Cô giáo trẻ đánh cược tính mạng mang thai hộ cho chị
Chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng, Huỳnh Thị Sang (32 tuổi, xã Ba Động, huyện Ba Tơ) cùng chị gái bước vào hành trình mang thai hộ kéo dài suốt 2 năm để tìm kiếm điều kì diệu…
Hành trình gieo yêu thương
Huỳnh Thị Sang là giáo viên âm nhạc. Sang từng có một tổ ấm với 2 cô con gái xinh xắn. Nhưng rồi hạnh phúc đổ vỡ, Sang nhận nuôi cả 2 con.
Chị gái Sang, Huỳnh Thị Nhung Lụa lại không may mắn trong thiên chức làm mẹ như em. Suốt 13 năm với 7 lần nhờ sự can thiệp của y học nhưng mong ước về một “thiên thần” bé nhỏ vẫn xa vời.
Không chịu buông tay, chị Lụa tiếp tục thực hiện chu trình chọc trứng và may mắn ghép được 9 phôi. Nhận được tin mừng từ chị gái, Sang nửa đùa nửa thật: “Hay chị gửi phôi cho em mang hộ xem có đậu không ?”.
Câu nói đó chính là điểm khởi đầu cho một hành trình đầy xúc động và gian nan của 2 chị em.
Dì Sang và cậu bé Kem
“Lúc đầu chỉ nghĩ là nói đùa nhưng sau đó 2 chị em nói chuyện nghiêm túc và em quyết định mang thai hộ cho chị. Thế nhưng mọi chuyện không hề đơn giản…”, Sang bỏ lửng câu nói rồi quay sang nhìn mẹ.
Tiếp lời con, bà Võ Thị Thanh cho biết: nghe Sang nói cả nhà nhất quyết phản đối. Không phải là không thương Lụa, không muốn có cháu nhưng Sang đã 2 lần sinh mổ, nếu mang thai thêm lần nữa rất nguy hiểm.
“Sang vẫn còn trẻ, cuộc đời còn rất dài. Nếu mang thai lần thứ 3 sẽ không thể sinh con được nữa thì làm gì có người đàn ông nào chấp nhận. Rồi có chuyện gì xảy ra với nó thì 2 cháu nhỏ sẽ sống với ai. Vậy mà nó thuyết phục mãi tôi cũng phải đồng ý”, bà Thanh xúc động.
Vượt qua “cửa ải” đầu tiên, tháng 7/2015, Sang và chị gái vào TP. Hồ Chí Minh thực hiện quy trình mang thai hộ với niềm tin về “quả ngọt”. Thế nhưng, niềm tin của Sang bị dập tắt ngay từ “vòng loại” khi bệnh viện Từ Dũ từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Video đang HOT
Bác sĩ không đồng ý cho Sang mang thai hộ bởi cô đã 2 lần sinh mổ, nếu mang thai lần thứ 3 sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Dù 2 chị em cố gắng thuyết phục nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Mọi hy vọng vụt tắt.
“Cầm hồ sơ về mà hụt hẫng quá nên em quyết định quay lại thuyết phục bác sĩ. Cuối cùng hồ sơ cũng được chấp nhận. Thế nhưng em bỗng lo khi bác sĩ hỏi nếu có chuyện gì xảy ra ai sẽ chăm sóc 2 con. Khi bác sĩ hỏi câu đó, vợ chồng chị Lụa cũng đã khóc. Riêng em rất sợ và thương các con nhưng không hiểu sao em tin mình sẽ thành công”, Sang nói.
Tiếp đó là 3 tháng trôi qua với hành trình ngược xuôi Quảng Ngãi – TP. Hồ Chí Minh để hoàn thành hồ sơ pháp lý cho việc mang thai hộ. Hồ sơ hoàn thành, Sang xin nghỉ dạy 1 năm không lương, chấp nhận xa con thực hiện quy trình mang thai hộ cho chị gái.
Vậy mà, suốt 1 năm trời với 5 lần kiểm tra y tế Sang vẫn không đủ điều kiện để cấy phôi. Một lần nữa, bác sĩ lại khuyên 2 chị em dừng lại. Và cũng thêm một lần nữa, Sang thuyết phục được bác sĩ cho mình thực hiện lần cuối.
May thay, lần cuối cùng kiểm tra Sang đủ điều kiện chuyển phôi, bệnh viện hẹn 1 tuần sau quay lại để thực hiện. Đến ngày hẹn, Sang quay lại thì bác sĩ thông báo niêm mạc tiếp tục bị hủy nên có cấy thì phôi cũng hỏng.
Sang lại thuyết phục bác sĩ cho thực hiện chuyển phôi vì đây là lần cuối nếu không thực hiện cũng không còn hy vọng nào khác.
Hơn 37 tuần kể từ “lần cuối” đó, cậu bé Kem cất tiếng khóc chào đời…
Bé Kem hạnh phúc bên mẹ và dì (Ảnh NVCC)
“Kem” ngọt và…
11 ngày sau khi chuyển phôi Sang mua que về thử với kết quả… 1 vạch. Tất cả hy vọng, sự hy sinh, bao đau đớn suốt nhiều năm trời của Sang và chị gái tiêu tan.
