Có hay không việc lộ, lọt thông tin, “bảo kê” cho tội phạm bỏ trốn?
Sáng nay (4/6), tại phần chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề cập tình trạng để tội phạm bỏ trốn, gây nghi ngờ, hoang mang trong dư luận xã hội, cách nào ngăn chặn tình trạng này?
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4/6 (ảnh Lê Hiếu).
Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội
Trả lời về câu hỏi này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, theo quy định, có những quy trình kiểm soát chặt chẽ như bắt quả tang, bắt ngăn chặn. Tuy nhiên vừa qua, ngăn chặn việc bắt nhầm, bắt oan thì không cho phép áp dụng các biện pháp đối với những đối tượng chưa có đủ căn cứ, dấu hiệu chứng minh tội phạm. “Do đó việc này thời gian qua có những sơ hở, Bộ sẽ có kiến nghị điều chỉnh thời gian tới”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Người đứng đầu ngành Công an lý giải thêm, người phạm tội trước khi gây án đều có tính tới việc chạy tội, trốn tội nên cơ quan chức năng cần tính các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. “Nguyên lý đề ra là không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan người vô tội”, Bộ trưởng Công an nói.
ĐBQH Nguyễn Tạo (ảnh quochoi.vn).
ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cũng đưa ra câu hỏi chất vấn, việc khởi tố đối tượng có tiền, có vị trí thì nhiều người đã bỏ trốn. “Vậy có hiện tượng lộ, lọt thông tin hoặc bảo kê cho tội phạm bỏ trốn không và giải pháp cho vấn đề này?”, ĐB Mai chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tới đây các giải pháp đưa ra, trong đó Bộ luật tố tụng hình sự phải có quy định phù hợp yêu cầu để làm sao vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ công dân vừa không bỏ lọt tội phạm.
Video đang HOT
“Về phía ngành công an cũng sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ mà pháp luật cho phép nhằm quản lý được các đối tượng ngay từ đầu”. Bộ trưởng Công an cho biết.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (ảnh quochoi.vn).
Có chiến sĩ công an không chịu được áp lực đã “bảo kê” cho tội phạm
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn, thời gian vừa qua lực lượng Công an bắt được nhiều vụ ma túy lớn. “Đây vừa là chiến công của ngành Công an nhưng cũng không thể không tính tới trách nhiệm của lực lượng tại chỗ đóng trên địa bàn để cho lực lượng ma túy thẩm lậu, tập kết, đóng hàng ở đó. Ngành Công an và Bộ trưởng có biện pháp gì để xử lý đối với cán bộ và lực lượng của mình đóng trên địa bàn đó”, ĐB Nhưỡng hỏi.
Vấn đề thứ hai ĐB Nhưỡng đề cập tới việc cử tri và dư luận cho rằng nạn hoành hành của cờ bạc, tín dụng đen, băng nhóm bảo kê. Ông dẫn chứng một vụ việc ở phường Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam), hàng chục người mặc rằn ri có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng khi người dân gọi Công an không đến. Từ đó người dân đặt vấn đề có tình trạng bảo kê, bao che của một số cán bộ Công an thoái hóa, biến chất. “Quan điểm của Bộ trưởng về xử lý vấn đề này thế nào”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trách nhiệm về giữ gìn trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt, chịu trách nhiệm trước tất cả những vấn đề về an ninh trật tự. Trong lực lượng Công an có trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của thủ trưởng các đơn vị.
Theo Bộ trưởng Công an, thời gian qua Bộ đã quán triệt vấn đề trên tới giám đốc công an các tỉnh để đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Nếu không hoàn thành trách nhiệm sẽ có biện pháp về tổ chức cán bộ để chấn chỉnh. Cấp huyện, phường, xã cũng được quán triệt như vậy.
Đối với hành động “bảo kê” cho tội phạm, theo Bộ trưởng Công an, tội phạm có những diễn biến rất phức tạp đối với lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Công an. Chúng không từ thủ đoạn nào để tấn công lực lượng chức năng, từ những việc đơn giản nhất như làm quen để có mối quan hệ, rồi dụ dỗ, mua chuộc, nếu không được chúng dùng vũ lực để tấn công đe dọa lực lượng chức năng, trong đó có Công an.
Không chỉ cán bộ, chiến sĩ Công an mà gia đình, người thân của họ cũng bị áp lực này. Ngoài đe dọa bằng vũ lực chúng còn xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín. Trong quá trình đó cũng có những cán bộ, chiến sĩ không chịu đựng được đã mất phẩm chất, có những hành động như quan hệ với tội phạm, “bảo kê” cho tội phạm hoạt động, thậm chí có hợp tác với các đối tượng tội phạm. “Với loại tội phạm như vậy, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như lực lượng Công an là kiên quyết loại trừ, loại bỏ những cán bộ, chiến sĩ như vậy. Đồng thời sẽ bảo vệ danh dự, uy tín của cán bộ khi họ bị xuyên tạc”, Bộ trưởng Công an nói và cho biết trên thực tế ngành Công an đã xử lý nghiêm, không có vùng cấm, từ xử lý hành chính, xử lý hình sự những cán bộ, chiến sĩ vi phạm.
