Con đường hoàn lương của “giang hồ Hà Thành” từng bị bố mua sẵn mộ
Ngoài 30 tuổi mang cơ thể rệu rã, dễ chết bất kỳ lúc nào, gia đình không ai buồn ngó, Minh quyết bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
Nửa đêm, tầng 2 của cơ sở hỗ trợ sau cai nghiện tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội vẫn sáng đèn. Một học viên đang lên cơn thèm thuốc. Bùi Ngọc Minh cùng với 3 anh em khác người giữ tay, chân, người thay nhau xoa bóp, bấm huyệt. Con nghiện vật vã, gào lên như con thú bị thương, bọt mép sùi ra. Sau cơn thèm thuốc, anh ta nằm thõng thượt, không cựa quậy. Minh lúc này mới thở phào, khuôn mặt giãn ra.
Mỗi lần chứng kiến một học viên vật vã vì lên cơn thèm ma túy, Bùi Ngọc Minh (43 tuổi) lại như nhìn thấy mình 10 năm về trước.
Anh Minh (phải) hướng dẫn cho học viên ở cơ sở hỗ trợ sau cai nghiện thuộc hội thánh tin lành Exechien, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.
Là con trai duy nhất trong gia đình bố mẹ đều là cán bộ nhà nước ở Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, Minh được chiều chuộng từ bé. Năm 14 tuổi, chàng công tử bỏ nhà đi bụi, sống bằng trấn lột, cướp giật.
Sau 5 năm chơi bời, Minh bắt đầu nghiện ma túy. Thi đậu 2 trường đại học, nhưng mỗi trường, anh chỉ học được hai năm rồi bỏ. Tài sản trong nhà đều đội nón ra đi. Bố đánh chửi vẫn vô ích. Minh đi đòi nợ thuê, đâm chém, buôn ma túy và gái mại dâm.
Năm 2002, khi con trai đang thụ án, mẹ Minh đi thăm. Để đến được trại, bà phải xắn quần lội qua mấy trăm mét ruộng. “Trời mưa, bà một tay cầm dép, một tay xách túi mì tôm, vai khoác túi đồ ăn cho tôi. Nhưng mẹ đến, tôi chỉ hỏi ‘tiền mua ma túy đâu’. Bà không cho, tôi chửi bới rồi đuổi mẹ về. Bà cứ chạy theo tôi, vừa khóc, vừa năn nỉ cầm túi đồ ăn mà tôi không chịu”, Bùi Ngọc Minh day dứt kể.
Bất lực, bố Minh mua mộ để sẵn cho cậu con trai. Ông sợ sau này vợ chồng mình qua đời, con chết chẳng ai chôn. Biết tin, Minh lôi người đang cùng cai với mình ra đánh một trận cho bõ tức.
Sau 2 lần thụ án, năm 32 tuổi, Minh rời trung tâm cai nghiện khi cơn khát ma túy vẫn còn, cộng thêm bệnh lao phổi, ho ra từng chén máu. “Tôi cáu gắt và thù ghét mọi người, cảm giác ai cũng ghê tởm và muốn tránh xa mình”, anh nói.
Có lần Minh bỏ đi suốt một tuần, về nhà chào hỏi nhưng bố mẹ không nói gì. Bữa cơm hai ông bà ngồi ăn cũng không bảo ăn cùng. “Tôi lặng lẽ như một cái bóng. 10 phút sau khi về nhà, tôi lại bỏ đi”, Minh nhớ lại.
Vợ chồng anh Minh hiện sống ở Sơn Tây (Hà Nội). Hàng ngày anh đi đi về về với gia đình, tuần trực đêm 2 – 3 buổi. Ảnh: Ngọc Minh.
Nửa cuộc đời, mang theo cơ thể rệu rã, sống không mục đích, Minh mệt mỏi, cô đơn cùng cực. Nhưng quyết tâm làm lại cuộc đời chỉ xuất hiện khi Minh gặp một người bạn cũ gần nhà: “Nó cũng từng rệu rã vì ma túy, đầu trộm đuôi cướp như mình, giờ bỗng khỏe khoắn, vui vẻ, tôi ngạc nhiên lắm. Tôi đồng ý theo cậu ta đi cai nghiện, vì đã cùng đường rồi”.
