Có một Huế… khác thường trong tôi
Sở dĩ tôi gọi chuyến hành trình này là không bình thường bởi từ khi xuất phát chúng tôi đã gặp ngay một trận mưa to mà nhiều người cứ can rằng ‘mưa thế đi Huế làm gì’.
Nhưng với tinh thần “ăn chơi không sợ mưa… bão” chúng tôi cũng xuất phát. 4 giờ chiều, cơn mưa cứ nặng hạt dần kéo dài từ Đà Nẵng đến gần Huế khiến cho chuyến đi của chúng tôi chậm hơn đôi chút. Nhưng rồi cũng đến nơi. Cứ lạ kì là mỗi lần gần đến Huế, lòng tôi lại có một cảm giác man mác nào đó. Chắc có lẽ bởi cái suy nghĩ, Huế là phải trầm lắng, phải u buồn nên tôi tự “vận” vào mình như thế. Bởi đúng vậy, Huế tôi đến lần này, không còn cái yên ắng, khép mình mà tôi từng thấy cách đây vài năm. Huế của sự sôi động đến bất ngờ, những hàng quán, chợ đêm dài thẳng tít, Huế thức khuya hơn khi gần 12 giờ đêm ra đường vẫn nhộn nhịp.
Không bình thường khi chúng tôi bỗng dưng trở thành những người nổi tiếng bởi một “running kid”. Chuyện chẳng là, chúng tôi đang nhâm nhi những ly nước mía mát lạnh trong khu chợ đêm, có một bé trai đến mời mua đậu phộng. Chúng tôi từ chối, bởi chẳng biết món đậu phộng sẽ làm gì với những ly nước mía. Bán và từ chối mua là chuyện bình thường. Vậy mà, sau một hồi nài nỉ, chú bé ấy đã rưng rưng nước mắt, khóc òa. Chúng tôi bỏ đi khi ly nước mía còn dở. Chú bé ấy lại chạy theo, tiếng khóc càng lúc càng to. Chúng tôi lên taxi, cậu bé ấy lại chạy theo đến gần… 4km. Sự việc chỉ dừng khi chúng tôi phải đến đồn công an nhờ can thiệp. Có thể nhiều người sẽ bảo, cho nó vài ngàn là xong. Đúng là vài ngàn có thể cho được nhưng với một thành phố làm du lịch mà để cảnh tượng xảy ra, thì quả thực không bình thường tẹo nào.
Thôi, “có chi mô na”, chuyến đi nào không có những sự cố bất ngờ. Hãy bỏ qua những điều không bình thường ấy để tận hưởng một chút ít những điều bình thường (với tôi), để níu lại chút ít tình yêu với Huế, với quê ngoại của mình. Đó là ẩm thực Huế, tôi đã từng tâm sự với những người bạn mình cách đây vài năm, nếu có xa Huế tôi chỉ lưu luyến mỗi… món cơm Hến và giờ là thêm món bánh bèo. Những món ăn đủ để tan chảy cái miệng hơi “khó nuôi” của mình. Vị the the, cay cay, mặn mặn, chua chua tất cả hòa quyện, để ăn miếng nào thấm thía miếng ấy. Với tôi thế là đủ.
May mắn chuyến hành trình này tôi được quay trở lại với chùa Từ Hiếu. Ngôi chùa mà cách đây 4 năm tôi lần đầu được đến với những người bạn thân của mình mà tôi tin chắc rằng sẽ khó có cơ hội quay lại. Nhưng lần này tôi đã quay lại, tất nhiên là với những người bạn khác. Nhưng đi với ai không quan trọng, quan trọng là mình biết tự trải nghiệm và cảm nhận. Tôi đã làm thế. Ngắt vội một bông hoa dâm bụt, hút cái mật ngọt nơi đuôi hoa trong khung cảnh mát mát của chùa. Phải hơn mười mấy năm, tôi mới lại được làm “cái trò con nít” này. Cảm giác thú vị và có chút gì đó sến sẩm. Nhưng thôi kệ, nhận một chút ngòn ngọt từ vùng đất quê ngoại để thấy mình vẫn có chút gì để… nhớ.
Bình minh về trên xứ Huế.
Video đang HOT
Con đường ngập nắng, có một Huế khác lạ so với những lần tôi qua.
Dòng sông Hương thơ mộng – cây cầu Tràng Tiền 12 nhịp muôn đời vẫn luôn là biểu tượng đẹp của Huế.
Dòng sông lơ đãng lững lờ trôi.
Một chút Huế vương lại nơi nón lá – sen tím và đình cổ.
Một góc Huế thật khác.
Rời Huế, tôi lại tiếc, tiếc vì cứ háo hức sẽ được thấy “mưa trên xứ Huế” như thế nào. Nhưng ước muốn ấy không được. Khi cơn mưa kịp tắt lúc chúng tôi đến Huế. Tôi cũng từng bắt gặp cơn mưa Huế cách đây 4 năm, nhưng đó là cơn mưa lúc tôi đang vội vàng và cũng chưa đủ để cảm nhận nó. Còn bây giờ khi háo hức sẵn sàng đón nhận nó thì nó lại ở một nơi xa tít. Ngẫm thấy thú, nhiều khi muốn không được, được thì không lấy, lấy rồi cũng… chẳng để làm gì.
Huế không bình thường với tôi – “kẻ” cũng không bình thường nốt.
Theo Zing
Một lần ăn bánh ép xứ Huế
Đảo một vòng trong thành nội Huế, tôi tình cờ tìm thấy một món ăn lạ mang tên "bánh ép" nằm ở phía trong con hẻm cụt trên đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn gần trường tiểu học Thăng Long.
Quán bánh ép này có tên là "Na", chỉ là một quán tạm thời được dựng lên với vài tấm tôn trong một khu đất trống. Quán rất đông khách, phù hợp với tiêu chí "ngon bổ rẻ" của giới trẻ.
Bánh ép ăn kèm sa tế rất ngon nhưng vì không phải người Huế nên tôi phải xin thêm nước để giảm độ cay lại - Ảnh: Tùng Nguyễn
Người chủ quán cho biết, món này ra đời cách đây khoảng 5 năm và bây giờ cũng có nhiều quán bán theo. Tôi tìm được một cái bàn trống và kêu thử 5 cái trước. Bột làm bánh là loại bột lọc. Viên bột lọc được ép chính giữa 2 miếng sắt tròn nóng hổi, đặt trên bếp than. Họ làm với nhân pâté, thịt heo hoặc trứng.
Vì hai miếng sắt để kẹp bánh rất nóng, nên chẳng mấy chốc cái bánh đã chín và bỏ ra dĩa.
Khi ăn, khách có thể cho thêm tré, ít dưa leo, rau răm, đu đủ và cà rốt muối chua. Sau đó khách tự cuộn tròn chiếc bánh lại và chấm chung với nước mắm pha, trong đó có tương ớt và sa tế. Sa tế chắc là của quán tự làm, ôi cay quá, mặc dù tôi đã cho rất ít.
Tôi thích món này, ăn cũng hơi giống kiểu bánh Taco của xứ Mễ. Món này mà ăn chậm thì vỏ bánh gặp gió sẽ mau nguội và khô, ăn bị dai và nhai mỏi hàm lắm. Tôi ăn hết 5 cái và lập tức gọi thêm 5 cái nữa.
Khi tính tiền, tôi lại bị thêm một cú giật mình thứ hai trong ngày. 10 cái bánh giá 13.000đ, 1 cái tré chỉ 2.000đ và ly trà đá không tính tiền. Chắc là ly trà đá tôi xin để "chữa lửa" nên họ tặng không. Tổng chi phí 15.000đ cho một bữa ăn ngon lạ miệng.
Các công đoạn để có món bánh ép độc đáo - Ảnh: Tùng Nguyễn
Nếu tôi nhớ không sai thì trên đường Nhật Lệ vào buổi chiều cũng có rất nhiều quán bán món bánh ép độc đáo này. Nhưng các quán đó lại không nhộn nhịp bằng quán Na.
Sau này tôi được biết thêm, món này có nguồn xuất phát từ thị trấn biển Thuận An cách đây cũng gần 20 năm rồi. Ngoài ra họ còn có thêm bánh khô, mà nhất định tôi sẽ thử trong lần ghé Huế tiếp theo.
Tùng Nguyễn
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
Bánh ướt Để làm bánh ướt phải chuẩn bị gạo ngon, vo sạch, ngâm qua đêm rồi đem xay thật mịn. Mỗi nơi có bí quyết pha bột riêng để bánh tráng ra vừa dai vừa mềm. Công đoạn tráng bánh cũng phức tạp không kém. Đổ bột lên tấm vải căng trên nồi nước sôi sùng sục, lượng bột vừa phải để bánh không...