Cô giáo tiểu học mê đi phượt
“Các bạn nhỏ cứ nghĩ ra nơi nào là lại hỏi cô đã đến đây chưa, ở đó có gì thú vị?”, cô giáo trẻ, người đã đặt chân đến 28 tỉnh thành, kể lại.
Lê Ngọc Hân (1998), đang làm giáo viên tiểu học và là một travel blogger sống tại Bắc Giang, bắt đầu những chuyến đi của mình từ khi còn là sinh viên năm thứ hai. Điểm đến đầu tiên trong hành trình “đi phượt” của cô giáo tương lai là Sa Pa và sau đó không lâu là Hà Giang. Hân chia sẻ, cảm giác đi phượt trên những cung đường cùng mây, núi đã khiến cô bị “nghiện”, từ đó thổi bùng ngọn lửa xê dịch trong cô một cách mạnh mẽ.
Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Ngọc Hân đã tìm hiểu và hâm mộ nhà văn Nguyễn Tuân. Chủ nghĩa xê dịch và chút ngông của ông đã hình thành trong cô khao khát muốn được đi khắp nơi để chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của đất nước. Sau 3 năm, Hân đã đặt chân tới 28 tỉnh thành. Trong đó, chuyến đi dài ngày nhất là 15 ngày khám phá Sa Pa và Y Tý mùa lúa chín, ngắn nhất là xuyên 4 tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương vỏn vẹn 1 ngày.
Ngọc Hân săn tuyết tại Y Tý, Lào Cai.
Đối với Hân, một giáo viên mới vào nghề cần phải học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn rất nhiều. Ngoài công việc chính, làm một travel blogger hỗ trợ cô gái trong việc giảng dạy. “Có những thứ mình không chỉ biết qua sách giáo khoa, giáo án hay những đoạn video lấy trên mạng. Bản thân những thứ mình đã trải nghiệm và tận mắt thấy rồi thì có thể mở rộng và cung cấp nhiều thông tin hơn cho các em, khiến bài học sinh động hơn và giúp các em tò mò và yêu non sông nước mình”, Hân chia sẻ về những lợi ích khi là một travel blogger.
Những chuyến đi đã để lại cho cô giáo trẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ, có những lúc khá “liều”. Hân nhớ lại lần mình đi xứ “hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên thì gặp mưa bão, phải mặc 5 cái áo, lần vì nhớ Hà Giang quá nên bắt ôtô lên một mình, rồi phải xuống xe giữa chừng xe ôm đi tiếp hơn 200 km tới Đồng Văn. Nhưng lần đáng nhớ nhất với Hân là tại Cô Tô. Khi mọi du khách về hết vì tình hình bão tại đảo, Hân và bạn mình vẫn quyết tâm khởi hành vì “cuồng chân quá”. “Đi du lịch mà vắng hoe, một mình một biển. Người ta mặc đồ bơi còn chúng mình thì mặc áo mưa đi ngắm biển khi nhà nào nhà nấy đang lấy bao cát lên mái để ngăn gió to. Dân địa phương ai cũng thấy hai đứa khó hiểu. Tuy vậy, chính những giây phút này lại gần gũi và làm quen người dân được nhiều hơn. Trải nghiệm 5 ngày 4 đêm nhưng do mưa bão nên cũng không có gì để làm, được nghe mọi người kể chuyện trên đảo, những truyền thuyết và các câu chuyện truyền miệng. Nghĩ cũng buồn cười, chỉ vì cuồng chân mà bất chấp quá”, Hân mỉm cười khi nhớ lại những lần cố chấp để du lịch.
Cô giáo trẻ thường dành trọn cuối tuần cho những chuyến đi để giải toả áp lực sau một tuần làm việc căng thẳng. Song từ khi làm giáo viên, thời gian cho việc xê dịch cũng bị ảnh hưởng. Hân kể, cô đã đi Đà Lạt 2 ngày 1 đêm và rút kinh nghiệm đi nhiều ngày hơn cho các chuyến đi sau, do thời gian quá ít để trải nghiệm mọi thứ mà lại tham địa điểm. Những chuyến đi dài ngày hơn, Hân để dành đến dịp nghỉ hè hoặc dịp lễ, Tết. “Thật ra dành thời gian để thoả mãn đam mê không hề khó, chỉ là bạn có thật sự muốn và đam mê đó có thật sự thôi thúc bạn hay chưa thôi”, Hân tâm sự. Một chuyến đi của cô gái thường không tốn quá nhiều tiền. Các địa điểm gần như Mộc Châu, Tà Xùa, Ba Vì… thường mất chưa tới 1 triệu đồng. Các địa điểm xa hơn như Sa Pa, Hà Giang thì trên 1 triệu đồng. Các chuyến đi xa hơn bằng máy bay thì cao hơn.