Vào cơ sở ở Phúc Thọ, Minh đau đớn suốt 3 tháng, vừa đánh vật với cơn thèm thuốc, vừa phải chữa lao tái phát, nhưng gồng mình chịu đựng vì biết không cố lúc này sẽ không bao giờ vượt qua được.
Video đang HOT
“Tôi từng đi cai nghiện nhiều cơ sở, nhưng không ở đâu mọi người đồng cảm và động viên tôi nhiều như ở đây. Với lại, thời gian này, khi những người thân đã không còn quan tâm, mẹ vẫn đến thăm tôi khiến tôi vừa biết ơn, vừa day dứt. Động lực cai nghiện của tôi càng mạnh mẽ hơn”, Minh nhớ lại.
Sau 6 tháng, một lần, Minh bắt gặp một học viên vào trước mình có biểu hiện phê ma túy, ngồi gần người này nhưng anh không còn cảm giác thèm. Anh khấp khởi “mình sắp đoạn tuyệt với nó rồi!”.
Sau hơn 3 năm, Minh về thăm nhà ở Kim Liên, người hàng xóm vui vẻ chào, “Dạo này Minh đẹp trai quá”. Anh chỉ cười, bảo “Đẹp gì thằng nghiện như em”. Người này nhìn Minh chân thành “Đừng bao giờ nói vậy nữa, mọi chuyện qua lâu rồi, em đâu còn là nghiện nữa’. Khoảnh khắc đó, Minh biết mình đã chiến thắng bản thân và được thừa nhận.
Từ năm 2009 đến nay, Bùi Ngọc Minh ở lại cơ sở này với vai trò quản lý. Cùng với các cộng sự, anh đã hỗ trợ được khoảng 100 người cai nghiện. Những học viên vào đây đủ mọi cá tính, đều vướng “bụi bặm giang hồ”, vì vậy, bao dung, thấu hiểu là cách Minh chinh phục họ.
“Có học viên hơn tuổi tôi vào nhà vệ sinh lén hút thuốc lá, trái quy định. Tôi âm thầm theo dõi và biết được nhưng chỉ gọi riêng anh ấy ra bảo ‘Thôi, anh bỏ đi nhé!’. Anh ấy nói chính thái độ nhẹ nhàng của tôi khiến anh cảm động, xấu hổ và quyết định bỏ thuốc”, Minh kể.
Giữa năm 2018, một học viên mới đến đập phá đồ đạc, xô xát với 3 học viên cũ. Theo quy định, cả 4 đều bị kỷ luật, trả về nhà hoặc chuyển cơ sở. Sau khi tìm hiểu ngọn ngành, biết học viên mới mệt mỏi và không kiềm chế do thiếu ma túy, anh chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại, không bị trả về. Một người không thể về nhà do vay tiền của xã hội đen chưa trả, Minh đưa đến ở nhờ nhà người thân của mình. Hàng ngày, anh trích một phần thu nhập chu cấp cho học viên này ăn uống, sinh hoạt.
Từng được hỗ trợ cai nghiện 8 năm trước, với Nguyễn Đức Huy (40 tuổi, Bắc Ninh), Minh vừa là anh, vừa là thầy. “Suốt 7 đêm liền, khi tôi vật vã vì khát ma túy, anh Minh thức trắng, vừa xoa bóp, bấm huyệt vừa động viên tôi. Không phải là họ hàng, không thân quen nhưng anh chăm sóc tôi như người nhà, giúp tôi làm lại cuộc đời”, người đàn ông từng nghiện ma túy 20 năm kể.
Anh Minh đưa gia đình đi tắm biển năm 2017. Ảnh: Ngọc Minh.
