[Cổ phiếu nổi bật tuần] Trở lại vùng đỉnh 2019, CTG còn có thể vươn lên mức giá nào?
Cổ phiếu CTG đang có cơ hội trở lại bắt nhịp cùng xu hướng tăng trưởng của ngành Ngân hàng sau khi có tuần tăng mạnh 10,56% vừa qua.
Ảnh minh họa.
Diễn biến của cổ phiếu CTG
Trong khi VCB đang phải xoay xở với lực bán chốt lời của khối ngoại, tuần qua, cổ phiếu Ngân hàng có sự “thay ngựa giữa dòng” khá ngoạn mục. Cùng lúc có tới 2 cổ phiếu Ngân hàng được tiền lớn bơm vào một cách đầy bất ngờ là CTG tăng 10,5% và BID tăng 9,85%.
CTG xứng đáng là cổ phiếu nổi bật nhất không chỉ vì sức tăng tốt hơn mà còn có được lượng tiền vào ấn tượng. Tổng giá trị giao dịch của 5 phiên giao dịch lên tới 910 tỷ đồng, tức là bình quân có hơn 180 tỷ đồng được giao dịch.
Diễn biến giá cổ phiếu CTG.
Với các diễn biến hiện tại, CTG đã được kéo trở lại tiệm cận vùng đỉnh của năm 2019 và hoàn toàn có thể vượt vùng giá này, nếu thanh khoản còn tiếp tục duy trì tốt như tuần vừa qua. Hiện mức thanh khoản bình quân của 60 phiên gần nhất chỉ khoảng 3,1 triệu cổ phiếu nhưng đã có phiên ngày thứ Sáu với lượng khớp gấp hơn 4 lần. Với các giả định này, thị giá của CTG vẫn có thể vươn lên trên mức 25.000 đồng/cổ phiếu.
Trở lại bắt nhịp theo sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng
Theo đánh giá của HSC, CTG là ngân hàng quy mô lớn với thế mạnh tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và đang tiếp tục xu hướng chuyển dịch dần sang bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với tỷ lệ NIM và rủi ro nợ xấu tập trung thấp hơn và cơ cấu lại mạnh mẽ các khoản cho vay không đạt hiệu quả với rủi ro cao và lãi suất thấp. Phần lớn các khoản vay mới trong 9 tháng đầu năm 2019 tập trung ở khối bán lẻ và SMEs. Tỷ trọng cho vay dài hạn đang xu hướng giảm chiếm 36% và tỷ trọng cho vay ngắn hạn tăng nhẹ lên 57%.
Video đang HOT
Về cơ cấu vốn huy động, lợi thế với các tập đoàn và doanh nghiệp và hệ thống mạng lưới rộng khắp giúp CTG duy trì được lượng tiền gửi lớn. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý nằm ở hệ số Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR) của CTG luôn duy trì ở mức rất cao đồng thời khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo các hệ số an toàn vốn và chuẩn Basel II vẫn là rủi ro lớn nhất trong mô hình kinh doanh của CTG. Hệ số LDR thuần và điều chỉnh 9 tháng ở mức 103,9% và 101,1%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng thấp hơn có kỳ hạn, tỷ lệ CASA của CTG không phải là điểm mạnh so với một số ngân hàng như VCB, MBB hay TCB.
Về cơ cấu tài sản sinh lãi, chiếm tỷ trọng lớn nhất là cho vay khách hàng và tỷ trọng trái phiếu có xu hướng giảm và nâng tỷ trọng cho vay liên ngân hàng khiến CTG trở thành ngân hàng cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng.
Ngân hàng đang rất nỗ lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tồn đọng và dự kiến sẽ hoàn thành trích lập xong Trái phiếu VAMC cuối năm 2020 với cơ sở là phần tăng trưởng thu nhập hoạt động và tiết kiệm chi phí quản lý.
