Cô sinh viên hiếu thảo đầy nghị lực
Chúng tôi đến nhà trọ của Trần Thị Phi Vân – sinh viên năm 3 ngành Sư phạm mầm non, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long vào một buổi chiều tan học. Bên tôi, em mặc chiếc áo sơ mi trắng giản dị, chạy chiếc xe đạp cọc cạch và đội chiếc nón lá xám đen vì nắng.
Đi với Vân, chúng tôi thấy được cả một nghị lực phi thường và lòng hiếu thảo của người con dành cho mẹ.
Người con hiếu thảo
Căn nhà trọ mà Vân và dì Tám (em của mẹ Vân), cậu và cháu của Vân đang sống nằm tận cùng trong con hẻm nhỏ ở phường 2, TP Vĩnh Long. 4 năm trước, mẹ Vân bị sỏi mật rồi sau lại thêm bệnh ung thư vú. Ngôi nhà bé nhỏ ở Long Hồ đành phải đem bán để có tiền chạy chữa thuốc men. Thu nhập ít ỏi từ việc Vân đi dạy thêm và làm phụ bếp mỗi tối là nguồn sống “hà tiện” của Vân và mẹ. Không nhà, không việc làm, không vốn lại mang bệnh, mẹ Vân “không làm được bất cứ việc gì ra tiền, mà còn thường xuyên nằm bệnh viện”.
Dì Tám với nghề bán vé số, phải nuôi thêm cháu ngoại thì chỉ có thể phụ nuôi mẹ Vân mỗi khi ốm đau trong bệnh viện. “Một mình con nhỏ phải vừa đi học, vừa đi làm thêm, còn vừa đi nuôi mẹ nó”- dì Tám Vân nói. Có những ngày em học 2 buổi, lại phải đi làm thêm đến 11 giờ đêm mới về tới nhà trọ. “Nhìn thấy những cơn đau nhức hành hạ mà mẹ phải chịu hàng ngày, em xót lòng lắm”- Vân nói. Thương mẹ, Vân chưa hề có một lời than vãn, chưa từng thể hiện chút buồn lo trước mặt mẹ, chỉ biết cố gắng làm cho mẹ vui trong những ngày còn sống. “Nó ăn chay từ hồi mẹ nó phát bệnh đến nay” – dì Tám cho biết.
Video đang HOT
Em Trần Thị Phi Vân (phải) cùng dì Tám trong nhà trọ.
Nhớ lần chúng tôi gặp Vân, trong những ngày căn bệnh ung thư của mẹ em đã vào giai đoạn cuối. Lúc đó em phải tất tả ra vào bệnh viện chăm mẹ, phải tranh thủ đi làm thêm, nhưng việc học thì không bỏ buổi nào. Những ngày mẹ Vân trở nặng, mọi việc giặt giũ, vệ sinh đều chỉ một tay em. Đêm ngã lưng trên chiếc chiếu trải ngoài hành lang phòng bệnh của mẹ thì trời cũng khuya lắm rồi, người rã rời, nhưng không một tiếng thở than. Chúng tôi chỉ thấy trong mắt em có gì đó trĩu nặng, nỗi đau như nén vào trong của tấm lòng đứa con hiếu thảo biết cái ngày mình xa mẹ không còn lâu nữa.
Đến khi em nói lên một nỗi lo khác, làm lòng chúng tôi như thắt lại: “Mẹ chết rồi không biết làm đám ma ở đâu nữa?” Hai mẹ con lận đận, long đong mấy năm trời hết nhà trọ này, đến nhà trọ khác, có người anh thì ở bên vợ mà gia cảnh cũng nghèo…
Trong một lần đi công tác ở Bình Minh, tôi có kể chuyện em Vân. Một người bạn là bác sĩ có khuyên nên gợi ý em việc “hiến xác” xem sao. Bẵng đi một thời gian, khi liên lạc lại thì chúng tôi mới hay tin mẹ em đã mất 2 tuần rồi. Bần thần mất mấy giây, nghe chút cay cay nơi sóng mũi, chúng tôi tự trách mình như còn nợ em một điều gì đó. Hơn cả trách nhiệm của người làm báo, mà đó là sự nồng ấm cần thiết của tình người dành cho nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn.