Vợ Minh, chị Nguyễn Thị An (32 tuổi, bán quần áo) cho biết những khi vợ bận việc, anh vẫn tắm cho con, đưa đón các bé đi học, lau nhà, nấu ăn giúp vợ. “Từ một người lầm lì, ít nói, giờ anh ấy mở lòng và biết quan tâm, yêu thương vợ con hơn. Trước kia anh ấy còn chửi tục, giờ hết hẳn, cũng không rượu, bia thuốc lá nữa”, chị kể. Những phản đối, dị nghị của gia đình, làng xóm khi chị đến với anh 9 năm trước giờ cũng không còn.
“Tôi nhận thấy trước kia mình được chiều chuộng quá, lại không được bố mẹ định hướng gì nên sinh hư, sống không mục đích. Vì vậy, với các con, vợ chồng tôi luôn cố gắng gần gũi, làm bạn để hiểu mong muốn của các bé nhưng tuyệt đối không nuông chiều”, Minh nói. Ông bố 3 con cũng soạn sẵn nội quy với các mức phạt từ nhẹ đến nặng để lũ trẻ không tái phạm.
Ở thôn Bướm, xã Thọ Lộc, Phúc Thọ, người dân giờ đây thỉnh thoảng vẫn thấy các nhóm đội viên từ trại cai nghiện đi hỗ trợ dân làng làm đường, đào cống. “Lúc đầu nghe mở trại ở đây, dân trong thôn ai cũng sợ bị cướp bóc. Nhưng 10 năm qua, cơ sở này được quản lý rất tốt. Tôi từng chứng kiến nhiều người khi vào thì ngổ ngáo, gầy ốm như que củi, nhưng lúc ra thì điềm đạm, vui vẻ, béo tốt”, ông Khuất Hữu Khôi, bí thư, trưởng thôn Bướm, cho biết.
“Tôi nhận thấy không chỉ quyết tâm của bản thân giúp con nghiện chiến thắng, mà còn cần sự bao dung của gia đình và cảm thông của những người xung quanh. Tôi vẫn dặn anh em khi rời cơ sở, nếu ngoài kia, cuộc sống ngột ngạt và khó khăn quá, hãy quay về, tôi sẽ luôn dang rộng vòng tay”, Minh nói.
Theo Nhật Minh (Vnexpress)
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân: Tôi thấy cuộc đời đẹp lắm!
Mình chưa chắc đã hay mà sao có tí hạt bụi mình đã làm to chuyện. May mà lòng nhân ái, tình yêu thương của những người yêu mình kéo mình dậy.
Nên bây giờ tôi sống với tình yêu tha nhân, tôi cảm thấy cuộc đời đẹp lắm..., chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân kể.
Hay tin chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, pháp danh Diệu Tịnh, xuống tóc xuất gia tại một ngôi chùa ở quận 12, TP.HCM, nhiều người không ngạc nhiên mà còn chúc mừng cô đã thực hiện được tâm nguyện của mình ở đời này.
Hình ảnh cô xuất hiện trong các chương trình hướng dẫn ẩm thực, lúc nào cũng mang dáng dấp như một "bà tiên" với mái tóc bạch kim, dịu dàng phúc hậu, nụ cười nhẹ nhàng luôn hiện diện trên gương mặt.
Ít ai biết cuộc đời cô đã khóc nhiều, thăng trầm cũng nhiều. Để rồi mới đây, khi xuất hiện với một hình tướng mới - người xuất gia, khi cô chạm được vào ước nguyện từ lâu của mình thì ở cô tỏa rạng niềm bình an, nhẹ tênh.
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân trước và sau khi xuống tóc.
"Ông Phật trong lòng tôi là ông Phật trên cao. Để mình đảnh lễ và kính trọng". Đó là những ngày còn bé khi được theo mẹ đi lễ chùa, được mẹ hướng dẫn lễ Phật, cô bé Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã thấy Phật như vậy.
Từ bé không thích ăn thịt, không biết ăn cá, thậm chí cô từng thà chịu đòn của bố, chứ nhất quyết không ăn thịt cá. Khi học xa nhà, bố mẹ gửi trường dòng, "là một Phật tử được gửi vào trường dòng", cô kể mình hát thánh ca rất hay, đọc kinh thánh vèo vèo, đi nhà thờ đều như những con chiên ngoan đạo.
