‘Có vụ án lừa đảo, rửa tiền lên tới nhiều nghìn tỷ đồng’
Tại buổi thảo luận Hội trường của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) diễn ra sáng 1/11, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội (ĐBQH) Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng: Cần đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật, để làm cơ sở, căn cứ pháp lý.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Trung tướng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung.
Theo ĐBQH Nguyễn Hải Trung, Công an thành phố Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền, số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. Đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam; trụ sở, địa điểm tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài; công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài.
“Phương thức phạm tội rất tinh vi. Sau khi nhận tiền của người bị hại, đối tượng lừa đảo đã chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó gộp vào 1 tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt. Tôi đề nghị cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản”, ĐBQH Nguyễn Hải Trung cho biết.
Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng, chống rửa tiền nói riêng của Công an thành phố Hà Nội thời gian qua, theo Trung tướng, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung, nổi lên là hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 1/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Video đang HOT
ĐBQH Nguyễn Hải Trunng nêu quan điểm: Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng tự quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.
Do vậy, cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán, thậm chí nên đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả; tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.
“Đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật này là để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác phòng, chống rửa tiền. Đồng thời cần phải có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản đối với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội”, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề xuất.
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết: Việc xác định tội phạm rửa tiền trong thực tế rất khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 300 – 500 tỷ USD thu được từ hoạt động phạm tội rửa tiền. Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo cung cấp, đến nay Việt Nam đã xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo Bộ luật Hình sự (BLHS).
“Báo cáo tổng kết cần phải đề cập rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền tại Việt Nam hiện ra sao, tiền thường được rửa dưới hình thức nào, quy mô ra sao, lĩnh vực nào là chính…? Đây là thông tin quan trọng để các ĐBQH thảo luận, xem xét, quyết định góp ý cho các quy định của dự thảo luật”, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị.
Về khái niệm rửa tiền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ: Nếu coi tội phạm rửa tiền là tội phạm hình sự, phải quy định trong BLHS, phải có nguyên tắc của pháp luật hình sự; không quy định trong BLHS thì không phải là tội phạm hình sự. Do đó đại biểu cho rằng cần thiết kế lại vấn đề này để tránh gây hiểu lầm.
Đối với định nghĩa về tài sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện nay, quy định như trong dự thảo luật vẫn thiếu, chưa đầy đủ. Theo đại biểu, hiện trong dự thảo luật chưa có khái niệm ảo, tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hoá.. do đó cần phải quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hoá và tài sản mã hoá, khi đó sẽ bao gồm được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng. Khái niệm và thực tiễn hiện nay rộng, nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật sẽ không bao quát hết và sẽ khó áp dụng.
Tòa trả hồ sơ vụ 'địa ốc Alibaba', đề nghị điều tra bổ sung do xuất hiện 34 bị hại mới
Ngày 9/8, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định trả hồ sơ vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền" xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) cho Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đề nghị điều tra bổ sung.
Trước đó, vụ án được lên lịch xét xử sơ thẩm từ ngày 12/8 đến ngày 12/10.
Lực lượng chức năng phong tỏa, khám xét trụ sở Công ty Alibaba tại quận Thủ Đức. Ảnh tư liệu: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Cụ thể, kể từ khi phát thông báo hạn chót tiếp nhận trình báo của các bị hại trong vụ án này là ngày 31/8, đến nay có 34 cá nhân tới Tòa án trình báo là bị hại trong vụ án. Từ đó, Tòa án đề nghị Viện Kiểm sát bổ sung danh sách những bị hại này và số tiền chiếm đoạt của từng bị hại.
Bên cạnh đó, Tòa án đề nghị Viện Kiểm sát xác định lại số lượng bị hại và thiệt hại của vụ án, ví dụ như dự án Alibaba Center Town, dự án Aliababa Bình Châu... Đồng thời, đề nghị Viện Kiểm sát xác định lại các vấn đề sau: Kết luận điều tra có sự trùng lặp bị hại không? Có bỏ sót bị hại không? Một số bị hại không xác định cụ thể là bị hại của dự án nào? Đồng thời, cần làm rõ tư cách tố tụng của các trường hợp nhiều cá nhân đứng tên trên cùng một hợp đồng chuyên nhượng quyền sử dụng đất.
Trước đó vào tháng 3/2022, sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Alibaba) và 21 bị can về tội "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015; trong đó hai bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, giữ 49,5% cổ phần công ty) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị truy tố thêm tội "Rửa tiền" theo Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015. Riêng bị can Huỳnh Thị Kim Thắng bị truy tố về tội "Rửa tiền".
Theo cáo trạng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng Quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Thực tế, toàn bộ các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc đưa ra quyền chọn hoặc các phụ lục hợp đồng kèm theo chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án.
Quá trình điều tra, Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội. Cáo trạng kết luận, bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.
Loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng: Ngăn hành vi tiếp tay tội phạm lừa đảo Hành vi mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do vậy, cần phải xử lý thật nghiêm, không để các đối tượng lộng hành. Công an khẳng định hành vi mua bán thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm như lừa đảo chiếm đoạt...