Cơn đau đầu của châu Âu: Khi hai ông lớn lạc nhịp chính trị
Những biến động chính trị tại Pháp và Đức đang làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của Liên minh châu Âu (EU), khi hai nền kinh tế lớn nhất lục địa này đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng lãnh đạo nghiêm trọng.
Các nghị sỹ Pháp tranh luận tại Quốc hội ở Paris. Phần lớn họ đã bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Michel Barnier, buộc ông phải từ chức. Ảnh: Getty images
Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm cách tái thiết chính phủ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gây chấn động, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đang chật vật duy trì quyền lực khi liên minh cầm quyền sụp đổ.
Pháp trong vòng xoáy bất ổn
Tổng thống Emmanuel Macron cam kết sẽ hoàn thành nhiệm kỳ đến năm 2027, đồng thời tuyên bố thành lập chính phủ mới trong vài ngày tới. Thủ tướng Michel Barnier, người được Macron bổ nhiệm cách đây ba tháng, đã bị quốc hội bãi nhiệm hôm 4/12 sau khi không thể đạt được đồng thuận về ngân sách quốc gia năm 2025.
“Các đảng đối lập không muốn xây dựng mà chỉ tìm cách phá nó”, Tổng thống Macron chỉ trích mạnh mẽ khi phát biểu tại Điện Élysée.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực tìm lối thoát sau khủng hoảng. Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Tuy nhiên, thách thức lớn hơn đang nằm ở cấu trúc chính trị của quốc hội Pháp, nơi không có khối nào chiếm đa số và sự hợp tác giữa các phe phái trở nên vô cùng khó khăn. Chuyên gia Mathieu Gallard từ Ipsos nhận định: “Tình trạng chia rẽ này khiến việc thông qua ngân sách trở thành nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt khi không có nhóm chính trị nào sẵn sàng thỏa hiệp”.
Khủng hoảng tại Đức làm trầm trọng thêm bất ổn
Không chỉ Pháp, Đức cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tương tự. Thủ tướng Olaf Scholz đã mất đi sự ủng hộ từ các đối tác liên minh, và giờ đây phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào cuối tháng, trước thềm bầu cử liên bang dự kiến vào tháng 2 năm tới.
Theo giáo sư Tanja Brzel từ Đại học Tự do Berlin, cả hai cuộc khủng hoảng này là “thách thức lớn” đối với EU, mặc dù bà không cho rằng liên minh này đang đứng trước nguy cơ tan rã.
Bà Brzel cảnh báo “Pháp và Đức thường là đầu tàu giúp EU thể hiện tiếng nói trên trường quốc tế. Nhưng khi cả hai nước đều rơi vào bất ổn, sức mạnh lãnh đạo này bị suy giảm nghiêm trọng”.
Áp lực đối với an ninh châu Âu và quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Khủng hoảng chính trị tại hai quốc gia lớn nhất châu Âu xảy ra vào thời điểm nhạy cảm, khi EU đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine. Alexandra de Hoop Scheffer, quyền Chủ tịch Quỹ Marshall Đức tại Mỹ, cho biết: “Mối lo lớn nhất của châu Âu hiện nay là cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump sắp bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Có nhiều lo ngại rằng chính quyền ông Trump có thể đưa ra các thỏa thuận bất lợi cho châu Âu”.
Sự chia rẽ trong chính sách ngân sách và quốc phòng giữa các nước thành viên EU càng làm gia tăng thách thức. Những tranh luận về việc ưu tiên tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng các nghĩa vụ NATO hoặc tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra đã làm lộ rõ sự bất đồng giữa các nước, đặc biệt là tại Pháp và Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào cuối tháng 12. Ảnh: AFP/TTXVN
Tác động tới EU và tương lai quan hệ quốc tế
Sự bất ổn tại Pháp và Đức không chỉ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của hai nước trong EU mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Theo bà de Hoop Scheffer: “EU vốn đã chia rẽ về cách tiếp cận cuộc chiến tại Ukraine. Khủng hoảng lãnh đạo tại Pháp và Đức càng khiến châu Âu khó đạt được sự thống nhất, điều này sẽ làm giảm sức mạnh của EU trên trường quốc tế”.
Khi hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu gặp khó khăn, năm 2024 có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, không chỉ với EU mà còn với toàn bộ trật tự quốc tế.
Với sự lãnh đạo lung lay, châu Âu có nguy cơ bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong bối cảnh an ninh và kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều áp lực.
Pháp tìm kiếm thủ tướng mới
Ngày 5/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp thuận đơn từ chức của chính phủ do Thủ tướng Michel Barnier đứng đầu sau khi các nghị sĩ phe đối lập "lật đổ" ông trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm một ngày trước đó.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tuyên bố của Điện Elysee, trong thời gian chờ thành lập chính phủ mới, Tổng thống Macron đã yêu cầu ông Barnier lãnh đạo chính phủ lâm thời để xử lý các vấn đề hiện tại.
Hiện Tổng thống Macron đang tìm cách nhanh chóng bổ nhiệm thủ tướng mới thay thế ông Barnier.
Ông Barnier mới chỉ đảm nhiệm chức Thủ tướng Pháp từ tháng 9 sau cuộc bầu cử quốc hội sớm hồi tháng 6, với kết quả là không đảng nào giành được thế đa số, trong khi phe cực hữu nắm giữ đủ số phiếu để quyết định sự tồn tại của chính phủ.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Barnier diễn ra sau khi ông này quyết định sử dụng các quyền lực đặc biệt theo Hiến pháp để thông qua một phần kế hoạch ngân sách gây tranh cãi mà không có cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại quốc hội.
Theo đó, ông Barnier đã trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại.
Chính phủ Pháp sụp đổ: Hệ lụy và những thách thức trước mắt Ngày 4/12, chính phủ Pháp chính thức sụp đổ sau khi Thủ tướng Michel Barnier thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự thay đổi quyền lực chính trị mà...