Cổ phiếu cần quan tâm ngày 7/12
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 7/12 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị phù hợp thị trường với HDB, khuyến nghị mua với VPB
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh giảm 17% giá mục tiêu dành cho Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HDB) xuống 31.800VND/cổ phiếu và hạ khuyến nghị từ khả quan xuống phù hợp thị trường với tổng mức sinh lời dự báo là 3% do dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn đối với HDSaison và lợi suất cho vay tại ngân hàng mẹ xấu đi.
Chúng tôi điều chỉnh tăng nhẹ 0,7% dự báo lợi nhuận 2018 vì chi phí dự phòng giảm sẽ bù đắp được dự báo thu nhập lãi thuần giảm 12,7%. Chúng tôi điều chỉnh giảm 17% dự báo lợi nhuận 2019 do chi phí dự phòng sau sáp nhập với PGB trong năm 2019 và thu nhập lãi thuần dự báo giảm 14,6% do việc khống chế tăng trưởng tín dụng.
Chúng tôi dự báo dư nợ của ngân hàng mẹ (không bao gồm Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex, PGB) sẽ tăng 16% trong năm 2019 do những bất lợi gần đây trong lợi suất cho vay, có thể khiến ban lãnh đạo chùn lại trong quyết định tăng trưởng tín dụng, dù HDB nhiều khả năng sẽ được cấp mức trần tín dụng 20% năm 2019 nhờ sáp nhập PGB.
Định giá hiện tại (P/B 1,9 lần) vẫn đắt hơn 11,8% so với VPB (P/B 1,7 lần). Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho HDB trong khi đưa ra khuyến nghị mua dành cho VPB.
Khuyến nghị kém khả quan đối với HSG
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) từ bán lên kém khả quan vì trong 3 tháng qua, giá cổ phiếu đã giảm mạnh 41%.
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 35% xuống 6.000 đồng/cổ phiếu do kết quả lợi nhuận quý IV kém trong khi triển vọng tăng trưởng còn chưa rõ ràng trong bối cảnh cạnh tranh tại thị trường trong nước gay gắt cũng như rủi ro chiến tranh thương mại ngày càng cao.
Video đang HOT
Công ty đã khép lại năm tài chính 2018 với doanh thu đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm tài chính 2017 trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 410 tỷ đồng, giảm mạnh 69% do biên lợi nhuận gộp giảm, chi phí lãi vay tăng và lỗ tỷ giá tăng dù sản lượng bán ra tăng trưởng cao.
Chúng tôi dự báo các thách thức nói trên đối với ngành tôn mạ sẽ kéo dài sang năm 2019. Vì vậy, chúng tôi dự báo doanh thu sẽ tăng nhẹ 8% nhờ sản lượng bán ra tăng nhưng lợi nhuận vẫn giảm 22%.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh có tín hiệu cải thiện nhưng tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải quyết trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kém. Chúng tôi tiếp tục giả định công ty sẽ không trả cổ tức bằng tiền mặt trong tương lai để trả nợ và bổ sung vốn lưu động.
Khuyến nghị phù hợp thị trường với TCM
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường cho CTCP Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) với tổng mức sinh lời 5,7%, dù nâng giá mục tiêu thêm 16,8% khi giá cổ phiếu của TCM đã tăng 13,0% trong 3 tháng qua.
Giá mục tiêu điều chỉnh của chúng tôi phản ánh mức tăng của tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế dự phóng giai đoạn 2017-2023 lên 9,5% từ 8,5% nhằm ghi nhận tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận cao hơn dự kiến trong 9 tháng 2018, cũng như tác động tích cực từ cập nhật mô hình định giá Chiết khấu Dòng tiền (DCF) và gia tăng tỷ trọng phương pháp định giá DCF lên 100% từ 80%. Diễn biến này phần nào bị ảnh hưởng bởi giả định số ngày phải thu của TCM sẽ tăng lên khi TCM vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Sears, đối tác từ Mỹ đã nộp hồ sơ xin phá sản trong tháng 10/2018.
Chúng tôi dự báo CAGR doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự phóng 2017-2023 đạt lần lượt 6,0% và 5,8%, chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh số tiếp tục từ các thị trường hiện hữu và tăng biên lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng chúng tôi hiện đang giả định sẽ thận trọng ghi nhận dự phòng 91 tỷ đồng, toàn bộ khoản phải thu từ Sears, trong quý IV/2018 và năm 2019.
Lợi thế cạnh tranh của TCM đến từ chuỗi giá trị tích hợp từ kéo xơ đến sản xuất sản phẩm may mặc, cũng như mối quan hệ với E-Land Group, một tập đoàn bán lẻ hàng may mặc có trụ sở tại Hàn Quốc và cũng là cổ đông lớn nhất và khách hàng lớn nhất của TCM (chiếm khoảng 50% doanh thu của TCM).
Khuyến nghị mua cổ phiếu LHG
CTCK Phú Hưng (PHS)
Triển vọng năm 2019 đầy tích cực đến từ việc đưa vào vận hành dự án Khu công nghiệp Long Hậu 3 – giai đoạn 1 có quy mô doanh thu hơn 2,000 tỷ cho giai đoạn 2019-2022. Hiện nay, LHG đã ký nhiều biên bản ghi nhớ về việc cho thuê 40% trong tổng 90 ha thương phẩm của dự án.
Chúng tôi tin rằng triển vọng lắp đầy cao nhờ nhu cầu bất động sản Khu công nghiệp dự báo gia tăng mạnh, hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung làm phát sinh làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Không những vậy, Khu công nghiệp Long Hậu có vị trí chiến lược với hạ tầng kết nối, gần TP.HCM và các cảng lớn.
