Cổ phiếu “nằm sàn” la liệt, VN-Index mất hơn 43 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Áp lực bán tháo trong suốt phiên đã khiến VN-Index mất tới 43,17 điểm, chỉ còn 666,59 điểm.
Áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường khiến hàng loạt cổ phiếu giảm sâu, nhiều bluechips giảm sàn ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch.
Càng về cuối phiên sáng, diễn biến thị trường càng trở nên ảm đạm với áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường. Các bluechips như HPG, VIC, SAB, HVN, VRE, PNJ, MWG, POW, VHM, FRT…hay các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, MBB, VCB, VPB, TCB, HDB… đồng loạt giảm hết biên độ nhưng vẫn “trắng bên mua”.
Các nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, dệt may, cao su… cũng chịu áp lực bán mạnh.
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 42,55 điểm (6%) xuống 667,18 điểm; HNX-Index giảm 4% xuống 97,72 điểm và UPCom-Index giảm 3,52% xuống 48,09 điểm.
Video đang HOT
La liệt các cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay
Phiên giao dịch chiều tiếp tục diễn ra với áp lực bán cực mạnh khiến hầu hết cổ phiếu giảm sàn. Các bluechips như BVH, FPT, GAS, HPG, VIC, VNM, HVN, SAB, MWG, VHM…, các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, VCB, MBB, TPB, STB… vẫn tiếp tục “nằm sàn”.
Tính đến cuối phiên, số mã giảm điểm trên cả 3 sàn lên tới 673 mã, trong đó 308 mã giảm sàn. Chỉ có 127 mã tăng điểm, trong đó lực đỡ hiếm hoi đến từ vài bluechips như NVL, MSN trong những phút cuối phiên.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%) xuống 666,59 điểm; HNX-Index giảm 5,44% xuống 96,26 điểm và UPCoM-Index giảm 4,55% xuống 47,58 điểm. Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường chỉ đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay với giá trị bán ròng hơn 400 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm sàn cho thấy tâm lý giới đầu tư lúc này đang khá bi quan.
Chốt phiên sáng đầu tuần: VN-Index thủng mốc 670 điểm do áp lực bán tháo
Thị trường chứng khoán trong nước mở đầu tuần mới (ngày 23/3) vẫn diễn biến tiêu cực, sắc đỏ chiếm chủ đạo bởi hàng loạt cổ phiếu giảm giá.
Chứng khoán thế giới giảm đã tác động mạnh tới thị trường trong nước. Ảnh: THX/TTXVN.
Áp lực bán ồ ạt diễn ra trên diện rộng khiến hàng trăm mã giảm điểm, trong đó hơn 100 mã giảm sàn. Trong nhóm bluechip, 15/30 mã trong VN30 chốt phiên sáng 23/3 ở mức giá sàn, trắng bảng bên mua. Trên sàn HoSE, số mã giảm tăng lên 350 mã với 120 mã giảm sàn.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/3, áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến VN-Index rơi xuống dưới mốc 685 điểm. Áp lực bán ngày càng gia tăng khiến đà giảm ngày càng sâu hơn. Đơn cử vào lúc 10 giờ 45 phút sáng 23/3, tại sàn HoSE đã có tới 340 mã giảm điểm, trong đó số mã giảm sàn không ngừng gia tăng với gần 100 mã. Trong đó, nhóm bluechip cũng gia tăng sức nặng khi có tới gần 50% mã nằm sàn. Chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 40 điểm và tiếp tục xuyên thủng mốc 670 điểm.
Kết thúc phiên sáng 23/3, VN-Index giảm 6 %, xuống 667,18 điểm; HNX giảm 4% với 97,72 điểm, trong khi UPCOM-Index giảm 3,53% với 48,9 điểm so với phiên cuối tuần trước.
Phiên đầu tuần sáng nay, khối ngoại mua vào hơn 3,3 triệu cổ phiếu nhưng bán ra hơn 13,7 triệu đơn vị, tổng giá bán ròng đạt hơn 200 tỷ đồng. Trong khi đó, cả 5 phiên tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài đều bán ròng, với giá trị trên HoSE đạt gần 3.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong khoảng 20 ngày đầu tháng 3/2020, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 156 điểm, tương đương hơn 17,7%.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến hàng loạt thị trường chứng khoán châu Á, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là từ đầu tháng 3/2020 đến nay.
Đề cập về những tâm lý bất ổn của thị trường chứng khoán xung quanh diễn biến dịch COVID-19, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán (CTCK) Maybank Kim Eng cho rằng: Nhìn chung xu hướng thị trường là tiêu cực nhưng sẽ có những phiên phục hồi nhất định về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, chưa thể thay đổi xu hướng thị trường trong dài hạn vẫn đang đi xuống.
Theo ông Phan Dũng Khánh, khi mà dòng tiền lớn vẫn nằm ngoài thị trường, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, các biện pháp kích cầu chỉ mang tính hỗ trợ, chứng khoán thế giới xấu, các sản phẩm tài chính mạnh như vàng vẫn bị bán tháo trong tâm lý tạo thanh khoản, giữ tiền mặt và nhà đầu tư nước ngoài bán ròng áp đảo... thì việc đảo ngược xu hướng vẫn chưa thể bắt đầu.
Còn ông Vũ Minh Đức - CTCK Bản Việt nói: "Theo quan sát của tôi, lực bán tại nhóm VN30 vẫn có những dấu hiệu giảm nhiệt, đây là điều kiện cần để hình thành một sự cân bằng ngắn hạn. Mặc dù vậy, các tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện do lực cầu giá cao vẫn tỏ ra khá dè dặt". Theo ông Vũ Minh Đức, tuần này, thị trường có thể xuất hiện phiên tăng điểm sau ngày cơ cấu ETF (một hình thức quỹ đầu tư vào chỉ số). Sức mạnh của phiên tăng này có thể sẽ gợi ý khả năng thị trường có thể tiếp tục phục hồi hay không?
Bày tỏ sự lạc quan, ông Trần Đức Anh, Giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV) dự đoán: Đà giảm của thị trường sẽ tạm thời chững lại và không loại trừ một nhịp hồi phục nhẹ bởi những gói kích kích tiền tệ mạnh mẽ và kịp thời của nhiều nước sẽ phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư toàn cầu. Nhịp giảm sâu vừa qua đã đẩy VN-Index về mức giá trị tương đối thấp, thể hiện qua chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) ở mức đáy của nhiều năm và kích thích tâm lý "bắt đáy" của một số nhà đầu tư; thị trường đã phản ánh phần nhiều những kịch bản tiêu cực từ dịch bệnh COVID- 19 nên rủi ro "bán tháo" sẽ khó tiếp tục xảy ra.
Minh Phương
Khối ngoại bán ròng kỷ lục gần 1.000 tỷ đồng, VN-Index về sát mốc 700 điểm trong phiên 20/3 Giao dịch khối ngoại diễn ra khá tiêu cực khi họ tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là phiên bán ròng kỷ lục của khối ngoại trong vòng nhiều năm qua. Phiên giao dịch 20/3 khép lại với những biến động trái chiều của các chỉ số. Đóng cửa phiên, VN-Index...