Có kẽ hở trong nhập gà Mỹ
“Có hay không lỗ hổng trong nhập khẩu đùi gà, cánh gà cận date ( hạn sử dụng), quá date thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra mới khẳng định được. Nếu có như vậy thì đúng là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cả người chăn nuôi”.
Chuyên gia thương mại, PGS-TS Phạm Tất Thắng đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên xung quanh việc giá gà Mỹ bán tại Việt Nam (VN) chỉ có 20.000 đồng/kg, trong khi tại Mỹ bán tới 60.000-70.000 đồng/kg (chưa kể các chi phí khác).
Chắc chắn có gian dối…
Theo phân tích của ông Phạm Tất Thắng thì gà Mỹ được nhập về VN đúng vào lúc phía Mỹ đang có dịch. Gà Mỹ lại bị nhiều thị trường nhập khẩu trả lại. Khi bị trả lại hàng như thế thì hạn sử dụng của các sản phẩm gà Mỹ sẽ không thể đảm bảo như khi mới xuất sản phẩm.
“Doanh nghiệp của ta lại ồ ạt nhập gà Mỹ về khoảng thời gian này thì việc gian lận thương mại, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhập hàng quá date, cận date không loại trừ vẫn có thể xảy ra”- ông Thắng nói.
Người tiêu dùng rất khó biết gà nhập khẩu nước ngoài về còn hạn sử dụng hay gần hết hạn sử dụng. Ảnh: ĐD
Theo tìm hiểu của PV hiện nay những quy định liên quan đến chất lượng hàng hóa nhập khẩu được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm. Đồng thời các bộ ngành liên quan như y tế, công thương, NNPTNT đều ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, không có quy định cụ thể nào nghiêm cấm việc nhập khẩu hàng hóa sắp hết hạn sử dụng mà chỉ “nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng”.
Video đang HOT
Do chưa có quy định nào cấm doanh nghiệp nhập khẩu hàng cận date, trong khi loại hàng này (như ở Mỹ) lại rất rẻ, nên nếu doanh nghiệp mải chạy theo lợi nhuận sẽ nhập ngay các lô hàng này. Hệ quả là chất lượng sản phẩm kém, không để được lâu, đặc biệt với giá cả rẻ như vậy nếu “lập lờ” nhãn mác sẽ gây hại cho chăn nuôi trong nước.
Nhấn mạnh về điều này, ông Phùng Hữu Hào – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), cho rằng cơ quan thú y phải kiểm tra mới có thể khẳng định thịt gà Mỹ được nhập khẩu từ các vùng dịch bệnh hoặc là sản phẩm đông lạnh cận date. Thịt gà Mỹ nhập về VN là hàng đông lạnh, nên cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng cận date đưa về VN, sau đó thay đổi nhãn mác để bán ra thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội – ông Vũ Vinh Phú khẳng định: Không quá khó khăn với cơ quan chức năng để kiểm tra đùi gà, cánh gà Mỹ là hàng cận date hay không.
Ông Phú nói: “Chúng ta chỉ cần căn cứ vào chứng từ nhập hàng, kiểm tra ngay hàng hóa đang bán là có thể rõ. Với hàng cận date thì dễ phát hiện vì ngày tháng ghi trên sản phẩm. Song với hàng quá date, bị tẩy xóa để làm lại date mới thì cơ quan chức năng chỉ cần dùng nghiệp vụ hoặc soi kính hiển vi là phát hiện được ngay”.
Truy trách nhiệm đến cùng!
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, việc quản lý con gà nhập khẩu hiện đang bị phân chia quá chồng chéo. Lưu thông thì do Bộ Công Thương chủ trì; thuốc và dịch bệnh do Bộ Y tế quản; nuôi do Bộ NNPTNT lo, dẫn tới khi cần trách nhiệm thì quá chậm chạp và có phần đùn đẩy.
Khó khăn nữa là hiện khâu kiểm nghiệm sản phẩm trong nước đang rất có vấn đề, có cái chúng ta kiểm nghiệm được, có cái phải đưa ra nước ngoài mới phát hiện được. Đối với sản phẩm cận date, trong trường hợp doanh nghiệp trước khi xuất khẩu nếu nhúng qua dung dịch sát khuẩn thường dùng trong thủy sản, cũng không dễ để làm các phân tích vi sinh vật.
“Tuy nhiên, với đùi gà, cánh gà thì kiểm nghiệm chất lượng trong nước vẫn có khả năng thực hiện được nhưng lo ngại rằng, kiểm nghiệm trong nước “có vấn đề” rồi nên khó có thể khách quan, công bằng để tìm ra kẽ hở lúc này”- ông Phú nói.
Ông Phùng Hữu Hào cũng cho biết, kết quả kiểm tra trực tiếp tại một số doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm của Mỹ sang VN cho thấy, nhiều đơn vị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm.
Cụ thể, cuối năm 2014, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã làm việc với Cơ quan Kiểm dịch và an toàn thực phẩm của Mỹ (FSIS) và thanh tra một số cơ sở giết mổ bò, lợn, gia cầm của nước này. Qua kiểm tra, đã phát hiện một loạt sai phạm về an toàn thực phẩm. FSIS cũng đã ghi nhận những lỗi này theo báo cáo của phía VN. Bộ NNPTNT đã tạm dừng việc cấp phép cho Mỹ xuất khẩu nội tạng trắng vào VN.
Ông Phùng Hữu Hào- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản:
“Thịt gà Mỹ nhập về VN là hàng đông lạnh, nên cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng cận date đưa về VN, sau đó thay đổi nhãn mác để bán ra thị trường”.
Ông Phạm Tất Thắng – Chuyên gia thương mại:
“Vụ kiện gà đang đòi hỏi trách nhiệm đến cùng của chính các cơ quan chức năng thì mới có thể giải quyết được, giúp bảo vệ quyền lợi của sản xuất trong nước và của người tiêu dùng”.
Theo Mai Hương – Phương Hà
Dân Việt
Cần cấm dần từng nhóm kháng sinh trong chăn nuôi
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng Việt Nam chưa thể cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vì các nước phát triển như Hoa Kỳ vẫn cho sử dụng. Áp dụng lệnh cấm ngay sẽ xảy ra dịch bệnh rất nhiều, ảnh lượng đến sản lượng chăn nuôi.
Phát biểu tại cuộc họp sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Việt Nam quy định có 28 loại kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Một số nước trên thế giới cũng cho phép dùng kháng sinh trong chăn nuôi như Trung Quốc có 24 sản phẩm và Mỹ 49 sản phẩm.
Liều kích thích sinh trưởng là liều thấp nhất. Tuy nhiên, trong sử dụng người chăn nuôi lạm dụng, cho vào liều cao hơn. Mặc dù quy định có 28 loại kháng sinh được phép sử dụng, nhưng có nhiều kháng sinh khác không cấm thì đồng nghĩa với việc được phép sử dụng.
Cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sẽ giúp nâng cao chất lượng ATPP (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Theo ông Dương, việc người chăn nuôi đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi với mục tiêu phòng bệnh làm nguy cơ gây mất ATTP rất cao. Tuy nhiên, việc bỏ sử dụng kháng sinh cần có lộ trình thích hợp vì ngay cả nước phát triển như Mỹ dự kiến đến năm 2018 mới bỏ, Trung Quốc chưa đưa ra lộ trình.
"Hiện nay, mới có 11 nước trên thế giới không dùng kháng sinh vào kích thích tăng trưởng. Việt Nam không thể nhanh hơn các nước phát triển vì điều kiện chăn nuôi của chúng ta về chuồng trại, về vệ sinh chăn nuôi của chúng ta chưa đạt yêu cầu như Châu Âu, nếu bỏ ngay bây giờ thì dịch bệnh sẽ xảy ra rất nhiều", ông Dương khẳng định.
Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện thì ngăn chặn không cho bán ra thị trường, đồng thời khuyến cáo người dân không ăn thịt có chứa chất cấm. Làm như vậy, mới từng bước ngăn chặn được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, không hài lòng với giải thích của ông Dương, Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt vấn đề: "Chúng ta vì lợn ít bệnh hay vì sức khỏe người dân?" Theo Bộ trưởng, nếu chưa thể cấm sử dụng được tất cả các loại kháng sinh thì cần cấm dần từng nhóm, nhất là nhóm kháng sinh cho người đang được sử dụng trong chăn nuôi.
Bộ trưởng Phát cũng chỉ đạo các đơn vị phải nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý để ngăn chặn và kiểm soát việc sử dụng theo hướng an toàn.
Nguyên An
Theo Dantri
Gà ngoại "giết chết" gà Việt Nhiều người đặt nghi vấn về chất lượng gà ngoại giá rẻ bất thường. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, bức xúc cho biết hàng ngàn trại gà công nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng và đứng trước nguy cơ phá sản vì giá gà giảm thê thảm. Bán gà cho... trăn ăn Từ...