Có nên tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng?
Cổ phiếu ngành Ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong suốt những năm qua. Liệu sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng có còn trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019?
Tại một hội thảo mới đây do Stoxplus, nhiều ý kiến cho rằng sự tiếp tục tăng trưởng của tín dụng cá nhân và dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành. Dĩ nhiên, chất lượng lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào danh mục sản phẩm mà ngân hàng đó có thế mạnh và tập trung. Phần đa ý kiến tại hội thảo đồng thuận rằng nửa đầu 2019 sẽ là đỉnh của ngành ngân hàng.
Nguồn thu từ bảo hiểm sẽ tạo đột biến
Các chuyên gia của StoxPlus cho rằng nguồn thu từ bán bảo hiểm sẽ có thể tạo đột biến từ một số ngân hàng còn lại chưa triển khai mạnh hoặc có thể đàm phán lại với đối tác bảo hiểm của họ.
Trong đó phải kể đến Vietcombank, thực tế ngân hàng này có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn nhất và đã có đối tác bảo hiểm nhưng họ đang công khai đấu thầu tìm kiếm đối tác bảo hiểm với tổng giá trị lên đến 1 tỷ USD. Hoặc trường hợp khác Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt và Ngân hàng SHB.
Hợp đồng Hợp tác giữa Ngân hàng và Công ty Bảo hiểm hiện nay thường việc dàn xếp và thương thảo sẽ tập trung vào khoản thu ban đầu (set up fees) và khoản thu hoa hồng được chia (commission sharing) tính trên mỗi hợp đồng bảo hiểm bán được. Việc đàm phán và phân bổ giữa hai điều khoản này sẽ giúp các Ngân hàng có thể quản lý được lợi nhuận của họ và hạch toán phần phí ban đầu vào ngay các năm đầu tiên.
Rủi ro lãi suất có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận
Về mặt rủi ro, rủi ro lãi suất sẽ có tác động lớn đến lợi nhuận trái phiếu của các ngân hàng trong năm nay và dự kiến sẽ không đạt như năm 2017 vì lợi tức trái phiếu đã tăng hơn 100 điểm từ đầu 2018.
Video đang HOT
Các năm gần đây, nguồn thu từ hoạt động đầu tư (treasury) chủ yếu thông qua việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ đóng góp khá lớn và tổng nguồn thu của ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tăng trở lại và thực tế lợi tức trái phiếu chính phủ tăng hơn 1% lên 3.89% trong tháng 9 này sẽ làm cho nhiều ngân hàng giảm nguồn thu hoặc thậm chí phát sinh lỗ từ hoạt động này nếu như danh mục của họ được xây dựng trong lúc mặt bằng lãi suất thấp trước đây.
Dĩ nhiên, theo quy định về chế độ kế toán cho ngân hàng hiện nay thì các khoản đầu tư này hiện được hạch toán theo giá gốc khi đầu tư và ghi nhận thu nhập tiền lãi cho đến khi bán hoặc đáo hạn. Từ đó, StoxPlus cho rằng thực tế lãi hay lỗ từ hoạt động đầu tư này sẽ chỉ được hạch toán khi ngân hàng thực hiện bán các khoản đầu tư này hoặc phải đóng sổ khi đáo hạn.
Ngoài ra, rủi ro sẽ nằm ở chỗ gần 25% trong tổng số hơn 1 triệu tỷ đồng danh mục đầu tư của 19 ngân hàng hiện có kỳ hạn dưới 1 năm và 43% có kỳ hạn từ 1-5 năm. Và đây có thể là yếu tố làm sói mòn lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới đây vào nửa đầu 2019 hoặc cuối năm 2019 nếu như lợi tức trái phiếu chính phủ tiếp tục giữ mặt bằng hiện tại hoặc tiếp tục tăng đáng kể trong thời gian tới.
Lo ngại tăng trưởng tín dụng “ảo”
NIM của các ngân hàng đang có dấu hiệu cải thiện tốt và chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng cá nhân vốn là các sản phẩm có lợi nhuận biên cao hơn cho vay doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế còn có thể cao hơn mức bình quân 3% hiện nay.
Lý do là nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng “ảo” vào cuối quý và đặc biệt là cuối năm. Lấy ví dụ về Techcombank có tăng trưởng tín dụng hơn 20 ngàn tỷ vào một quý trong cuối 2017. StoxPlus lý giải có thể ngân hàng đã dùng các sản phẩm tiết kiệm để cho vay vì thực tế theo dữ liệu thì báo cáo tài chính của tất cả các doanh nghiệp lớn chỉ ra rằng không có doanh nghiệp nào có thể “hấp thụ” khoản giải ngân lớn đến như vậy trong một quý.
Theo Trí thức trẻ
Tín dụng giảm tốc, hàng loạt ngân hàng vẫn lãi lớn nhờ đâu?
Mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng. Do yếu tố này đã nằm trong giả định trước đó và các ngân hàng đang hưởng lợi từ tỷ lệ NIM tăng nhờ lãi suất nhìn chung tăng.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Cho tới thời điểm hiện tại, các nhà băng vẫn chưa công bố BCTC quý II/2018. Tuy nhiên, theo con số sơ bộ mà một số ngân hàng đã công bố thì nhiều khả năng 2018 sẽ tiếp tục là một năm "ăn nên làm ra" của các nhà băng.
Với lợi thế quy mô vốn cũng như tài sản, hiện Vietcombank đang tạm thời dẫn đầu lợi nhuận trong toàn hệ thống khi 6 tháng đầu năm đạt lợi nhuận trước thuế (LNTT) lên tới 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 55,2% kế hoạch năm 2018.
Trong khi đó, một ngân hàng tầm trung là VIB cũng báo lãi trước thuế 1.151 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017. Đóng góp quan trọng nhất vào sự tăng trưởng lợi nhuận của VIB là hoạt động ngân hàng bán lẻ, với doanh thu tăng 100% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, riêng quý II, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 512 tỷ đồng.
TPBank cho biết, có được kết quả này, bên cạnh việc tăng thu từ tín dụng thì có phần đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ dịch vụ, đạt 242 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập từ hoạt động bảo hiểm cũng có mức tăng trưởng rất khả quan, đóng góp đáng kể vào thu nhập của ngân hàng.
Đây là tín hiệu cho thấy mùa kết quả kinh doanh khả quan cho ngành ngân hàng trong năm nay.
Tín dụng giảm tốc nhưng nhiều yếu tố khác hỗ trợ
Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng mới đây cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,88% trong khi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoài là 9,06%.
Việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm giảm tốc nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái phản ánh quan điểm thận trọng hơn của NHNN đối với cung tiền M2 và cho vay mới do lạm phát đang tăng tốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng. Do yếu tố này đã nằm trong giả định trước đó và các ngân hàng đang hưởng lợi từ tỷ lệ NIM tăng nhờ lãi suất nhìn chung tăng.
Ngoài ra, các dòng thu nhập ngoài lãi tốt nhờ lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối trong môi trường biến động tỷ giá, phí dịch vụ tăng và thị trường chứng khoán khởi sắc trong quý I cũng như việc bán 1 phần danh mục trái phiếu Chính phủ để hiện thực hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có đóng góp từ gia tăng nguồn thu thanh lý các tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập đầy đủ và xóa nợ; ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ chuyển nhượng cổ phần tại các ngân hàng khác như trong trường hợp của Vietcombank; hay đóng góp từ các thương vụ đại lý bảo hiểm như trong trường hợp của VPBank, Techcombank; mở rộng mảng tài chính tiêu dùng với sự gia nhập của những tên tuổi mới như MBB và chi phí dự phòng giảm khi nhiều ngân hàng hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và nợ xấu tồn đọng.
Tuy nhiên, HSC cũng cho rằng, hệ số CAR thấp và tỷ trọng rủi ro cao có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận trong một số trường hợp nhất định.
Đối với các ngân hàng với hệ số CAR thấp như BIDV và Vietinbank phải cẩn thận đối với việc mở rộng cho vay. Trong khi đó các ngân hàng với tỷ trọng cho vay bất động sản cao như Techcombank sẽ đã phải giảm bớt tốc độ mở rộng của phân khúc cho vay này khi mà tỷ trọng cho vay bất động sản của Techcombank đã tăng kể từ đầu năm nay.
Một trở ngại khác đối với các ngân hàng là quy định giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% tối đa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên bất chấp những khó khăn này, các ngân hàng vẫn đang hoạt động rất tốt, phản ánh ở chất lượng tài sản và công tác quản lý rủi ro tín dụng đã được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy chi phí dự phòng giảm và tỷ lệ nợ xấu ổn định và ở mức thấp.
Ngoài ra, cơ cấu lợi nhuận ngân hàng linh hoạt hơn nhờ đóng góp từ các dòng thu nhập ngoài lãi cao hơn và phí dịch vụ ngân hàng tăng trong khi đóng góp từ các dòng thu nhập mới như hoa hồng bảo hiểm và tài chính tiêu dùng (ở các ngân hàng cỡ trung) cũng được mở rộng.
Theo đó, HSC dự báo lợi nhuận 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng sẽ tăng dao động từ 8%-150% so với cùng kỳ và do đó hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm.
Theo Trần Thúy
Lợi nhuận ngân hàng quý III: Bức tranh sáng màu Báo cáo chiến lược đầu tư của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đưa ra nhận định, bức tranh tổng thể của ngành ngân hàng đã bớt màu tiêu cực. Trên nền tảng đó, các thông tin kết quả kinh doanh quý III sẽ giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng duy trì xu hướng tăng. Những yếu tố...