Cơm gà chính gốc Hội An
Cơm gà chính gốc Hội An là món ngon nổi tiếng lâu đời ở nơi đây bên cạnh những món khác như cao lầu, mì Quảng mà chắc chắn khi đến nơi đây chúng ta “không thể không thưởng thức” nếu như bạn đang có một chuyến du lịch vài ngày ở phố cổ.
Nhưng đó là chuyện khi chúng ta đến Hội An, vậy ở nhà nếu thèm thì có làm được không? Câu trả lời là “CÓ” nhé, cùng theo dõi cách làm cơm gà chính gốc Hội An dưới đây với thịt gà mềm, nấu cùng cơm dẻo, màu sắc bắt mắt và gia vị nêm nếm đậm đà và trổ tài chiêu đãi chính mình cùng gia đình một bữa cơm hoành tráng nhé!
Nguyên liệu
4 Phần ăn
Phần gà xé
Thịt gà 1 con (Gà ta)
Hành tây 1 củ
Hành tím 20 gr
Gừng 20 gr
Bột nghệ 1 muỗng canh
Trái tắc 3 trái
Phần cơm
Gạo tẻ 200 gr
Tỏi 10 gr
Dầu ăn 1 muỗng canh
Phần nước mạ
Lòng gà 200 gr
Hành tím 5 gr
Dầu điều 1 muỗng canh
Phần gỏi
Tỏi 20 gr
Ớt 80 gr
Dầu ăn 1 muỗng canh
Cà rốt 100 gr
Đu đủ 100 gr
Hành tây 100 gr
Hành phi 20 gr
Trái tắc 3 trái
Video đang HOT
Rau răm 20 gr
Gia vị
Đường trắng 60 gr
Nước mắm 50 ml
Muối 3 muỗng cà phê
Tiêu 2 muỗng cà phê
Bột ngọt 2 1/2 muỗng cà phê
Bột ngũ vị hương 1 muỗng cà phê
Thực hiện
Bước 1
Thịt gà làm sạch, cho vào một chiếc nồi lớn đủ để chế nước phủ ngập hết gà. Thêm vào nồi 1 củ hành tây bóc vỏ cắt đôi, 20gr hành tím bóc vỏ, 20gr gừng cắt lát, 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng canh bột nghệ, khuấy đều cho bột nghệ tan. Bắc nồi gà lên bếp đun lửa vừa đến khi nước sôi nhẹ lăn tăn thì hạ lửa xuống mức nhỏ nhất, đậy kín nắp luộc thêm 20 phút nữa cho gà chín hẳn.
Sau khi luộc 20 phút chúng ta tắt lửa, có thể để yên gà trong nồi thêm 5-10 phút trước khi đem gà ra xả qua thau nước đá lạnh cho đến khi gà nguội hẳn. Làm như vậy da gà sẽ săn lại và giòn hơn.
Bước 2
Xé gà ra thành những miếng nhỏ vừa ăn. Ướp gà với 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê đường, nước cốt 3 trái tắc rồi trộn đều. Bọc lại để đến khi dùng.
Bước 3
Nấu cơm gà: chọn một chiếc nồi đất để nấu cơm được ngon hơn, bắc nồi lên bếp, đun nóng 1 muỗng canh dầu ăn rồi cho vào 10gr tỏi cắt lát phi thơm. Vo sẵn 200gr gạo tẻ rồi chắt ráo nước, cho gạo tẻ vào nồi rang đến khi hơi nước còn sót trong gạo bốc hơi hết, hạt gạo khô ráo. Tiếp theo thêm vào nồi nước luộc gà sao cho lượng nước chỉ vừa sâm sấp mặt gạo. Dùng đũa xới đều gạo rồi để lửa nhỏ nấu cho cơm chín.
Bước 4
Làm phần nước mạ: chuẩn bị sẵn 200gr lòng gà (bao gồm tim, gan, mề tuỳ sở thích), làm sạch lòng rồi cắt hạt lựu nhỏ. Ướp lòng gà với 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê ngũ vị hương, để lòng 15p cho thấm. Bắc chảo, đun nóng 1 muỗng canh dầu điều, cho lòng gà vào nồi xào săn rồi cho thêm 100ml nước lọc, đun thêm 10 phút cho nước cạn bớt thì tắt bếp. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
Bước 5
Làm ớt chưng miền Trung: bắc chảo lên bếp, đun nóng 1 muỗng canh dầu ăn, cho 20gr tỏi băm vào phi vàng, vớt tỏi ra chén để riêng. Thêm vào chảo 80gr ớt băm, 50gr đường trắng, 50ml nước mắm, khuấy đều rồi đun sôi lăn tăn. Đến khi hỗn hợp ớt keo lại thì cho tỏi phi vàng vào, trộn đều rồi tắt bếp.
