Cô gái xương thuỷ tinh mở lớp học ‘5 không’ cho trò nghèo
Ước mơ trở thành giáo viên không thành bởi căn bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, cô gái Nguyễn Thị Ngọc Tâm (Nam Định) đã hiện thực bằng cách khác: Mở lớp học miễn phí cho trò nghèo.
Lớp học 5 không của Tâm là “Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí” đã duy trì suốt 18 năm qua.
Khát vọng cống hiến
Tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm (xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) trong dịp trao giải thưởng Kova 2022 mới đây. Cô giáo Ngọc Tâm từng được vinh danh trong hạng mục Sống đẹp lần này. Trước đó, Ngọc Tâm được vinh danh nhận giải thưởng Tình nguyện viên Quốc gia năm 2020; là một trong 64 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm cùng học trò của mình. Ảnh: LV.
Cô giáo Ngọc Tâm ngồi trên xe lăn và có sự hỗ trợ của mẹ, cũng như học trò trong khi di chuyển. Cô giáo Ngọc Tâm cho biết: “Năm nay tôi 32 tuổi, nhưng số lần bị gãy xương gấp nhiều lần số tuổi. Tôi không nhớ nổi mình đã gãy xương bao nhiêu lần. Khi lớn lên, tôi mắc thêm các thứ bệnh khác như tim, phổi, phế quản, dạ dày… khiến sức khỏe chị mỗi ngày một yếu”.
Cũng vì sức khỏe đặc biệt như vậy, Ngọc Tâm không đến trường mầm non như bạn bè trang lứa. Đến năm 8 tuổi, Ngọc Tâm được gia đình cho đến trường, bởi lúc này mới đảm bảo đủ sức khỏe cũng như khát khao được học chữ.
“Đến lớp, thấy giáo viên đứng ở bục giảng tôi rất thích. Lâu dần, ước mơ trở thành giáo viên lớn dần trong tôi. Tuy nhiên, sức khỏe ngày càng yếu giúp tôi nhận ra đó là giấc mơ xa vời”, cô giáo Ngọc Tâm chia sẻ.
Nhận ra những vấn đề của bản thân, Ngọc Tâm không ngừng nỗ lực học thật tốt các môn học. Trong suốt những năm được đến trường, Ngọc Tâm luôn có kết quả xuất sắc. Đồng thời, luôn là người sẵn sàng chia sẻ kiến thức với các em học lớp dưới.
“Lúc này tôi nhận thấy mình có thể hiện thực hóa phần nào ước mơ bằng cách dạy lại kiến thức cho các em lớp dưới. Lớp học Tâm thuỷ tinh dần hình thành tại nhà khi tôi chia sẻ kiến thức cùng với các em lớp dưới”, cô giáo Ngọc Tâm nhớ lại .
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm chia sẻ: “Mẹ là nhà tài trợ vàng để tôi theo đuổi ước mơ dạy học”. Ảnh: LV.
Học hết cấp II, Ngọc Tâm buộc phải dừng lại bởi việc đến trường không đảm bảo sức khỏe. Nhưng ước mở trở thành giáo viên thôi thúc cô gái xương thuỷ tinh này đến mức, mua sách để tự học tại nhà. Được sự hỗ trợ, động viên của các thành viên trong gia đình, Ngọc Tâm mở lớp học miễn phí dành cho học trò nghèo trong vùng với tiêu chí 5 không: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí.
Video đang HOT
Tiếng lành đồn xa
18 năm mở lớp học, cái tên “ cô giáo Tâm thuỷ tinh” đã rất quen thuộc không chỉ với người dân xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Học sinh đến từ các vùng lân cận, tỉnh khác cũng được cha mẹ gửi đến học cô giáo Ngọc Tâm.
Nhớ lại thời gian đầu, cô giáo Ngọc Tâm cho biết: “Tôi sinh năm 1990 thì kèm các em học sinh sinh năm 1995. Tôi dạy miễn phí cho những trẻ em nghèo trong vùng. Rồi dần dần, phụ huynh trong làng, xã gửi con em tới học. Họ nói: “Gửi con đến không chỉ học kiến thức mà các con học được tinh thần vượt khó của cô giáo”. Nhiều em giờ đã học xong đại học và đi làm”.
Lứa tuổi cô giáo Ngọc Tâm dạy là học sinh lớp 1 đến lớp 8. Nhiều học trò nghèo của cô đã tiến bộ sau khi đến học một thời gian.
“Có lẽ, các em nhìn thấy cô giáo nhỏ bé, di chuyển khó khăn nên tính tự giác rất cao. Tôi dạy học trò phân bổ thời gian học tập, phương pháp học hiệu quả… Có những phụ huynh dắt con đến bảo “con không phải trò nghèo nhưng con muốn học lớp của cô Tâm”, tôi đều nhận cả… 18 năm qua, dù nhiều lần đau đớn, đối diện với bệnh tật hiểm nghèo nhưng được dạy học sinh, được chia sẻ khó khăn cùng với các em là động lực để tôi vui sống, vượt qua những khiếm khuyết của bản thân”, cô giáo Ngọc Tâm.
