Có tiếng “làng ung thư”: Trai làng ế vợ
“Tội lắm các chú ạ, đám con gái ở nơi khác vẫn thường xuyên “đu đưa” qua lại với đám trai làng tôi, nhưng yêu thôi, chứ bảo cưới xin rồi về làm dâu là đứa nào cũng… chạy mất dép. Hàng chục thằng con trai trong làng lớn tồng ngồng ra rồi mà đã có đứa nào lấy được vợ đâu”, cụ Lê Văn Hạnh, 68 tuổi, Khu 8, xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết.
“Tự hào gì cái danh hiệu làng ung thư”
Vừa tiếp chuyện chúng tôi, cụ Lê Văn Hạnh vừa phải lấy tay che mũi vì mùi hôi nồng nặc của khói thải bao trùm lên không khí nơi đây. Cụ Hạnh nói như giải thích với chúng tôi: “Ngày nào cũng như ngày nào, mùi khói thải vẫn thế đấy các chú ạ. Hôm nào mà mất điện thì mùi còn nồng nặc hơn nhiều”.
Sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ), cụ Lê Đức Hạnh cho biết tính đến nay đã 68 tuổi nhưng chính cụ cũng không còn nhớ là xã Thạch Sơn quê mình đã có bao nhiêu người chết vì căn bệnh quái ác ung thư. Con số tính toán và thống kê được đó là những người được phát hiện và điều trị tại bệnh viện, bệnh viện lưu lại hồ sơ bệnh án, chứ những trường hợp “lặng lẽ mắc bệnh, lặng lẽ ra đi” thì nhiều lắm.
Vừa trò chuyện, cụ Lê Văn Hạnh vừa phải lấy tay che kín mặt mũi vì mùi hôi nồng nặc
“Giờ chúng tôi đi đâu nói đến Thạch Sơn là ai ai cũng biết. Cả tỉnh biết, cả nước biết. Thỉnh thoảng đi xa, nói quê quán, ai người ta cũng nhìn mình rồi hỏi: “Bác là người làng ung thư à?”. Người ta thì tự hào về làng quê mình là làng văn hóa, làng cổ, làng truyền thống anh hùng, làng làm kinh tế giỏi, còn quê mình thì bị mang tiếng là… “làng ung thư”. Chúng tôi đâu có tự hào gì về cái “danh hiệu bất đắc dĩ” ấy, khổ lắm các chú ạ”, cụ Hạnh nói.
Đếm đốt ngón tay, cụ Hạnh nhẩm tính, chỉ riêng từ năm 2000 đến nay, chỉ riêng Khu 8 (xã Thạch Sơn) của cụ đã phải tiễn đưa hơn chục người chết vì mắc bệnh ung thư, còn cả xã Thạch Sơn thì chắc còn nhiều nữa. Nhiều người tuổi chưa đầy bốn mươi.
“Có 3 môi trường là đất, nước và không khí thì đều bị nhiễm độc cả, không mắc bệnh ung thư mới là lạ. Người xấu số mắc bệnh rồi chết đã khổ là một lẽ, đằng này đến cả người đang sống cũng khổ, cũng không biết chết lúc nào. Cả làng tôi, khoảng hai ba chục năm trở lại đây chưa có cụ nào mừng thọ tuổi 80 cả”, cụ Hạnh cho biết.
Trai “làng ung thư”… ế vợ
Ngoài ra, theo cụ Hạnh, vì xã Thạch Sơn bị mang tiếng là “xã ung thư” mà con trai làng cụ bị… ế vợ. Cụ Hạnh cho biết, có lần cháu trai của cụ đưa người yêu đến nhà chơi, lúc cụ rót nước mời thì cô gái nhất quyết không uống mà lấy từ túi xách ra chai nước khoáng để uống. Cụ gặng hỏi thì cô gái mới bẽn lẽn giải thích: “Vì cháu sợ nước ở đây nhiễm độc hóa chất, uống vào sẽ mắc bệnh ung thư” (!)
Video đang HOT
“Tội lắm các chú ạ, đám con gái ở nơi khác cũng vẫn thường xuyên “đu đưa” qua lại với đám trai làng tôi, nhưng yêu thôi, chứ bảo cưới xin rồi về làm dâu làng tôi là đứa nào cũng… bỏ chạy mất dép. Hàng chục thằng con trai trong làng lớn tồng ngồng ra rồi mà đã có đứa nào lấy được vợ đâu.
