Con đường phát triển công nghiệp lọc, hoá dầu Việt Nam (Kỳ 1)
Cùng với việc hoàn thiện các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí (khâu thượng nguồn) và vận chuyển, tàng trữ, phân phối dầu, khí (khâu trung nguồn), Chính phủ đã quyết tâm đầu tư cho khâu hạ nguồn (lọc, hóa dầu).
Với nền móng đầu tiên được đặt ở Dung Quất, ngành công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam từng bước phát triển vững chắc.
Kỳ 1: Khai sinh nhà máy lọc dầu số 1
Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát vị trí xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất (ảnh tư liệu BSR)
Những bước đi ban đầu
Ngay sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã hợp tác với Công ty Beicip của Pháp để triển khai Dự án Liên hiệp Lọc, hóa dầu đầu tiên, dự kiến đặt tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất 6 triệu tấn/năm, sản xuất nhiên liệu và một số chủng loại sản phẩm hóa dầu. Năm 1979, dự án tạm dừng vì gặp khó khăn về nguồn vốn.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, theo Hiệp định hợp tác kinh tế – khoa học kỹ thuật giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô, hai bên đã thống nhất địa điểm xây dựng khu liên hợp lọc, hóa dầu tại Thành Tuy Hạ (huyện Long Thành, Đồng Nai). Khu liên hợp lọc, hóa dầu dự kiến được đầu tư xây dựng trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ xây dựng một nhà máy lọc dầu với một dây chuyền chế biến dầu thô công suất 3 triệu tấn/năm; giai đoạn 2 dự kiến đầu tư thêm một dây chuyền chế biến dầu thô để nâng công suất lọc dầu lên 6 triệu tấn/năm và hình thành một khu hóa dầu sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp và một dây chuyển sản xuất phân đạm.
Đầu những năm 90, việc giải phóng một phần 3.000 ha mặt bằng và khảo sát địa chất sơ bộ, chuẩn bị các điều kiện phụ trợ để xây dựng khu liên hợp hợp lọc, hóa dầu đã được phía Việt Nam tiến hành. Lúc này, phía Liên Xô đã thực hiện xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị các điều kiện đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, do tình hình chính trị và thể chế của Liên Xô thay đổi nên dự án không tiếp tục được triển khai.
Trải qua nhiều dự án không triển khai được do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đến năm 1994, địa điểm dự kiến đặt Nhà máy Lọc dầu (NMLD) số 1 của Việt Nam được chốt tại 1 trong 5 địa điểm: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa) và Long Sơn (Vũng Tàu).
Sau nhiều khảo sát và tính toán, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ra quyết định chính thức chọn Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) là địa điểm đặt NMLD đầu tiên.
Gian nan NMLD Dung Quất
Dung Quất là địa điểm nằm ở trung tâm của đất nước. NMLD đặt ở vị trí này sẽ giống như một trái tim đập mạnh, đẩy những dòng chảy năng lượng đi khắp đất nước, để góp phần phát triển kinh tế và kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, để có được một NMLD Dung Quất hiện đại, hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng gần 40% nhu cầu xăng dầu của đất nước như hiện nay, dự án xây dựng NMLD đầu tiên trải qua rất nhiều thăng trầm.
San lấp mặt bằng để xây dựng NMLD Dung Quất (ảnh tư liệu BSR)
Ban đầu, Dự án NMLD Dung Quất được dự kiến triển khai với hình thức liên doanh với nước ngoài, tổng vốn đầu tư 1,7-1,8 tỉ USD. Nhưng khi không được phê duyệt một số ưu đãi đặc biệt về thuế, về bù lỗ dự án và điều kiện được phân phối sản phẩm trên thị trường Việt Nam, đối tác rút lui khỏi dự án.
