Có gì ở quán chị Mười mỗi ngày 1 món khiến hẻm Sài Gòn đông nghẹt?
Cùng bán chung 1 địa điểm, thực đơn giống với con gái nhưng chị Mười chỉ bán buổi trưa đến chiều, hễ đến phiên chị đến bán là khách lại nườm nượp đến khiến chị không ngơi tay. Con hẻm nhỏ Sài Gòn cũng phút chốc đông nghẹt vì khách đến ăn.
Chị Trình được khách hàng gọi là chị Mười thay vì tên thật ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Mở quán hơn 20 năm đầu hẻm 233 Trần Quý (Q.11, TP.HCM) nhưng chị Trần Thị Trình (44 tuổi) đều được thực khách gọi với tên chị Mười. Ngay cả biển hiệu của quán cũng để tên chị Mười. Vì thuê mặt bằng quán nhỏ nên chị Mười phải sắp thêm bàn ghế ở hẻm để khách đến ăn, chỗ để xe chật chội nhưng khách đến không ai than phiền mà sẵn lòng ngồi đợi để được thưởng thức món ăn.
Bán mỗi ngày một món vì nghe than “hôm nay ăn gì?”
Giải thích tên gọi quán, chị Mười vừa cắt cánh gà sắp vào dĩa vừa kể lại nhà nghèo lại ở quê nên sinh nhiều con, chị là con gái thứ mười trong nhà. Hầu hết chị em trong nhà đều vào Sài Gòn lập nghiệp rồi thuê mặt bằng bán quán ăn. Đặc biệt cả 5 chị em đều bán quán ở gần nhau ở quận 11, đều bán mỗi ngày 1 món.
“Cả nhà bán vậy đó mà Mười là dễ tính nhất, có lẽ vậy mà nhiều người đến quán lắm. Chắc vì dễ tính nên khách cũng dễ tính luôn. Khách đến có người thuộc thực đơn trong tuần còn hơn cả chủ quán, có người thì không nhớ bán món gì nhưng tới ngày nào bán món gì là ăn món đó luôn”, chị kể lại.
Giờ cao điểm đông khách chồng của chị Mười sẽ phụ vợ bán ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Xe đẩy của chị Mười được đặt ở đầu hẻm, khách muốn vào quán ăn thì để xe sát và một góc bên trái của hẻm. Chị Mười bán mỗi ngày một món, thứ 2 bán bún thái, thứ 3 bán bánh canh cua, thứ 4 là mì vịt/gà tiềm, thứ 5 bán cà ri gà/vịt, thứ 6 bán Bún mì vàng, thứ 7 bán bún mắm và chủ nhật bán bánh canh cua. Vào những ngày cuối tuần, khách thường đông hơn ngày thường.
Video đang HOT
Thực đơn phân biệt giữa buổi sáng và buổi chiều của mẹ con chị Mười ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Khách đến quán ăn để xe sát vào một bên và ngồi ăn một bên ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Chia sẻ về thực đơn đặc biệt chị Mười giải thích vì thường nghe mọi người hỏi nhau không biết “hôm nay ăn gì?” nên mỗi ngày chị bán một món để khách ăn không ngán mà có thể ăn hàng ngày, chị bán cũng dễ hơn. Ngày nào nấu bán hết ngày đó rồi lại chuẩn bị để bán món mới.
Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ Q.11) lắc đầu khi được hỏi món gì ngon nhất ở quán, anh chia sẻ đối với anh món gì ở quán cũng ngon, món nào anh cũng ăn được. “Đến mà thấy đông thì mình đợi, quán bán giá cũng phải chăng nên mình ăn cũng được nên ghé suốt vì nhà cũng gần”, anh nói.
“Nghỉ một ngày là nhớ khách”
Luôn miệng cười đùa với khách, chị Mười tâm sự, chị buôn bán xuyên suốt, chỉ nghỉ vài ngày Tết để về quê vì “nhớ khách”. “Nghỉ cái là nhớ, có khách mình trò chuyện, hỏi thăm người này, người kia một xíu đùa giỡn nó vui vẻ qua ngày, mưu sinh đã cực khổ rồi nên mình thoải mái với khách một xíu”, chị nói.
Đi ăn nhiều quán ở Sài Gòn rồi mới thấy, những quán ăn có chủ quán hay cười nói và hài hước luôn được lòng khách, nhiều khách bày tỏ một phần cũng vì thế mà quay trở lại quán ủng hộ. Quán của chị Mười khá nhỏ, chỗ để xe chật chội khó khăn nhưng khách vẫn nườm nượp ra vào và chủ yếu là khách quen.
Chính vì vậy mà khi truyền nghề lại cho con gái, con gái chị cũng bán cùng 1 thực đơn món ăn, cùng một chỗ nhưng cứ hễ chị Mười dọn hàng ra là lại nhiều khách đến ăn hơn hẳn. Chị đổi ca bán từ 11 giờ 30 và bán đến tầm 16 giờ 30 thì hết và dọn quán.
Chị Mười rất ít khi nghỉ vì “nhớ khách” ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Vì không đến quán chị Mười đầy đủ các ngày trong tuần nên tôi chỉ kịp thưởng thức món bún mắm và bánh canh cua. Tô bún mắm đầy đủ có gồm tôm, mực, ớt sừng dồn, chả cá, chả lụa, thịt heo quay, rau các loại,.. đậm chất miền tây. Bánh canh cua tô đầy đủ gồm giò, tôm, chả cá, huyết. Ngoài ra tô bánh canh có cua nguyên con giá giao động từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng.
Bán nhiều năm nhưng chị Mười vẫn giữ giá cả bình dân, chị bày tỏ vì là quán vỉa hè, khách phần lớn là công nhân nên không tăng giá. Những năm qua chị vẫn duy trì giá món ăn từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng.