Bước 6
Chuẩn bị một thau nước đá lạnh, cho vào 100gr cà rốt bào sợi, 100gr đu đủ xanh bào sợi, 100gr hành tây thái múi cau, cho tất cả vào thau ngâm 15 phút để khử mùi hăng và rau củ được giòn khi trộn. Sau đó vớt tất cả ra để ráo nước. Trộn hỗn hợp với 20gr hành phi, 5gr muối, 5gr tiêu, 5gr bột ngọt và ớt chưng miền Trung vừa làm (số lượng tuỳ khả năng ăn cay của bạn). Khi trộn nhớ nhẹ tay không bóp mạnh gỏi sẽ dễ bị chảy nước. Cuối cùng vắt vào gỏi nước cốt 3 trái tắc, cắt thêm ít rau răm, trộn lên lần nữa là được.
Bước 7
Xếp cơm ra đĩa, thêm thịt gà xé, 1 ít gỏi, 1 ít rau răm, thêm chén nước mạ, rồi tô điểm thêm ít ớt chưng làm tăng hương vị. Vậy là đã trọn vẹn cho một đĩa cơm gà Hội An chánh gốc rồi nè. Khi ăn nhớ chan nước mạ vào dĩa cơm, trộn đều tất cả rồi thưởng thức thôi.
Theo cooky.vn
Báo The New York Times chọn Đà Nẵng làm điểm du lịch đáng đến nhất 2019 và ẩm thực là một trong những nguyên do chính
Ngoài cảnh đẹp, những bãi biển tuyệt vời thì nền ẩm thực phong phú hấp dẫn cũng là lý do khiến The New York Times chọn Đà Nẵng làm nơi đáng đi nhất 2019.
Mới đây, tờ New York Times của Mỹ, một đầu báo danh tiếng và số lượng độc giả khổng lồ mang tầm quốc tế đã đưa Đà Nẵng vào danh sách những nơi nên đến nhất trong năm 2019. Đà Nẵng được xếp thứ 15 trong số 52 địa điểm khác. Trong mô tả, ngoài nhắc đến những ưu điểm về phong cảnh, những bãi biển xinh đẹp thì một yếu tố quyết định khác chính là ẩm thực.
Bộ sưu tập những địa điểm phải đến trong năm 2019 của The New York Times, Đà Nẵng là một trong số đó.
Tờ báo đã nói: "Những người sành ăn và người thích đi biển đang tập trung tại một nơi gọi là Miami của Việt Nam", cũng chính là Đà Nẵng. Trang báo cũng cho rằng nền ẩm thực tuyệt vời cũng như phố cổ Hội An chính là chìa khoá làm nên sự hấp dẫn của thành phố biển này.
Đà Nẵng nằm trong top 15 những nơi nên đến năm 2019.
Tham khảo thêm Cầm 10k "ăn sập Đà Nẵng" với những món ăn vừa ngon vừa độc đáo, có tin được không?
Nhân dịp Đà Nẵng - Hội An lại lần nữa được gọi tên trên một trang du lịch danh tiếng, hãy điểm lại những món ngon đặc sản ai cũng nên thử khi đến đây. Nếu có một người bạn nước ngoài muốn du lịch Đà Nẵng - Hội An, hãy đưa cho họ list sau nhé!
Mì Quảng
Mì Quảng gần như đứng đầu mọi danh sách đặc sản của Đà Nẵng, và cũng có lý do cho việc này. Đây là món ăn đặc trưng của vùng Quảng Nam, khác với nhiều loại mì khác, được làm từ bột gạo xay mịn, tráng thành từng lớp bánh mỏng và được thái theo chiều ngang. Mì quảng có độ dai, giòn, có màu vàng óng của nghệ và có thể được ăn cùng nhiều loại thịt khác nhau. Nước dùng của mì quảng được hầm từ xương heo, được bỏ thêm đậu phộng rang được đập dập. Nước lèo của mì quảng có cái tên rất đặc biệt là "nước nhưn", có sự cô đặc hơn nhiều loại nước khác. Trang The New York Times cũng khuyên du khách là "đừng rời khỏi Đà Nẵng khi chưa thử mì quảng".
Cơm gà Hội An
Cơm gà Hội An đặc biệt ở chỗ, cơm được nấu bằng nước thịt gà, có màu vàng óng, hạt cơm tơi xốp. Món này ăn kèm với thịt gà xé, nước lòng gà và đu đủ bào. Dọc con phố Phan Chu Trinh rất nhỏ nằm giữa lòng Hội An, đã có đến hàng chục hàng cơm gà nằm san sát nhau, mùi cơm nấu thơm phức làm nao nức lòng thực khách. Từ hạt cơm tơi cho đến nước gà béo ngậy, mỗi hàng cơm đều có một bí quyết riêng, một biến tấu khác nhau nên du khách có thể... ăn cơm gà cả ngày không chán. Cơm gà Hội An nổi tiếng gần xa, là một món mà ai cũng phải nếm thử khi đến Đà Nẵng.