Theo Danviet
Bộ trưởng Công an đăng đàn QH, câu hỏi "nóng" nào sẽ được chất vấn?
Sáng mai (4/6), phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sẽ bắt đầu diễn ra (chất vấn 2,5 ngày, từ ngày 4 đến 6/6). Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ là vị tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ đăng đàn trước Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Có thể nói vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được dư luận xã hội dành sự quan tâm. Đặc biệt trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, những đường dây ma túy cực lớn bị triệt phá, hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê kiểu "xã hội đen"...khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), khi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, qua các phát biểu của các vị ĐBQH ở hội trường thấy nhiều người đề cập tới vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.
"Điều quan tâm của các ĐBQH và cử tri hiện nay là tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tội giết người. Có nhiều vụ án nhiều người bị sát hại, giết người dã man, giết người thân, khi phát biểu các ĐBQH cũng từng đề cập", ĐB Xuyền cho biết.
Vẫn theo ĐB Xuyền, vấn đề thứ hai cũng rất nóng trong lĩnh vực an ninh trật tự đó là tội phạm liên quan đến ma túy. Các vụ án ma túy được phát hiện ngày càng nhiều, số lượng ma túy tăng lên qua từng vụ được phát hiện (hàng tấn). Điều này đã gây hoang mang, lo lắng trong đời sống xã hội.
"Tội phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí thời gian qua đã được phát hiện và xử lý nhiều nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp", ĐB Xuyên cho hay.
Vấn đề nữa theo ĐB Xuyền cũng được dư luận và cử tri quan tâm, đó là vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của ngành Công an; xử lý người sử dụng rượu, bia, chất kích thích (có ma túy đá) điều khiển phương tiện tham gia giao thông. "Tất cả những nội dung nêu trên đang là vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội, cử tri và nhân dân đều quan tâm và mong muốn ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu để giải quyết những bức xúc đó", ĐB Bùi Văn Xuyền cho biết.
Thời gian gần đầy nhiều đường dây ma túy lớn bị triệt phá (trong ảnh Công an TP.HCM bắt 1,1 tấn ma túy do đối tượng Đài Loan vận chuyển, ảnh IT).
ĐB Mai Sỹ Diến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho hay, qua tiếp xúc cử tri và nhìn nhận của cá nhân, ông thấy vấn đề liên quan đến tội phạm túy là điểm "nóng" nhất hiện nay trong lĩnh vực an ninh trật tự. Chưa bao giờ, chỉ trong một thời gian ngắn mà có nhiều đường dây ma túy cực lớn bị phát hiện, điều đáng lo ngại là vụ sau số lượng ma túy lại lớn hơn vụ trước. Từ những vụ việc được phát hiện đó đã khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng và đặt trách nhiệm hết sức nặng nề cho ngành Công an.
Có chung nhìn nhận như ĐB Diến, ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy là nổi cộm. Ông nói: "Các vụ bắt ma túy lớn ngày càng nhiều, phạm vi của tội phạm túy kể cả những vụ lớn và vụ nhỏ không chỉ ở những thành phố lớn mà cả vùng nông thôn".
ĐB Trương Minh Hoàng cho biết thêm, ông đánh giá rất cao các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an thời gian qua đã phát hiện và phá nhiều vụ án ma túy lớn. "Qua những vụ án được triệt phá đó mới thấy được phần nào về mức độ, tiềm ẩn những nguy cơ mà tội phạm ma túy gây ra", ĐB Hoàng nói.
Vị ĐBQH này nói thêm, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia, chất ma túy. "Cử tri và nhân dân rất lo lắng, họ mong muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an xử lý những vi phạm trên một cách "mạnh tay" hơn để ngăn ngừa mối hiểm họa này", ĐB Trương Minh Hoàng nói.
Theo chương trình chất vấn của Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn; người tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; người trả lời chất vấn thứ ba là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; người thứ tư đăng đàn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Sau 4 Bộ trưởng trả lời, vào sáng 6/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đây là lần đầu tiên ông Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Theo thông lệ, kỳ họp Quốc hội giữa năm, Thủ tướng Chính phủ thường ủy quyền cho một Phó Thủ tướng để trả lời chất vấn trước Quốc hội. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã từng đăng đàn trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước.
Theo Danviet
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: 'Lỗi của tôi một phần thì cũng có một phần lỗi của đồng chí trưởng ngành' Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong câu chuyện lùm xùm giữa ông và Bộ Công an, "lỗi của tôi một phần, thì cũng một phần lỗi thuộc về đồng chí trưởng ngành". ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ với báo chí bên lề Quốc hội ẢNH NGỌC THẮNG Bên lề Quốc hội sáng 9.11, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng...