Cơn lốc “hàng đá”
“Hàng đá” đã trở thành món thay thế cho thuốc lắc trên bàn tiệc của dân chơi.
Để thực hiện tiệc thuốc lắc, con nghiện phải trang bị nhiều thứ rườm rà như: loa thùng, máy tính, đĩa, mở nhạc lớn… dễ bị nhân viên khách sạn phát hiện. Còn chơi “hàng đá” thì âm thầm, ít ai biết. Cái phê của “hàng đá” tạo cảm giác nhẹ nhàng so với thuốc lắc nổi loạn, điên cuồng…
Vũ nữ và người chơi hàng đang đứng trên bục chuẩn bị nhảy tại một quán bar
Từ bình dân…
Gần đây, hai chữ “đập đá” luôn là câu cửa miệng của dân chơi tại TP.HCM, nó luôn gắn liền với các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, kể cả sinh viên cũng không tránh khỏi. “Chơi hàng này ít mệt mỏi, giá cả phải chăng, mà tìm được cảm giác “đi trên mây” cực sướng”, đó là lời của H. sinh viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng khi nhắc tới chuyện “đập đá”. H. đã không nhớ bao nhiêu lần mình cùng nhóm bạn vùi đầu trong phòng khách sạn để cùng nhau “hưởng lạc”.
Theo H. thì cách thức “đập đá” phức tạp hơn so với chơi thuốc lắc. Khi “đập” cần có dụng cụ như khò lửa, một cái cóng (dùng để hút rít khói đá khi đốt). Người quan trọng nhất trong cả hội “đập đá” là người làm hàng (tức người nấu đá). Một cuộc chơi tùy thuộc vào số lượng người và khả năng chơi ít hay nhiều thường kéo dài từ vài tiếng hoặc cho đến thâu đêm. Khi “đập”, người chơi phải rít một hơi dài để tạo cảm giác cuốn (tức phê thuốc).
“Đập đá” không nhất thiết phải có nhạc, và các cuộc chơi thường bắt đầu sau khi các cuộc nhậu kết thúc. Cũng theo lời của H. thì sau khi “đập đá” người chơi bị bể giọng, qua ngày hôm sau mắt lờ đờ không ngủ được và thường bỏ ăn. Một chấm (nghĩa là cục đá nhỏ) giá dao động từ 1 – 1,5 triệu đồng. Mỗi chấm như vậy thường 5, 6 người “đập” trong vòng 1 đêm.
Là người làm ăn thành đạt và có gia đình ổn định nhưng V., nhân viên của một công ty chứng khoán tại TP.HCM, mỗi lần có dịp hội tụ bạn bè cũng thường kiếm “đá” để tìm cảm giác lạ. V. cho biết anh có nhóm bạn đều là người làm ăn có tiền và mê “đập đá”. Cứ mỗi dịp sinh nhật bạn bè, lễ hội cả nhóm lại nói dối vợ con, thuê khách sạn “đập đá” cùng nhau. V. nói: “Chú mày không biết đó thôi, chứ đập vô không khác mình đang bay trên không vậy”. Theo V., chơi mấy thứ này không nghiện, kín đáo mà an toàn. Nhóm của V. thường không bao giờ đi mua “đá” mà chỉ cần điện thoại, báo ở đâu sẽ có người mang tới.
“Hàng đá” đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của các ngành nhạy cảm từ lâu đến nay mới bùng phát mạnh. Nhiều nhân viên quán bar, vũ trường, karaoke ôm coi “hàng đá” như món ăn chính dành cho những buổi tiệc tùng, sinh nhật, chia tay, thất tình… Trong một lần tiếp xúc với nhân viên massage ở Q.3 tên Hà (quê Nghệ An), nhân viên này cho chúng tôi biết, hằng tuần cô cùng một số đồng nghiệp nữ hùn tiền lại, tụ tập tại nhà thuê của người nào đó để chơi. Mỗi lần chơi khoảng 4 – 5 người, tốn khoảng 1,5 – 2 triệu đồng tiền mua “hàng đá”.