Xã Thạch Sơn được cho là xã có kinh tế khá phát triển, đời sống kinh tế của người dân tương đối ổn định song hiện nay rất nhiều người bỏ quê ra đi để… “tị nạn” vì ô nhiễm môi trường.
Đám con gái nơi khác thì bảo đám trai làng tôi rằng cưới em thì hoặc anh ở rể, hoặc mua đất làm nhà nơi khác để sống, chứ về xã về làng anh thì em không về đâu, sợ lắm. Các chú tính, ở rể thì đâu phải thằng con trai nào cũng chịu, mà mua đất nơi khác thì tiền ở đâu ra, thành ra cuối cùng có đám yêu nhau hàng 3 – 4 năm rồi lại chia tay là vì thế”, cụ Hạnh tâm sự.
“Nếu nói về mặt bằng chung kinh tế thì làng tôi và cả xã Thạch Sơn này gần như hơn hẳn các làng xã khác trong tỉnh Phú Thọ. Việc làm và thu nhập của người dân quê tôi khá ổn định. Nhưng không phải vì thế mà đám con gái nơi khác chịu về làm dâu đâu, họ vẫn nơm nớp lo sợ đấy. Các cụ ta ngày xưa thường hay bảo: “Yêu nhau tam tứ núi cũng leo”, nhưng đó là nói về khoảng cách địa lý thôi, chứ đụng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng con người thì ai mà chẳng sợ, tình yêu mà gặp ung thư thì cũng… “tắt điện” thôi các chú ạ”, cụ Hạnh cười.
Cụ Hạnh cho biết, ngay như người cháu trai của cụ, dù ở quê vẫn nhiều việc làm phù hợp và thu nhập cũng khá, nhưng ngay sau khi cưới vợ xong, hai vợ chồng vẫn quyết định “ly hương”, vào thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp.
“Vợ chồng chúng nó bảo: Chúng cháu cũng muốn ở quê lắm, nhưng mà không thể được. Làng mình giờ ô nhiễm như thế, đời bố mẹ, ông bà đã gánh chịu, giờ đến lượt con cái chúng cháu sinh ra nữa thì biết tính sao… Nghe vợ chồng nó nói mà tôi ứa nước mắt ra các chú ạ. Có ở đâu khổ như cái làng tôi không, có làng, có nhà mà nhiều người vẫn phải bỏ quê mà đi…”, cụ Hạnh ngậm ngùi.
Đa số chết vì bệnh ung thư phổi
Ông Trần Hữu Dục (sinh năm 1962, trú tại Khu 7, xã Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ), bác sĩ Bệnh viện Lao Phú Thọ: Mỗi năm, Bệnh viện Lao Phú Thọ tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, chủ yếu là mắc bệnh lao và những bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Ngay ở quê tôi, số lượng người bị mắc bệnh lao cũng đang ngày một gia tăng. Trong số những người ở xã Thạch Sơn bị chết vì mắc bệnh ung thư các loại trong những năm qua thì tỉ lệ chết vì mắc bệnh lao phổi chiếm đến hơn 50%. Môi trường không khí bị ô nhiễm nặng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ người mắc các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp đang ngày một gia tăng.
Khói thải hóa chất từ các nhà máy công nghiệp trên địa bàn là nguyên nhân chính dẫn đến sự ô nhiễm môi trường không khí. Ngoài ra, chất thải lỏng cũng khiến cho môi trường đất và nước ở xã Thạch Sơn bị nhiễm độc nặng nề.
Theo 24h
"Ổ ung thư" bên dòng Gianh
Ông Nguyễn Đình Thọ - Trưởng trạm y tế xã Quảng Phong (Quảng Trạch, Quảng Bình) mở cuốn sổ theo dõi bệnh nhân tử vong do căn bệnh ung thư gây ra trên địa bàn xã rồi khẽ giọng: "Tính trong vòng thời gian mười năm trở lại đây ít nhất có 50 người chết vì bệnh ung thư. Trong đó, tập trung người bệnh cao nhất ở thôn 5. Hiện con số bệnh nhân tử vong trong thôn cũng đã gần 30 người rồi".
