Cơm rượu ba miền
Có một loại rượu không qua chưng cất, lại dùng để… ăn chứ không phải để uống, ăn nhiều cũng chỉ say lâng lâng dìu dịu, đó là cơm rượu.
Cơm rượu được chế biến từ cơm nếp nấu chín ủ men. Theo phong tục xưa, người ta thường ăn cơm rượu vào dịp Tết Đoan ngọ để “diệt sâu bọ”. Ngày nay cơm rượu có thể ăn quanh năm, như một món ăn vặt hay tráng miệng, giúp kích thích tiêu hóa. Làm cơm rượu phải qua nhiều công đoạn, đầu tiên là khâu lựa nguyên liệu. Nếp làm cơm rượu phải không quá mới cũng không quá cũ. Nếp mới làm ra cơm rượu hương vị sẽ không nồng, nếp cũ thì hương vị bị nhạt. Men ủ cũng quan trọng không kém. Viên men làm cơm rượu là loại men ngọt, để làm ra cơm rượu mùi vị cũng ngọt ngào nhưng ngây ngất, không phải thứ men để làm rượu đậm gắt. Mỗi nhà làm men đều có bí quyết riêng, nên thường thì người ta mua men ở hàng quen, để đảm bảo cơm rượu làm ra không bị hỏng. Kế đến là nấu xôi. Nếp vo sạch, ngâm vài giờ rồi đem nấu, hạt xôi phải nở mềm để khi ủ không bị sượng. Xôi nấu xong xới ra nia, để còn hơi ấm, rắc men lên. Xôi còn nóng quá men bị chết, nhưng nguội quá lại bị hỏng. Men phải giã nhuyễn, rắc đều tay. Cuối cùng cho xôi vào hũ đất, sành sứ hay thủy tinh đem ủ ấm. Vài ba hôm rượu sẽ dậy mùi, mở nắp ra thơm lừng cả góc nhà..
Cũng nấu xôi, cũng rắc men, cũng ủ ấm như nhau, nhưng cơm rượu ở mỗi miền lại khác biệt nhau về nguyên liệu, về hình dạng, cả về cách ăn. Cơm rượu miền Nam được nấu bằng loại nếp thường có màu trắng đục. Khi nấu thành xôi, hạt nếp dẻo và dính. Cơm rượu được vo thành viên tròn trước khi đem ủ. Cơm rượu dù ngon đên mây mà viên tròn nát là bị chê làm không khéo. Rượu dậy mùi, người ta thường thêm nước đường vào. Người miền Nam khoái ăn cơm rượu với xôi vò – món xôi có nguồn gốc từ xứ Bắc. Vị ngọt của đường, vị bùi của xôi, vị nồng của cơm rượu quyện lại, ăn riết thành ghiền.
Người miền Bắc gọi cơm rượu là rượu nếp. Rượu nếp của miền Bắc được làm từ nếp lức, hạt nếp chưa xát hết cám màu nâu nhạt hoặc nếp cẩm màu tím than. Tuy nhiên, cơm rượu từ nếp lức phổ biến hơn. Khi nấu thành xôi, hạt nếp chín đều nhưng không nở bung, khô hạt và cứng. Với cơm rượu miền Bắc, người ta không vo xôi thành viên mà trộn men xong để nguyên xôi cho vào rổ rá, dưới đáy và bên trên đậy thêm lá chuối. Phía dưới rổ đặt cái chén để hứng nước cốt cơm rượu tiết ra. Rượu nếp lức ngấu lâu hơn nếp thường, hạt xôi tơi không dính vào nhau và căng mọng rượu, khi nhai nghe sần sật mới đạt. Rượu nếp lức không nhiều nước, người ta thường xới riêng phần xôi ngấu rượu, chắt lấy nước cho vào chai để riêng. Khi ăn, xới xôi ra, châm thêm ít nước rượu vào, chỉ vừa đủ thấm hạt xôi, nhấm nháp từng hạt để cảm nhận trọn vẹn hương vị ngọt ngào nồng nàn của rượu nếp.
