Cổ tức ngân hàng, tiếp tục “nóng” đại hội đồng cổ đông 2019
Chia cổ tức bằng tiền mặt là đòi hỏi từ các cổ đông nhiều năm nay và điều này cũng dễ hiểu, bởi “đồng tiền liền khúc ruột”. Tuy vậy, không ít ngân hàng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu, dù được yêu cầu chia bằng tiền mặt.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) Ngân hàng ngày 26/4/2019 sẽ thông qua phương án chia cổ tức. Không tiết lộ con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng vị này khẳng định, “chắc chắn sẽ chia và chia cổ tức bằng cổ phiếu”.
Với VIB, ngân hàng này dự kiến chi trả 5,5% cổ tức bằng tiền mặt và 18% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Đồng thời, Ngân hàng sử dụng hơn 7,7 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 31,9 triệu cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên.
Tại SHB, lãnh đạo cao cấp Ngân hàng cho hay, đang đợi ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kế hoạch phân chia lợi nhuận cho cổ đông.
Nam A Bank có kết quả kinh doanh năm 2018 khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 743 tỷ đồng, tăng 147% so với năm 2017. Theo đó, lợi nhuận không chỉ đảm bảo được yêu cầu tăng trưởng, mà còn đáp ứng được tính bền vững và hiệu quả, khi mức chia cổ tức năm 2018 được trình ĐHCĐ thông qua lên đến 16%.
Như thường lệ, tại ĐHCĐ, cổ đông mong muốn được chia cổ tức bằng tiền mặt, tuy nhiên, lãnh đạo Nam A Bank cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính cho Ngân hàng. Điều này được đại diện NHNN xác nhận.
Video đang HOT
Ông Võ Văn Thuần, Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát, NHNN cho biết: “Tại TP.HCM, trong số 12 tổ chức tín dụng có trụ sở chính, một số ngân hàng chia cổ tức, có ngân hàng không chia và Nam A Bank chia cổ tức 16% bằng cổ phiếu là tích cực. Chủ trương chia cổ tức phải được NHNN thông qua sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ”.
Đối với khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãnh đạo cao cấp Vietcombank chia sẻ: “Ngân hàng đang trình kế hoạch cổ tức năm 2018 với cơ quan chức năng và dự kiến chia cổ tức như năm 2017″. Được biết, Vietcombank chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%.
Còn tại BIDV, lãnh đạo Ngân hàng thông tin, kế hoạch chia cổ tức 2018 đã trình cơ quan chức năng. Trước đó, Ngân hàng chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%.
Một lãnh đạo cao cấp NHNN xác nhận: “Các ngân hàng có vốn nhà nước đã trình phương án chia cổ tức. Việc chia cổ tức sẽ diễn ra bình thường như các năm, câu chuyện ở đây chỉ là chia bằng tiền mặt hay chia bằng cổ phiếu. Vấn đề này vẫn chưa quyết, bởi theo quy định, NHNN phải thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính”.
Đáng chú ý, NHNN đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Trong đó, tại khoản 4, Điều 60, dự thảo Thông tư được bổ sung điểm đ) Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Việc bổ sung này được NHNN lý giải là để đảm bảo các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu, bên cạnh 2 quy định về việc chia cổ tức đối với “tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm và tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt” đã được quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Dự thảo Thông tư 19 (sửa đổi) bổ sung quy định về việc chia cổ tức của “tất cả các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt” tại điểm đ, khoản 4, Điều 60.
Theo đó, các quy định nêu trên sẽ kiểm soát việc chia cổ tức của các tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu bán cho VAMC. Tuy nhiên, việc chia cổ tức của khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn phải được NHNN lấy ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 5, Điều 23, Nghị định 93/2017/NĐ-CP.
Thực tế, không phải tất cả các ngân hàng đều chia cổ tức, đồng thời, không phải cổ tức được chia đều bằng tiền mặt. Một câu nói khá quen thuộc được lãnh đạo cơ quan quản lý cũng như lãnh đạo các ngân hàng thường nói là “cơm không ăn, gạo còn đó”, bởi cổ tức chia bằng cổ phiếu để tăng tổng tài sản, tăng quy mô hoạt động, có lợi cho ngân hàng và cổ đông, vì giá cổ phiếu ngành này đang ở mức cao so với trước đây.
Không phải cổ đông nào cũng bằng lòng với câu chuyện này, nhưng để đảm bảo vốn theo chuẩn của Basel 2 và đặc biệt khi Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC chính thức được ban hành, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ còn tiếp diễn.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Người khiếm thị sẽ được mở tài khoản thanh toán, sử dụng thẻ ngân hàng
Các ngân hàng thương mại nghiên cứu xây dựng quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng và có biện pháp hướng dẫn phù hợp đối với trường hợp người khiếm thị (người khuyết tật) nhằm bảo đảm quyền lợi cho đối tượng này.
Người khiếm thị có nhu cầu mở thẻ ATM, tài khoản ngân hàng sẽ không còn bị làm khó (Ảnh: internet).
Đây là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong văn bản số 8343/NHNN-TT gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm bảo đảm quyền lợi cho người khiếm thị khi có nhu cầu mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng.
Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng; nghiên cứu xây dựng quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng và có biện pháp hướng dẫn phù hợp đối với trường hợp người khiếm thị (người khuyết tật) đề nghị mở tài khoản thanh toán, đăng ký phát hành thẻ ngân hàng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải có biện pháp tuyên truyền phù hợp, phổ biến tới toàn thể nhân viên và người quản lý có trách nhiệm, hướng dẫn người khiếm thị (người khuyết tật) trong quá trình đề nghị mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng.
Đặc biệt lưu ý một số khó khăn mà người khiếm thị (người khuyết tật) có thể gặp trong việc cung cấp các thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo yêu cầu của pháp luật để hướng dẫn khách hàng khi thực hiện ký Hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với ngân hàng; cũng như cảnh báo những rủi ro mà khách hàng có thể gặp trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tài sản cho khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngân hàng thành viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng để chia sẻ, cập nhật thông tin về những khó khăn, vướng mắc, quy trình và biện pháp hướng dẫn phù hợp đối với đề nghị mở và sử dụng tài khoản thanh toán, phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng của người khiếm thị (người khuyết tật). Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần cảnh báo những rủi ro mà khách hàng có thể gặp trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ATM, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tài sản cho khách hàng.
Theo kiemsat.vn
Trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng giám đốc VietinBank Ngày 5/11 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng giám đốc tại VietinBank. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao Quyết định đại diện phần vốn Nhà nước tại VietinBank cho ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT và tặng hoa...