Ngày 10-7-1997, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt xây dựng NMLD số 1 tại Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam) được Chính phủ giao làm chủ đầu tư của dự án. Ngày 8-1-1998, lễ khởi công NMLD số 1 được chính thức tiến hành tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Thế nhưng, một lần nữa, công cuộc xây dựng NMLD đầu tiên của đất nước lại gặp khó khăn bởi những ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính tại châu Á. Trước tình hình đó, phương án liên doanh với Liên bang Nga được tính đến. Ngày 25-8-1998, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký Hiệp định Liên Chính phủ về việc xây dựng, vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất. Ngày 28-12-1998, Công ty Liên doanh NMLD Việt – Nga (Vietross) được thành lập. Tỷ lệ góp vốn của hai phía là 50/50. Việc liên doanh với Liên bang Nga đã giải quyết được hai vấn đề lớn, đó là kêu gọi được nguồn vốn đầu tư và huy động được các chuyên gia có kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Video đang HOT
Trong quá trình làm việc, có những vấn đề nảy sinh giữa Vietross với tổ hợp nhà thầu và hai bên trong liên doanh cũng không đồng thuận được một số vấn đề quan trọng. Do vậy, hai bên đã đề nghị Chính phủ hai nước quyết định chấm dứt liên doanh. Ngày 5-1-2003, đại diện hai bên đã ký biên bản chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia Vietross của phía Nga hoàn toàn sang phía Việt Nam. Con đường phát triển ngành công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam lại gặp phải trở ngại.
Vietross giải thể, Dự án NMLD Dung Quất trở lại với phương án tự đầu tư và Ban Quản lý dự án (BQLDA) NMLD Dung Quất được thành lập. Suốt những năm sau đó, BQLDA phải giải quyết các vấn đề pháp lý của các hợp đồng sau khi chấm dứt liên
doanh, kiện toàn bộ máy tổ chức và xử lý các vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ, tài chính; đồng thời lập kế hoạch đào tạo nhân sự cũng như kế hoạch sản xuất…
Tuy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, xây dựng, nhưng với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng hàng vạn con người ngày đêm nỗ lực lao động trên công trường, NMLD Dung Quất đã cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên ngày 22-2-2009. Sau nhiều “đoạn trường”, ngày 30-5-2010, NMLD Dung Quất chính thức được bàn giao cho chủ đầu tư, kết thúc giai đoạn xây dựng và vận hành chạy thử và nghiệm thu nhà máy.
Ngày 6-1-2011, lễ khánh thành NMLD Dung Quất long trọng được tổ chức, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam.
“Quả ngọt” ban đầu
Sau khi NMLD Dung Quất được vận hành, Việt Nam bắt đầu tự chủ được một phần nguồn cung xăng, dầu trong nước. Quan trọng hơn, NMLD Dung Quất giúp đất nước bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây có thể coi là nền móng để lĩnh vực công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam tiếp tục phát triển.
Lễ khánh thành NMLD Dung Quất ngày 6-11-2011 (ảnh tư liệu BSR)
Nếu như lịch sử lĩnh vực lọc, hóa dầu của thế giới đã kéo dài hơn 100 năm thì lĩnh vực lọc, hóa dầu của Việt Nam kể cả giai đoạn thai nghén, ý tưởng, mới kéo dài hơn 40 năm, rất non trẻ, nhưng đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào.
Với NMLD đầu tiên, Việt Nam đã đáp ứng được gần 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Việc từng bước tự vận hành một nhà máy phức tạp với 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm… đã khẳng định được năng lực của các chuyên gia, kỹ sư, công nhân Việt Nam.
Sau hơn 10 năm từ ngày cho ra dòng sản phẩm đầu tiên, cơ cấu sản phẩm của NMLD Dung Quất ngày càng đa dạng. Ngoài các sản phẩm truyền thống như xăng RON 92, RON 95, Diesel Auto, khí Propylene và hạt nhựa PP, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa, nhiên liệu bay Jet A1, dầu nhiên liệu (FO), hiện nay NMLD Dung Quất đã sản xuất thêm được các loại sản phẩm mới như xăng E5 RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K, nhiên liệu Diesel L-62 sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt.
