhái có tên khoa học là Spirometra erinaceieuropaei. Hình dạng sán giống một dải băng màu trắng, rộng khoảng 3 mm và dài từ 3 đến 30 cm. Về hình thể, sán nhái không xác định được đầu và không có nội tạng. Phần cuối phía trước phình to và có một đường rãnh.
Bệnh nhân bị nhiễm sán nhái qua ba đường: uống nước nhiễm ấu trùng sán; ăn thịt rắn, ếch, nhái… nấu chưa chín; đắp thịt ếch, thịt rắn lên vết thương hở. Ngoài ra, ấu trùng sán nhái xâm nhập qua da khi người dân bơi lội trong nước bẩn.
Cẩm Anh
Theo VNE
Nguy cơ loãng xương ở người trên 30 tuổi
Nữ bệnh nhân 38 tuổi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM trong tình trạng đau lưng, gầy yếu, suy kiệt, teo cơ tứ chi.
Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị loãng xương nặng, gãy xẹp nhiều đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng, đái tháo đường, suy thượng thận do tác dụng phụ của thuốc chứa corticoids.
Cách đây 4 năm, bệnh nhân đã điều trị lupus ban đỏ với triệu chứng đau các khớp, nổi ban ở vùng mặt, loét miệng, rụng tóc. Chị không tái khám mà uống thuốc bên ngoài theo toa thuốc trước đó của bác sĩ. Sau một thời gian sử dụng, người bệnh sụt cân, mất ngủ, tình trạng đau lưng ngày càng nghiêm trọng.
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Phụ trách Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết sau khi điều trị bệnh và cắt liều corticoids, đường huyết của bệnh nhân đã ổn định, cân nặng cải thiện và xương không gãy thêm.
Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh. Ảnh: N.P
"Trước đây, loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi. Hiện nay, người trẻ ngoài 30 tuổi cũng có nguy cơ cao mắc bệnh", bác sĩ Ngọc cho hay.
Nguyên nhân gồm bệnh lý nội tiết, viêm khớp dạng thấp, hội chứng kém hấp thu, những bệnh mạn tính về khớp hoặc bệnh tự miễn như lupus. Sử dụng các loại thuốc như corticoids, thuốc chống co giật... làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ lười vận động, sử dụng đồ uống có cồn, cà phê, thuốc lá, ăn kiêng, che chắn quá kỹ mỗi khi ra ngoài nên da không có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến thiếu vitamin D trầm trọng. Tất cả yếu tố này làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, trao đổi chất của cơ thể, gây mất cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương và dẫn đến loãng xương.
Theo bác sĩ Ngọc, loãng xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ở người trẻ đang trong độ tuổi lao động lại càng ảnh hưởng lớn đến công việc và sự nghiệp.
"Loãng xương khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi, dẫn đến gãy xương, tăng nguy cơ tàn phế, tử vong, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và xã hội", bác sĩ Ngọc nói.
Để phòng ngừa bệnh, người dân cần bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D, các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe. Thường xuyên vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hạn chế hút thuốc, uống đồ có cồn, uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tự ý mua thuốc uống.
Sáng 23/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tặng 50 phiếu khám và 50 phiếu chụp X-quang cột sống miễn phí cho người có vấn đề về loãng xương. Đăng ký: (028) 3952 5449 - (028) 3952 5422.
Cẩm Anh
Theo VNE
Giới khoa học Trung Quốc muốn quét sóng não để tìm kiếm linh hồn Thiết bị quét sóng não mới nhất của Trung Quốc được kỳ vọng có thể quan sát hoạt động nhận thức con người và khai thác sức mạnh tâm linh. Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển máy quét sóng não ở cấp độ tối tân nhất thế giới hiện nay. Cỗ máy này có thể...