Món bún mì vàng ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
“Người ta cũng không có tiền nên mình tăng giá thì cũng ngại, cũng quen bán vậy rồi. Thật ra nếu nâng giá lên tầm khoảng 35.000 đồng đến 45.000 đồng thì mình sẽ có lời hơn nhưng mình được cái lấy số đông bù lại, quán bán được lắm, không đếm được nhưng ngày cũng bán được vài trăm tô. Có ngày bán đến không kịp thở. Nhiều khi khách đông mình không có thời gian để cắt khoai lang cho khách nên nói dối khách là hết khoai lang rồi”, chị nói.
Đến quán vào giờ trưa lúc đang đông khách bà Nguyễn Thị Diệu vẫn tự nhiên như ở nhà, bà chia sẻ: “Nó bán ở đây lâu lắm rồi. Nhiều khi đến quán đông quá mình tự phục vụ luôn, có khi mới thấy mặt mình là nó đã kêu mình bưng ra phụ cho mấy bàn ở trong. Bưng xong lấy nước mắm này kia xong xuôi xong mình mới ngồi bàn để ăn tô của mình”.
Những quán bún bò Huế ngon ở Sài Gòn
Giữa muôn vàn món ăn ngon, bún bò Huế vẫn chiếm được một vị trí hàng đầu trong thực đơn ẩm thực của người Sài Gòn.
Có nguồn gốc từ cố đô Huế, bún bò từ lâu đã trở thành món ăn rất được người Sài Gòn ưa thích. Nước dùng đậm đà, vị cay xé lưỡi, ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối đều thích hợp là những ưu điểm của món ăn này. Bên cạnh đó, bún bò Huế còn được biến tấu với nhiều thành phần như bún bò giò, bún bò chả, bún bò tái, gân... vừa ngon miệng vừa không gây cảm giác ngấy.
Bún bò Huế được bán nhiều ở Sài Gòn, khác với món ăn chính gốc, bún ở đây thường sử dụng cọng bún lớn và trong hơn. Ảnh: T.P.
Mặc dù được bán nhiều nhưng để tìm được một quán bán đúng vị bún bò của người Huế ở Sài Gòn thì không hề đơn giản. Một bát bún bò Huế ngon đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn, có nhiều thành phần như: bò gân, bò tái, món giò, chả... nước dùng phải đậm đà, có vị ngọt thanh và cay, rau sống ăn kèm phải được thái nhỏ với đủ loại rau như bắp chuối, húng quế, giá, xà lách, rau muống... dĩ nhiên là không thể thiếu hủ ớt ngâm và ớt sa tế (hoặc ớt bằm)...
Cũng như phở, hủ tiếu hay mì Quảng, nước dùng luôn là thành phần quan trọng, quyết định đến hương vị của món ăn. Để có được nồi nước dùng thơm ngon, người bán phải trải qua một quá trình không hề đơn giản. Đầu tiên phải lựa chọn mua xương ống, xương đầu về rửa sạch rồi đem ninh nhừ trong nhiều giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, các loại rau quả, thảo dược như: quế, hoa hồi, dứa, hành tây, sả... được sử dụng để làm tăng hương vị thơm, ngọt cho nồi nước dùng.
Tùy theo mỗi quán mà bát bún bò Huế có nhiều cách biến tấu khác nhau. Ảnh: T.P.
Tuy nhiên, nhiều như thế vẫn chưa đủ, nồi nước dùng sẽ bị xem là thất bại nếu thiếu cái vị mặn mà của mắm ruốc xứ Huế. Mắm ruốc được hòa vào bát với nước hầm xương, đánh tan rồi để lắng cặn rồi cho vào nước dùng. Chính nhờ mắm ruốc mà nồi nước dùng có vị đậm đà, thơm chứ không tanh nồng. Cuối cùng, thêm một ít sa tế được làm từ tỏi băm, sả băm, ớt băm, tiêu, màu hạt điều, tất cả được xào vàng rồi cho vào nước dùng để có màu đỏ vàng có vị cay nồng đặc trưng vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Khi ăn, chỉ việc chần bún qua nước sôi rồi cho vào bát, tùy ý thích của người ăn mà người bán xếp đầy các nguyên liệu như: thịt bò, giò heo, chả... bên trên là các loại rau thơm như hành tây thái lát, rau răm, hành lá... Chan ngập nước dùng và ăn kèm với đĩa rau sống tươi ngon. Bát bún bò Huế nghi ngút khói với hương thơm thoang thoảng khiến người ăn khó thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó, để rồi khi ăn xong lại xuýt xoa vì cái vị cay xé lưỡi khó có thể quên được.
Dưới đây là một vài địa chỉ quán bún bò đúng chất Huế ở Sài Gòn dành cho bạn:
- Quán bún bò Nam Giao - 189 Bùi Viện, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.
- Bún bò Huế Đông Ba - 110A Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1.
- Quán bún bò vỉa hè số 7 Ngô Thời Nhiệm, phường 7, quận 3.
- Bún bò Huế Thành Nội - 47A Trần Cao Vân, phường 6, quận 3.
- Bún bò Huế Hạnh - 135 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình.
- Bún bò Huế Yên Đỗ - 252/68B Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3.
Bánh quê trên phố Sài Gòn Đường phố Sài Gòn không thiếu những loại bánh quê ngon miệng, như bánh gai của người miền Bắc, bánh ống của người Khmer hay bánh phu thê xứ Huế. 1. Bánh gai Bánh gai là loại bánh ngọt truyền thống, có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Bánh có dạng hình vuông được gói một cách mộc mạc, bên...