“Em vứt que thử vào sọt rác như người vô hồn. Chẳng hiểu sao 10 phút sau em lục tìm que thử xem lại thì thấy 1 vạch đậm, 1 vạch nhạt. Mừng đến không thở được nhưng vẫn chưa tin. Em đi hỏi y tá cũng bảo có em bé nhưng vẫn không dám tin. Đến khi cầm kết quả xét nghiệm với kết luận có thai 2 chị em mới ôm nhau khóc”, Sang xúc động.
Huỳnh Thị Sang cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên 2 con gái và Kem (Ảnh NVCC)
37 tuần sau – ngày 17/1/2017, bé Kem – Trịnh Huỳnh Minh Bảo cất tiếng khóc chào đời sau ca mổ bắt con khẩn cấp vì thai nhi có nguy cơ mất tim thai.
“Lúc Kem chào đời em sợ lắm. Sợ cho Kem rồi lại sợ mình có chuyện gì thì ai nuôi 2 con. May là 2 dì cháu đều bình an. Gia đình đặt tên thân mật cho cháu là Kem vì kem rất ngọt và mát. Kem chính là mật ngọt cho cả gia đình. Bây giờ cháu đã được 13 tháng tuổi và rất kháu khỉnh”, Sang cười vui.
Đối với Sang thì “Kem” rất ngọt nhưng cuộc đời đôi khi quá đắng. Đắng đến mức Sang nghĩ mọi con đường phía trước không còn dành cho mình.
“Mang thai hộ là điều còn rất mới, vì vậy suốt thời gian mang thai và cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn không hiểu. Những tin đồn ác ý như cắt vào lòng mình. Nhưng vì Kem nên em cố gắng vượt qua. Trước khi mang thai hộ em cũng có một người đàn ông để yêu thương nhưng rồi họ đã bỏ đi. Bây giờ thì mọi chuyện đã ổn. Em không quan tâm gì khác ngoài việc chăm sóc 2 con và luôn cầu mong cho Kem khỏe mạnh. Với em, như thế là đủ”, Sang bình thản.
Quốc Triều
Theo Dantri
Dân dựng lều giữa đồng đón Tết: Ở lều tạm đến bao giờ?
Đến thời điểm này, một số hộ dân thôn Kà La (xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) vẫn phải ở lều tạm giữa cánh đồng. Những chiếc lều càng ngày càng nhếch nhác do nước từ đồng ruộng bám vào; cùng với đó là mùi phân gia súc bốc lên nồng nặc...
Sau gần 4 tháng bị mất nhà cửa do sạt lở núi, 12 hộ dân với 44 nhân khẩu tại thôn Kà La (xã Ba Dinh) vẫn tiếp tục chịu cảnh ở lều tạm giữa đồng hoặc đi ở nhờ.
Trong lều, nước từ ruộng lúa chảy vào, đọng lại nhếch nhác. Cùng với đó là mùi phân gia súc bốc lên nồng nặc do người dân nuôi heo, trâu sát bên cạnh lều.
Những túp lều tạm được dựng lên giữa đồng từ trước Tết Nguyên đán.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Trung Triết - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - cho biết, dù biết đời sống của người dân bị mất nhà rất khó khăn nhưng huyện chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng khu dân cư tập trung để người dân dựng lại nhà ở.
Nhiều gia đình vẫn sống tạm bợ trong những túp lều tạm hoặc đi ở nhờ sau 4 tháng mất nhà do sạt lở núi.
Theo ông Triết, ngay sau đợt sạt lở núi vào đầu tháng 11/2017, UBND huyện Ba Tơ đã khảo sát và có tờ trình xin hỗ trợ khẩn cấp 4 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư tập trung. Đến thời điểm này, vướng mắc về việc chuyển mục đích sử dụng đất như báo Dân trí đã phản ánh trước đó đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí 4 tỷ đồng vẫn chưa được phân bổ nên người dân vẫn chưa có địa điểm dựng lại nhà mới.
"Chúng tôi đã có tờ trình xin UBND tỉnh 4 tỷ đồng để xây dựng khu dân cư tập nhưng đến nay vẫn chưa được phân bổ vì nguồn kinh phí này tỉnh phải đề nghị Trung ương hỗ trợ. Vì vậy, dù vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được tháo gỡ, mỗi hộ dân cũng được hỗ trợ 50 triệu đồng nhưng vẫn chưa có nơi để dựng lại nhà", ông Triết nói.
Người dân thôn Kà La mong chờ địa điểm để dựng lại nhà mới nhằm ổn định cuộc sống
Như Dân trí đã phản ánh, đợt mưa lớn đầu tháng 11/2017 khiến ngọn núi Kà La (thôn Kà La, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) bị sạt lở, vùi lấp hoàn toàn 3 căn nhà, 9 căn nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp.
Vụ sạt lở khiến 44 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của thôn Kà La lâm vào tình cảnh mất tài sản, nhà cửa. Các hộ dân này phải đến ở tạm tại nhà văn hóa thôn, số khác sống nhờ nhà người quen trong thôn. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, một số hộ dân đã ra đồng để dựng lều tạm đón Tết.
Quốc Triều
Theo Dantri
Ai ngờ cô gái đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm lại xinh thế này? Phạm Tường Lan Thy- cô gái đầu tiên được sinh ra từ ca thụ tinh trong ống nghiệm cách đây 20 năm đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Lan Thy là một trong 3 trẻ đầu tiên tại Việt Nam được ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm năm 1998, sau hành trình 10 năm "tìm con" gian khổ...