Có thẻ căn cước thì phải cắt hết giấy tờ gây phiền hà cho dân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính khi góp ý thảo luận dự luật Căn cước công dân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua, 14.7.
Cấp CMND 12 số theo công nghệ mới tại Hà Nội – Ảnh: Hoàng Trang
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa, cơ quan thẩm tra tán thành quy định dự luật là cấp thẻ căn cước cho công dân ngay từ khi sinh ra và không cần giấy khai sinh. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định, nếu làm được thì luật này khi có hiệu lực sẽ là cuộc cách mạng, giảm bớt thủ tục giấy tờ trong nhân dân.
“Khi làm xong luật này sẽ loại bỏ được bao nhiêu giấy tờ và còn tồn tại mấy loại giấy tờ? Lúc đó chỉ còn một loại giấy tờ duy nhất, hay vẫn phải chấp nhận một số giấy tờ khác? Ban soạn thảo cần phải nói rõ để cả xã hội biết đây là một cuộc cách mạng, một sự thay đổi lớn”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề.
Cũng nhấn mạnh việc xây dựng, triển khai luật này là một cuộc cải cách mang tính đột phá, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước cũng như thuận lợi cho người dân, song Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Đã đổi mới thì phải chắc chắn. Hiện chưa ai hình dung nổi luật này khi ra đời sẽ có những tác động liên quan ra sao, nhất là thói quen hỏi giấy khai sinh ở nhiều công đoạn thủ tục như hiện nay. “Khi có luật này thì phải cắt hết các loại giấy tờ gây phiền hà trong nhân dân”, Chủ tịch QH đề nghị.
Video đang HOT
Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa chia sẻ thêm: Việc triển khai luật Căn cước công dân, trong đó bao gồm xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa mang tính cấp bách trước mắt, nhưng cũng vừa mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, vì hướng tới đơn giản hóa tối đa các thủ tục giấy tờ hành chính hiện nay. “Toàn dân đang rất bức xúc về thủ tục hành chính. Nếu việc cấp thẻ căn cước công dân có lợi, tránh phiền hà cho dân thì cần làm bằng được”, ông Khoa nói.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó trưởng ban Soạn thảo luật Căn cước công dân, thông tin thêm: Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (gọi tắt là Đề án 896) đang được Bộ Công an tiến hành. Khi luật này được triển khai sẽ bỏ nhiều loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh…
Định danh cá nhân sẽ gồm 12 số
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, để nghiên cứu xây dựng số định danh cá nhân, Bộ Công an và Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia, các bộ, ngành liên quan, có tham khảo kinh nghiệm một số nước. Trên cơ sở đó đề xuất quy định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số. Ông Khoa khẳng định: việc xác định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số là phù hợp quy mô dân số trước mắt và lâu dài, đã được xử lý theo nguyên tắc toán học. Theo đó, số định danh cá nhân có chứa mã đơn vị hành chính cấp tỉnh (hoặc mã quốc gia đối với người sinh ra ở nước ngoài) là nơi công dân đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân.
Cũng theo ông Khoa, việc cấp số định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gắn với việc đối sánh qua ảnh chân dung và đặc điểm sinh trắc học từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân sẽ đảm bảo cho việc truy nguyên từng cá nhân, khẳng định tính duy nhất của số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân này sẽ được ghi trên thẻ căn cước công dân.
Ông Vệ lý giải thêm: Việc quy định số định danh 12 số là để phân biệt giữa nam và nữ, người trong nước và cả các cháu sinh ra ở nước ngoài.
Theo nghị trình, dự luật Căn cước công dân sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016.
Theo TNO
Quốc hội kêu gọi kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền
Sau hơn 1 tháng làm việc, sáng qua 24.6, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 7, sau khi thông qua một loạt nghị quyết...
ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua các nghị quyết - Ảnh: Ngọc Thắng
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng lý giải QH chưa thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị quyết (NQ) 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn như dự kiến bởi "đây là vấn đề hệ trọng, liên quan tới đội ngũ cán bộ chủ chốt từ T.Ư đến địa phương, tới quyền giám sát và đánh giá cán bộ của QH và HĐND, do vậy, cần có thêm thời gian thảo luận kỹ, thấu đáo bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận cao trước khi quyết định".
Đã rất cân nhắc vấn đề biển Đông Tại buổi họp báo chiều qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do QH không ra NQ về biển Đông mà chỉ ra tuyên bố trong thông cáo tại kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc QH ra tuyên bố nhằm thể hiện quan điểm, ý kiến trước dư luận trong nước, quốc tế về hành vi vi phạm quyền, chủ quyền của TQ. "Còn NQ khác với tuyên bố, nó đòi hỏi phải có một quy trình. Tùy theo mức độ, tính chất của vụ việc mới ra nghị quyết. Trong quá trình họp QH đã rất cân nhắc" - ông Phúc nói.
Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, QH đã giao Ủy ban TVQH và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện dự thảo NQ gửi xin ý kiến các vị ĐBQH trước khi trình QH xem xét tại kỳ họp sau. Đồng thời, QH đã quyết định tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (theo quy định của NQ 35) đối với những người được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2014.
Liên quan đến việc Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tại kỳ họp này QH đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của TQ, yêu cầu TQ rút giàn khoan trên ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
"QH kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - TQ", Chủ tịch QH chuyển tải thông điệp này tới đồng bào, cử tri cả nước. Ông Nguyễn Sinh Hùng đồng thời thay mặt QH bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến QH, nghị sĩ QH, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình, ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu TQ đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Năm 2015 xây dựng luật Biểu tình Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp QH diễn ra cùng ngày, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lúc đầu trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH không có dự thảo luật Biểu tình. Tuy nhiên, quá trình họp tiếp thu ý kiến của các ĐB, Ủy ban TVQH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015 có luật Biểu tình. Luật này sẽ được lấy ý kiến tại hai kỳ họp thứ 10 - 11 để thông qua.
Giám sát oan sai trong xét xử tại kỳ họp 9 Với đa số ĐB tán thành, QH đã biểu quyết thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quốc tịch Việt Nam; NQ về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town; NQ về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015; NQ về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7; NQ về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. QH quyết nghị thực hiện giám sát chuyên đề hai nội dung: "Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước" (giám sát tại kỳ họp 9 diễn ra giữa tháng 5.2015) và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014" (tại kỳ họp 10, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 10.2015).
Theo TNO
Thẻ căn cước sẽ dùng thay nhiều loại giấy tờ tùy thân? Ngày 14/7, Luật Căn cước công dân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội. Trả lời câu hỏi, luật giúp giảm thiểu bao nhiêu loại giấy tờ công dân? Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định có giảm nhưng không nhiều. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn, khi có...