Cô Tô sóng xô biển biếc
Tàu cao tốc rời bến khi đám khách đã lục tục về chỗ ngồi và mặt trời bắt đầu nhô lên trên mặt biển phẳng lặng.
Vịnh Bãi Tử Long chan hòa nắng.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đi trong vùng vịnh yên ả với làn nước xanh biếc và vầng hồng rực rỡ buổi bình minh, đảo Cô Tô đã ở phía xa xa.
Đảo Cô Tô với làn nước xanh biếc và vầng hồng rực rỡ buổi bình minh.
Nhanh thật! Thời gian đến Cô Tô bây giờ đã rút ngắn chỉ còn bằng một nửa so với trước kia và có rất nhiều chuyến đi và về trong ngày, thuận tiện. Nhưng tôi vẫn thích cái cảm giác được ngồi lênh đênh trên tàu gỗ suốt 3 tiếng với mây trời, trên con sóng dập dờn, được ngồi trên boong và hóng gió mát lộng, ngắm toàn cảnh biển và trời. Anh lái tàu bảo tôi, nếu Cô Tô cứ đi thuyền kiểu vậy thì sẽ có rất ít khách dám lên đảo vì say sóng. Nhưng vẫn có những chuyến thuyền như thế chở đồ nhu yếu phẩm và đón khách. Nên những ai muốn đi cảm giác mạnh, có thể chọn phương tiện này. Có thật nhiều cách để chọn lựa cho chuyến đi của mình, miễn là bạn cảm thấy vui.
Con đường tình yêu
Huyện đảo Cô Tô thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh không còn xa lạ với những người yêu thích biển đảo. Việc đến đảo khá vất vả với 200km đường chạy ô tô nếu đi từ Hà Nội để đến cảng Cái Rồng, thêm hơn 1 tiếng đồng hồ nữa đi thuyền nhưng vẫn không ngăn được dòng khách đổ về nơi này mỗi cuối tuần. Những bãi biển tuyệt đẹp cùng khung cảnh nên thơ có sức hút đặc biệt. Các khách sạn mới được mở, thêm nhiều chuyến tàu, nhà hàng ăn uống nhưng người dân Cô Tô vẫn cố gắng giữ gìn cảnh quan của đảo tốt nhất có thể.
Yên vị lấy phòng với view ra biển xanh thẳm, chúng tôi lấy ngay xe máy thuê để lượn khắp đảo. Đảo Cô Tô nhỏ xíu với vài con đường nhưng ở mỗi ngã rẽ lại mở ra vô vàn những khung cảnh đẹp khiến người rẽ lối mất thời gian dừng lại, dạo chơi và chiêm ngưỡng. Ở ngay đầu thị trấn Cô Tô là bãi biển Bác Hồ với bãi biển dài 3 km. Cạnh đó là con đường phi lao xanh mướt, được các bạn trẻ đặt tên là con đường Tình Yêu. Nơi rất hợp cho những chuyến đi dạo hay đạp xe lãng mạn.
Dọc con đường đến với bãi tắm Hồng Vàn, thi thoảng lại gặp những cuốc xe điện. Nếu đi đoàn đông, phương tiện này vừa tiện lợi lại vừa rẻ. Bãi tắm Hồng Vàn nằm cách thị xã 8 km là bãi biển đẹp nhất. Biền nơi này lặng sóng, tựa một mặt ao trong vắt do có đảo Thanh Lân trải dài nằm chắn gió từ ngoài biển thổi vào. Bờ cát trắng mịn với làn nước biển cực trong và xanh, những thảm hoa muống biển bò lan tím ngăn ngắt. Từng đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng lùa qua chân và thi thoảng rủ nhau nhảy vọt khỏi mặt nước. Ấn tượng vô cùng.
Chúng tôi dựng những chiếc lều nhỏ trên bãi cát mềm, cả ngày tắm biển và picnic với những món đồ tự chuẩn bị. Gió mát cùng hơi biển mặn mòi. Phía cuối bãi, biển vắng. Ở đây không có dịch vụ ghế ngồi hay nước uống như các bãi biển khác. Bạn tự do chọn lựa nơi mình nghỉ chân. Bởi vậy, đây cũng là bãi biển hiếm hoi khách có thể cắm lều, trải bạt cả ngày vui chơi. Trải nghiệm này thực sự khác biệt, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ. Cắm trại bên biển, còn ghì thú vị hơn. Nhưng bạn cũng phải mang theo đầy đủ vật dụng cho một buổi cắm trại như đồ ăn, thức uống, lều bạt và nhớ dọn sạch rác trước khi ra về.
Video đang HOT
Cuộc sống thường nhật trên đảo.
