Có thêm 38 doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch cả năm sau 9 tháng
Danh sách những doanh nghiệp sớm vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm hứa hẹn sẽ còn kéo dài.
Mùa báo cáo tài chính quý 3 đang ở giai đoạn cao điểm, tính đến thời điểm hiện nay đã có hàng trăm doanh nghiệp trên các sàn giao dịch chứng khoán công bố kết quả kinh doanh. Ngoài mấy chục doanh nghiệp đã sớm báo lãi vượt kế hoạch cả năm sau 6 tháng đầu năm, thì đến thời điểm này danh sách các doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đã được kéo dài ra đáng kể.
Trước đó, ngay đầu mùa báo cáo tài chính quý 3, Đạm Phú Mỹ (DPM) công bố tổng doanh thu 9 tháng đầu năm ước đạt 7.095 tỷ đồng và LNTT 625 tỷ đồng, vượt tới 41% kế hoạch năm. Nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh được cho là do tổ hợp dự án mới đi vào hoạt động làm gia tăng sản lượng.
Ngoài ra, những cái tên như Cát Lợi (CLC), Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Phát triển đô thị (UDJ), Nam Việt (ANV), Dabaco (DBC), Bọc ống Dầu khí (PV Coating – PVB), Bảo hiểm Dầu khí (PVI) cũng đã sớm góp tên vào danh sách những doanh nghiệp báo lãi vượt kế hoạch năm sau khi công bố kết quả kinh doanh 9 tháng vừa qua.
Ngành thủy sản khởi sắc nhờ những tín hiệu tích cực
Danh sách kéo dài nhanh chóng khi tuần qua có thêm mấy chục doanh nghiệp báo lãi lớn. Ngành thủy sản – nhóm ngành vừa đón nhận hàng loạt thông tin tích cực từ trong nước cũng như thế giới như sự việc liên quan đến áp thuế chống bán phá giá có kết quả, như những lợi thế có thể mang lại từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung… đóng góp rất nhiều tên tuổi.
Vĩnh Hoàn (VHC) cho biết thị trường tôm 9 tháng tương đối ổn định, mặt hàng cá tra gặp khá nhiều khó khăn do khủng hoảng cá tra giống và những rào cản từ thị trường nhập khẩu nhưng hoạt động SXKD vẫn phát triển tốt.
Bản tin IR tháng 9 của Vĩnh Hoàn cho biết tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 270 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ, tổng doanh thu ước đạt 8.701 tỷ đồng và lãi ròng ghi nhận đạt 1.026 tỷ đồng, tăng trưởng 71% và dự đoán vượt khoảng 65% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tín hiệu tích cực cũng đến từ các doanh nghiệp thủy sản khi Nam Việt (ANV) đã đạt 307 tỷ đồng LNST, tăng 253% so với cùng kỳ và vượt 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhờ giá bán tăng cao khi công ty chủ động được 100% nguồn nguyên liệu.
Thủy sản Bến Tre (ABT) có kết quả khả quan khi công bố đạt 55 tỷ đồng LNTT, vượt 25% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm nhờ doanh thu và giá bán ra đều tăng, giá vốn giảm do tự chủ được nguồn nguyên liệu.
Thủy sản Mê Kông (AAM) cho biết sản lượng 9 tháng đầu năm đạt 2.527 tấn, thực hiện được 50,5% kế hoạch năm, còn doanh thu đạt 169 tỷ đồng, hoàn thành 77% kế hoạch. Tuy cả doanh thu và sản lượng đều chưa hoàn thành kế hoạch, nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 10,5 tỷ đồng, gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Kết quả kinh doanh khả quan, nhưng các nhà đầu tư đang chú ý đến một động thái khác của Thủy sản Mê Kong là việc hủy đi toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu để giảm vốn điều lệ xuống dưới 100 tỷ đồng. Việc giảm vốn “lạ” này của Thủy sản Mê Kông càng khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn khi doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên HoSE do quy định điều kiện về vốn điều lệ trên sàn này.