Sống mòn vì bạo bệnh
Quảng Phong là xã nằm ở trung tâm huyện Quảng Trạch, trải dài theo dọc sông Gianh chừng ba cây số. Nguồn nước sinh hoạt dồi dào nhưng nhiễm phèn nặng. Từ xưa đến nay, người dân Quảng Phong dùng giếng tự đào (giếng khơi) hoặc giếng khoan.
Nguồn nước nhiễm phèn nặng nên các hộ phải xây bể để lọc nước một cách thủ công. Nhiều nhà xây bể chứa nước mưa nhưng do nắng hạn kéo dài trong những tháng qua nên lượng nước mưa dự trữ không đủ để ăn uống hàng ngày đành phải dùng nước giếng nhiễm phèn sau khi lọc sơ qua. Không rõ có phải nguồn nước không bảo đảm hay không mà trong những năm qua, số người mắc bệnh ung thư trong cụm dân cư này xảy ra liên tục và có xu hướng tăng trong hai năm gần đây.
Đến Trạm y tế xã, ông Nguyễn Đình Thọ - Trạm trưởng lấy cuốn sổ được đóng thành tập dày mở ra tra cứu rồi lắc đầu: "Phần lớn bệnh nhân tử vong vì bị các chứng bệnh ung thư gan, vòm họng, phổi... Những năm gần đây, cả người trẻ hay trẻ em cũng bị bệnh. Nguyên nhân thì chúng tôi chịu vì vượt quá tầm của trạm. Chỉ biết là tập trung nhiều nhất ở thôn 5 thôi".
Ông Nguyễn Đình Thọ (bên trái ảnh): "Số người chết vì ung thư ở thôn 5 nhiều lên so với trước..."
Trưởng thôn 5, Nguyễn Văn Hệ, mặt buồn rười rượi, nói với chúng tôi: "Thôn có 150 hộ, theo con số thống kê thì cũng gần 30 người chết vì căn bệnh ung thư. Nhưng tập trung nhiều ở cụm dân cư giữa thôn. Nếu lấy bán kính xung quanh khoảng 300 mét có 50 hộ dân thì có đến 20 người đã chết. Có gia đình chết đến 3 người. Già có, trẻ có".
Chúng tôi về đến thôn 5 để biết rõ thực hư câu chuyện. Chị Nguyễn Thị Hường là con dâu trong gia đình có bố mẹ chồng mất vì căn bệnh ung thư cho biết: "Gia đình chị trước đây có bảy người, mẹ chồng chị đang khỏe mạnh bỗng nhiên đổ bệnh, đi khám được bác sĩ cho biết là bà bị ung thu dạ dày. Gia đình cố gắng chạy chữa nhưng bà đã mất sau ba tháng phát hiện bệnh. Được hơn năm thì bố chồng mất vì bị ung thư vòm họng. Mấy năm sau đó, anh trai chồng cũng đột ngột ra đi vì bạo bệnh".
Đi ngược đường bê tông mấy ngõ, đến nhà bà Nguyễn Thị Hòa. Không khí trong nhà trầm mặc. Bà Hòa kể lại, bố chồng bà mất vì căn bệnh ung thư gan mấy năm nay. Tưởng căn bệnh quái ác đi qua rồi thôi. Không ngờ con trai bà mới học lớp 11 đang yên lành thì một lần đi học về cháu kêu đau nhức mình. Cứ vậy bệnh ngày càng nặng. Đến bệnh viện được chẩn đoán cháu bị ung thư xương. Về nhà mấy tháng thì mất. "Cả xóm ni, gần như nhà mô cũng có người chết vì bệnh ung thư" - bà Hòa nghẹn giọng.
Người già bị ung thư đã đành, trẻ nhỏ cũng bị căn bệnh cướp đi mạng sống thật xót thương. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám có được cháu trai Nguyễn Văn Quang đầu lòng nên nội ngoại ai cũng mừng. Cháu lên 6 tuổi bắt đầu đi học lớp 1 thì cứ ốm vặt suốt. Khi đưa đi khám mới biết cháu bị ung thư máu.
Không ai để ý...
