Có nên đưa “quyền được chết” vào luật?
Quyền được chết không thể trao một cách tùy tiện, bừa bãi, bởi nếu quy định không khéo thì sẽ dễ bị lợi dụng, xâm phạm đến quyền sống của con người.
Đó là quan điểm của các ĐBQH, luật sư khi trao đổi với PV về đề xuất đưa quyền được chết vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trước đó, trong bản góp ý dự thảo luật trình lãnh đạo Bộ cho ý kiến, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo.
TS. Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): Con người cần có quyền được chết
Mỗi người đều có quyền được sống thì họ cũng phải có “quyền được chết” trong những trường hợp đặc biệt như mắc bệnh nan y, sống thực vật, những người bệnh ung thư giai đoạn cuối đau đớn đến tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần…
Ở nước ta, quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bộ luật Dân sự cũng đưa ra quyền được sống, quyền được bảo đảm an toàn về sức khoẻ và tính mạng của mỗi người. Đây là những quyền nhân thân cơ bản, không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác ngoại trừ chính bản thân họ.
Dự thảo đưa “quyền được chết” vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ Y tế đề xuất lần này là đảm bảo quyền nhân thân của mỗi con người, tức là bác sĩ không có quyền gì cả, chỉ người bệnh mới có quyền quyết định cái chết của chính mình trong lúc họ đang hoàn toàn tỉnh táo.
Những trường hợp áp dụng “quyền được chết” là những trường hợp xét thấy không thể cứu chữa được nữa, không còn cơ hội sống nào, và do chính người bệnh đề đạt khi bản thân họ đủ nhận thức, đủ hành vi dân sự thì mới được xem xét, chứ không có chuyện người nhà có thể đề đạt về việc này được. Vì vậy, sẽ không phải lo ngại đến chuyện có người lợi dụng quyền này, hay việc con cái lợi dụng để “giết” cha mẹ nhằm thừa hưởng tài sản hay quyền thừa kế… Vấn đề bây giờ chỉ là chờ để xin ý kiến của Quốc hội. Nếu Quốc hội thông qua, chắc chắn cũng sẽ phải có những quy định ràng buộc cụ thể, chi tiết chứ không có chuyện tạo ra sơ hở để người ta lạm dụng được.
ĐBQH Ngô Văn Minh (Thường trực Ủy ban Pháp luật): Dễ nảy sinh phức tạp
Video đang HOT
Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có vài ba nước áp dụng “quyền được chết” và cũng phải tranh cãi rất nhiều năm họ mới có thể đưa được quyền này vào luật nên nếu áp dụng ở Việt Nam cũng chưa phù hợp vì dễ nảy sinh nhiều khía cạnh phức tạp. Hơn nữa, “quyền được chết” lại hoàn toàn không phù hợp với đạo đức và truyền thống văn hóa của người Việt Nam. bởi nếu theo quan điểm truyền thống của người Việt Nam, kể cả khi bản thân người bị bệnh muốn chấm dứt cuộc sống thì với tâm lý “còn nước còn tát”, những người thân trong gia đình họ cũng sẽ không bao giờ đồng ý và muốn có chuyện đó xảy ra. Vì thế, không nên đưa ra một quy định trái với đạo đức văn hóa của dân tộc, và cũng không nên làm xáo trộn xã hội.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Các vấn đề Xã hội): Không nên nóng vội, cần xin ý kiến
Trong những trường hợp người bệnh không có khả năng hồi phục, tình trạng đã quá xấu thì bản thân nhiều người cũng muốn chấm dứt những đau đớn về thân xác mà họ đang phải chịu đựng. Tuy nhiên, nếu đưa quyền này vào luật thì phải quy định rất chặt chẽ chứ không thể để kẽ hở, tạo sự lạm dụng được. Cụ thể, phải quy định rõ trường hợp nào thì áp dụng “quyền được chết”, ai có quyền đề đạt, phải qua sự thẩm định của các hội đồng khoa học, y học, luật học… như thế nào? Tôi đã từng chứng kiến một vài trường hợp không còn khả năng hồi phục và bản thân họ cũng không còn thiết sống nữa, về mặt lương tâm mà nói, nhiều khi để họ chết thì sẽ là điều tốt hơn cho họ. Tuy nhiên, theo tôi đây chưa phải thời điểm cần thiết để đưa quyền này vào luật. Chúng ta không nên nóng vội mà cần có quá trình đưa ra và xin ý kiến của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu(Phó Chủ tịch Hội Luật giaTP HCM): Không thể vì e ngại mà không đưa vào luật
Theo tôi, “quyền được chết” là quyền nhân thân cần được bổ sung vào Dự thảo của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này. “Quyền được chết” là quyền của con người trong việc tự quyết định chấm dứt cuộc sống của mình một cách có nhận thức. “Quyền được chết” về bản chất là quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đứng về góc độ pháp lý, “quyền được chết” không thể được trao một cách tùy tiện, bừa bãi. bởi lẽ đây là một quyền mang tính chất nhạy cảm, nếu chúng ta quy định không khéo thì sẽ dễ bị lợi dụng, xâm phạm đến quyền sống của con người. Song không thể chỉ vì e ngại như vậy mà chúng ta loại bỏ quyền này. Đối với một số đối tượng đặc thù như người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, hoặc những bệnh nan y không thể chữa trị, họ bị bệnh tật giày vò, đau đớn, nên chúng ta công nhận quyền này được coi là sự nhân đạo đối với họ.
Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân): Không kín kẽ sẽ bị lạm dụng
Đề xuất đưa “quyền được chết” vào luật xuất phát từ những thực tiễn của cuộc sống, vì trong thực tiễn cũng có những người bị bệnh nan y, tàn tật, nhiễm chất độc, khiến họ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, kéo theo gánh nặng cho gia đình họ… Cũng có những người mong muốn sớm kết thúc cuộc sống của mình để chấm dứt nỗi đau thể xác họ đang phải mang, đỡ vất vả cho gia đình… Điều đó cho thấy đề xuất của Bộ Y tế có những căn cứ thực tiễn.
Nhưng theo tôi, việc đưa ra đề xuất này lại phải căn cứ vào thông lệ chung của quốc tế, để xem các nước trên thế giới xử sự như thế nào trong những trường hợp đó, mà hiện nay theo tôi biết thì có rất ít nước áp dụng “quyền được chết”. Bên cạnh đó, căn cứ vào truyền thống của dân tộc Việt Nam, vốn là một dân tộc có bề dày truyền thống về đạo đức, nếu đưa ra “quyền được chết” thì sẽ không phù hợp, chưa kể, với mỗi luật lệ đưa ra, nếu không kín kẽ thì đều có thể bị lợi dụng.
Theo Bao Giao thông
Đề xuất quyền được chết: Không nên đưa vào Luật!
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung "quyền được chết" vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam...
Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế, đề xuất của Vụ Pháp chế đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.
Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa. Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản, nhưng không một bác sĩ nào, không một bệnh viện nào dám thực hiện điều này, bởi pháp luật không cho phép.
Nếu pháp luật không cho phép mà bác sĩ giúp người bệnh thì vô tình cũng vướng vào hành vi "giết người". Ngược lại, nếu pháp luật cho phép, thì bác sĩ có thể giúp người bệnh muốn chết vì bệnh trọng có một lối thoát...
Để làm rõ hơn về đề vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cung cấp cho độc giả cái nhìn trên góc độ pháp lý.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung "quyền được chết" vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam. Tưởng chừng là giải pháp tốt cho họ, nhưng hậu quả của nó sẽ không lường hết được như phát sinh khiếu kiện giữa các con người chết, giữa con người chết với cơ quan y tế.
Vấn đề đặt ra là ai có thẩm quyền quyết định việc này. Đến một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải được sự kiểm duyệt của Chủ tịch nước trước khi họ bị thi hành án tử hình, thì việc này khó mà thực hiện được, nếu có được thực hiện thì không thể kiểm soát được. Vì vậy không nên đưa vào luật quyền được chết như nhiều ý kiến nêu.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bi tươc đoat tính mạng trái luật".
Mặt khác, Điều 101 BLHS qui định Tội: Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát: "Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".
Theo Luật sư Thơm, việc áp dụng quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa là vấn đề rất phức tạp và rất dễ bị lạm dụng vì những mục đích khác nhau.
Những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có thực sự mong muốn được chết hay không. Đây là có phải là ý chí hay nguyện vọng của họ hay không hay chỉ là do lúc túng quẫn, chán trường mới có suy nghĩ tiêu cực như vậy. Căn cứ nào để chứng minh rằng đó là ý chí, nguyện vọng thực sự của họ là muốn được chết. Họ có thực sự tỉnh táo, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi đưa ra quyết định đó hay không. Hôm nay họ có suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng ngày mai họ thay đổi thì như thế nào. Đã có cơ quan chuyên môn theo qui định của pháp luật giám định tâm thần của họ hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi quyết định hay chưa.
Mặt khác, họ bị bệnh hiểm nghèo mà không thể cứu chữa được thì cơ quan chuyên môn nào sẽ phải giám định sức khỏe theo qui định của pháp luật để kết luận họ không thể sống được trong thời gian bao lâu nữa.
Nếu khi người bệnh mong muốn được chết thì người nhà không đồng ý thì sẽ phải quyết định ra sao để tránh việc khiếu nại, kiện tụng sau này của những người thân. Người thân có thể là bố, mẹ, vợ, con, anh, chị em,.. Nếu một trong những người thân thuộc hàng thừa kế mà không đồng ý thì có thể giải quyết được không.
"Có thể nói hệ lụy của việc áp dụng quyền được chết là rất lớn. Nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế pháp lý đồng bộ thì việc thực thi áp dụng quyền được chết là rất khó thực hiện trên thực tế và gây ra những hậu quả pháp lý sau khi người đó chết", luật sư Thơm băn khoăn.
Khánh Công
Theo_VnMedia
Vụ 5 công an dùng nhục hình: Gia đình nạn nhân kháng cáo Ngày 23/4, bà Ngô Thị Tuyết (chị ruột nạn nhân Ngô Thanh Kiều) cho biết đã gởi đơn đến TAND tỉnh Phú Yên, kháng án tòa bộ nội dung bản án tuyên ngày 15/4, về vụ dùng nhục hình tại cơ quan Công an TP Tuy Hòa làm chết ông Kiều. Trước đó, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt các bị cáo:...