Sau đó, gặp lại Vân, chúng tôi mới biết rõ hơn. Những ngày mẹ nằm hấp hối trong nhà trọ, may nhờ người cậu thương tình cho mẹ Vân có được nơi chốn yên nghỉ. “Ngày hay tin mẹ mất, nó cùng người chị quáng quàng chạy về quê, đến nỗi té xe chân tay trầy trụa”- dì Tám kể. Không băng bó, nó vẫn tiếp tục về quê. Không khóc trong đám tang của mẹ, không khóc trước mặt mọi người. “Chỉ mỗi tối cùng tôi nhắc về mẹ nó, nó lại khóc”- dì Tám nói.
Và nghị lực phi thường
Bận rộn với việc học, làm thêm và chăm sóc mẹ, nhưng nhiều năm liền Vân là sinh viên nằm trong top 5 của lớp và đều đặn nhận học bổng, đó cũng là một phần thu nhập của Vân. Không ốm yếu như trong trí tưởng tượng của tôi về một cô sinh viên “làm nhiều ăn ít”, Phi Vân trông có vẻ đầy đặn và cứng rắn khó tả. Đôi mắt to đen và long lanh, khuôn mặt hiện lên vẻ phúc hậu của cô giáo mầm non với nụ cười buồn buồn như còn thiếu nhiều, nhiều lắm.
Nhớ lại những ngày mẹ mới phát bệnh, Vân còn đang theo học ở Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) vẫn không nguôi ước mơ được đi học tiếp. Biết mình khó khăn, Vân chỉ nộp 1 hồ sơ thi vào ngành Sư phạm mầm non và học ở Vĩnh Long. “Chỉ có như vậy em mới có điều kiện học và nuôi mẹ”. Trong những lúc khó khăn chồng chất nhất, Vân cũng chưa từng có ý định nghỉ học “đã làm việc gì thì phải làm cho đến cùng”- đôi mắt Vân chợt sáng lên long lanh hy vọng. Hình như, những lo toan tẩn mẩn của ngày thường không làm mờ nỗi niềm tin trong đôi mắt ấy!
Sinh viên Tạ Tuyết Anh – bạn học của Phi Vân, đang học ngành Tiếng Anh, Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long cho biết: “Đã nhiều lần ghé thăm Vân, từ nhà trọ này sang nhà trọ khác mà chỗ nào cũng xác xơ, thương lắm!”.
Vân vừa mất việc dạy thêm bởi “bé lớn rồi nên gia đình cho theo cô giáo học”. “Từ ngày mẹ nó mất, Vân về đây ở cùng dì và cậu, ai cũng khó khăn nên góp gạo thổi cơm chung”, dì Tám nói. “Để mình nó chắc ăn toàn mì gói” và “dù thế nào chúng tôi cũng ráng đùm bọc nhau cho nó học xong, Vân là niềm hi vọng của cả nhà tôi”. Dì Tám không bao giờ quên lời trăn trối của người chị bạc phần: “Mầy và thằng Dũng (cậu Vân) tối nhớ đi rước con Vân đi làm về, khuya lắm! Ráng ủng hộ nó học tiếp, tao không thể sống tiếp để chờ nó ra trường được nữa rồi”.
Bấy nhiêu khó khăn vất vả với những tháng cuối khóa học đang đè nặng lên vai Vân. Vậy mà ánh mắt ấy vẫn sáng ngời niềm tin yêu và hy vọng “cứ cố gắng hết sức thì khó khăn gì cũng sẽ vượt qua” – Vân chia sẻ.
Theo Quang Thuần – Cao Huyền
Vĩnh Long Online
Giáo viên: Nghề "chạy bữa"
Đồng lương ít ỏi khiến một số giáo viên bỏ nghề, số khác trụ lại với nghề phải làm cùng lúc nhiều việc để kiếm thêm. Nhà trường biết nên cũng du di để thầy cô đứng lớp.