Sau khi hủy cổ phiếu quỹ, Thủy sản Mê Kông lại đăng ký mua tiếp 2,4 triệu cổ phiếu quỹ. Chưa biết các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp này ra sao, chỉ biết rằng AAM có 1 năm để khắc phục tình trạng về vốn điều lệ trước khi chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE.
Ngành thủy sản khởi sắc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành phụ trợ phát triển. Chiếu xạ An Phú (APC) cho biết 9 tháng đầu năm nay thị trường thủy sản tăng, đồng thời công ty chủ động điều chỉnh chính sách giá dẫn đến LNST đạt gần 59 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và vượt đến 76% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Nhóm ngành dầu khí hưởng lợi lớn từ giá dầu tăng
Giá dầu tăng mạnh đã giúp các doanh nghiệp ngành dầu khí có kết quả kinh doanh khởi sắc. Đầu tiên, PV Gas (GAS) công bố 9 tháng đầu năm đạt 56.613 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 9.082 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt đến 41% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. EPS đạt 4.580 đồng.
Tính riêng quý 3 giá dầu Brent bình quân đạt 75,3 USD/thùng, tăng 45% so với cùng kỳ khiến giá bán tăng theo. Doanh thu thuần đạt 1.826 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ còn lợi nhuận trước thuế đạt 4.063 tỷ đồng, tăng trưởng đến 66% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.266 tỷ đồng.
CTCP Phân phối khí áp thấp dầu khí Việt Nam (PGD) cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu 23% ngay trong quý 3/2018 vừa qua, lên 2.222 tỷ đồng. LNST đạt 54,5 tỷ đồng, tăng 24%.
Tính chung 9 tháng đầu năm doanh thu thuần PGD đạt 6.004 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 197 tỷ đồng, tăng mạnh 59% so với 9 tháng đầu năm ngoái và vượt 9% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2018 với lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 82.714 tỷ, vượt 6% kế hoạch 78.108 tỷ đồng cho cả năm. Song song, lợi nhuận sau thuế trong kỳ cũng tăng lên mức 4.607, vượt đến 32% chỉ tiêu.
Nhóm ngành thủy điện góp thêm nhiều cái tên mới
Những doanh nghiệp ngành thủy điện vốn đã có kết quả kinh doanh tốt từ đầu năm 2018 đến nay. Nguyên nhân được giải trình hầu hết đều do thời tiết mưa nhiều, công tác phát điện thuận lợi… Đến hết quý 3 danh sách những doanh nghiệp thủy điện vượt kế hoạch đã kéo dài với những cái tên mới.
Đầu tiên phải kể đến Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Da Mi (DNH) với số lãi trước thuế đột biến 1.011 tỷ đồng, vượt 49% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 800 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 81% so với cùng kỳ, trong đó riêng quý 3 đóng góp 254 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ cũng đạt hơn 801 tỷ đồng.
Video đang HOT
Thủy điện Thác Mơ (TMP) cũng thông báo đạt gần 627 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ và hoàn thành 83% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 320 tỷ đồng, tăng 31% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và vượt đến 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm. LNST ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 313 tỷ đồng.
Thủy điện Thác Bà (TBC) công bố số lãi sau thuế 152,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 19% so với cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch cả năm. Trong đó riêng quý 3 LNST đạt 46,9 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Thêm một doanh nghiệp ngành điện nữa là Thủy điện Sê San 4A (S4A) cũng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 với doanh thu tăng 8,3% so với cùng kỳ, đạt 231,5 tỷ đồng còn LNTT đạt gần 98 tỷ đồng, vượt 11% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. LNST đạt gần 93 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý 3/2018 Thủy điện Nậm Mu (HJS) báo lãi sau thuế gần 9,5 tỷ đồng, nâng tổng LNST 9 tháng đầu năm 2018 lên 38,8 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và vượt gần 11% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.