Theo Hà thì “hàng đá” nó làm cho người ta tỉnh táo, không buồn ngủ, ít đói bụng. Tuy nhiên, một vũ nữ khá trẻ đẹp ở Q.1 lại tỏ ra hối hận: “Em quê ở Nha Trang, mới đầu vào làm nhân viên ở quán ăn, sau đó đi theo bạn bè rủ rê vào làm vũ nữ ở quán bar, vũ trường. Môi trường ăn chơi của vũ trường đã cuốn hút em sa vào thuốc “lắc”, rồi đến nay là “hàng đá”. Trước đây, sắc đẹp của em tươi xinh bây giờ héo úa; thậm chí vòng 1 của em bị xẹp lép, có hiện tượng teo lại”.
Bàn tiệc hôm đó và bịch ni lông chứa “hàng” xài xong vứt dưới nền nhà – Ảnh: C.T.V
Video đang HOT
…đến hạng sang
Khoảng 19 giờ 30 vào một buổi tối cuối tháng 3, chúng tôi đang ở nhà bỗng nhận được điện thoại của H. (dân ăn chơi có tiếng ở TP.HCM, gần 40 tuổi nhưng chưa có vợ) rủ xuống quán bar G. ở khu Tên Lửa, Q.Bình Tân “bay”. Tôi tỏ ra bất ngờ: “ Sao “bay” sớm vậy anh? Đi “bay” sao ở xa trung tâm thành phố vậy?”. H. quát trong ĐT: “Em đúng là… không phải là dân ăn chơi. Thời buổi giờ đa số dân chơi kéo ra vùng ven an toàn hơn”.
Chúng tôi vội vàng lấy xe chạy đến điểm hẹn. Đến nơi, nhân viên gác cửa quán bar G. vặn hỏi muốn gặp ai. Chúng tôi nói đúng tên H., lập tức được nhân viên đưa vào một phòng kín. Khi mở cửa vào trước mắt chúng tôi là một đống hỗn độn, mùi rượu bia, thuốc lá bốc lên nồng nặc. Nhóm trai gái đang đứng uốn éo, cuộn vào nhau trên cái bục nhỏ xíu ở góc phòng tối om. Chúng tôi hỏi một nhân viên ở đây và được biết, ngoài sảnh lớn phục vụ khách vãng lai chơi dưới sàn (tầng trệt), chủ quán còn thiết kế 7 phòng trên lầu dành cho khách VIP muốn có chốn riêng tư.
Phòng VIP này có diện tích khoảng 20m2 được trang trí tương đối sang trọng, 1 tủ trưng bày rượu, 1 bộ sa lông sang trọng, 1 dàn máy điều chỉnh nhạc, 1 cái loa to đùng gắn trên trần nhà, 1 cái bục gắn 2 ống inox làm sàn nhảy mini dành cho khách khi đạt đỉnh. Khi chúng tôi vào, nhóm người này đã chơi hết một bịch “hàng đá”. Khoảng 21 giờ, nhiều chai rượu XO trên bàn đã cạn. Chủ tiệc đứng lên tuyên bố chuyển địa điểm chơi tiếp nhưng người bạn Việt kiều thì thích ở lại đây. Thế là H. gọi điện cho một người nào đó đặt thêm một bịch “hàng đá” nữa và yêu cầu mang đến gấp.
Chưa đầy 10 phút, một thanh niên áo quần lịch sự nói giọng Bắc mang “hàng” đến; trước khi ra về, người này không quên cầm ly rượu, lịch sự đưa 2 tay mời mọi người trong bàn để chào tạm biệt và chúc chơi vui vẻ. Thế là “trận” thứ hai được diễn ra trước sự phấn khích của mọi người trong bàn tiệc…
Theo Thanh Niên
Tàn cuộc chơi, "bay" vào trại tâm thần
Dân chơi thích xài "đá" vì "đẳng cấp vượt trội" của nó. "Đập đá" khiến họ, khoái cảm mạnh, không còn biết sợ nguy hiểm. "Đá" mang lại ảo giác sống trong thế giới không có thực. "Anh luôn sống trong ảo giác, hoang tưởng, như người mộng du. Và tàn cuộc chơi, anh "phiêu" tới trại tâm thần"
Đó là lời "tự thú" của một cựu dân "bay" Hà Nội khi đã bao phen "ra viện rồi lại vào trại tâm thần".