Cô Đoàn Hồng Hải Vân, giáo viên dạy nghề may tại Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn, cho biết lương giáo viên dạy nghề của cô chỉ chiếm 3/10 tổng thu nhập hằng tháng. Ngoài công việc tại trường, cô Vân phải thuê nhân công may đồ tại nhà. Đây mới là phần chính trang trải cho cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giáo viên dạy nghề bánh và bếp tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, cho biết đang dạy thỉnh giảng ở một số trường khác ngoài công việc chính. "Mình đi giảng còn làm đúng chuyên môn chứ một số đồng nghiệp khác phải làm thêm cho công ty này, công ty nọ. Phải làm thêm chứ đồng lương không đủ sống" - cô nói.
Thầy Đỗ Văn Bắc, phó hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề và xây dựng FICO, than: "Trường tuyển về năm kỹ sư silicat, được một thời gian đã đi hết ba người". Thường các công ty thích tuyển giáo viên xây dựng làm chuyên viên công trình hoặc giám sát. Thầy cô dạy nghề ngoài bị các công ty "rước đi", còn tự đầu quân lên cấp cao hơn: một số học lên thạc sĩ rồi đầu quân vào các trường đại học. "Cứ 3-4 năm trường lại có một đợt thay đổi về nhân sự do sự ra đi này" - thầy Bắc nói.
Đồng lương nghề giáo không đủ trang trải, cô Đoàn Hồng Hải Vân (đứng) phải làm thêm ở nhà
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - phó trưởng phòng đào tạo Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP.HCM, chia sẻ: "Trường lúc nào cũng treo bảng tuyển vì thiếu giáo viên. Cứ hễ tuyển được giáo viên mới lại có giáo viên cũ rời trường. Vấn đề chủ yếu vẫn là lương".
Lương thấp do đủ nguyên nhân nhưng quan trọng vẫn do đầu vào. Thầy Trương Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trung tâm Dạy nghề Q.11, cười khổ: "Trung tâm mỗi năm chỉ thu hút hơn 1.000 học viên. Học phí từ số lượng học viên này không đảm bảo thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Vậy nên đôi khi giáo viên bận rộn với các vị trí thỉnh giảng mà chưa chuyên tâm vào công việc của trường thì trường phải thông cảm".
"Tôi từng nhận được nhiều lời mời về đứng bếp ở các khách sạn với mức lương gấp ba lần công việc hiện tại. Tôi biết nhiều giáo viên trong nghề khác cũng có những lời mời như vậy. Cho nên, chỉ những ai còn yêu nghề mới cố trụ lại" - cô Hoàng Oanh chia sẻ.
Để ứng phó với tình trạng biến động trên, nhiều trường nghề đã có những nỗ lực để giữ và bổ sung giáo viên, ổn định tình hình đào tạo của trường.
Nhiều trường chủ động gia tăng loại hình dịch vụ, chất lượng đào tạo để thu hút học viên và thu hút các gói đào tạo liên kết. Trung tâm Dạy nghề Q.2 song song với công tác đào tạo trực tiếp các nghề sơ cấp, đã mở thêm các dịch vụ đào tạo liên kết với các trường đại học, đào tạo nghề ngắn hạn cho các công ty, tận dụng điều kiện sân bãi để đào tạo lái ôtô... tăng nguồn thu.
Nhưng tất cả chỉ là giật gấu vá vai. Để ngành dạy nghề mạnh, thầy cô dạy nghề phải sống được. Như vậy cần có chính sách hợp lý bền vững chứ không thể để họ "chạy bữa" như thế này.
Theo tuổi trẻ
Giá cả tăng, sinh viên bươn chải làm thêm Việc giá cả mọi thứ tăng liên tục như hiện nay khiến cho khoản trợ cấp từ phía gia đình không đủ trang trải cho sinh hoạt và học tập tại thủ đô của các sinh viên. Cũng vì vậy mà không ít sinh viên phải tất tả làm thêm kiếm tiền. Năm trước, cô học trò nghèo vùng cao Đỗ Minh Phương...