Trong khi đó CTCP Thủy điện – điện lực 3 (DRL) cũng vừa công bố lãi sau thuế 46,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, vừa vặn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm (46,05 tỷ đồng).
Không thuộc ngành thủy điện, nhưng cũng thuộc ngành điện, CTCP Đầu tư và phát triển Điện Miền Bắc 2 (Nedi 2 – mã chứng khoán ND2) cũng được nhắc đến trong danh sách với số lãi sau thuế trên 104 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, vượt 23% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Điện lực Khánh Hòa (KHP) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 3.406 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 74,5 tỷ đồng, tăng 66% và hoàn thành vượt đến 49% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. LNST đạt gần 64 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ.
Nhóm ngành than hân hoan báo lãi vượt xa kế hoạch
Các doanh nghiệp ngành than đều có chung lý do là than khai thác chất lượng tốt, sản lượng tăng cao dẫn đến doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Cùng lúc 5 doanh nghiệp ngành than là Than Núi Béo (NBC), Than Vàng Danh (TVD), Than Đèo Nai (TDN), Than Hà Lầm (HLC) và than Hà Tu (THT) đều công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vượt xa kế hoạch năm.
Trong số đó, doanh thu 9 tháng của Than Núi Béo đạt 1,552 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ còn LNTT đạt gần 40 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch năm, LNST đạt 32 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Than Vàng Danh (TVD) đạt mức tăng trưởng doanh thu 63%, lên 3.166 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 191%, lên mức 40,3 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm.
Còn tính riêng quý 3 lợi nhuận của Than Hà Tu (THT) tăng gấp 7 lần cùng kỳ với 7,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 2.129 tỷ đồng doanh thu, LNTT đạt 26,8 tỷ đồng, vượt 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm. LNST đạt 21,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Còn Than Đèo Nai (TDN) công bố doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 2.027 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và thực hiện được 83% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Tuy vậy LNTT đạt 38,4 tỷ đồng, tăng đột biến gấp 35 lần so với số lãi hơn 1,1 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái và vượt đến 64% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Than Hà Lầm (HLC) đạt 2.275 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm, tăng 6% so với cùng kỳ. LNTT đạt 39,4 tỷ đồng, sớm vượt 11% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. LNST đạt 31,5 tỷ đồng, tăng trưởng 79% so với cùng kỳ.
Nhóm ngành hạ tầng khu công nghiệp phát triển mạnh
Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hạ tầng khu công nghiệp vừa bất ngờ báo lãi lớn. Cả 2 doanh nghiệp ngành hạ tầng KCN là Sonadei Long Thành (SZL) và Sonadezi Châu Đức (SZC) vừa cùng báo lãi tăng mạnh trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018. Trong đó Sonadezi Long Thành đạt 83 tỷ đồng LNST 9 tháng đầu năm, tăng 25% so với cùng kỳ và vượt 18% kế hoạch năm. Còn Sonadezi Châu Đức báo lãi sau thuế 89 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp 3,6 lần cùng kỳ và vượt 23% mục tiêu về lợi nhuận cả năm.
Sonadezi Châu Đức cũng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HoSE từ cuối tháng 5/2018.
Long Hậu (LHG) báo cáo doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt gần 296 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt trên 135 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ và chính thức hoàn thành, vượt 6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Nhóm ngành hóa chất, một doanh nghiệp đang khiến các nhà đầu tư quan tâm là Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (DGC) với số lãi đột biến 619 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, gấp 3 lần cùng kỳ.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của DGC tăng trưởng mạnh do công ty vừa hoàn tất tiến trình sáp nhập Hóa chất Đức Giang Lào Cai “về cùng một nhà”. Do vậy không chỉ doanh thu, lợi nhuận, mà hàng loạt các chỉ tiêu khác của DGC đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF) thông báo đạt 61,35 tỷ đồng LNTT, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và đã vượt 4% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Nhóm các công ty chứng khoán đóng góp thêm 2 cái tên là Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) với danh mục tự doanh tăng mạnh, 9 tháng đầu năm đạt 149 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 15% kế hoạch năm.