Cơm rượu miền Trung có dạng miếng nhỏ vuông vức, cách làm công phu tỉ mỉ hơn nhiều. Nếp nấu xôi là loại nếp ngỗng trắng đục. Nếp hấp hai lần để hạt nếp chín mềm từ trong ra ngoài. Xôi nấu xong để nguội, cho vào giữa hai lớp lá chuối ép chặt, rắc men xong dùng dao cắt thành từng miếng vuông vức, rồi rắc thêm men cho phủ đều các mặt của viên xôi. Cuối cùng, lấy lá chuối bọc từng viên xôi cho vào rá để ủ, dưới có thau hứng nước cơm rượu. Vài ba ngày sau cơm rượu dậy mùi, bóc bỏ lá chuối, lấy từng viên cơm rượu cho vào hu rồi đổ nước cơm rượu hứng được vào, để thêm một ngày nữa mới ăn.
Video đang HOT
Theo PNO
Đặc sắc món bún Nam Bộ
Dù đơn giản hay cầu kì, các món bún đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống những người dân quanh năm sống với mảnh đất miệt vườn.
Là một trong nhiều món ăn phổ biến từ bột gạo, bún đã trở thành món ăn quen thuộc gắn bó với đời sống người Việt Nam. Qua hàng ngàn năm, ở mỗi vùng dân cư, bún đã kết hợp với các đặc sản của từng địa phương để tạo nên những món ăn độc đáo. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều món bún được chế biến theo nhiều phương thức khác nhau, cách ăn cũng khác nhau như bún cà ri, bún riêu cua, bún thịt xào, bún nước lèo, bún mắm, bún vịt, bún cá, bún suông... Bún được người dân nơi đây yêu thích đến mức thường được dùng thay bữa chính vào bất kì thời điểm nào trong ngày.
Bún cà ri
Khi nhắc tới bún Nam Bộ, không thể không nhắc tới món đặc trưng là bún cà ri. Cà ri là một trong những món ăn phổ biến và được ưa chuộng trên khắp châu Á. Khi món ăn này du nhập về miền Nam Bộ, Việt Nam; người đầu bếp đã sáng tạo thêm cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Đặc biệt, cà ri Nam Bộ có vị ngậy béo đặc trưng do có sự hiện diện không thể thiếu của nước cốt dừa. Bún cà ri thường nấu với thịt gà, thịt vịt, kết hợp cùng các nguyên liệu như nghệ, sả, hạt điều, lá thơm...các nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà. Các nguyên liệu đa dạng hương vị được nấu lên, hòa cùng với nhau tạo nên bát bún cà ri đặc biệt hấp dẫn mà vẫn giữ được nét đậm đà, thơm ngon đặc trưng của cà ri.
Bún riêu miền Nam
Xứ nước ngọt, nước lợ, sông ngòi chằng chịt, cơ man nào là cua đồng béo mập. Vậy nên người Nam Bộ cũng có món bún riêu cua đồng. Khác với bún riêu của người miền Bắc, miền Trung, bún riêu miền Tây có sự đổi mới đôi chút trong nguyên liệu, phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây. Tô bún riêu nóng hổi của người Nam Bộ đặc biệt không dùng mắm tôm như người miền Bắc mà kết hợp với mắm ruốc, loại mắm dậy mùi màu nâu tím đặc biệt thơm ngon. Bún riêu nóng ăn cùng ớt cay nồng, nước dùng nóng hổi màu cam nhạt có vị chua của cà chua chín, vị thơm của hành phi, vị béo của riêu cua đồng tươi, huyết heo, tàu hũ...Đôi khi còn tăng cường thêm vài lát thịt heo luộc chính bằng nước súp nên phần da chuyển màu vàng cam thật hấp dẫn. Sự tổng hòa hương, vị, sắc tạo nên một món ngon tuyệt vời.