Ở Cô Tô, nếu lướt nhanh, chắc chỉ trong ngày là hết hòn đảo. Nhưng nếu để khám phá 3 ngày 2 đêm là không đủ. Con đường nhỏ đi xuyên qua những cánh rừng cây xăng lẻ và những thửa ruộng đang mùa lúa chín thơm ngào ngạt. Hoa sim tím nở dọc lối đi. Thi thoảng lại bắt gặp những con đường mòn chạy ngoằn ngoèo xuống một bãi biển nhỏ nào đó sâu hút trong rừng. Có một bãi biển nữa đẹp và nhỏ hơn nằm ở cuối đảo là bãi Vàn Chải hoang vu với bờ biển uốn cong, bãi cát mịn, sạch sẽ và trắng tinh, sóng vừa đủ lớn để nô đùa thư giãn. Đây là điểm đón hoàng hôn lý tưởng nhất trên toàn đảo. Và nếu bạn đến với Cô tô vào đúng mùa trăng, đừng quên quay lại với Vàn Chải khi trăng lên, thủy triều đã rút để lộ bãi cát phẳng lì, trải dài bất tận.
Nhiều người sẽ chọn đến đảo Thanh Lân ở bên cạnh hay đảo Cô Tô con để cắm trại vì cả hai đảo nhỏ này đều gần ngay sát với Cô Tô. Đảo Thanh Lân thì dễ đi hơn, chỉ 15 phút là sang đến nơi, có nhiều tàu sang. Đảo Thanh Lân có ít dân ở. Hòn đảo này cũng có rất nhiều bãi tắm đẹp, nhỏ nhắn, nước trong xanh và rất sạch. Xung quanh đảo là những khu nuôi trồng thủy hải sản với những con thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Còn Cô Tô con thì khó đi hơn và phù hợp với những vị khách ưa mạo hiểm. Cô Tô con không có người ở và vào mùa biển động không thể lên đảo nhưng hấp dẫn với tour trải nghiệm khám phá thiên nhiên hoang dã . Tour này thường tổ chức cắm trại đốt lửa qua đêm tại đây. Bạn có thể dành trọn 1 ngày để thăm thú hòn đảo nhỏ còn rất hoang sơ và không một dấu chân người này trong một chuyến đi do các thanh niên trên đảo tổ chức vào cuối tuần.
Nếu tính các điểm chơi, điểm hùng vĩ nhất của Cô Tô thì bãi đá Cầu My là một điểm không thể bỏ qua khi đến Cô Tô, bạn hãy lên đây để tận mắt chứng kiến sự hùng vĩ của những vách đá này. Nếu bạn đi vào sáng sớm, bạn có thể sẽ được ngắm bình minh trên Cầu Mỵ. Còn đi vào buổi chiều, bạn sẽ chụp được những bức ảnh rất đẹp do thuận hướng sáng của mặt trời.
Bạn đã đến Cô Tô chưa? Hãy đến để cảm nhận và yêu mến nơi này!
Gian nan chuyện giữ 'cánh sóng' ở Mã Cháu
, đảo nhỏ không nhiều người biết tới nhưng có vị trí quan trọng nằm trên tuyến đảo tiền tiêu ở Cô Tô.
Không chỉ khó khăn về đi lại, với tuyến đảo xa xôi này, việc gìn giữ 'cánh sóng', đảm bảo thông tin liên lạc cũng không hề đơn giản.
Mã Cháu
Đảo xa giữa muôn trùng sóng gió
Chúng tôi có nhiều dịp ra thăm các đảo xa thuộc tuyến đảo tiền tiêu ở Cô Tô, nhưng mới chỉ nghe tên đảo Mã Cháu mà chưa từng đặt chân tới. Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có dịp đi theo chân đoàn của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Viettel Quảng Ninh đi khảo sát, hoàn thiện các trạm phát sóng trên đảo tiền tiêu này.
Sau một hành trình dài, chúng tôi đã đặt chân tới đảo Mã Cháu.
Chúng tôi có mặt sớm ở cảng Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh), nằm sát đường bao biển TP Hạ Long. Đúng 7h30, chúng tôi có mặt trên cầu tàu, đón đoàn là trung tá Dương Minh Đại, chỉ huy tàu cao tốc Hải đội 2. Tàu nhổ neo thẳng hướng Bái Tử Long chạy ra Cô Tô rồi sang Mã Cháu.
Thuyền lướt băng băng trên mặt vịnh. Sớm Hạ Long vào thu mát mẻ, cảnh vịnh êm đềm tuyệt đẹp. Nắng ấm, gió nhẹ, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy thật hứng thú xen lẫn tò mò khi biết điểm đến. Ngồi kề chúng tôi, trung tá Nguyễn Sỹ Chúc, Giám đốc Viettel Quảng Ninh, có thâm niên trong nghề, từng đi nhiều vùng biên giới, hải đảo xa xôi nhưng đây cũng là lần đầu anh đi Mã Cháu. Cũng theo các chiến sĩ biên phòng chia sẻ, thì ngay cả trong lực lượng biên phòng cũng không nhiều người biết tới và được đặt chân tới trạm biên phòng xa xôi, cách trở này.