Chứng khoán MB (MBS) cho biết doanh thu nghiệp vụ môi giới tăng trưởng mạnh, chi phí hoạt động giảm, kết quả 9 tháng đầu năm đạt hơn 202 tỷ đồng LNTT, gấp 10,4 lần cùng kỳ và vượt 26% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng.
Nhóm ngành xây dựng vốn đã có rất nhiều cái tên hiện diện trong danh sách doanh nghiệp vượt kế hoạch năm sau nửa đầu năm 2018. Đến nay danh sách lại mở rộng thêm với nhiều “tên tuổi” như Nam Long (NLG).
Doanh thu 9 tháng đầu năm của Nam Long đạt 2.740 tỷ đồng, tăng đột biến 67% so với cùng kỳ dù chỉ mới thực hiện được 71% kế hoạch năm. Trong đó doanh thu từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự đạt 1.786 tỷ đồng – tăng đến 136% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 748 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ và chính thức vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng. LNST ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 635 tỷ đồng. Tổng LNST chưa phân phối đến cuối kỳ lên đến 1.210 tỷ đồng.
Nhóm ngành dệt may cũng là một trong những nhóm ngành đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt được xem là nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định CPTTP. Theo ghi nhận từ Dệt may Thành Công (TCM), tháng 9/2018, doanh thu thuần đạt khoảng 14,5 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt khoảng 16%. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 714.000 USD.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu TCM đạt khoảng 119 triệu USD, tương đương 2.796,5 tỷ đồng, thực hiện được 88% kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 8,6 triệu USD, tương đương hơn 202 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch năm 2018.
Ngành bia, CTCP Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB) báo cáo số lãi sau thuế 9 tháng đạt 89,1 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ và vượt 3% kế hoạch năm.
Rất nhiều doanh nghiệp đang gấp rút kiện toàn và công bố báo cáo tài chính trong những ngày sắp tới và danh sách những doanh nghiệp sớm vượt kế hoạch kinh doanh cả năm còn hứa hẹn sẽ nối dài.
Thạch Lâm
Theo Trí thức trẻ
Có thêm hàng chục doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng đột biến, vượt xa kế hoạch năm
Danh sách những doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng đang ngày một nối dài ra.
Mùa báo cáo tài chính quý 2 đã dần khép lại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, trải qua nửa đầu năm 2018 này, danh sách những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ được nối dài hẳn so với nửa đầu năm ngoái. Những doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch cả năm cũng ngày càng nhiều.
Đạm Phú Mỹ (DPM) đạt 402 tỷ đồng LNST nửa đầu năm 2018
Tổng Công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với doanh thu thuần đạt 4.818 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên do chi phí giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm đáng kể so với cùng kỳ, còn 929 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.200 tỷ đồng).
Nhờ tiết giảm được khoản lớn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên Đạm Phú Mỹ vẫn giữ được mức lãi sau thuế 402 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 13% so với cùng kỳ nhưng cũng đủ giúp công ty vượt đến 8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng. Dù vượt chỉ tiêu về lợi nhuận nhưng Đạm Phú Mỹ vẫn chỉ mới hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu (8.557 tỷ đồng).
Khác với kết quả kinh doanh khả quan, trên thị trường chứng khoán tính từ đầu năm 2018 đến nay cổ phiếu DPM đã giảm 15%, từ vùng giá 21.500 đồng/cổ phiếu xuống 18.300 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu DPM trong 6 tháng gần đây.
PV Trans (PVT) báo lãi 6 tháng đầu năm 2018 gấp đôi cùng kỳ
Tổng CTCP Vận tải Dâu khí (PV Trans - PVT) vừa trải qua quý 2 với kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến gấp 3,6 lần nhờ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá, khoản thanh lý tài sản và số cổ tức được nhận tăng mạnh.
