“Cơm âm phủ”, món ăn kỳ lạ nhưng “hút hồn” du khách ở Huế
Dù có tên gọi kỳ bí nhưng món ăn với hương vị thơm ngon vừa giản dị lại phảng phất phong cách cung đình khiến nhiều thực khách mê mẩn.
Cơm âm phủ, là một trong những món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật chế biến đậm nét văn hóa ẩm thực Huế. Trước đây, món ăn này vẫn được lưu truyền với câu: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình/ Có quán Âm phủ ma rình phía sau”. Tuy có tên gọi kỳ bí nhưng món ăn này có hương vị thơm ngon vừa giản dị lại phảng phất phong cách cung đình khiến nhiều thực khách mê mẩn.
Tương truyền, món ăn độc đáo này bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa khi Đức vua cải trang làm thường dân đi thăm thú khắp nơi. Khi trời tối, ngài tá túc tại nhà một bà góa già. Do hoàn cảnh cơ hàn, khó khăn nên bà góa chỉ có thể dọn cho vua chén cơm trắng cùng một ít rau các loại xếp xung quanh.
Lúc này, vua đói và mệt nên đã ăn ngon lành hết sạch chén cơm. Khi về cung, ngài cứ lưu luyến mãi hương vị nên sai đầu bếp thêm các nguyên liệu chế biến lại. Về sau, món cơm được đặt tên là “cơm âm phủ”.
Cơm âm phủ – món ăn đặc trưng cho ẩm thực xứ Huế
Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện này cũng có nhiều giả thuyết khác cho biết, cơm âm phủ thực chất là do một doanh nhân mở ra hồi đầu thế kỷ XIX. Quán dựng ở vùng đất vắng, lại thường mở tới khuya phục vụ khách chủ yếu là người đi xem tuồng, hội, ca, múa…
Trong quán chỉ sử dụng một chiếc đèn dầu cháy leo lắt, lại chỉ bán duy nhất món cơm bình dân trộn lẫn với thịt nạc, rau củ quả, ăn kèm nước chấm đủ ngũ sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ, đen) nên khách hàng vui miệng mà gọi tên món cơm quán ấy là cơm âm phủ.
Dù truyền thuyết, nguồn gốc cơm âm phủ có khác nhau, nhưng khi món ăn được đưa ra, bạn sẽ bị thu hút bởi sự độc đáo trong nghệ thuật trình bày cũng như hương vị thơm ngon rất khó trộn lẫn. Với món cơm âm phủ truyền thống, thông thường cơm trắng sẽ được đặt ở giữa, xung quanh lần lượt là các món rau củ, thịt nướng, trứng tráng, giò lụa và tôm được đặt đối xứng đan xen với nhau…
Trong đó, cơm phải được nấu từ gạo ngon, thơm và dẻo, thịt nướng phải là loại thịt nạc vai tươi ngon, đem đi thái bản mỏng rồi ướp với gia vị sau đó nướng trên than củi. Giò lụa được làm bằng thịt heo quết nhuyễn, gói thành từng thanh nhỏ. Thêm vào đó là trứng vịt đổ mỏng, tôm chà bông; rau thơm các loại, dưa leo cắt sợi… Tất cả các thứ này đều được cắt dạng sợi nhỏ.
Video đang HOT
Khi trình bày có thể trộn sẵn với nhau hoặc để thực khách tự trộn đều. Ngoài ra, khi ăn kèm với cơm âm phủ không thể thiếu một chén nước mắm có pha tỏi, đường, nước cốt chanh. Rưới nước mắm và trộn đều cơm cùng các loại thức ăn trước khi thưởng thức.
Sự tổng hòa về màu sắc và sự hòa quyện các nguyên liệu sẽ mang lại hương vị đặc trưng, khó lẫn cho thực khách.
Món ăn được trình bày bắt mắt với hương vị thơm ngon, khó lẫn
Trước kia, cơm âm phủ thường dành cho những người lao động đêm, là món giúp họ chắc bụng, đủ sức cho những giờ mưu sinh nhọc nhằn. Nhưng ngày nay, món ăn này xuất hiện từ những quán ăn bình dân cho đến những nhà hàng sang trọng. Tới Huế, bạn có thể ghé quán cơm âm phủ ở 35 hoặc 51 Nguyễn Thái Học để thưởng thức món ăn vừa giản dị, vừa phảng phất phong cách cung đình này.