"Đối thoại" với dân "bay" giải nghệ
Lâu lắm, tôi mới gặp lại Linh "tít" - một tay chơi ma tuý "đá" đã giải nghệ. Câu chuyện của Linh khiến kẻ "ngoại đạo" như tôi được "mở mang tầm mắt". Linh "tít" đã bao phen "sống dở, chết dở", hết ra viện lại vào... trại tâm thần vì "đá".
Nhâm nhi ly cà phê, Linh bảo: "Tàn cuộc chơi rồi! Anh dạo này yên phận, biết yêu bản thân mình hơn". Câu nói của Linh "tít" khiến tôi giật mình. Tôi vẫn nhớ như in, câu chuyện của anh kể cách đây 2 năm. Khi ấy, Linh tuyên bố: "Chơi cho vui chứ làm sao có thể "ngáo" được. Đẳng cấp nó phải khác chứ!. Nhưng giờ gặp lại tôi không thể hình dung anh lại giũ "bụi trần" và yên phận đến như vậy. Vẻ ngang tàng, bất cần của gã dân chơi thuở trước vẫn chưa biến mất hoàn toàn trong bộ trang phục bụi phủi nhưng cũng không thể che giấu những "cuộc chơi" đã huỷ hoại và biến anh thành kẻ "thân tàn ma dại".
Hàn huyên chuyện cũ, Linh bảo, đã qua rồi cái thời, cứ đêm đêm lại cùng đám bạn "dạt vòm", quay cuồng với tiếng nhạc chát chúa, ánh đèn mờ ảo và những cuộc "phiêu" tới bến. Linh "tít" đã hơn 4 lần phải vào trại tâm thần. Sau những đợt điều trị tích cực, Linh không phải gửi thân nơi bệnh viện nữa. Tuy nhiên, ngồi đối diện với anh, tôi nhận thấy sự yếu ớt lộ rõ trên khuôn mặt. Nước da xam xám, tai tái, đôi mắt thất thần như thiếu ngủ. Chắc hẳn, Linh đã phải vật lộn với những cơn ác mộng và cuộc chiến thoát ra khỏi ảo giác do ma tuý "đá" gây ra.
Linh "tít" tuyên bố đã "bỏ cuộc chơi", nhưng tôi vẫn hoài nghi. Từ những năm 1996, Linh đã bắt đầu bước chân vào "làng chơi". Ngay sau đó, Linh đã mau chóng trở thành một cái tên được nể vì trong giới. Gia đình vốn giàu có, thuộc hàng đại gia đất Hà thành, Linh lao vào "cuộc chơi" không bờ bến. Những cuộc dạt nhà cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Được ít năm, anh ta chuyển sang chơi thứ hàng cao cấp (thuốc lắc). Có tiền, có thuốc lại dùng đủ liều lượng, Linh trông "ngon giai" hơn. Đám con gái tuổi teen xếp hàng dài chạy theo Linh. Sau đó ít năm, Linh đã chuyển sang cắn "kẹo", "ke"... Linh đầu tư hẳn một "phòng bay" tại nhà, chất lượng không kém bất cứ một quán bar hạng nhất nào ở Hà Nội. Sau những lần "chơi ke", Linh thấy vẫn chưa đủ "độ", anh ta chuyển sang chơi "đá". Những "cuộc bay" của nhóm Linh thường bắt đầu từ 2-3h sáng. Càng về sau, càng dấn sâu vào cuộc chơi, nồng độ càng tăng. Nhạc cũng bắt đầu tăng tốc. Trong cuộc chơi, những ai có mặt tự ý làm những điều mình muốn, làm những thứ mình thích, không ai cấm cản. Khi đã "phê", cả nhóm hầu hết đều bắt đầu mất tự chủ, gào rú, cười điên loạn.