Sau chừng 1 tiếng hành trình, chúng tôi đã đi qua 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. "Chuyến đi sẽ không dễ dàng, bởi mùa này biển hay động, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố sóng gió, bão" - trung tá Đại vừa điều khiển tàu, đọc các thông số thời tiết, cảnh báo.
Lúc này chúng tôi đã vượt qua khu vực Vườn Quốc gia Bái Tử Long, cơ bản ra khỏi vùng vịnh Bái Tử Long. Quả đúng như lời thượng tá Đại cảnh báo, trời trở gió, những cơn sóng to bắt đầu nổi lên, chiếc tàu có 2 máy hơn 700 mã lực mà theo lời trung tá Đại là rất khỏe, gằn lên nhiều đoạn, vượt sóng lắc lư. Thượng tá Đại dặn mọi người ngồi vững, tìm điểm tựa, bảo: Vào thời điểm gió Nam, sóng còn to hơn, như này chưa ăn thua. Tới Mã Cháu còn vất vả hơn nhiều.
Cán bộ kỹ thuật đưa thiết bị lên lắp đặt hoàn thiện trạm phát sóng.
Đứng ở trong boong, các thành viên trong đoàn đều đã phải víu cột làm điểm tựa. Chiếc tàu lắc lư, nhồi lắc gập ghềnh dập lên dập xuống theo từng cơn sóng. Lúc này, đa phần chúng tôi đã không thể ngồi yên, tất cả đều đứng lên bám chặt vào thành tàu làm điểm tựa. Đứng sát cửa sau của khoang, nhiều người đã bị nước té ướt.
Cứ thế sau chừng 2h, chúng tôi ra tới đảo Cô Tô rồi sang Mã Cháu. Tất cả đều mệt nhừ, nhiều người trong đoàn còn bị say sóng. "Ở tuyến đảo Cô Tô đi lại đã khó, các đảo biệt lập xa xôi như Mã Cháu lại càng khó, việc đi lại mùa bão gió càng khó gấp bội. Không chỉ khó khăn đi lại, trước vùng này còn là "vùng trắng" sóng, việc liên lạc càng khó khăn hơn" - trung tá Phạm Hồng Thái, Phòng Tham mưu (Bộ đội Biên phòng tỉnh) từng công tác ở trạm, đồn biên phòng các đảo chia sẻ.
Gian nan nối dài cánh sóng, kéo đảo gần bờ
Sau chuyến đi dài tới Mã Cháu, tàu ghé cầu cảng đưa mọi người lên đảo. Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu trên đảo Hòn Ngựa, nằm giữa 2 đảo lớn nhất của huyện đảo Trần và Cô Tô. Trạm cách đảo Trần khoảng 12km, đảo Thanh Lân 15km, kiểm soát tuyến đường biển vào các đảo ven bờ, cửa sông, luồng lạch, bãi biển của huyện Đầm Hà và Tiên Yên.
Để bảo vệ biển đảo, giữa năm 1978, cấp trên chỉ đạo Đồn biên phòng Cô Tô thành lập Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu trên đảo Hòn Ngựa để kiểm soát, phòng thủ chặt tuyến biển. Đây là đảo biệt lập, không dân sinh sống, chỉ có cây bụi. Về sau những năm 1980 mới thành lập trạm, xây nhà cấp 4 trên đảo.
So với trước, Trạm kiêm soát biên phòng Mã Cháu nay đã khang trang hơn, đảm bảo về thông tin liên lạc.
Do cách biệt, lại không có tuyến tàu bè, không chỉ khó khăn về sinh hoạt, nơi đây còn là "vùng trắng" về thông tin liên lạc. Việc giữ thông tin liên lạc với Đồn và ngư dân đánh bắt quanh đảo rất khó khăn. Cần kíp thông báo cho bà con ngư dân, cán bộ đành phải bắc... loa tay hoặc nhờ các tàu cá truyền tin. Vì thế thông tin chậm, có khi vài ngày, thậm chí cả tuần mới tới.
Trước Trạm được cấp một máy nổ nhỏ, mỗi ngày chỉ chạy 1 tiếng buổi tối, cấp điện chạy máy thông tin liên lạc với đồn... Để gọi điện thoại, cán bộ ở đây có "mẹo", mang treo điện thoại lên cao ở đầu tòa nhà trạm để..."hứng" sóng từ đảo Trần lạc sang. Thế nhưng cũng chỉ có 1 vài điểm "hứng" được sóng và tín hiệu cũng rất phập phù.
