Cơn bão Việt Á đã nổi, xin Quốc hội ‘cứu’ cả ngành y tế đang chao đảo
Những lỗ hổng về pháp luật, về chính sách đang khiến hàng nghìn cán bộ y tế nản lòng xin thôi việc vì khổ, vì sợ; một số thì lợi dụng chia chác, chấm mút, xà xẻo.
Trực trạng đau lòng này được đại biểu phản ánh và khẩn thiết mong Quốc hội sớm đưa ra phương thuốc để trị bệnh.
“Cơn bão” Việt Á đã nổi…
Sáng nay 13.6, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo luật Khám, chữa bệnh (KCB) sửa đổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết đã tròn 40 năm làm nghề y chưa bao giờ ông thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Lý do là vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu người bệnh như cứu hỏa.
Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu sáng 13.6. Ảnh GIA HÂN
“Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày, làm đêm bất chấp nguy hiểm khó khăn. Mặc dù thù lao đêm trực chống dịch của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm. Xin được nhắc lại để Quốc hội rõ, khi đi giám sát với Ủy ban Xã hội, chúng tôi được biết tại tỉnh Quảng Ninh, một đêm trực trong thời kỳ dịch của cán bộ y tế cơ sở chỉ được thù lao là 18.600 đồng”, đại biểu Trí nói và cho rằng, những quy định của luật pháp không còn phù hợp để chống dịch, đã bó tay ngành y, đã không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đang đóng góp.
Video đang HOT
“Hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó và cũng do luật bị thiếu, bị sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội vươn lên, họ trục lợi, họ xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác, cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý”, vị đại biểu đoàn Hà Nội trăn trở.
Chiến binh áo trắng buông tay đứng nhìn
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, hiện nay y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch Covid-19, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay đang buông tay đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ.
Và vì việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như sở y tế, Bộ Y tế đang bị đình đốn vì họ còn phải bận làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra và thế là hoạt động khám, chữa bệnh đã bị ảnh hưởng rất lớn.
“Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, cho chính người dân, cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó. Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được. Và tôi tin Quốc hội cũng đã thấy điều đó, nhân dân đã thấy rất rõ điều đó và báo chí đã và đang lên tiếng rất nhiều về điều đó. Bởi vậy, nhân diễn đàn này, tôi xin kêu gọi Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế”, đại biểu Trí khẩn thiết đề nghị.
Vị đại biểu là Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị, trước mắt cần triển khai cho được những nội dung của Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội; Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, để chống dịch, để khám bệnh, chữa bệnh và cũng để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.
Thứ 2, đồng thời phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm luật KCB, luật Bảo hiểm y tế, luật Phòng, chống dịch và cả những luật khác có liên quan như về giá, luật Đấu thầu, mua sắm, luật Tài sản công; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện.
“Cuối cùng, cho tôi xin nói, hiện tại ngành y Việt Nam cần lắm sự thấu hiểu, sự chia sẻ, sự động viên, sự tin yêu từ chính nhân dân và trong toàn xã hội, từ Chính phủ, từ T.Ư. Vâng, hơn bao giờ hết, lúc này đây, toàn ngành y tế Việt Nam đang cần những phương thuốc đó”, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nộp đơn xin thôi việc
Bộ Y tế xác nhận Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nộp đơn xin thôi việc. Việc này đang được các cơ quan Chính phủ xem xét.
Sáng nay 7.6, thông tin từ Bộ Y tế xác nhận với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nộp đơn xin thôi việc.
Cụ thể, ông Sơn đã nộp đơn xin thôi việc từ khoảng 1 tháng trước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh GIA HÂN
Theo Bộ Y tế, chức danh thứ trưởng do Chính phủ bổ nhiệm, do đó, nguyện vọng của Thứ trưởng Sơn đang được các cơ quan của Chính phủ đang xem xét.
Trước đó, trong năm 2021 và 2022, ông Nguyễn Trường Sơn đã bị kỷ luật 2 lần với mức kỷ luật là khiển trách và cảnh cáo.
Cụ thể, đầu tháng 11.2021, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế do những vi phạm liên quan tới sai phạm của Cục Quản lý dược và nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, khiến nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, và xử lý hình sự.
Tới tháng 1.2022, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã ký quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế. Đây là quyết định kỷ luật về hành chính tương ứng với kỷ luật về Đảng nói trên.
Tiếp đó, tại kỳ thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư (16 - 17.5), UBKT T.Ư quyết định cảnh cáo các ông Nguyễn Trường Sơn do những vi phạm liên quan đến vụ việc tại Công ty Việt Á.
Cụ thể, theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Ông Nguyễn Trường Sơn cùng nhiều lãnh đạo Bộ Y tế, trong đó có cả Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hiện ông Sơn vẫn chưa bị kỷ luật về mặt hành chính đối với những vi phạm này.
Ông Nguyễn Trường Sơn (56 tuổi), quê quán tại TP.HCM. Ông Sơn có nhiều năm gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy từ 2008 tới 2018.
Tới tháng 11.2018, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn khi đó là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế.
Khi là Thứ trưởng Bộ Y tế, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, ông Sơn là một trong những lãnh đạo Bộ Y tế luôn sao sát, có mặt tại những điểm nóng khi dịch bùng phát.
'Việt Á là ai, sao lại có quyền lực chi phối lớn đến vậy?' Đại biểu Trà Vinh Trần Quốc Tuấn đặt ra hàng loạt câu hỏi từ vụ Việt Á khi cho rằng, sai phạm xảy ra ở nhiều địa phương, cả ở T.Ư nhưng cách thức thì lại giống nhau. "Lãng phí niềm tin của nhân dân" Chiều 2.6, Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021....