Linh "tự thú" với tôi: "Em nhìn anh đã có câu trả lời đúng không? Trả giá cho những cơn điên rồ, anh nghiện nhanh hơn, nặng hơn và ngày càng phải tăng liều. Mạnh và nhanh "phê" nên tác hại của nó với sức khỏe cũng khủng khiếp hơn rất nhiều. Anh đã điên rồi!".
Nhiều tay "đập đá" phải vào điều trị tại bệnh viện Tâm thần. ảnh minh hoạ.
Tàn cuộc chơi là... trại tâm thần
Từ câu chuyện của Linh, tôi tìm đến bệnh viện Tâm thần Hà Nội để tìm câu trả lời về bến đáp của dân "bay". Bác sỹ Lý Trần Tình - giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 93 bệnh nhân đến điều trị các rối loạn tâm thần do ma túy tổng hợp gây nên. Có trường hợp bệnh nhân diễn biến bệnh quá nặng, lúc nào cũng chỉ muốn tìm đến cái chết. Họ sẽ tìm mọi cách để được chết, như thắt cổ, hay dùng đũa chọc vào tai...
Sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến ảo giác, có những hành vi mất tự chủ, thậm chí bị rối loạn tâm thần, phải nhập viện và "thường trú" dài ngày ở các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần là kết cục nhãn tiền của nhiều dân "bay". Bác sỹ Tình cho biết, ma túy chia làm nhiều nhóm chất. Phổ biến nhất là thuốc phiện, heroin. Nhóm thứ hai là các chất kích thần (kích thích thần kinh), như nhóm ATS, cocain và một số chế phẩm.
Nhóm thứ ba là các chất kích thần và gây ảo giác, trong đó có thuốc lắc. Nhóm thứ tư được gọi là nhóm các chất yên dịu gây ảo giác, mà phổ biến nhất là ketamin. Ma túy tổng hợp chính là loại ma túy thuộc từ nhóm thứ hai đến nhóm thứ tư. Xuất phát điểm của nó là loại thuốc được sử dụng nhiều từ Chiến tranh thế giới thứ 2 dành cho binh lính của một số quốc gia. Loại thuốc này giúp người ta tăng hưng phấn. Cũng có lúc, nó dùng để chữa chứng trầm cảm, làm tăng trí nhớ.... Người sử dụng ma túy tổng hợp đến mức nghiện sẽ chịu những tác động tâm lý từng cấp khác nhau, theo thời gian và mức độ sử dụng nó. Nhẹ nhất là ảo giác, nặng hơn là hoang tưởng.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia) cho biết, những người chơi "đá" quá liều có biểu hiện hoang tưởng ở hai dạng. Một là dạng hoang tưởng tự cao (luôn tự nghĩ mình là nguyên thủ quốc gia). Dạng hoang tưởng thứ hai, cực kỳ nguy hiểm, là chứng hoang tưởng ngộ nhận. Dạng này luôn cho rằng mình bị ai đó theo dõi, bị sát hại và trong đầu của người bệnh luôn có những tiếng nói xúi giục phải làm điều gì đó để bảo vệ mình.
Tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội, tôi đã tiếp xúc với Thanh, 20 tuổi, ở Hà Nội. Thanh là bệnh nhân trẻ nhất của khoa H (khoa Điều trị lạm dụng chất và các loạn thần thực thể). Thanh phải nhập viện điều trị bởi chứng loạn thần do sử dụng quá nhiều ma túy tổng hợp. Hồ sơ bệnh án thể hiện hồi đầu tháng 10, Thanh phải vào bệnh viện để điều trị 10 ngày.
Lần thứ hai, Thanh nhập viện vào trung tuần tháng 12. Thông tin trong bệnh án cho thấy, lần đầu Thanh sử dụng ma túy tổng hợp đúng dịp sinh nhật cậu ta, cách đây vài năm. Sau đó, mỗi tuần Thanh "bay" vài ba lần cùng đám bạn. Thời gian gần đây, Thanh nói với người nhà về tình trạng lúc nào cũng có tiếng người nói trong đầu. Cậu ta đập phá đồ đạc trong nhà, và đánh cả người đã sinh ra mình, trước khi nhập viện.