Thế nhưng nay đã khác. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo có thể dễ dàng liên lạc, báo cáo về đồn, thông tin rộng rãi cho bà con ngư dân cận kề đảo, đang đánh bắt ngoài khơi hoặc gọi về nhà đều dễ dàng. Đó là nhờ mạch thông tin liên lạc đã được thông suốt.
Dẫn chúng tôi lên thăm trạm phát sóng mới được hoàn thiện, anh Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Kỹ thuật Trung tâm Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô - Chi nhánh Công trình Viettel Quảng Ninh, chia sẻ: Sau khoảng 1 tháng thi công, chúng tôi đã hoàn thiện và đưa trạm phát sóng trên đảo Mã Cháu vào hoạt động. Không những giúp thông tin liên lạc của trạm biên phòng trên đảo tiền tiêu Mã Cháu thông suốt còn phủ sóng rộng khoảng 10km cho bà con ngư dân trên biển.
Nay cán bộ, chiến sỹ trạm Mã Cháu đã có thể liên lạc với đồng đội, gia đình dễ dàng.
Để có mạng lưới thông tin rộng khắp, những người đi tiên phong thi công công trình ở đảo xa xôi là những người vất vả nhất. "Nhận bàn giao từ đầu tháng 9/2022 nhưng việc thi công trạm này quả thật không hề đơn giản. Trước tiên, đây là khu vực biển đảo xa xôi, ít có tuyến tàu bè. Và tất cả nguyên vật liệu, nhân công đều phải vận chuyển từ bờ ra, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Quá trình thi công đối với các cán bộ, công nhân xây dựng vì thế khó gấp bội" - anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Phòng Xây dựng, Chi nhánh Công ty Công trình Viettel Quảng Ninh, trực tiếp thi công công trình kể lại.
Anh bảo thêm: Tôi đã từng đi phủ sóng vùng lõm nhiều nơi, ở vùng sâu xa, biên giới, hải đảo xa xôi nhưng lần đầu tiên tôi tới và thi công ở một đảo xa, biệt lập, khó khăn về đi lại như vậy. Chưa kể trong suốt quá trình thi công, không ít lần lều trại của công nhân, cán bộ thi công bị gió bão đánh bạt, thổi bay, chúng tôi phải vào ở nhờ trạm biên phòng. Nhiều lúc tưởng chừng thời tiết gió bão sẽ khiến công trình không thể hoàn thành đúng tiến độ".
Và chúng tôi cũng được biết, có những câu chuyện dở khóc dở cười, đáng nhớ mà người có nhiều kinh nghiệm như anh Hùng gặp phải. Đó là trong quá trình chuẩn bị thi công cho trạm, thiếu dây điện 3 pha để đấu điện vận hành trạm, Hùng phải nhờ tàu cá về bờ lấy. Tuy nhiên phải chờ 3-4 hôm tàu cá mới chạy, bởi ở đây sóng gió to thường xuyên, không phải tàu nào cũng sẵn sàng về bờ khi cần.
Đơn vị thi công mở đường, vận chuyển thiết bị, khắc phục nhiều khó khăn hoàn thành trạm phát sóng.
Theo nhẩm tính của chúng tôi, để đưa trạm vào hoạt động ổn định, phát sóng 24/24h đảm bảo cho khu vực đảo Mã Cháu và khu vực xung quanh, chi phí vận hành cũng trên 50 triệu đồng/tháng, cao hơn so với nhiều trạm khác. Thế nhưng, việc quan trọng nhất chính là đảm bảo thông tin liên lạc, góp phần đảm bảo quốc phòng, anh ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đi biển.
Chia sẻ về mục tiêu đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, trung tá Nguyễn Sỹ Chúc, Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết, đơn vị sẽ nỗ lực đảm bảo hoạt động thông suốt của trạm, góp phần vào con số 50 vị trí trạm phát sóng được đơn vị đặt ở vùng biên, đồn biên phòng, trạm biển đảo. Dù gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, xây dựng, vận hành, nhưng đơn vị sẽ quyết tâm cao nhất, vận hành tốt nhất, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho ngư dân, cán bộ biên phòng, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực đảo tiền tiêu của tổ quốc.
Khám phá Thanh Lân, viên ngọc ẩn của biển trời Đông Bắc Được ví như viên ngọc ẩn giữa biển trời Đông Bắc, xã đảo Thanh Lân thuộc quần đảo tiền tiêu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh mang đậm nét đẹp hoang sơ bí ẩn của thiên nhiên. Thanh Lân, hòn đảo xa bờ mang vẻ đẹp bí ẩn của thiên nhiên. Ảnh: Tuệ Nhi Thanh Lân không chỉ đẹp bởi những giá trị ẩn...