Theo Dân trí
Kỳ lạ món canh xương rồng có "1-0-2" ở Quảng Nam
Những món ăn từ xương rồng đối với chúng ta có phần lạ lẫm nhưng đó lại là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm nhiều gia đình ở miền Trung.
Ít ai nghĩ rằng, loài xương rồng gai góc lại là món ăn kỳ lạ của người dân xứ Quảng. Cây xương rồng có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn khiến những ai từng một lần thưởng thức phải nhớ mãi.
Tại Quảng Nam, vùng đất quanh năm đón nắng và gió, cây xương rồng được coi là đặc sản. Món ăn từ xương rồng này có nguyên liệu dễ tìm, hấp dẫn bởi hương vị độc đáo và cách chế biến không quá cầu kỳ.
Trước đây, xương rồng chính là món ăn cứu đói cho những người dân nghèo vùng đất Quảng nhưng khi đời sống khá giả hơn món ăn này nhanh chóng trở thành món lạ, đặc sản đãi khách phương xa.
Để lấy được xương rồng, cần khéo léo tách các đọt xương rồng sao cho gai không đâm vào tay. Chế biến xương rồng rất đơn giản. Chỉ cần gọt sạch gai ở bốn phía, tách lớp màng mỏng ở ngoài cho sạch rồi thái mỏng, đem luộc trên bếp chừng 5 phút, khi màu xanh chuyển sang màu vàng là được.
Xương rồng luộc lên có màu vàng như dưa cải muối chua, đem vắt ráo nước là có thể xào, nấu món gì tùy thích. Xương rồng luộc có vị chua chua, thơm nhẹ.
Nếu có cá lóc hay cá trê, người dân xứ Quảng đem ướp gia vị rồi xào chung với xương rồng, đảo qua vài lượt rồi chế nước sôi vào. Nồi canh sôi chừng ba phút, nêm nếm vừa ăn cho thêm ngò gai, hành lá vào là có thể ăn ngay được.
Mùa hè ở xứ cát nóng nực, bữa trưa chỉ cần một bát canh chua xương rồng kèm với chén nước mắm ớt là cả nhà đã có một bữa cơm ngon miệng.
Xương rồng khi nhai trong miệng cảm giác dai dai, sần sật, chua chua rất ngon chứ không mềm như dọc mùng.
Nếu muốn thưởng thức xương rồng xào, người dân chỉ cần đem xương rồng sơ chế rồi vắt ráo nước, sau đó là đem xào với tỏi như các loại rau xanh bình thường. Đây được xem là món ăn yêu thích nhất của du khách khi đến đất Quảng Nam.
Ngoài canh chua xương rồng và xương rồng xào, người dân xứ Quảng còn sáng tạo thêm một món ăn nữa khá độc đáo là món gỏi xương rồng. Vẫn là những miếng xương rồng đã luộc qua nhưng nay được thêm đậu phộng rang giòn, giã nhỏ rồi trộn đều là có ngay món gỏi thanh mát mà chẳng tốn thời gian.
Món gỏi này thường được chuẩn bị cho ngư dân làm mồi lai rai trong những ngày thuyền nằm bờ hay nhà có khách mà trời đổ mưa chẳng kịp đi chợ. Vị giòn giòn, mát nhẹ không chán cứ khiến câu chuyện bên chén rượu thêm dài mà chủ nhà vẫn hào hứng vì có món ngon dễ làm, không phải mất công chuẩn bị. Ảnh: Báo Quảng Nam, Internet.
Theo Thảo Nguyên/Kiến thức
5 thực phẩm đáng sợ nhất Campuchia: không chỉ du khách, dân địa phương cũng hãi hùng Bên cạnh các món đặc sản ngon và lạ, Campuchia cũng có những món ăn kỳ lạ, thậm chí đáng sợ khiến du khách sợ hãi ít khi dám thử. 1. Tinh hoàn bò Tinh hoàn của bò được nấu nhiều món như súp, xào... nhưng nó chỉ được bán ở một số nhà hàng. Theo những người dân địa phương thực phẩm...