LHG đang đẩy mạnh đầu tư nhà xưởng ở khu Công nghệ cao Đà Nẵng và nhà xưởng cao tầng với diện tích hơn 8 ha đưa vào vận hành trong năm 2019 có thể đem lại nguồn thu lớn, ước tính hơn 110 tỷ đồng/năm.
Khuyến nghị mua LHG với giá mục tiêu đạt 27.200 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh P/E và P/B trung bình ngành để định giá cổ phiếu LHG. So sánh với trung bình ngành thì LHG hiện đang giao dịch với mức P/E trailing và P/B khá hấp dẫn trong khi tỷ suất sinh lợi của LHG thuộc hàng top trong ngành.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Sau phút hào hứng, giới đầu tư lại hoảng loạn
Sau phiên hào hứng đầu tuần với kết quả cuộc gặp Trump - Tập bên lề Hội nghị Thưởng đỉnh G20 tại Agrentina, giới đầu tư đã nhanh chóng chuyển trạng thái sang hoảng loạn trong phiên thứ Ba.
Phố Wall đã có 2 tuần tăng liên tiếp với kỳ vọng cuộc khủng hoảng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm được lối ra, đặc biệt là sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Agrentina cuối tuần qua. Sau cuộc gặp này, 2 bên đã đạt được thỏa thuận tạm đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày để tiến hành các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ Ba, nhà đầu tư đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ hào hứng sang hoảng loạn với nỗi lo suy thoái kinh tế từ tín hiệu đường cong lãi suất "đảo ngược".
Theo đó, lợi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ xuống mức thấp nhất từ giữa tháng 9 và cũng giảm sự chênh lệnh với lãi suất kỳ hạn 2 năm xuống mức thấp nhất hơn 1 thập kỷ. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 - 3 năm vượt lên trên lợi suất loại kỳ hạn 5 năm - một hiện tượng được các nhà phân tích gọi là đường cong lãi suất "đảo ngược".
Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu về khả năng một cuộc suy thoái kinh tế.
Thêm vào đó, sau khi đạt được thỏa thuận tạm đình chiến cuối tuần trước, ông Trump đã lên tiếng cảnh báo rằng sẽ trở lại kế hoạch tăng thuế với hàng hóa nhập từ Trung Quốc nếu 2 bên không thể giải quyết được sự khác biệt.
Ngoài ra, việc Anh thất bại trong việc thông qua thỏa thuận Brexit cũng khiến giới đầu tư lo lắng.
Tất cả các yếu tố trên đã khiến giới đầu tư ồ ạt bán tháo trong phiên thứ Ba, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall lao dốc hơn 3%, đánh mất hết cả chì lẫn chài của 2 phiên trước đó. Trong phiên thứ Tư, phố Wall sẽ nghỉ giao dịch ngày quốc tang cố Tổng thống George HW Bush.
Kết thúc phiên 4/12, chỉ số Dow Jones giảm 799,36 điểm (-3,10%), xuống 25.027,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 90,31 điểm (-3,24%), xuống 2.700,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 283,09 điểm (-3,80%), xuống 7.158,43 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù không hoảng loạn như nhà đầu tư trên phố Wall, nhưng các chỉ số chính của thị trường này cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm khi nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng chấm dứt chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đường cong lãi suất đảo ngược tại Mỹ cũng khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu e ngại bán ra.
Kết thúc phiên 4/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 39,65 điểm (-0,56%), xuống 7.022,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 130,14 điểm (-1,14%), xuống 11.335,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 41,32 điểm (-0,82%), xuống 5.012,66 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng lao dốc trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhóm cổ phiếu xuất khẩu và tài chính. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc hạ nhiệt khi nhà đầu tư nhận thấy rằng, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm căng thẳng, trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm.
Kết thúc phiên 4/12, số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 538,71 điểm (-2,39%), xuống 22.036,05điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,16 điểm ( 0,42%), lên 2.665,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 78,40 điểm ( 0,29%), lên 27.260,44 điểm.
Trong khi chứng khoán lao dốc do nhà đầu tư hoảng loại trước hàng loạt thông tin tiêu cực, thì đây chính là động lực để giá vàng đi lên. Giá kim loại quý tiếp tục có phiên tăng tốt để leo lên mức cao nhất 5 tuần trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 4/12, giá vàng giao ngay tăng 7,7 USD ( 0,63%), lên 1.238,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 7,2 USD/ounce ( 0,58%), lên 1.241,1 USD/ounce.
Tương tự giá vàng, giá dầu thô tiếp tục duy trì được đà tăng trong phiên thứ Ba, nhưng đà tăng hãm đi khá nhiều do giới đầu tư nghi ngờ về việc Mỹ - Trung sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, trong khi việc giảm sản lượng của các nhà sản xuất lớn có thể gặp trở ngại bởi Nga.
Kết thúc phiên 4/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,3 USD ( 0,57%), lên 53,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,39 USD ( 0,63%), lên 62,08 USD/thùng.
T.Lê
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Giá vàng tăng phiên thứ 2 liên tiếp do đồng đô la Mỹ giảm Tiếp nối phiên đi lên trước đó, giá vàng tại thị trường New York trong phiên giao dịch đêm qua (29/11 - theo giờ Việt Nam) đã tiếp tục tăng cao do đồng đô la Mỹ mất giá. Tại thị trường New York, giá vàng trong phiên giao dịch đêm qua tiếp tục đi lên do đồng đô la Mỹ mất giá. Hiện...