Có một “Mùi hương” ám ảnh đến rợn người
Nếu bạn đã xem bộ phim này, bạn cũng sẽ không tránh được ham muốn được xem lại một lần nữa…
Trước khi viết về Perfume: The Story of a Murderer ( Mùi hương: Câu chuyện của một kẻ giết người), tôi đã dành nhiều thời gian đi tìm hiểu xem khán giả nghĩ gì về tác phẩm này. Có một cảm nhận chung của hầu hết khán giả, đó là dù không phải ai cũng hiểu hết, không phải ai cũng “cảm” đủ, nhưng tất cả mọi người đều bị bộ phim này hấp dẫn và không thể rời mắt khỏi nó cho đến phút cuối cùng.
“Perfume: The Story of a Murderer” (2006) trailer
Được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của tác gia Đức Patrick Sskind, Mùi hương là câu chuyện cuộc đời của Jean-Baptiste Grenouille – kẻ mà để nói về hắn, người ta không biết phải dùng từ nào cho hợp.
Grenouille đã có một cuộc đời khác người ngay từ khi mới sinh ra, ngay dưới sạp bán cá tanh tưởi của mẹ hắn. Mẹ Grenouille không “đẻ” hắn mà giống như “vứt toẹt” hắn ra với cuộc đời, như thể vứt một thứ của nợ khiến mụ nặng bụng. Thế nhưng không giống như các anh chị em xấu số của mình, Grenouille vẫn sống dù bị vùi lấp trong đống ruột cá lẫn máu tanh tưởi, giữa vô số mùi hôi thối của khu chợ bẩn thỉu ở Paris. Mẹ hắn bị kết án tử hình vì tội giết con, trong khi hắn vẫn sống sót và lớn lên như một mầm mống oan nghiệt.
Grenouille thực sự là một thứ của nợ bị đẩy ra khỏi dòng đời nếu như ở hắn không có một biệt tài: khả năng khứu giác đặc biệt. Hắn sở hữu một chiếc mũi thính nhất thế gian, chiếc mũi giúp hắn ghi nhớ và phân biệt tất cả các mùi hương. Với Grenouille, mỗi mùi hương là một cá thể, là sự sống, là niềm đam mê cũng như tình yêu bất tận của hắn.
Biệt tài này đã biến Grenouille, từ một “đống rẻ rách” sống dưới đáy xã hội trở thành một thợ làm nước hoa thiên tài. Grenouille đã tạo ra vô vàn loại nước hoa tuyệt vời khiến người đời mê mẩn, nhưng tham vọng của hắn còn cao hơn thế. Jean-Baptiste Grenouille muốn chế tạo một loại nước hoa vô song có khả năng chi phối con người. Tham vọng đó đã biến hắn trở thành một kẻ giết người man rợ. Hắn đuổi theo mùi hương từ các trinh nữ và giết họ để chưng cất nên loại nước hoa tuyệt đỉnh của mình.
Mùi hương ám ảnh người xem trước tiên bởi một câu chuyện tuyệt vời từ tác phẩm mà nó chuyển thể. Perfume: The Story of a Murderer vừa uyên bác, cao siêu, triết lý, quái dị mà lại không “buồn ngủ”. Khi được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh, nhiều tình tiết trong tiểu thuyết đã bị lược bớt, nhiều điều khiến các fan của cuốn sách không được hài lòng. Tuy nhiên, bộ phim lại mang trong mình những nét đẹp riêng của nó, tinh tế và cô đọng, ám ảnh đến đáng sợ.
Trong suốt chiều dài phim, nhân vật Jean-Baptiste Grenouille (do Ben Whishaw thủ vai) hầu như không thoại nhiều, hắn chỉ hít ngửi, và mê đắm trong không gian những mùi hương của riêng hắn (Có lẽ cũng bởi thế nên đạo diễn Twyker đã phải mang tới cho khán giả một người dẫn truyện).
Video đang HOT
Tuy nhiên không cần nhiều lời, chính cái hành trình cần mẫn đi thu thập và tinh chế mùi hương của Grenouille đã cuốn khán giả vào vòng xoay ám ảnh cùng với hắn. Những lúc hắn bám theo “con mồi”, cái cách hắn hít hà và cảm nhận, cách hắn háo hức lẫn mê đắm chứng kiến từng giọt tinh dầu chảy ra từ bình chưng cất… Tất cả khiến người ta vừa tò mò vừa ghê sợ hắn. Người ta không hiểu hắn nhưng cũng không thể rời mắt khỏi hắn.