Sau những chuyến du lịch, Hân lại trở về là một nhà giáo truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Đi khắp nơi, song cô gái luôn nhớ về học trò, hay mua đồ ăn vặt về cho các em.
Ngoài đăng ảnh trên Facebook cá nhân, Hân còn có một trang blog du lịch và TikTok lấy danh xưng “Cô giáo đi Phượt”. Hân chia sẻ, các em học sinh hay lướt TikTok và dùng Facebook của bố mẹ để tìm kiếm tên cô giáo. Vào giờ giải lao, các em hay xúm lại để hỏi và tò mò về cô mình rất nhiều. “Các bạn nhỏ cứ nghĩ ra nơi nào là lại hỏi cô đã đến đây chưa, ở đó có gì hay ho thú vị? Cô chơi thử trò này chưa? Có bạn lại bày tỏ muốn sau này được đi nhiều như cô. Các em hay lên “thả tim” cho TikTok của cô, hay gào nhau “Cô Hân idol TikTok đấy!” mà mình thấy vừa dễ thương vừa buồn cười”, Hân bật cười khi nhớ về những em học trò nhỏ của mình.
Khi không đi du lịch, Hân là một cô giáo yêu nghề.
Hân chia sẻ, phụ huynh các em không hà khắc và thậm chí còn động viên cô, “còn trẻ cứ đi nhiều cho biết”. Theo cô, xã hội thì luôn có nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, người thì có lời lẽ trêu đùa, song như Hân chia sẻ “bản thân mình biết mình đang làm gì và không sai trái. Sống hết mình với đam mê nhưng không làm ảnh hưởng tới công việc là được”. Trong tương lai, dự định của cô gái trẻ là được khám phá hết 63 tỉnh thành trước khi lập gia đình.
Cô giáo tiểu học bị phụ huynh nhắc vì mặc quần ngắn đến lớp giờ ra sao?
Nhiều phụ huynh nhận định, trang phục không phù hợp của cô giáo khi lên lớp gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Giáo viên trong trường không chỉ dạy học sinh kiến thức sách vở mà còn dạy cả kĩ năng sống, những phép tắc trong cuộc sống hàng ngày. Những gì được thể hiện ở người giáo viên thường khiến trẻ tiếp thu nhanh hơn so với bố mẹ dạy dỗ ở nhà. Do đó, mỗi vị giáo viên cũng nên là một tấm gương sáng để học trò của mình có thể noi theo, phát triển mình theo hướng tích cực.
Liu Fangcen là một cô giáo tiểu học hiện đang công tác tại trường tiểu học Yutian, huyện Bình Đông, Đài Loan. Liu Fangcen thu hút sự chú ý của nhiều người nhờ gương mặt trẻ trung, xinh xắn, vóc dáng thon gọn cùng đôi chân dài miên man. Cũng chính vì còn trẻ và yêu thích cái đẹp nên cô Liu luôn muốn ăn diện theo phong cách trẻ mỗi khi đến lớp để truyền tải năng lượng tích cực cho học sinh. Tuy nhiên, có lần cũng chính vì lối ăn mặc thoải mái này đã khiến Liu Fangcen gặp phải một "tai nạn" khá lớn trên mạng xã hội.
Đó là vào một hôm cô Liu Fangcen đi dạy và mặc một chiếc quần sooc ngắn khoe đôi chân dài thẳng tắp. Hình ảnh xinh đẹp của cô Liu Fangcen chụp với học sinh của mình được đăng tải trên trang cá nhân nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người và được cư dân mạng chia sẻ một cách chóng mặt.
Bức hình cô giáo Liu mặc quần sooc đến lớp từng bị phụ huynh lên tiếng nhắc nhở.
