‘Còn bao nhiêu Luyện, Dưỡng trong mỗi chúng ta?’
“Sau vài vụ thảm sát tiệm vàng liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, người ta bắt đầu hoang mang rằng có bao nhiêu Luyện, bao nhiêu Dưỡng trong mỗi chúng ta và trong cộng đồng?” – bức xúc trước thực trạng tội phạm chưa thành niên gia tăng, chuyên gia Thu Quỳnh (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã gửi đến VietNamNet bài viết phân tích sâu về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu.
Gần đây, ngày càng nhiều vụ án giết người máu lạnh tới nỗi nhấp chuột vào internet là nhìn thấy những dòng title nóng hổi luôn đạt mức được theo dõi nhiều nhất ở các báo.
Anh bạn tôi ở một tờ báo pháp luật cũng phải thốt lên rằng “bây giờ cướp giết hiếp là tin hot nhất”.
Điều ấy chứng tỏ tình trạng tội phạm đang ở mức báo động và được dư luận toàn xã hội quan tâm sát sao.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận đi hết cú sốc này tới cú sốc khác là tỉ lệ tội phạm chưa thành niên ngày càng tăng cao.
Nhiều người không khỏi giật mình trước công bố tại diễn đàn Quốc hội cho thấy tình hình tội phạm tuổi vị thành niên quá cao, chỉ sau 5 – 10 năm nữa cả nước sẽ có gần 1 triệu người có tiền án tiền sự, trong đó có đến 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi.
Từ 2010, thống kê tội phạm của thành phố lớn nhất cả nước cho thấy có tới gần 20% tội phạm chưa thành niên phạm pháp hình sự bị bắt giữ, xử lý.
Có lẽ chưa khi nào liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường đẫm máu như thời điểm hiện nay, liên tiếp các clip đánh nhau được tung lên mạng. Nhiều bậc phụ huynh bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của con mình, thậm chí không ít người băn khoăn rằng có khi nào điều đó xảy ra – bao nhiêu phần trăm một đứa trẻ chưa trưởng sẽ thành nạn nhân hay tội nhân?
Dương Phương Thuấn, học sinh lớp 8 giết bạn để cướp chiếc xe đạp tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh (Ảnh: Báo Bắc Ninh)
Sau vài vụ thảm sát tiệm vàng liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, người ta bắt đầu hoang mang rằng có bao nhiêu Luyện, bao nhiêu Dưỡng trong mỗi chúng ta và trong cộng đồng?
Hàng trăm, nghìn phản hồi trực tiếp (comment) ồ ạt trên các trang mạng đều đòi tăng nặng khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên phạm tội, bởi không ai, dù là người hiền lành nhất có thể chịu được nụ cười nhếch mép lạnh lùng bình thản của kẻ thủ ác mất nhân tính.
Video đang HOT
Sự tức giận của xã hội như được đổ thêm một chảo dầu khi có nhiều học sinh tỏ ra thích thú với trò đùa “thần tượng Lê Văn Luyện”.
Tăng nặng khung hình phạt cho những kẻ thủ ác dã man kể cả tuổi teen dường như là biện pháp hiệu quả nhất mà nhiều người nghĩ đến.
Phải chăng, khung phạt bây giờ không đủ tính răn đe? Có phải luật pháp nước ta còn quá nương tay? Sự bình luận này xôn xao tới mức có một vài ý kiến cho rằng chính người lớn cũng đang dần lạnh lùng hơn với những đứa trẻ hư và kêu gọi lòng từ bi hỉ xả trong mỗi con người.
Và quả thật, khung hình phạt cứng rắn có vẻ như chưa phải là câu trả lời phù hợp nhất, bởi chỉ một thời gian ngắn sau, cả nước lại rúng động khi có vụ cướp tiệm vàng giết người dã man tại Thường Tín được thực hiện bởi một người đàn ông thành niên.
Hiển nhiên anh ta biết hình phạt nào đợi mình nếu như bị sa lưới pháp luật. Vậy tại sao anh ta vẫn giết người khi biết chắc không thoát án tử cũng như khó lòng chạy trốn?
Như vậy dư luận, nhà giáo dục, người làm công tác xã hội trải qua biết bao cung bậc cảm xúc. Từ phẫn nộ, xót xa và đến lo lắng trước những câu hỏi còn đang treo lơ lửng đó và đi tìm lời giải.
Quả không sai nếu cho rằng có “gen côn đồ” theo một số nghiên cứu tội phạm học đã khẳng định – ở một số người, tỉ lệ gen MAO-A dẫn tới xu hướng bạo lực, tham gia vào các băng đảng tội phạm nhiều hơn.
Lê Văn Luyện, hung thủ trong vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (Ảnh: VietNamNet)
Tính côn đồ, hung hãn ở những đối tượng bạo lực trẻ hiện nay không chỉ là do tính cách, lối sống, môi trường sống quy định mà còn bị chi phối một phần không nhỏ bởi nhóm gen trên.