Hôm nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy Thanh có phản ứng dương tính với ít nhất 3 loại chất ma túy tổng hợp. Kết cục, Thanh phải làm bạn với bệnh nhân tâm thần sau khi đã trở thành tội đồ của ma tuý "đá".
Chẳng có gì là "đẳng cấp"!
Đó là bài học Linh rút ra sau những cuộc chơi "đá". Linh "tít" bảo rằng: "Chẳng cái gì gọi là "đẳng cấp" cả. Trước đây, anh cứ nghĩ "đẳng cấp" là phải thể hiện ra bề ngoài. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của đám "nông dân" mà thôi. Suy cho cùng, những cuộc bay, cuối cùng thì "bay" tới bến nào? Bằng chứng là anh đã tới "bến" nhà thương điên rồi đấy thôi. Vậy thì "đẳng cấp" để làm gì?".
Linh tâm sự, chuỵện cũ đã qua anh không muốn nhắc lại. Nhưng vì muốn cảnh tỉnh những con "thiêu thân" đang lao vào các cuộc chơi được gọi là "đẳng cấp" nên anh mới lên tiếng. Linh ôn lại chuyện cũ: "Lần đầu "xào ke" cảm giác "phiêu" không thể diễn tả nổi. Dường như không có sự tồn tại của những người xung quanh. Nhóm bạn của anh có những hành động lạ lùng mà có trong mơ anh cũng không nghĩ đến".
Linh bật mí: "Dân chơi thích xài "đá" là vì "đẳng cấp vượt trội" của nó. Đập "đá" khiến họ phê nhanh, khoái cảm mạnh, không còn biết sợ nguy hiểm. Điều đặc biệt, "đá" mang lại ảo giác sống trong thế giới không có thực". Để khẳng định "đẳng cấp", dân chơi thường lấy "đập đá" làm thước đo.
Chơi hàng "đá" không chỉ cực "phê" mà còn cực đắt. Dùng hàng "đá", tình trạng bị kích động thần kinh có thể đến ngay sau khi thuốc được hút qua mao mạch mũi. Thần kinh sẽ bị kích động mạnh và kéo dài có thể đến 2-3 ngày sau đó. Linh tiết lộ, giá mỗi gram "đá" khoảng 2, 4 triệu đồng, được chia thành các gói nhỏ gọi là "áo", giá khoảng 400-600 nghìn đồng. Dùng "đá" tốn hơn nhiều lần so với heroin. Vì thế, để chuẩn bị hàng cho cả nhóm thì cũng mất kha khá tiền. Dân "đập đá" thường chỉ phải sử dụng một lượng nhỏ hơn rất nhiều khi chơi các loại ma túy tổng hợp khác vì độ mạnh của "đá" cao gấp nhiều lần do hàng "đá" là loại nguyên chất, không bị pha trộn như các loại ma túy khác.
Linh ngượng ngùng nói: ""Đập đá" kích thích "dân bay" mạnh gấp nhiều lần so với việc chơi thuốc lắc trước kia".
Câu chuyện mà Linh tiết lộ khiến dân "ngoại đạo" như tôi phải rùng mình. Và tôi cũng hiểu rằng, cái mà dân chơi vẫn gọi là "đẳng cấp" suy cho cùng cũng chỉ là "dạt" về bến "tử".
Theo Nguoiduatin
Điên loạn với ảo giác, giết chết... giống nòi Các bác sĩ chuyên khoa điều trị về nghiện chất cảnh báo: "Đá" có tác dụng kích thích mạnh mẽ nhất thời lên hệ thống thần kinh trung ương gây cảm giác hưng phấn và ảo giác hoang tưởng. Dân "bay" thường quan hệ tình dục với nhau, thậm chí còn quan hệ tình dục tập thể mà không thể kiểm soát nổi......