Lớn hơn một chút cô lập gia đình với một người có tín ngưỡng Ki-tô, cô đi nhà thờ được 2 năm rồi không đi nữa, trong thời gian ấy "tôi lén lén đi chùa, thấy thích đi chùa, bắt đầu thích sống hàng ngày với những điều Phật dạy".
Năm 1989, khi đang là cô giáo dạy Văn, với đồng lương không đủ trang trải cuộc sống gia đình, cô nghĩ cách hướng dẫn thêm nấu ăn, đan len, móc áo, thêu rua, may gia công... xoay xở đủ các nghề miễn là có thể kiếm được tiền nuôi con. Năm 1990, cô nghỉ dạy để đưa con trai út sang Úc chữa bệnh tim.
Khi trở về nước thì nợ nần chồng chất vì tiền vay chữa bệnh cho con. Nhờ khéo tay, thích làm những việc tỉ mỉ, cô tự tìm tòi dạy bổ túc, rồi đi may thuê, làm bánh... Sau đó, cô xin dạy làm bánh cho Trung tâm Dạy nghề Tân Bình. Ở đây, cô dành hết tâm huyết cho những giờ dạy về nghệ thuật nấu ăn. Năm 1993, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cần một giáo viên có kinh nghiệm dạy nấu ăn cho chương trình "Khéo tay hay làm" và Trung tâm đã giới thiệu cô tham gia chương trình này.
"Tôi là một người phụ nữ yếu đuối vì được bố mẹ chăm sóc kỹ quá, nên khi gặp khó khăn không biết bám víu vào đâu, nhưng sợ con đói con khổ, nên phải làm, phải bám vào các con. Điều quan trọng nữa là mình sống cho bố mẹ không buồn, người xung quanh không chán. Đừng bao giờ trông đợi vào một người khác, người ta có lòng họ cho gì mình nhận cái đó, nhưng mình phải đứng trên đôi chân của mình".
Ngoài ra, khi đi chùa cô cũng thường xuyên hỏi quý thầy "tại sao con khổ vậy?, được trả lời là vì là cái nghiệp, "nghiệp thì phải trả cho hết, mà mình vui thì trả nhanh, mà mình không vui thì trả hoài và cực lắm", nên cô hoan hỷ trong các hoàn cảnh bất như ý.
Trong một buổi chia sẻ ở Pháp viện Minh Đăng Quang cho khóa tu của người trẻ tháng 8/2018, cô bày tỏ, với tuổi 66, có 2 người con, trong cuộc đời cô có 2 nỗi đau lớn, đầu tiên là lúc con út cô đi mổ tim, "có thể nói cái đó là hãi hùng đối với tôi". Nỗi buồn đau thứ 2 trong đời cô là lúc con trai đầu của cô mất, cô kể, người con trai mất lúc 35 tuổi, là người rất dễ thương khỏe mạnh, không có bệnh.
Những ngày tháng đầu của biến cố lớn trong cuộc đời đó, cô như điên loạn, không làm chủ được bản thân, ngày nào cũng đi ngoài đường nhưng không biết đi đâu.
Như một duyên lành, cô đến Tứ động tâm - những thánh tích liên quan tới cuộc đời của Đức Phật, được đảnh lễ những nơi có dấu tích của Phật, đến chỗ nào cô cũng khóc, bởi vì đến chỗ nào cô cũng nhớ con, cầu xin và hồi hướng mong con được siêu thoát.
Khi đến sông Hằng, nhìn đời sống thực nơi đây, và chứng kiến cảnh người ta nhúng các trẻ sơ sinh xuống dòng sông thiêng cũng như hỏa thiêu người đã chết, "tự nhiên tôi thấy sinh tử vô thường quá", cô kể lại.
Khi trở về nhà sau chuyến hành hương, đứng trước bàn thờ con, cô nghiệm ra "duyên nợ của mẹ con tôi đủ rồi nên anh mới đi", anh đi vui vẻ, anh cười khi anh đi, "tại sao tôi cứ khóc", theo đó, nỗi đau giảm dần, chẳng có nỗi đau nào làm cho cô đau được hơn nữa.