Vai trò, trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng được xem xét lại, vì hiếm khi cây con được nuôi dưỡng tử tế lại gầy guộc khẳng khiu.
Nhưng chừng đó có lẽ chưa đủ. Khung pháp lý chưa quan trọng bằng sợi dây đạo đức. Cần phải nhìn nhận lại toàn bộ cấu trúc xã hội mỗi chúng ta đang sống. Hiện tượng trẻ hóa tội phạm gia tăng, hành xử côn đồ, thách thức dư luận của trẻ vị thành niên cho thấy một sự lung lay các giá trị, mất thăng bằng của xã hội chứ không chỉ của các cá nhân.
Những biểu hiện ở các em chỉ là biểu hiện ở nhóm nhạy cảm nhất trong xã hội, mà hành vi mang tính lặp lại ở nhiều cá nhân phản ánh những vấn đề nội tại của toàn thể cộng đồng.
Nhà xã hội học Emile Durkheim đã cho rằng “Nếu coi tội phạm như một căn bệnh xã hội, thì như vậy đã thừa nhận rằng, bệnh tật không phải là một cái gì ngẫu nhiên, mà ngược lại trong một số trường hợp, nó bắt nguồn từ chính cấu tạo căn bản của sinh vật”.
Xem xét xã hội như một tổng thể, cần phải thấy mỗi bộ phận đều có chức năng nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững.
Theo đó, xã hội tồn tại và phát triển được nhờ các thành viên chia sẻ những giá trị, chuẩn mực chung trong xã hội mà dẫn tới thống nhất xã hội.
Trong xã hội đó, con người bị quy định bởi các giá trị chuẩn mực, khung đạo đức.
Khi một sự gia tăng đột biến tội phạm trẻ có tính nguy hiểm cao là một biểu hiện của việc các giá trị chuẩn mực, khung đạo đức đang lung lay.
Có lẽ, cũng không cần phải bàn nhiều về tiêu cực, khủng hoảng trong toàn bộ các tiểu hệ thống của cả cấu trúc xã hội. Hàng ngày người đọc đều liên tục cập nhật và trực tiếp trải nghiệm những điều đó.
Chừng nào những trục trặc trong vận hành của các tiểu hệ thống khác chưa được giải quyết thì cũng khó lòng tìm được câu trả lời xác đáng cho một giải pháp đối với tội phạm vị thành niên.
Nói như vậy cũng là để san bớt gánh nặng cho giáo dục nhà trường và cả trong các gia đình.
Giáo dục nhà trường là yếu tố chủ chốt trong việc bồi đắp kiến thức và hình thành nhân cách con người, điều đó thể hiện ra hành vi ứng xử của người được thụ hưởng nền giáo dục đó.
Gia đình luôn là hạt nhân của xã hội – chịu trách nhiệm chính với mỗi cá nhân. Nhưng cả gia đình và ngành giáo dục cũng chỉ là một tiểu thành phần của xã hội, nó cũng chịu tác động đầy đủ các tiêu cực xã hội, sự đổ vỡ của các giá trị đạo đức.
Do đó, khó đòi hỏi một cá thể phải phát triển tư cách đạo đức tốt đẹp trong một xã hội mà giá trị mới đang dần được xây dựng, vẫn còn bao khoảng trống cần được bồi lấp bởi một thời gian dài các chuẩn mực xã hội còn bị xáo trộn.
Theo VietNamNet
Từ Luyện và Dưỡng: Báo động về tình trạng suy đồi đạo đức
Thời gian qua, khi dư luận chưa kịp hết bàng hoàng vì vụ án sát thủ Lê Văn Luyện giết người cướp vàng một cách man rợ thì một "Lê Văn Luyện thứ 2" lại xuất hiện khiến bất cứ ai trong xã hội cũng phải rùng mình, phẫn nộ và chua xót.
Nhìn lại hai vụ án mạng khủng khiếp này, Lê Văn Luyện và Nguyễn Hữu Dưỡng đều là những thanh niên trẻ khỏe, có gia đình đầy đủ, cuộc sống không đến nỗi tha hương cầu thực, đói rách. Nhưng cả Luyện và Dưỡng đều gây ra một tội ác tày trời đó là giết người cướp của. Khó có thể so sánh mức độ tội ác của hai kẻ sát nhân này xem ai tàn ác hơn ai bởi chúng đều đã thực hiện một hành vi giết người quá dã man, mất hết nhân tính.
Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng không thể phủ nhận dã tâm của hai kẻ sát nhân này vì chúng hành động là có mục đích và đều quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi phạm tội của mình để đạt được mục đích. Điều đó chứng tỏ những kẻ như Luyện, Dưỡng đã không hề run sợ, hay ngần ngại khi phạm tội ác, khi giết người cướp của.ti
Lê Văn Luyện và Nguyễn Hữu Dưỡng: Hai sát thủ gây án kinh hoàng để cướp vàng
Ngoài hai vụ án kinh hoàng trên, thực tế xã hội vẫn còn biết bao kẻ mất nhân tính như Luyện và Dưỡng. Đã có hàng loạt vụ án mạng xảy ra khiến dư luận nhức nhối như vụ Kim Anh cắt cổ người tình, Nguyễn Đức Nghĩa giết và chặt xác người yêu, hay những vụ án con giết cha mẹ vì bị mắng, osin giết chủ để lấy tài sản.... Không nặng nề như trên, nhưng vẫn còn bao góc tối của xã hội đang ngày càng hiện hữu như nạn hiếp dâm trẻ em, nam nữ thanh niên đánh bạn hội đồng, vi phạm giao thông... Tất cả đều đã bị lên án, chịu hình phạt thích đáng, nhưng tại sao tội ác vẫn còn tồn tại? Tất cả những điều này khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng và giật mình tự đặt ra câu hỏi, phải chăng đạo đức của một bộ phận thanh niên đang ngày càng xuống cấp trầm trọng?
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, khi báo chí vẫn còn chưa ráo mực về vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang thì lại xuất hiện Nguyễn Hữu Dưỡng ở Hà Nội, chứng tỏ, Dưỡng không hề biết sợ, vụ án Lê Văn Luyện gây ra không hề tác động đến Dưỡng. Điều này đáng báo động về vấn đề giáo dục nhân cách, đạo đức của thanh niên hiện nay.
Theo ông Lâm, Dưỡng hơn Luyện ở chỗ là có học, có công ăn việc làm, bố mẹ Dưỡng cũng hiểu biết hơn bố mẹ Luyện, Dưỡng lại có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, tuy nhiên để có tiền trả nợ, Dưỡng vẫn gây ra hành vi tội ác không kém gì Luyện. Có thể hiểu, lúc này dù có học, có thể am hiểu hơn về luật nhưng tất cả những yếu tố đó không đủ lớn so với dục vọng muốn cướp tài sản của Dưỡng, vì thế hắn đã quyết tâm giết chủ hiệu vàng để thực hiện mục đích của mình, lúc này Dưỡng đã mất hết nhân tính.
Trong xã hội còn biết bao hành vi phạm pháp, đáng lên án!
Ông Lâm cho rằng, nhân cách của con người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ môi trường sống. Từ nhỏ thì chịu ảnh hưởng từ môi trường gia đình, lớn lên chịu ảnh hưởng của trường học, bạn bè... Chính vì thế, để dẫn đến các tệ nạn xã hội, hành vi tội phạm có nguyên nhân do sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, ngoài ra còn một số yếu tố bạn bè, môi trường làm việc... nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là từ gia đình và nhà trường - những môi trường gần gũi nhất đối với các em nhất.
Tuy nhiên, các trường học hiện nay mới chỉ dạy kiến thức bằng lý thuyết, việc thực hành còn rất nhiều hạn chế. Trường học có đưa môn đạo đức, môn giáo dục công dân vào các môn học tuy nhiên hầu hết đó chỉ là lý thuyết (chỉ là phần ngọn) còn phần gốc là chân giá trị đích thực thì hiện chưa có trường nào dạy được. Nếu chỉ là lý thuyết, các em sẽ rất nhanh quên, còn nếu được trải nghiệm một cách thực tế các bài học đó các em sẽ ghi nhớ rất lâu.
Cũng theo ông Lâm, biện pháp để giảm thiểu các trường hợp phạm tội ở thanh niên cần nhất là phải làm cho thanh niên hiểu và biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, pháp luật cũng cần đưa ra những hình phạt đủ sức răn đe đối với thanh niên. Một điểm đặc biệt nữa là phải sớm đưa các môn học về pháp luật vào nhà trường để học sinh hiểu và hạn chế tối đa được những hành vi sai trái.
Ngoài những biện pháp trên, song song với việc lên án những hành vi xấu của một bộ phận thanh thiếu niên, dư luận cần đưa ra, ca ngợi những tấm gương tốt, lối hành xử văn minh, nhân đạo để người trẻ có nhận thức đầy đủ hơn về giá trị sống đích thực. Một biện pháp cuối cùng là tạo nhiều sân chơi xen lẫn buổi sinh hoạt hướng nghiệp để thanh thiếu niên có thể vui chơi, học tập, kết bạn một cách lành mạnh.
Theo ANTD
Khi biết con phạm tội tày trời, họ đã hành xử khác nhau Gia đình của Luyện đã che dấu, đồng phạm với tội ác của con; trong khi người nhà của Dưỡng đưa con ra đầu thú- như hy vọng về một "ánh sáng le lói cuối đường hầm". Che dấu và đồng phạm- 6 người trong gia đình Lê Văn Luyện đã phải hầu tòa Một kẻ phạm tội, cả nhà vạ lây Chiều...