Từ khi đi vào vận hành, NMLD Dung Quất luôn vận hành ổn định 100-107% công suất. Tính đến hết năm 2020, nhà máy đã nhập hơn 77 triệu tấn dầu thô, tiêu thụ hơn 70 triệu tấn sản phẩm; doanh thu trên 49 tỉ USD; nộp ngân sách Nhà nước hơn 7 tỉ USD. Nếu đem so với số vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD, số tiền Nhà nước thu lại từ NMLD Dung Quất đã gấp hơn 2 lần. Quan trọng hơn, với NMLD Dung Quất, Việt Nam đã phần nào tự chủ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
'Ba tại chỗ' trên các công trình dầu khí
Petrovietnam thực hiện phương châm "ba tại chỗ" là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ đối với người lao động trực tiếp tại các nhà máy, công trình dầu khí.
Từ đầu năm đến nay, Petrovietnam đã kiểm soát tốt công tác an toàn, phòng, chống dịch bệnh, phát huy kinh nghiệm, hiệu quả trong quản trị điều hành, duy trì an toàn, ổn định hoạt động SXKD, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, trở thành điểm sáng của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn khó khăn.
Kiểm tra thân nhiệt cán bộ, người lao động trước khi vào các nhà máy điện.
Hiện nay, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM, các tỉnh phía Nam, nơi có nhiều đơn vị, công trình dầu khí. Nhận thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành các giàn khoan, công trình dầu khí, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh tái bùng phát, các đơn vị Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Công ty điều hành dầu khí biển Đông (BIENDONG POC) đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống, ứng phó khẩn cấp với những tình huống có thể xảy ra.
Trong đó, quyết định quan trọng nhất chính là việc không tiến hành đổi ca thường xuyên cho các cán bộ, kỹ sư, người lao động (NLĐ) trên các giàn khoan, công trình dầu khí. PVEP đã tạm dừng đưa người ra các công trình để kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng, sửa chữa nếu không quá cần thiết. Các nhân sự đổi ca được yêu cầu có mặt tại Vũng Tàu trước khi ra giàn 7 ngày và sẽ tiến hành test RT - PCR trước khi đi giàn 1 ngày. Cá biệt như dự án Bir Seba (Algeria), do điều kiện công trình dầu khí ở nước ngoài nên hơn 1 năm qua, các cán bộ biệt phái tại dự án đã không đổi ca, vẫn tiếp tục bám trụ.
Với quy mô dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay, TP.HCM hiện đang là địa phương có số lượng ca nhiễm nhiều nhất cả nước, bên cạnh đó, các tỉnh thành lân cận đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối hoạt động di chuyển từ TP.HCM, đặc biệt là TP Vũng Tàu cũng đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của các đơn vị dầu khí.
Người lao động BIENDONG POC được tư vấn, kiểm tra y tế trước khi tiêm vaccine COVID-19.
Từ ngày 14/7/2021, BIENDONG POC kích hoạt chương trình chia khối làm việc ngoài khơi thành 3 ca, đảm bảo có một ca sản xuất ngoài biển, một ca túc trực ở TP.HCM và một ca ở Vũng Tàu sẵn sàng thay thế nếu trên giàn có trường hợp nhiễm COVID-19, thời gian làm việc trên giàn cũng như đổi ca sẽ phải lâu hơn bình thường (4-5 tuần hoặc cho đến khi hết dịch) thay vì 3 tuần như bình thường.
Anh Đoàn Mai Lâm - Giàn trưởng Hải Thạch - Mộc Tinh chia sẻ: "Trước tình hình hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của BIENDONG POC là thực hiện "mục tiêu kép", đảm bảo SXKD cũng như an toàn cho người lao động" . Anh Đoàn Mai Lâm cho biết, anh em trên giàn cam kết tuân thủ nghiêm túc những chính sách, quy định của nhà nước, tập đoàn, công ty về phòng chống dịch bệnh và cũng không quên rèn luyện sức khỏe, tinh thần và khả năng thích ứng với những thay đổi mới, cùng đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Công nhân ra vào cảng Vietsovpetro được kiểm tra nghiêm ngặt.