Mới đây, CTG đã công bố kết quả kinh doanh dự kiến chưa kiểm toán riêng lẻ năm 2019 với kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ hồi phục mạnh đạt 11,5 nghỉn tỷ đồng (tăng trưởng 83%) và vượt 29% kế hoạch đề ra với tăng trưởng tín dụng thấp 7,2% và thu nhập ngoại lãi từ phí và dịch vụ tăng mạnh 43%. Chất lượng tài sản đang có chuyển biến tích cực với tỷ lệ nợ xấu còn 1,2% và hệ số trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu ( LLR) cải thiện lên 120% từ 93% cuối năm 2018.
Vấn đề tăng vốn của CTG được đánh giá rất quan trọng để CTG có thể trở lại hoạt động kinh doanh bình thường bắt nhịp cùng sự tăng trưởng nhanh của toàn ngành. Hiện tại, room sở hữu nước ngoài và tỷ lệ sở hữu tối thiểu của nhà nước đã ở ngưỡng không thể thay đổi. Trong khi đó, CTG vẫn chưa quyết định về nghĩa vụ chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn và nâng cao hệ số CAR bởi Bộ Tài chính. Do đó, hiện tại CTG vẫn đang phụ thuộc nhiều vào việc tăng vốn cấp 2 để duy trì hệ số an toàn vốn trong biên cho phép.
HSC đánh giá cao khả năng CTG sẽ được giữ lại phần lợi nhuận 2017 – 2018 để tăng vốn do đó ngay sau khi tăng vốn thành công, CTG sẽ có thể áp dụng chuẩn Basel II vì ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ về công tác quản trị, hệ thống và nhân lực.
Công ty chứng khoán này dự báo LNST của CTG năm 2019 và 2020 ước đạt 9.073 tỷ đồng và 12.026 tỷ đồng tương đương với mức tăng trưởng 67,5% và 32,5%, EPS 2019 và 2020 đạt 1.949 đồng/cp và 2.583 đồng/cp, BVPS 2019 và 2020 là 19.998 đồng/cp và 22.581 đồng/cp.
MAI HƯƠNG
Theo Bizlive.vn
Vì sao IFC thoái vốn khỏi VietinBank?
Nhóm IFC vừa thông báo đã hoàn tất bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG của VietinBank theo phương thức thỏa thuận. Ước tính, lượng tiền thu về từ đợt thoái vốn này là trên 1.200 tỷ đồng.
Vì sao IFC thoái vốn khỏi VietinBank?
Nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tổ chức IFC - công ty tài chính quốc tế trực thuộc Ngân hàng thế giới (WB), bao gồm IFC và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC L.P, vừa thông báo đã hoàn tất bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong ngày 13/11.
Ước tính, giá bán vào khoảng 21.500 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa IFC thu về khoảng trên 1.200 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm IFC tại VietinBank giảm từ 8,027% giảm xuống còn 6,486%, tương ứng với 241,5 triệu cổ phiếu CTG.
Trước đó, hồi tháng 9/2018, hãng tin Bloomberg cho biết, IFC đã làm việc với một nhà tư vấn về khả năng bán hơn 8% cổ phần tại VietinBank.
IFC đầu tư vào VietinBank từ tháng 3/2011, sở hữu 168 triệu cổ phiếu với giá mua ban đầu là 21.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 11 cùng năm, tổ chức này tiếp tục mua vào thêm gần 34 triệu cổ phiếu nữa, nâng sở hữu lên 202 triệu cổ phiếu.
Sau đợt thưởng và và trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2012, cùng với đợt mua thêm cổ phiếu vào năm 2013, IFC nâng sở hữu lên gần 299 triệu cổ phiếu, trước khi thoái một phần vốn vào tháng 11/2019.
Ước tính, IFC đã bỏ ra khoảng gần 4.250 tỷ đồng để sở hữu gần 299 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng giá vốn bình quân cỡ khoảng 14.200 đồng/cổ phiếu.