Ông Nguyễn Thế Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phong cho hay: "Trong 10 thôn của xã đều có nhưng riêng cụm dân cư ở giữa thôn 5 chiếm số cao lượng người bệnh, với nhiều độ tuổi khác nhau. Trước hiện tượng bất thường về số người bị bệnh ung thư, xã đã cùng với cơ quan y tế địa phương lấy mẫu nước sinh hoạt xét nghiệm, kết quả không có gì bất thường. Trên địa bàn cũng không có kho hóa chất hoặc nhà máy nào đang hoạt động để nghi ngờ gây ô nhiễm. Thế nhưng nhiều người dân trong thôn vẫn bị mắc ung thư".
Người dân cho nguyên nhân vì kho thuốc trừ sâu trước đây
"Có lẽ bệnh ung thư này xuất phát từ kho chứa thuốc trừ sâu của HTX trước đây" - ông Hệ, trưởng thôn thốt lên như vậy. Cũng theo ông Hệ thì kho thuốc trừ sâu có ở giữa thôn từ năm 1968. "Lúc đó, khi còn thanh niên, chúng tôi vẫn thường đến đó nhận thuốc về để phun cho lúa" - ông Hệ nhớ lại. Theo nhiều người, hồi đó, ở thôn 5, nhà cửa thưa thớt. Hơn mười năm nay nhiều người đắp đất trên ruộng lúa để làm nhà, thành ra xóm đông đúc như bây giờ. "Như vậy, nguồn nước không chỉ bị phèn nặng mà có thể nhiễm chất độc gây ung thư chăng?" - ông Hệ đặt nghi vấn.
Ông Nguyễn Đình Thọ - Trưởng trạm y tế xã: "Trong 5 năm gần đây, người dân thôn 5 phải chịu nhiều tang thương do căn bệnh ung thư hoành hành. Chỉ hơn 30 hộ dân trong xóm mà 14 hộ gia đình có 15 người bị bệnh ung thư, có gia đình hai người chết do ung thư. Điều đó đã gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực".
Nơi được cho là vị trí kho thuốc trừ sâu bây giờ là vạt đất trồng rau muống của gia đình ông Phạm Văn Hầu. Ông Hầu năm nay đã ngót 80 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh. Ông cho hay: "Hồi đó, tui là đội trưởng sản xuất nên biết rõ kho thuốc này. Kho nhà có 3 gian, bề ngang 7 mét và bề rộng 4 mét. Trong đó chủ yếu là thuốc bột 666 và thuốc Vôphatốc đóng chai loại 1 lít. Từ kho thuốc này, mới được phân phối về cho các đội để phun cho lúa, hoa màu. Thường lượng thuốc lưu kho cũng đến hơn tạ. Mùi hôi khủng khiếp lắm. Sau này đến năm 85, 86 chi đó mới phá dỡ đi".
Bà Nguyễn Thị Mường - cán bộ y tế nghỉ hưu giờ tham gia làm công tác y tế thôn cho hay: "Nếu lấy vùng đất đã từng làm kho thuốc trừ sâu làm trung tâm thì tất cả những gia đình sống gần đó đều có người bị ung thư chết. Cụm dân cư này có lẽ có số người mắc bệnh cao nhất bởi gần 20 người đã chết vì bệnh này".
Theo ông Sơn - Phó Chủ tịch xã, vào năm 2007, Sở TN-MT có công văn đề nghị lập danh sách người chết vì ung thư gửi lên huyện, tỉnh, rồi thôi. Cách đây mấy năm, có đoàn công tác nghe là từ Hà Nội vào lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm. Nhưng sau đó cũng không có động tĩnh gì. "Bây giờ, người dân thôn 5 cứ phải sống trong sợ hãi như vậy. Cứ nơm nớp lo chứ biết làm sao được" - ông Sơn bộc bạch.
Theo 24h
"Làng chết" dưới chân Ngàn Nưa Cách đây chưa lâu, làng Thổ Vị (xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) khắp trong và ngoài tỉnh biết bởi cái tên "làng ung thư". Sau khi báo chí phản ánh, đã có hàng chục đoàn về kiểm tra, lấy mẫu nước của làng đưa đi nghiên cứu, xét nghiệm, cho kết quả tất cả các mẫu nước đều không đảm...