Jean-Baptiste Grenouille thực sự là gì? Đứa con của quỷ dữ, sứ giả của thần chết, một nghệ sĩ hay kẻ giết người man rợ, một kẻ lạc loài đứng bên lề xã hội nhưng lại cung cấp cho xã hội những gì nó thực sự muốn.
Cuộc đời Grenouille là một hành trình của những nghịch lý: sinh ra từ nơi hôi hám bẩn thỉu nhất nhưng lại sở hữu chiếc mũi tinh tế nhất để nhận biết những mùi hương tuyệt vời; có quyền lực đối với mọi mùi hương nhưng bản thân hắn lại “không có mùi” – điều khiến hắn ghê sợ nhất; muốn mang đến cho đời một thứ hương thơm tuyệt mỹ – mục đích tốt nhưng cách thực hiện lại sai lầm; và cuối cùng, kẻ giết người vô luân đáng lẽ phải chịu trừng phạt bởi cái chết đau đớn nhất, lại được người đời tung hô như một thiên thần…
Chẳng hiểu sao tôi lại không cảm thấy mình ghét bỏ hay ghê sợ nhân vật Jean-Baptiste Grenouille. Tôi chỉ tò mò bởi hắn, ám ảnh bởi hắn, và cũng thương cảm hắn. Grenouille là kẻ giết người mọi rợ, ai cũng biết, nhưng chẳng phải cuộc đời hắn vốn đã sai ngay từ khi bắt đầu?
Hắn bị người ta tìm cách giết chết ngay từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, hắn lớn lên dị dạng và méo mó. Hắn chưa bao giờ là một con người theo đúng nghĩa khi bị mua bán, bị rẻ rúng, khinh ghét. Một kẻ như thế, kẻ thậm chí còn chẳng biết thế nào là “truyền thuyết” và đời thực thì làm sao người ta có thể đòi hỏi ở hắn thứ đạo đức mà hắn không được dạy, cũng chưa bao giờ được nhìn thấy ở những con người quanh hắn.
Diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên người Anh Ben Whishaw đã mang đến cho khán giả một Jean-Baptiste Grenouille cô đơn đến cùng cực. Kẻ lạc loài ấy có thể chế ra thứ nước hoa khiến cả thế giới quỳ mọp dưới chân hắn nhưng lại không thể biến hắn trở thành một CON NGƯỜI đúng nghĩa – một con người biết yêu và được yêu.
Thứ nước hoa mà Grenouille chế tạo phản ánh khao khát của hắn và cũng là khao khát của toàn nhân loại – khao khát về tình yêu và sự thánh thiện. Khao khát thật đẹp, chỉ có đường đi là sai lầm.
Người ta có thể thương cảm Grenouille nhưng giới hạn đạo đức không cho phép họ quyền được bào chữa cho những tội ác man rợ của hắn. Cuối cùng, bộ phim cũng như cuốn tiểu thuyết đã chọn lựa cho mình một đoạn kết nhân văn khi để Jean-Baptiste Grenouille biến mất khỏi cõi đời cũng dị thường như khi hắn xuất hiện. Sự biến mất của của hắn khiến cho người đời thấy lâng lâng hạnh phúc vì như thể “lần đầu tiên họ hành động vì tình yêu”!
Tôi thích cảm nhận Perfume: The Story of a Murderer cũng giống như một thứ nước hoa kỳ diệu, với hương đầu đầy tò mò, khêu gợi; hương giữa bí ẩn và mê đắm; hương cuối lưu lại ám ảnh đến rợn người. Chuyện phim khiến người xem phải bất ngờ đến tuyệt vọng trong việc đoán định hướng đi và những diễn biến. Và hẳn nếu bạn đã xem bộ phim này, bạn cũng sẽ không tránh được ham muốn được xem lại một lần nữa…
Theo Trithuctre
"3-Iron": Yêu nhau cho đến tận cùng
Không có từ nào đủ để diễn tả tình yêu không lời của đôi trai gái trong "3-Iron" - một tình yêu không cần lời nói nhưng dường như đã vượt qua mọi giới hạn để đi đến tận cùng của cảm xúc và sự thấu hiểu.