Nếu tính theo giá này, đợt thoái vốn vừa qua, IFC thặng dư khoảng 420 tỷ đồng.
Giai đoạn 2012 - 2016, VietinBank liên tục nhận cổ tức bằng tiền, thu về tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ tức năm 2017 và năm 2018 đang "lỡ hẹn" do VietinBank cần giữ lại lợi nhuận nhằm có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) thường xuyên ở mức tối thiểu và không thể cải thiện bằng cách tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ do tỷ lệ sở hữu nhà nước đã ở mức tối thiểu 65%.
Thêm vào đó, triển vọng tăng giá của cổ phiếu CTG không rõ ràng trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận của VietinBank không mấy sáng sủa
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là việc CAR của ngân hàng này đã chạm ngưỡng tối thiểu. Thậm chí nếu áp dụng theo Thông tư 41 (chuẩn Basel II về vốn), CAR của VietinBank thậm chí còn xuống dưới ngưỡng tối thiểu, theo lời của Chủ tịch Lê Đức Thọ chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
CAR thấp khiến tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, bởi dư nợ tín dụng là mẫu số khi tính CAR.
Hiện chưa có giải pháp cho vấn đề này.
Bên cạnh cách dùng nguồn vốn từ bên ngoài, bổ sung vốn thông qua việc giữ lại lợi nhuận cũng là một cách khả thi. Tuy nhiên, VietinBank lại gặp tình trạng "con gà quả trứng", bởi CAR thấp thì tăng trưởng tín dụng hạn chế, trong khi tín dụng là nguồn thu chính của ngân hàng, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận cũng hạn chế.
Thêm vào đó, từ khi nhận chức Chủ tịch HĐQT, ông Lê Đức Thọ đã quyết làm sạch bảng cân đối kế toán khi ghi nhận tương đối đầy đủ nợ xấu cũng như thoái lãi dự thu, khiến quý IV/2018 ghi nhận mức lỗ tới hơn 850 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước đó lãi gần 2.000 tỷ đồng). Điều này cũng ảnh hưởng đến lượng lợi nhuận giữ lại, nhưng là việc buộc phải làm.
Thời gian tới, VietinBank nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải mạnh tay trích lập dự phòng nhằm xử lý gọn nợ xấu, chuẩn bị cho năm 2021 khi con đường tăng vốn rộng mở hơn, do theo "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ sở hữu nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh sẽ ở mức 51%, thay vì 65% như hiện nay.
Trở lại với động thái thoái vốn của IFC, việc "lỡ hẹn" cổ tức và triển vọng tăng giá cổ phiếu không rõ ràng có ảnh hưởng nhất định đến triển vọng lợi suất đầu tư của IFC vào VietinBank. Vì vậy, xét trên góc độ đầu tư, động thái thoái vốn của IFC là không quá khó hiểu.
Ở một góc độ khác, việc IFC thoái vốn đã khiến room ngoại của VietinBank hở hơn 28,4 triệu đơn vị. Điều này khiến giới đầu tư nhớ lại thương vụ tăng vốn kinh điển của Techcombank bằng cách mua lại cổ phiếu từ HSBC và bán cho nhà đầu tư khác với giá cao hơn nhiều giá đã mua từ HSBC. Dù vậy, để tạo ra thặng dư đáng kể, có hai điểm rất khó là lượng cổ phiếu mua vào phải rất lớn và giá bán phải cao hơn nhiều giá đã mua.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Bản lĩnh tỷ phú Trần Bá Dương: Sau bầu Đức, đến lượt đại gia Dương Ngọc Minh nhờ giải cứu! Điểm chung họ đều là những doanh nhân lớn, tuy nhiên, bầu Đức và ông Dương Ngọc Minh đều đang phải trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn, đặc biệt trong vấn đề tài chính. Do đó, một cú bắt tay lớn đã diễn ra giữa ông Trần Bá Dương và "vua cá", chỉ hơn 1 năm sau hợp tác "tỷ đô"...