Tính riêng quý 2 doanh thu công ty sắp sửa chạm mức 2.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 230 tỷ đồng, tăng 267% so với quý 2 năm ngoái. Nâng tổng lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2018 lên gần 380 tỷ đồng, gấp đôi lợi nhuận đạt được nửa đầu năm ngoái và vượt 68% kế hoạch cả năm.
Thông tin về kết quả kinh doanh khả quan đã giúp cổ phiếu PVT phục hồi nhẹ từ cuối tháng 7/2018 đến nay, hiện giao dịch ở vùng giá 17.400 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu PVT trong 6 tháng gần đây.
Becamex IDC vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm
Becamex IDC (BCM) cho biết tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 3.494 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.063 tỷ đồng - được liệt kê tên trong danh sách câu lạc bộ nghìn tỷ dù lợi nhuận sau thuế vẫn chỉ ở mức ngấp nghé được bước chân vào với gần 954 tỷ đồng. Con số này cũng giúp Becamex IDC vượt 67% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Lãi lớn ghi nhận từ công ty liên kết, Vnsteel vượt 110% kế hoạch
Riêng quý 2/2018 Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel - TVN) đạt 351 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng đột biến so với số lãi 14 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận tăng đột biến này một phần nhờ tăng doanh thu, còn phần lớn nhờ việc công ty ghi nhận đến 225 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết, trong khi cùng kỳ ghi âm 200 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần đạt 13.045 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 67% kế hoạch năm. Nhờ 472 tỷ đồng lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên doanh liên kết (cùng kỳ lỗ 142 tỷ đồng), nên Vnsteel lãi sau thuế 734 tỷ đồng, gần gấp 3 lần lợi nhuận đạt được nửa đầu năm ngoái và vượt 110% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Một điểm tích cực nữa là nợ xấu đến cuối quý 2 giảm được 124 tỷ đồng so với đầu năm, còn 205 tỷ đồng. Tuy nhiều thông tin tốt hỗ trợ, nhưng giá cổ phiếu TVN vẫn không thể bứt phá, vẫn đang duy trì giao dịch dưới mệnh giá.
Diễn biến giá cổ phiếu TVN trong 6 tháng gần đây.
Điện Miền Trung vượt 15% kế hoạch
Dù doanh thu và lợi nhuận quý 2 đều giảm so với cùng kỳ, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 Điện Miền Trung (SEB) vẫn đạt 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 7% so với cùng kỳ nhưng cũng đủ giúp công ty hoàn thành và vượt 15% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm chỉ sau 6 tháng.
Dược phẩm Trung Ương 3 đạt mức lãi kỷ lục trong quý 2
Ngành dược, Dược phẩm Trung Ương 3 (DP3) vừa đạt mức lãi kỷ lục trong quý 2 vừa qua với 34,3 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước và bằng 90% tổng lợi nhuận đạt được cả năm 2017.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 Dược phẩm Trung Ương 3 đạt 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gần gấp 3 lần lợi nhuận đạt được nửa đầu năm 2017 và vượt 65% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
DP3 cũng là một trong số ít cổ phiếu tăng mạnh sau khi kết thúc quý 2, hiện giao dịch quanh mốc 83.000 đồng/cổ phiếu và tăng 11% so với thời điểm đầu năm 2018.
Diễn biến giá cổ phiếu DP3 trong 6 tháng gần đây.
Mảng xăng dầu tăng trưởng mạnh, Timexco báo lãi 6 tháng gấp đôi cùng kỳ
Timexco (TMC) cho biết riêng quý 2 doanh thu đạt gần 702 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ mảng xăng dầu đóng góp khoảng 575 tỷ đồng, chiếm 82% tổng doanh thu và tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 15,6 tỷ đồng, tăng 166% so với quý 2/2017.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 Timexco đạt mức tăng trưởng doanh thu 25%, lên 1.327 tỷ đồng và hoàn thành 73% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 19,63 tỷ đồng tăng gần gấp đôi cùng kỳ và vượt 11,5% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.