"Sau khi thấm hiểu những lời dạy của Đức Phật bằng chính cuộc đời mình đã trải qua, tôi nhận thấy những cái vô thường, những cái hữu duyên mình gặp trong cuộc sống là... bình thường".
Cô cũng từng "thú tội, rằng có khi cô đứng trước cả ngàn sinh viên, được mời nói chuyện ở nhiều nơi, gặp học trò, gỡ rối bế tắc cho họ hay lắm. Nhưng với bản thân, cô không biết vì sao mình bế tắc đến thế, bế tắc đến mức ngộp thở, và có lúc chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải chết, vì nghĩ quẩn rồi quyết định "chết cho nó xong".
"Sau khi từ cái chết trở về, tôi ý thức được mọi người thương tôi nhiều lắm, trước đó tôi không cảm nhận được điều này...".
"Khi xuất viện về ở nhà nằm trên giường nhìn thấy câu 'ta đầy khuyết điểm sao bực bội khuyết điểm người', tôi cũng ngạc nhiên, vì câu này ngày nào cũng nhìn thấy mà sao tôi không thấm. Mình chưa chắc đã hay mà sao có tí hạt bụi mình đã làm to chuyện. May mà lòng nhân ái, tình yêu thương của những người yêu mình kéo mình dậy. Nên bây giờ tôi sống với tình yêu tha nhân, tôi cảm thấy cuộc đời đẹp lắm...", cô kể.
TT.Thích Giác Dũng thực hiện nghi thức thế phát (xuống tóc) cho cô giáo dạy Văn thời phổ thông trung học của mình - là Phật tử Diệu Tịnh Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân.
Với 25 năm gắn bó với việc hướng dẫn ẩm thực, đã có gần 90 đầu sách, hơn 2.000 món ăn được giới thiệu, giúp những người nội trợ, nhà hàng, rất nhiều về nấu ăn nhưng niềm vui thực sự, cô bộc bạch: "Cái làm tôi hạnh phúc nhất là làm 260 món ăn chay ở chương trình món chay của Diệu Pháp Âm. Chỉ mong ngày càng đưa món ăn chay đến được nhiều người hơn. Và bây giờ là ý Phật, Phật muốn tôi nấu ăn".
"Bây giờ với tôi những điều Phật dạy rất thực tế, Phật ở trong tâm, Phật ở khắp mọi nơi. Cuộc đời ai cũng có lúc bị mê mờ. Được làm người đó là phước báu, biết được Phật pháp là một phước báu. Giờ tôi mới thấy nghĩa vụ của mình là con người thì sinh ra phải sống xứng đáng với tư cách là một con người".
Góp nhặt nhiều đời...
Là một trong những vị có nhân duyên làm việc với chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân trong việc mở các lớp hướng dẫn ẩm thực chay ba miền và các khóa tu tại Pháp viện Minh Đăng Quang, cũng là người tham dự lễ xuất gia của cô, ĐĐ.Thích Minh Liên, trụ trì tịnh xá Ngọc Bình, Q.2, chia sẻ: "Cô Cẩm Vân học Phật là sự góp nhặt nhiều từ đời sống kinh nghiệm trong trường đời, kinh nghiệm từ bản thân, đời sống gia đình, trong quá trình đi dạy... Đó là những trải nghiệm rất phong phú về đời sống tinh thần, là cách cô học Phật. Nhờ chính những trải nghiệm đó là bài học làm cô ngộ ra lẽ sống cuộc đời nhiều hơn, hiểu thêm, thấm hơn sự học Phật. Mừng cho cô đã chọn con đường tu".
Theo Nhã An (Giác Ngộ online)
Bà chủ tạp hóa tuyên bố chỉ bán rau, không bán túi nilon gây sốt MXH Một chủ tiệm tạp hóa đã tiên phong kêu gọi khách hạn chế sử dụng túi ni-lông và tái sử dụng túi cũ nhằm bảo vệ môi trường, gìn giữ cho con cháu đời sau. "Tiệm tạp hóa của chị nhưng từ sáng tinh mơ đến chiều tối đã xài vài kg từ 3 kg túi ni - lông. Vậy thì thử hỏi...