Bún bò cay
Một món bún đặc sắc không kém của vùng sông nước đó là bún bò cay. Đây là món ngon đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu mà mỗi khi du khách đến thăm vùng đất này đều muốn thưởng thức cho bằng được. Gọi là bún bò nhưng không có nhiều tương đồng với món bún bò xứ Huế mà nhiều người đã quen thuộc. Bún bò cay chỉ nấu với thịt bò và sa tế, làm cho món ăn có màu đỏ tươi đẹp mắt, hương vị đặc biệt và cay nồng. Những người sành ẩm thực cho rằng món bún bò cay phải ăn nóng mới ngon. Vị cay cùng sức nóng làm các lỗ chân lông giãn ra, toát mồ hôi khiến các giác quan trở nên sảng khoái khi thưởng thức. Thịt bò để chế biến bún bò cay có nhiều loại như nạm, lưng, gàu... nhưng khi chế biến xong phải có độ mềm dai vừa phải và giữ được hương vị đặc trưng.
Bún bì
Ở quê hương sông nước miền Tây còn có món bún bì, bún thịt xào tuy đơn giản mà hấp dẫn không kém. Về miền Tây, bạn sẽ thấy những món bún này được bán vào buổi sáng như một món điểm tâm gọn nhẹ. Cũng là sợi bún trắng, kết hợp cùng rau thơm, xà lách, dưa leo xắt sợi nhuyễn, bên trên bày thêm một đũa bì hoặc thịt xào củ hành rồi chan thêm nước mắm chua ngọt. Chỉ đơn giản là vậy thôi nhưng khi thưởng thức, chỉ một hai đũa gắp bạn đã có thể say mê món ăn dân dã này ngay lập tức và cứ thế, bát bún hết từ bao giờ không hay.
Bún cá Châu Đốc
Miền Tây sông nước, tôm cá dồi dào nên bún cá là món ăn phổ biến gần như nhất nhì trong các loại bún nơi đây. Bún cá miền Tây Nam Bộ không hề giống bất kì vùng miền nào khác, "rất miền Tây". Điển hình có thể điểm tên một vài loại bún cá đặc biệt như bún cá Châu Đốc ăn với thịt cá lóc ướp nghệ thơm lừng và nước lèo trong ngọt vị xương cá; bún cá Kiên Giang đậm đà, kết hợp nhuần nhuyễn hương biển vị đồng khi trong tô bún có sự xuất hiện của những con tôm biển đỏ au bên những miếng cá lóc trắng đượm hương đồng.
Bún mắm miền Tây
Nhắc tới miền sông nước, không ai có thể quên được hương vị mắm miền Tây. Và mắm cũng là nguyên liệu quan trọng trong các món bún trứ danh nơi đây. Đầu tiên là bún nước lèo, món ăn đặc sắc khu vực Trà Vinh, Sóc Trăng. Nước lèo được nấu với mắm bồ hóc,đặc sản của người Khơ me. Khởi thủy món chỉ có mắm nấu với cá, sự giao thoa văn hóa đã bổ sung thêm cho bún nước lèo các nguyên liệu chả giò, heo quay... Các loại rau ăn cùng bún nước lèo đúng điệu là bắp chuối bào, giá, rau thơm. Một món bún mắm khác đặc trưng của miền Tây là bún gỏi già, thành phần tô bún không khác nhiều so với bún riêu, bún nước lèo nhưng khác ở chỗ nước súp đậm đà vị tương xay , mắm và một ít mè chín. Bát bún đầy đủ hương vị thơm tho,dinh dưỡng khiến ai ai cũng phải mê lòng.
Bún gỏi già
Dù xã hội có phát triển, các món ngon ngày nay không thiếu, nhưng những bát bún đậm đà hương sắc ruộng đồng vẫn là nét văn hóa đáng tự hào của người Việt nói chung và người dân miền Tây Nam Bộ nói riêng. Dù đơn giản hay cầu kì, các món bún đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống những người dân quanh năm sống với mảnh đất miệt vườn sông nước.
Theo MNMN
Mộc mạc mâm cỗ lá Mỗi khi phải chạnh lòng nhắc đến một giá trị đạo đức bị sa sút, người Việt thường nói với nhau một câu cũ, từ ông bà xưa truyền lại: "Lời chào cao hơn mâm cỗ". Hẳn vậy. Và nếu nói theo một hướng khác, có cả những mâm cỗ không cao mà vẫn sang, mộc mạc mà thanh lịch mà giàu sức...