Doanh thu chính từ cá tra fillet, Thủy sản Cửu Long An Giang vừa có quý 2 bội thu
Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) vừa công bố BCTC quý 2/2018 với lợi nhuận cao gấp 4 lần cùng kỳ, đạt 48 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 54 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 14 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái và vượt 74% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Hoạt động kinh doanh của Thủy sản Cửu Long An Giang bao gồm các hoạt động chế biến thủy sản, trong đó sản phẩm chính là cá tra đã qua chế biến, gồm fillet trắng và cá tra IQF hồng, trong đó doanh thu cá tra fille các loại chiếm tới 90% doanh thu bình quân hàng năm của công ty.
Thêm một ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch
Ngành ngân hàng góp thêm 1 cái tên là MaritimeBank (MSB) với 268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 63% so với cùng kỳ và vượt 38% kế hoạch được giao.
Dù chưa chính thức hoàn thành kế hoạch, nhưng Lọc hóa dầu Bình Sơn và PV Coating đều đáng được ghi danh
Ngay quý đầu tiên sau khi lên sàn, Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với doanh thu 55.875 tỷ đồng, tăng vượt bậc 44% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.443 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và giúp công ty hoàn thành đến 99% lợi nhuận được giao cho cả năm. Dù chưa chính thức hoàn thành kế hoạch, nhưng Lọc Hóa Dầu Bình Sơn cũng xứng đáng được ghi danh.
Lọc hóa dầu Bình Sơn đưa cổ phiếu BSR lên giao dịch trên Upcom từ ngày 1/3/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.400 đồng/cổ phiếu. Ngay 3 phiên đầu tiên lên sàn BSR đã có lúc khớp lệnh ở mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên đà tăng duy trì không lâu, cổ phiếu BSR đã giảm mạnh và hiện giao dịch quanh mức giá 17.400 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu BSR từ khi lên sàn.
Cũng như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Coating (PVB) mới hoàn thành 98% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhưng cũng xứng được nêu tên. Có hợp đồng thi công bọc ống, doanh thu thuần quý 2 đạt 68,4 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ, nâng tổng doanh thu 6 tháng đầu năm lên 136,5 tỷ đồng, tăng 119% so với nửa đầu năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 PV Coating đạt 27,3 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lãi chỉ hơn 400 triệu đồng đạt được nửa đầu năm ngoái, PV Coating đã thực hiện được 98% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa vượt kế hoạch lợi nhuận năm tài chính 2017-2018
Cũng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, nhưng niên độ tài chính của Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 31/6 năm sau, nên tính đến hết tháng 6 Thành Thành Công Biên Hòa đã hoàn tất năm tài chính 2017-2018 với doanh thu hợp nhất đạt 10.364 tỷ đồng, tăng trưởng 130% so với năm trước đó còn lợi nhuận trước thuế đạt 682 tỷ đồng, vượt 116% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 547 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 547 tỷ đồng.
Đây cũng được xem là kết quả kinh doanh của năm đầu tiên sau khi Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh sáp nhập với Đường Biên Hòa. Với tên gọi mới Mía đường Thành Thành Công Biên Hòa, công ty đã tạo được dấu ấn riêng ngay năm đầu tiên sau sáp nhập.
Diễn biến giá cổ phiếu SBT trong 1 năm gần đây.
Hiện tại các doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2018. Nếu kết quả không có gì thay đổi nhiều, thì danh sách doanh nghiệp vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng đang dài hơn cùng kỳ rất nhiều.
Thạch Lâm
Theo Trí thức trẻ
'Thiên thời địa lợi', loạt doanh nghiệp thủy sản báo vượt kế hoạch năm chỉ sau 9 tháng Ngành thủy sản 9 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các mặt như khai thác, nuôi trồng, xuất khẩu... Theo đó, loạt doanh nghiệp như ANV, ABT, FMC, VHC đều kỳ vọng vượt kế hoạch kinh doanh năm. Bối cảnh thuận lợi của ngành dự báo kéo dài đến cuối năm Ngành thủy sản 9 tháng đầu năm ghi...