Dù đã xem qua rất nhiều bộ phim lãng mạn, nhưng với cá nhân tôi, chưa có câu chuyện nào lãng mạn, đẹp đẽ và sâu sắc như câu chuyện mà "đạo diễn tâm thần" Kim Ki Duk kể trong 3-Iron. Điều độc đáo nhất của câu chuyện ấy chính là việc cặp đôi nhân vật chính hầu như không nói với nhau một lời nào từ lúc bộ phim bắt đầu cho đến khi kết thúc, nhưng khán giả lại luôn có cảm tưởng họ đã có một cuộc đối thoại thú vị nhất, cảm xúc nhất, sâu sắc nhất, và họ hiểu nhau cho đến tận cùng mọi ngóc ngách của tâm hồn mình.
"3-Iron" (2004) trailer
3-Iron kể câu chuyện của Tae Suk (Jae Hee) - một chàng thanh niên đẹp trai, thậm chí có bằng đại học nhưng lại sống ngày qua ngày bằng việc... đột nhập vào nhà người khác. Công việc hàng ngày của Tae Suk là đi gài tờ rơi vào cửa các ngôi nhà, nếu vài ngày sau anh quay lại mà tờ quảng cáo vẫn chưa bị bóc thì chứng tỏ là chủ nhà đã đi vắng.
Cứ như vậy, Tae Suk "ngủ chui" ở hết căn nhà này đến căn nhà khác trong lúc những người chủ đi vắng. Tuy nhiên, anh chỉ ngủ nhờ, thi thoảng ăn đồ ăn trong tủ lạnh chứ không bao giờ trộm cắp hay làm hư hại bất cứ thứ gì trong nhà. Ngược lại, như để "trả ơn" những người chủ nhà, Tae Suk thường xuyên dọn dẹp, giặt đồ hoặc sửa chữa những đồ đạc bị hỏng trong mỗi căn nhà mà mình ghé qua.
Tae Suk có thói quen lưu lại hình ảnh của mình trong mỗi căn nhà mà mình "ngủ chui"
Cho đến một ngày, Tae Suk đột nhập vào một căn nhà mà chủ căn hộ không đi vắng. Đó là ngôi nhà của Sun Hwa, cô người mẫu xinh đẹp nhưng u sầu vì phải sống chung với người chồng vũ phu. Mối đồng cảm kỳ lạ giữa họ bắt đầu bằng những ánh nhìn thấu hiểu. Cuối cùng, Sun Hwa bỏ nhà đi với Tae Suk, họ trở thành một cặp đôi đi... ngủ chui, chứ không phải một mình Tae Suk như thường lệ nữa.
Nhưng đến một ngày, Tae Suk và Sun Hwa đột nhập vào một căn nhà có chủ nhân là một ông lão đã qua đời vì ung thư phổi. Bị lầm tưởng giết ông lão, Tae Suk bị bắt vào tù còn Sun Hwa phải trở lại với người chồng vũ phu của cô...
Như đã nói ban đầu, 3-Iron là một bộ phim ít thoại, trong đó nam chính Tae Suk thì hoàn toàn không nói một lời nào trong suốt chiều dài phim, nữ chính Sun Hwa được Kim Ki Duk "cho" nói 2 câu, trong đó có một câu quan trọng nhất là "Em yêu anh!" dành cho Tae Suk. Còn lại, phần thoại chủ yếu đến từ các diễn viên phụ: chồng của Sun Hwa, mấy tay cảnh sát biến chất hám của, một vài người chủ của các căn nhà bị đột nhập... Phim cũng không xây dựng nhiều tình huống kịch tính, nhịp phim đều, chậm rãi, có đôi chút nhấn nhá vừa đủ, nhưng lại khiến người xem không thể rời mắt cũng như không thể... buồn ngủ.
Câu chuyện tình của Tae Suk - Sun Hwa có nét gì đó hấp dẫn khó cưỡng vượt qua mọi giới hạn của những cuộc đối thoại thông thường. Giữa họ xảy ra những cuộc đối thoại mạnh mẽ hơn - đối thoại giữa tâm hồn, thể hiện bằng ánh mắt họ trao nhau, những cử chỉ họ dành cho nhau. Cũng chính vì không có thoại, Kim Ki Duk đã đặt ra một thách thức cho dàn diễn viên của mình, đó là đẩy diễn xuất bằng cảm xúc lên đến cực điểm, và mọi biểu đạt, cử động đều phải nói lên được cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật.
Tae Suk, Sun Hwa cùng tình yêu không lời của họ hòa vào không gian vừa tĩnh lặng, vừa đặc quánh nỗi cô đơn của thành phố nơi họ sinh sống. Thành phố ấy vốn đã cô đơn khi theo chân Tae Suk ngày ngày đi ngủ chui những ngôi nhà vắng chủ, nay lại cô đơn hơn khi "kết nạp" cả Sun Hwa.
Hành trình "ngủ chui" của cặp đôi này hết ngày này qua ngày khác, cái cách Tae Suk giết thời gian bằng trò đánh goal và Sun Hwa lặng lẽ theo dõi anh, tất cả nói lên một điều rằng họ là hai con người bị thế giới bỏ quên. Họ không có nơi nào để thuộc về. Họ lấp đầy cuộc sống của mình trong mỗi căn nhà mà họ đặt chân đến. Cuộc sống của họ là những mảnh vá víu tạm bợ như thế, nay gửi chỗ này, mai gửi chỗ khác. Họ cô đơn và họ tìm thấy nhau bằng chính nỗi cô đơn của mình.
Có nhiều người bày tỏ rằng họ không thích đoạn kết mà Kim Ki Duk dành cho 2 nhân vật Sun Hwa - Tae Suk. Trong đoạn kết ấy, Tae Suk dường như đã luyện được phép tàng hình để trở về bên người anh yêu. Nhưng chỉ một mình Sun Hwa nhìn thấy Tae Suk, những người còn lại vẫn luôn cảm giác có người nào đó ở trong nhà của họ, nhưng lại không thể thấy anh. Sun Hwa hạnh phúc khi được ở bên và chăm sóc Tae Suk, trong khi sự thật cô vẫn ở bên người chồng vũ phu của mình, và Tae Suk - là một hồn ma thoát khỏi thể xác hay chính là người thật đã luyện được phép tàng hình, vẫn còn tùy vào suy nghĩ và tưởng tượng của khán giả.
"Phim tôi không có lời đáp, mà luôn đưa ra những câu hỏi" - Kim Ki Duk từng nói thế và cũng làm như thế trong 3-Iron. Vị đạo diễn lập dị của điện ảnh Hàn đã kết lại câu chuyện tình yêu kỳ lạ của Sun Hwa - Tae Suk bằng một câu nửa như hỏi nửa như nhận định gửi đến khán giả: "Thật khó để nói rằng thế giới mà chúng ta đang sống là hiện thực hay mộng ảo". Tae Suk là hiện thực hay mộng ảo? Hạnh phúc của Sun Hwa là hiện thực hay chỉ là một khát khao hạnh phúc? Hay tất cả những điều ấy chỉ nằm trong tưởng tượng của Tae Suk giữa nhà tù cô đơn buồn tẻ? Mọi câu hỏi đều không có lời đáp cụ thể, vì mỗi một tâm hồn lại có cách "cảm" bộ phim của riêng mình.
Hãy "cảm" 3-Iron theo cách của riêng bạn. Đây hoàn toàn không phải một bộ phim khó xem hay khó hiểu, đó là một bộ phim đem lại cho bạn rất nhiều khoảng lặng. Có những bộ phim đơn thuần giải trí dễ dàng trôi tuột đi khỏi tâm trí bạn khi xem xong, nhưng cũng có những bộ phim còn ở lại mãi với bạn, là nơi thi thoảng bạn có thể đem ra "đào bới" để tìm thấy, cũng như giữ lại cho mình được một điều gì đó. Tôi tin rằng 3-Iron là một bộ phim như thế!
Theo Trithuctre
Dễ thương, cảm động như "Papa" "Papa" - bộ phim hài/gia đình Hàn Quốc sẽ mang tới cho bạn những khoảnh khắc tươi sáng, dễ thương, hài hước nhưng cũng không kém phần cảm động. Nhìn toàn cảnh, Papa không phải một bộ phim xuất sắc, đề tài không mới và nội dung thì hoàn toàn có thể đoán trước, nhưng nếu bạn cần những phút giây giải trí...