Trong khi nhiều người dành lời khen ngợi cho gương mặt xinh xắn cùng vóc dáng thon đẹp, đôi chân dài mướt mải của cô thì một số phụ huynh lên tiếng nhắc nhở, chỉ trích cô giáo tiểu học này. Họ cho rằng người giáo viên cần ăn mặc chuẩn mực, nền nã làm tấm gương cho học sinh của mình noi theo chứ không thể mặc những gì mình thích. Tuy nhiên cũng có người phản bác, bảo vệ rằng cô Liu có quyền tự do của mình.
Cô Liu rất thích mặc váy ngắn khi lên lớp.
Học sinh rất yêu quý cô Liu.
Sự việc đó xảy ra cách đây chưa lâu thì mới đây, Liu Fangcen lại tiếp tục gây sự chú ý khi mặc một chiếc váy ngắn trong một tiết dạy học sinh tiểu học nhảy.
Theo đó, cô Liu Fangcen và người đồng nghiệp mặc một chiếc áo trắng cùng váy ngắn, đi tất trông như những cô cậu học sinh cấp 3 và đứng dạy nhảy trước rất nhiều học sinh và phụ huynh. Liu Fangcen tự tin nhảy, đi lại xen kẽ giữa các em học sinh và phụ huynh. Rất nhiều phụ huynh có mặt tại buổi dạy nhảy đó đã chăm chú theo dõi tiết mục nhảy của cô giáo
Bộ trang phục bao gồm váy ngắn của cô Liu lại một lần nữa khiến phụ huynh phải chú ý.
Trên thực tế, việc ăn mặc sao cho đẹp cho đúng là quyền tự do của mỗi cá nhân. Điều này trẻ nhỏ cũng nên được dạy. Tuy nhiên, các bé cần phải được biết thêm rằng việc ăn mặc đẹp cần phải đúng và tùy thuộc vào hoàn cảnh. Giống như việc là một giáo viên, nhất là dạy lứa tuổi tiểu học thì ăn mặc khi ở nhà, đi chơi cần khác biệt so với lên lớp.
Người giáo viên tiểu học cần ăn mặc lịch sự, không gây phản cảm để khi đứng trên bục giảng sẽ tạo được thiện cảm cho học sinh. Việc ăn mặc quá gợi cảm, phản cảm khiến cho các em học sinh, nhất là các bé gái sẽ bắt chước lối phong cách đó của giáo viên với bản thân mình và đem đến nhiều hậu họa đáng tiếc về sau cho bé.
Theo hindawi.com, trang phục của giáo viên có thể ảnh hưởng đến thái độ học tập của trẻ nhỏ. Cách cô giáo ăn mặc chỉn chu, đẹp gọn gàng sẽ tạo nên ấn tượng tốt với học sinh từ cái nhìn đầu tiên. Tâm lý học cho thấy, trẻ thấy cô xinh đẹp, gọn gàng, thân thiện sẽ khiến bé cởi mở hơn với cô, tiếp thu tốt hơn. Trang phục lịch sự khi đến trường ngoài ra còn có ý nghĩa trong việc cô giáo làm gương giúp học sinh biết tuân theo các chuẩn mực, học tác phong đúng đắn, để cô giáo nhận được sự tôn trọng của học sinh.
Thứ hai, việc cô ăn mặc ra sao cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ. Tính thẩm mỹ, một thứ cần thời gian mà từ từ hình thành, không thể một sớm một chiều mà học được. Nếu cô thường xuyên chú ý đến việc ăn mặc và quản lý tốt hình ảnh của bản thân thì hành vi này sẽ tự động "tiêu hóa" và hấp thụ vào mắt trẻ, từ đó hình thành tính thẩm mỹ của trẻ .
Trẻ thường thích bắt chước người lớn nên ảnh hưởng của cô giáo lên trẻ là không nhỏ, ở trường hợp này để giống với cô, trẻ cũng sẽ quan tâm đến vẻ ngoài của mình.
Là giáo viên tiểu học nên ăn mặc phù hợp với sự trang nghiêm ở trường học để học sinh noi theo. (Ảnh minh họa)
Quận Hai Bà Trưng: Tôn vinh những "Cô giáo tài năng duyên dáng" Tại vòng Chung khảo Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng ngành GD&ĐT quận Hai Bà Trưng lần thứ VI, năm học 2020-2021" diễn ra hôm nay (18/3), Ban Tổ chức đã trao 1 giải Xuất sắc, 3 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba, 4 giải chuyên đề. Hôm nay (18/3), quận Hai Bà Trưng tổ chức Chung khảo Hội...