Cùng với tiến trình phòng chống dịch COVID-19 của toàn tập đoàn, trung tâm điều độ khí Việt Nam (ĐĐK) - Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) giành nguyên tháng 6/2021 thực hiện khoanh vùng an toàn bậc 1 (Zone 0), tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu cách ly, để bảo vệ khu vực điều hành trọng yếu cho toàn bộ hệ thống khí cả nước.
Trong hàng rào ngăn cách 24/7, cuộc sống làm việc vẫn diễn ra liên tục, đề cao trách nhiệm và sự hy sinh cho dòng năng lượng quốc gia. Trung tâm ĐĐK được xác định là "Vùng đảm bảo an toàn tuyệt đối" - Zone 0 trong mức an toàn công trình khí. Theo quy định, Zone 0 là "Vùng bất khả xâm nhập" nhằm đảm bảo cách ly tuyệt đối với dịch bệnh. Khi đạt ngưỡng báo động dịch bệnh kích hoạt Zone 0, đối tượng được phép ra/vào Zone 0 cực kỳ hạn chế. Toàn bộ ê kíp làm việc, từ trưởng trung tâm đến các vận hành viên, nhân viên xử lý sự cố đều phải thực hiện cách ly ngay tại trung tâm.
Kể từ ngày 1/6/2021 đến nay, Zone 0 - Trung tâm ĐĐK đã nghiêm túc cách ly 45 ngày, đây là sự kiện chưa từng có, thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo và nhân sự của trung tâm ĐĐK thực hiện chia ca làm việc, sống tách biệt theo thời gian biểu "trực chiến" với việc chấp nhận rất nhiều thay đổi gò bó và thử thách, khi vẫn đảm bảo guồng công việc căng thẳng, có nhiều phát sinh biến động trong mùa dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Để hỗ trợ trung tâm hoàn thành nhiệm vụ, các bộ phận liên quan của PV GAS luôn đảm bảo các công tác hậu cần như thực hiện khử trùng tổng thể định kỳ và khử trùng tăng cường các khu vực quan trọng; cung cấp các bữa ăn dinh dưỡng và hỗ trợ liên hệ tối đa; động viên tinh thần anh em "nơi tuyến đầu" thông qua các kênh giao tiếp online.
Trong bối cảnh đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: bố trí cho CBCNV làm việc từ xa, trừ các trường hợp cần thiết phải có mặt tại trụ sở cơ quan, giao trưởng các ban/văn phòng Tổng Công ty chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, không làm gián đoạn hoạt động SXKD; hạn chế đi lại, tiếp xúc tập trung đông người, thực hiện làm việc online, họp trực tuyến đối với khối văn phòng. Đặc biệt hơn, PV Power đã yêu cầu các đơn vị, nhà máy triển khai việc cách ly trong nhà máy đối với toàn bộ đội ngũ vận hành, bảo dưỡng.
Khu vực nghỉ ngơi, cách ly của CBCNV tại hội trường nhà máy đạm Phú Mỹ.
Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các nhà máy, cơ sở sản xuất trong tình hình mới, các nhà máy đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau cũng nâng mức độ phòng chống dịch với việc cách ly tập trung cho toàn bộ nhân lực vận hành, bảo dưỡng tại chỗ, đảm bảo hoạt động SXKD thông suốt trong bối cảnh thị trường phân bón đang khan hàng, sốt giá.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc, Chủ tịch công đoàn Nhà máy đạm Phú Mỹ cho biết, từ ngày 31/05, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, quyết định vận hành nhà máy theo chế độ Level 2. Theo đó, hầu hết CBCNV khối hành chính sẽ làm việc online tại nhà. Đối với CBCNV khối vận hành sản xuất, phân ca theo hình thức 2 ca 4 kíp (mỗi kíp 40 người). Điều đó có nghĩa là, 1 kíp làm việc, 1 kíp nghỉ ngơi và thực hiện cách ly ngay tại hội trường nhà máy trong thời gian chờ đổi ca, còn 2 kíp được chia ra cách ly tại khách sạn ở TX. Phú Mỹ và ở tại TP. Vũng Tàu để đảm bảo giãn cách, giảm rủi ro trong phòng dịch.
Phương án này nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như giúp cân bằng trạng thái tâm lý, tư tưởng, sức khỏe cho CBCNV sau những ngày làm việc, cách ly tập trung. Anh Bùi Đình Thư, Trưởng ca nhà máy đạm Phú Mỹ chia sẻ, đây là lần đầu tiên nhà máy áp dụng phương án vận hành, cách ly này. Trước đây, cứ xong ca là anh em về nhà với gia đình, vợ con, được cà phê với bạn bè... nhưng nay không được như vậy.
Thêm là mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, người thì sau giờ làm phải lo cho con cái, người chăm cha mẹ già yếu, nay đột ngột vắng nhà cả tháng trời. Thế nên, thời gian đầu, nhiều anh em khá bỡ ngỡ, tâm tư. Rồi những ngày làm việc trong nhà máy cũng đặc biệt, anh em phải đeo khẩu trang cả ngày, phải giữ khoảng cách, mùi từ dung dịch khử khuẩn... khiến anh em ít nhiều bị áp lực, căng thẳng hơn so với thường ngày.
Người ra vào Nhà máy Đạm Cà Mau được kiểm soát chặt chẽ.
Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau - PVCFC quán triệt nguyên tắc "nhiều vòng nhiều lớp" từ nhà máy đến nhà công vụ để không bỏ sót bất kỳ mối nguy nào. Từ khi dịch bệnh diễn biến trở lại và có phần phức tạp hơn, ban lãnh đạo công ty đã sớm chủ động lập phương án phòng vệ với nhiều kịch bản chặt chẽ. Trong đó, lập khu cách ly ngay tại nhà máy, tập trung đội ngũ đảm bảo vận hành hệ thống xuyên suốt, sản xuất đều đặn song song kiểm soát dịch bệnh, tránh có ca nhiễm phát sinh.
Tại cụm khí - điện - đạm Cà Mau đã có sự phối hợp khoa học, nhuần nhuyễn để đạt hiệu quả tốt nhất. Theo đó sẽ đóng cửa toàn bộ các khu vui chơi thể thao; thực hiện giãn cách 14 ngày đối với toàn thể cư dân sinh sống tại khu nhà; các nhân sự hỗ trợ như bảo vệ, cây xanh, tài xế - những người có khả năng tiếp xúc bên ngoài nhiều cũng được cách ly ngay trong khu nhà công vụ; chuyển sang hình thức làm việc online ngoại trừ một số nhiệm vụ chuyên môn đặc trưng; công tác giao nhận hàng hóa tiến hành với yêu cầu quy tắc 5K cao nhất.
Cuối tháng 6 vừa qua, nhận thấy dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Quảng Ngãi, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) thiết lập quy trình "bong bóng" làm việc - sinh hoạt khép kín, đảm bảo cho nhân sự vận hành NMLD Dung Quất an toàn với đại dịch. Theo đó, hơn 1.000 nhân sự vận hành sản xuất và các ban chức năng thuộc khối Nhà máy sau mỗi giờ làm việc theo ca kíp tại Nhà máy sẽ được phục vụ ăn uống tại căng tin rồi trở về khu tập trung nghỉ ngơi, được bố trí trong văn phòng nhà máy. Tất cả sinh hoạt của các nhân sự chủ lực được gói gọn trong khuôn viên khu hành chính Nhà máy; không ai được ra khỏi khu vực Nhà máy trong vòng 21 ngày hoặc đến khi có thông báo mới.
Lãnh đạo BSR kiểm tra khu vực ăn nghỉ của CBCNV trong NMLD Dung Quất.
Giống như NMLD Dung Quất, theo tình hình tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, công ty công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) đã kích hoạt các phương án phòng chống COVID-19 cấp độ cao nhất, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi để lên cách phương án phòng, chống dịch bệnh; cập nhật, tuyên truyền thường xuyên các thông tin về dịch bệnh cho người lao động biết, đồng thời tổ chức xét nghiệm PCR cho tất cả người lao động và tổ chức thực hiện làm việc, ăn, ở và sinh hoạt tại các khu vực do DQS bố trí.
Trong đợt dịch lần này, có khoảng gần 500 người lao động làm việc tập trung tại DQS. Để đảm bảo cho việc ăn, ở của người lao động tại công ty, DQS đã bố trí nơi ăn ở, chăn màn, quần áo, thực phẩm và phương tiện di chuyển, sử dụng cho hơn 500 người. Đồng thời bố trí đầy đủ nước rửa tay, đồ bảo hộ và thường xuyên phun khử khuẩn, dọn dẹp các khu nhà được sử dụng làm nơi làm việc và ăn, ở tập trung của người lao động.
Song song với thực hiện phương châm "ba tại chỗ", Petrovietnam và các đơn vị cũng tích cực phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng để nhanh chóng tiếp cận và triển khai tiêm vaccine cho các cán bộ, nhân viên, người lao động, đặc biệt đối với lực lượng lao động trực tiếp tại các công trình dầu khí, nhà máy, dự án. Đến nay, Petrovietnam đã triển khai an toàn việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 1 vạn lượt CBCNV, kể cả lao động là chuyên gia nước ngoài.
CĐ DKVN và lãnh đạo PVEP thăm hỏi động viên cán bộ biệt phái tại Algeria.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo tập đoàn, công đoàn dầu khí Việt Nam cũng như các đơn vị cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên cán bộ, người lao động sản xuất trực tiếp tại các công trình, dự án, nhà máy, cũng như hỗ trợ đơn vị tạo điều kiện tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần để anh em yên tâm làm việc. Công đoàn cơ sở thường xuyên trao đổi nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của người lao động để nhanh chóng hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời.
Nhiều đơn vị, nhà máy thành lập tổ kiểm tra cộng đồng, tổ phòng dịch, có nhiệm vụ kết nối 24/24 với tất cả anh em đang thực hiện cách ly qua những kênh tương tác mạng xã hội, email hay qua điện thoại để kịp thời ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của anh em. Lãnh đạo đơn vị sẽ căn cứ từ đó mà có những hỗ trợ và giải quyết nhanh nhất mọi vấn đề, giúp anh em yên tâm làm việc, nghỉ ngơi khi cách ly trong thời gian "ba tại chỗ".
"Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thật sự là liều thuốc tinh thần động viên anh em, giúp anh em thêm động lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lúc này" , anh Bùi Đình Thư, Trưởng ca nhà máy đạm Phú Mỹ tâm sự.
Tại giao ban tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới của tập đoàn và các đơn vị là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phối hợp, tìm nguồn vaccine để tiêm cho CBCNV trong toàn tập đoàn vì mục tiêu an toàn cho người lao động, an toàn SXKD. Với phương châm "ba tại chỗ" đang được triển khai sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, cùng sự đồng lòng, quyết tâm cũng như sự sẻ chia, tinh thần trách nhiệm vì công việc của tập thể người lao động dầu khí, chắc chắn rằng, Petrovietnam sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục là điểm sáng trong việc thực hiện "mục tiêu kép".
Thêm cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ Phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện còn yếu và cần những chính sách phù hợp để phát triển. Thiết kế sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại một doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành...