Cơ hội nào cho thầy Phó hiệu trưởng nhà trường khi dính vào ma túy?
Việc tự giác xin đi cai nghiện của thầy L.K.V cho thấy thầy V cũng rất khao khát muốn được sửa sai cho quá khứ của mình.
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết đưa tin về sự việc thầy giáo L.K.V, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Phà Đánh ( huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có đơn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn xin thôi giữ chức vụ để đi cai nghiện ma túy.
Đây có thể được xem là điều đáng biểu dương khi một người đang đảm nhận chức vụ quản lý nhà trường mà dám từ bỏ nó, dám công khai lý do xin thôi giữ chức vụ để đi cai nghiện và làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, dù rất cảm thông thì chúng tôi cũng phải nói rằng cơ hội để người thầy này trở lại bục giảng trong thời gian tới là rất mong manh, nếu các cơ quan chức năng ở địa phương này áp dụng theo đúng Nghị định số 27/2012/NĐ-CP và Luật Viên chức hiện hành.
Thầy L.K.V đã làm đơn xin từ chức và quyết tâm đi cai nghiện (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ngày 20/10/2019, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết: Chia sẻ nhói lòng và khát khao làm lại cuộc đời của Hiệu phó lỡ dính vào ma túy của tác giả Phan Tuyết, dù rất cảm thông cho hoàn cảnh của thầy L.K.V nhưng có 2 số vấn đề mà chúng tôi rất muốn được làm rõ.
Thứ nhất: Vẫn biết, người xưa có câu: “nhân vô thập toàn” có nghĩa là con người vốn không ai là hoàn hảo, là toàn diện cả. Dù ít hay nhiều, trong mỗi con người chúng ta vẫn tồn tại những khiếm khuyết, hạn chế bởi con người không phải là “thánh nhân”, mà chỉ là “người trần mắt thịt” mà thôi.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều những thói hư tật xấu đan cài mà con người chúng ta nếu không tỉnh táo, bản lĩnh thì rất dễ dàng bị tiêm nhiễm, dễ mắc phải. Vì vậy, việc thầy giáo L.K.V. vướng vào cái chết trắng cũng không phải là điều bất ngờ.
Song, đặt trong vị trí, vai trò của một nhà giáo, một nhà quản lý giáo dục thì việc sa vào ma túy của thầy giáo L.K.V rõ ràng không phù hợp trong môi trường học đường.
Nếu sau này, khi cai nghiện thành công, có cơ hội trở lại đứng trên bục giảng chắc chắn thầy V. cũng không tránh được những lời đàm tiếu từ dư luận.
Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến chia sẻ của của một vị đại diện Phòng Tổ chức cán bộ – Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói rằng: “Được biết: Nếu giáo viên bị nghiện ma túy tức là đã vi phạm đạo đức nhà giáo và theo quy định sẽ bị xử lý kỷ luật.
Dù có cảm thông hoàn cảnh và khen ngợi sự dũng cảm của thầy V., nhưng chúng tôi cũng phải thừa nhận là ý kiến này không sai so với các văn bản hướng dẫn hiện hành.Vấn đề thôi việc sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Không có chuyện thầy giáo sau khi cai nghiện thành công sẽ được tiếp tục đứng trên bục giảng”.
Bởi, tại điều 13 của Nghị định số 27/2012/NĐ-CP Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của công chức đã quy định về những trường hợp sau đây là sẽ bị buộc thôi việc
Điều 13. Buộc thôi việc
Video đang HOT
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền…
Như vậy, thầy giáo L.K.V. vướng vào trường hợp “nghiện ma túy”. Có thể trong thời điểm hiện tại thầy V. chưa có giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền nhưng việc xin nghỉ dài hạn để đi cai nghiện ma túy thì khi cai nghiện xong, thầy V. sẽ có giấy xác nhận này.
Vì vậy, bài viết của tác giả Phan Tuyết dẫn lời Luật sư Phú Vinh cho rằng: “Không có luật nào sa thải người nghiện ma túy nếu họ không làm gì phạm pháp” có lẽ là chưa đúng với tinh thần hướng dẫn của Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ .
Thứ hai: Thầy giáo L.K.V. đang đảm nhận vai trò Phó hiệu trưởng nhà trường. Điều này cũng đồng nghĩa thầy V. đang là viên chức và tất nhiên phải thực hiện mọi nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm theo Luật Viên chức hiện hành.
Trong đó, tại điều 16 của Luật Viên chức đã quy định về nghĩa vụ chung của viên chức như sau:Vì vậy, việc tác giả Phan Tuyết viện dẫn điều 126, Bộ luật Lao động năm 2012 cho trường hợp thầy giáo L.K.V. là không phù hợp, bởi nhà giáo thì phải thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình theo Luật Viên chức hiện hành chứ không hẳn là Luật Lao động.
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao.
5. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Vì vậy, thầy V. đã phạm vào một số điều có liên quan đến đạo đức của một viên chức- của một nhà giáo đang đảm nhận vai trò quản lý nhà trường.
Cơ hội nào cho thầy giáo sau khi đi cai nghiện?
Như phân tích ở trên thì chúng ta thấy rằng nếu các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) áp dụng đúng với các hướng dẫn của các bộ luật hiện hành thì cơ hội đứng lớp sau khi đi cai nghiện về của thầy giáo L.K.V. là rất mong manh.
Song, nếu như vậy sẽ dẫn đến việc thầy giáo V. lâm vào ngõ cụt sau khi đã dũng cảm làm đơn xin đi cai nghiện và cơ hội để chuộc lại lỗi lầm của thầy V. sẽ khó thực hiện được.
Vì thế, chúng tôi cũng mong rằng sau khi đi cai nghiện về thì đơn vị trường Tiểu học Phà Đánh cũng như các cơ quan chức năng ở đây (có thể) tạo cho thầy V một cơ hội việc làm nào đó.
Bởi việc tự giác xin đi cai nghiện của thầy L.K.V cho thấy thầy V cũng rất khao khát muốn được sửa sai cho quá khứ để làm lại cuộc đời của mình.
NGỌC GIANG
Theo giaoduc.net
"Bố lỡ rồi, con yên tâm học hành, bố sẽ cố gắng về với con, với gia đình!"
"Con ơi! Bố lỡ rồi, con yên tâm học hành, bố sẽ cố gắng bỏ cho được để về với con, với gia đình! Để gia đình mình lại hạnh phúc như xưa".
Thầy L.K.V mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong một tâm trạng rụt rè. Những lời nói khó nhọc được phát ra, chúng tôi cảm giác như đang được ghìm nén hết mức có thể để không thể bật lên những tiếng nghẹn ngào.
Thầy L.K.V xin từ chức để đi cai nghiện (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy V. cho biết, gia đình mình có 2 con, vợ cũng là giáo viên tiểu học. Bé nhở học lớp 2, bé lớn là Lê Kiều N. hiện đang học lớp 7.
Cô bé đã hiểu được ít nhiều câu chuyện buồn về bố qua những lời trêu chọc của bạn bè cùng trang lứa.
Có lần, N. ôm bố vào lòng thổn thức: "Bố ơi! Con thương bố lắm!".
Thầy V. nói lúc đó chỉ còn biết ôm lấy con mà vỗ về, an ủi: "Con ơi! Bố lỡ rồi, con yên tâm học hành, bố sẽ cố gắng bỏ cho được để về với con, với gia đình! Để gia đình mình lại hạnh phúc như xưa".
Vết trượt của một giáo viên, một cán bộ giỏi
Thời gian còn là giáo viên, thầy đã 2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.Thầy giáo V. đã có hơn 15 công tác tại huyện Kỳ Sơn và đến năm 2008 được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Loi, sau đó là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phà Đánh.
Vì những thành tích ấy, thầy V. đã được nâng lương trước thời hạn.
Sau khi được đề bạt làm Phó hiệu trưởng, thầy V. cũng liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm.
Một lần nữa, thầy V. lại được xét đặc cách nâng lương trước thời hạn.
Nói về việc mình vướng vào "cái chết trắng", thầy V. cho biết: "Trong một lần đi nhậu với bạn, được rủ rê, có men rượu trong người nên không làm chủ được bản thân và dùng thử nên nghiện lúc nào không hay".
Thầy V. nói thêm: "Khi ý thức được việc mình không nên làm nên đã xin từ chức và quyết tâm cai nghiện".
Cần lắm những vòng tay chia sẻ, cảm thông
Thật bất ngờ, gần như rất ít sự lên án, chỉ chích hay mạt sát của dư luận, mà ta vẫn thường thấy trong những câu chuyện tương tự.Câu chuyện thầy L.K.V. làm đơn xin thôi giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang nhận được sự quan tâm rất nhiều của dư luận.
Phần đông là sự đồng cảm, sẻ chia, những lời động viên khích lệ mong thầy đủ bản lĩnh vượt qua để trở lại bục giảng.
Có người còn bày tỏ thái độ thán phục: "Đây là hành động dũng cảm, rất đáng khen, chúng ta nên ủng hộ thay vì chỉ trích".
Có những lời động viên đầy chân tình: "Đây là sự lựa chọn can đảm và đúng đắn nhất mà tôi đã từng biết.
Hy vọng thầy sẽ cai nghiện thành công và trở lại làm động lực cho nhiều người khác biết gạt bỏ và sẵn sàng chịu trách nhiệm để cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Mong xã hội hãy rộng tay để đón nhận khi thầy cai nghiện thành công trở về".
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Đề nghị kỉ luật 4 giáo viên đi nước ngoài không đúng quy định: Bộ GD&ĐT nói gì? Sở GD&ĐT Quảng Ninh vừa ra văn bản yêu cầu xử lý cán bộ, giáo viên nhân viên du lịch nước ngoài không đúng quy định. Theo Bộ GD&ĐT, không có quy định giáo viên đi đâu/làm gì trong thời gian nghỉ hè. Tuy nhiên, giáo viên phải chịu sự quản lý của địa phương theo luật viên chức. Kì nghỉ hè năm...