Bún chả cá Đà Nẵng
Bún chả cá Đà Nẵng tạo nên nét đặc trưng bằng ngoại hình bắt mắt, có màu cam đỏ hiếm thấy ở nơi nào khác. Màu cam đỏ được tạo nên bởi cà chua, bí đỏ và mỡ xương. Người Đà Nẵng tự hào với món bún chả cá của mình, bởi vì tuy bún chả cá vùng nào cũng có, nhưng nơi đây lại khác biệt với các loại nhân chả cá tươi ngon. Do là thành phố biển nên chả cá của Đà Nẵng rất đa dạng, từ chả cá thát lát cho đến cá thu, cá ngừ... Chả cá dai và ít được nêm nếm gia vị nhiều do có hương vị thơm ngon tự nhiên rất đặc trưng.
Bánh tráng cuốn thịt heo
Đây là một trong những đặc sản Đà Nẵng được nhắc đến nhiều nhất trong các danh sách món ngon xứ này. Chỉ là bánh tráng cuốn thịt heo ăn kèm với các loại rau, tưởng chừng như bình thường nhưng ngay cả nhân thịt heo cũng đã khác biệt với thịt luộc được thái mỏng có da hai đầu, lúc nào cũng có thêm một lớp mỡ trong béo ngậy. Mặt khác, nước chấm của món này là một trong số những điểm độc đáo, đó là mắm nêm Đà Nẵng được làm từ nước mắm cá cơm đậm đà, thêm chút đậu phộng thơm lừng và có vị ngọt từ dứa và đường.
Bánh xèo
Bánh xèo thì có ở khắp mọi nơi, là món ngon nổi tiếng, tuy nhiên đến Đà Nẵng thì phải ăn bánh xèo Đà Nẵng là chuyện đương nhiên mà ai cũng biết. Bánh xèo Đà Nẵng có nhiều phiên bản, từ bánh xèo vàng ươm truyền thống cho đến loại tráng một lớp trứng mỏng ở ngoài, hay loại làm từ bột gạo nguyên chất không có màu vàng thường thấy... Bánh xèo Đà Nẵng chứa cả một "bầu trời" thức ăn kèm đa dạng, từ rau sống đến tương chấm, bánh tráng để cuốn bên ngoài, đu đủ chua... Bạn có thể không bao giờ chán khi ăn bánh xèo chỉ với một vài biến tấu nho nhỏ với các món ăn kèm.
Cao Lầu
Đi Đà Nẵng thì phải đi Hội An, mà đi Hội Ăn thì phải thử Cao Lầu. Đây là một món mì hết sức đặc biệt của ẩm thực Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Món mì có sợi màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo cùng các loại rau sống và có rất ít nước dùng kèm. Nghe hơi giống mì quảng, nhưng cao lầu khác ở chỗ có sợi mì dày, tương tự với sợi mì udon của Nhật bản vậy, và bột mì được nhồi với nước tro từ một loại cây địa phương nên có mùi hương đặc trưng. Cao lầu cũng nằm trong danh sách những món nên thử khi đến Đà Nẵng - Hội An của nhiều trang web du lịch thế giới.
Tré
Là một trong những đặc sản của người Đà Nẵng, bạn sẽ thấy các du khách thường mua món này về làm quà rất nhiều. Tré được người Đà Nẵng ăn trong các dịp lễ, dịp Tết. Món này thường được nhầm thành một loại nem, tuy nhiên Tré Đà Nẵng khác nem, là món được làm từ da heo, tai heo, mỡ gáy, thịt nạc heo, thịt bò và trộn với nước nắm cá cơm, tỏi Lý Sơn cùng củ riềng. Tré cũng được lên men, tuy nhiên không xay nguyễn ra mà để nguyên thành phần, khi ăn có vị giòn giòn, dai dai của thịt, da, vị đậm đà từ sự hoà trộn của các loại gia vị.
Theo Trí thức trẻ
Tổng hợp 6 món ăn "khuấy đảo" MXH tuần qua Cùng xem món ăn nào được chị em yêu thích nhiều nhất nhé! 1. Công thức làm mứt vỏ cam đảm bảo thành công ngay từ lần đầu tiên - 1200 lượt yêu thích, 413 lượt chia sẻ Facebook tác giả: Thiều Thanh Thúy Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh Từng miếng mứt vỏ cam trông như những chiếc kẹo gôm...