Không chỉ dạy học, cô giáo Ngọc Tâm mở rộng không gian đọc sách ở nhà cũng như mở quỹ học bổng xương thuỷ tinh để khuyến khích học trò.
Có ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ trong điều kiện khó khăn là điều thật đáng quý. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm là một tấm gương về tinh thần vượt khó cũng như khát khao được cống hiến cho cộng đồng.
'Ông tiên sách' của học trò nghèo
Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy Nguyễn Bách Sa, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Đăk Hà (Kon Tum) luôn tranh thủ làm thêm.
Thầy Sa nâng niu, phủi bụi cho từng cuốn sách.
Số tiền kiếm được, thầy mua sách tặng học trò nghèo.
Vét sạch túi mua sách tặng trò
Căn nhà nhỏ của thầy Nguyễn Bách Sa nằm trong một con ngõ sâu hun hút ở thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà, Kon Tum). Bên trong khuôn viên bày biện đủ thứ máy hàn, sắt thép, biển quảng cáo... "Nhà hơi bừa bộn, mình đang nhận làm biển quảng cáo để kiếm thêm tiền mua sách cho tụi nhỏ", thầy Sa giải thích. Sau đó, thầy đưa khách vào thăm tổ ấm của mình. Khác với cảnh tượng ngoài sân, bên trong ngôi nhà được bài trí ngăn nắp. Choán hết không gian phòng khách là chiếc kệ lớn trưng đủ loại sách.
16 năm qua, thầy Nguyễn Bách Sa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (huyện Đăk Hà) đã làm hàng chục nghề để kiếm tiền mua sách tặng trò nghèo. Thế nhưng, thầy chẳng nhớ nổi đã mua và tặng bao nhiêu cuốn sách cho học sinh. Thầy chỉ biết, vào một ngày của năm 2006, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, những gia đình nghèo chẳng có tiền mua bộ sách mới.
Thương trò, thầy Sa bỏ tiền túi mua sách giáo khoa tặng những em khó khăn. Gia đình cũng chẳng khá giả gì nên có lúc thầy vét sạch túi chỉ để mua sách cho học trò. Biết đến việc làm ý nghĩa của "ông giáo làng", bạn bè, người thân cùng chung tay hỗ trợ. Những cuốn sách cũ không dùng đến, thầy cũng xin về làm kỷ niệm hoặc tặng cho học sinh nhằm trau dồi thêm kiến thức.
"Nhiều năm về trước, khi còn giảng dạy ở điểm làng của Trường THPT Nguyễn Du, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ cái ăn, cái mặc học sinh còn thiếu nên chẳng có điều kiện để mua sách về đọc. Thấy các em thiệt thòi nên tôi muốn đưa tri thức đến gần hơn với học trò. Với những món quà nhỏ ấy, tôi mong gia đình các em bớt đi phần nào khó khăn vào đầu năm học mới. Ngoài ra, tôi cũng mong trò sẽ ham học, đọc sách để có một tương lai tốt đẹp hơn", thầy Sa tâm sự.
Với những đứa trẻ thành thị, sinh nhật là bữa tiệc có đủ các loại bánh, kẹo, hoa... và quà. Thế nhưng, ngày sinh nhật của trẻ vùng sâu, vùng xa dường như rất lạ, có khi chẳng được nhớ đến. Và quà là điều gì đó rất xa xỉ. Để lũ trẻ có ngày sinh nhật vui vẻ, ý nghĩa, mỗi dịp như vậy, thầy Sa lại gửi tặng học trò những cuốn sách về kỹ năng sống. Cũng có buổi lên lớp thầy cố tình để quên sách và nhờ học sinh cất giữ với hy vọng các em mang về đọc, trau dồi thêm kiến thức.
Nhiều em nhỏ thường xuyên qua nhà thầy Sa đọc sách.
"Kiến thức là vô tận nên việc học tập, trau dồi chưa bao giờ là đủ. Chính vì vậy, tôi muốn tặng cuốn sách hay, ý nghĩa cho học sinh thay vì món quà mang nặng giá trị vật chất. Thông qua đó, tôi muốn các em yêu thích và rèn luyện thói quen đọc sách...", thầy Sa bộc bạch.
Để có nhiều sách tặng học trò, thầy Sa chủ động tìm công việc làm thêm. Chẳng quản nặng nhẹ, mỗi khi rảnh rỗi hoặc cuối tuần, ai thuê gì thầy đều nhận làm. Những công việc như hàn cổng, làm mái nhà, phụ hồ... thầy Sa đều đã trải qua. Có những hôm sáng lên lớp, chiều đi làm, tối đến thầy Sa mới tranh thủ thời gian soạn giáo án, chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai. Dù công việc bận rộn, thế nhưng thầy luôn vui vẻ, hạnh phúc vì có thể nối dài tri thức cho học trò.
"Học sinh khó khăn thiếu thốn trăm bề từ cái ăn, cái mặc cho đến điều kiện học tập. Thế nhưng thay vì tặng gạo, mì tôm... các em ăn xong sẽ hết thì tôi chọn tặng sách. Bởi kiến thức luôn còn mãi và là vô tận. Đồng thời, tôi cũng muốn lan tỏa việc tặng sách cho học sinh đến giáo viên trong và ngoài trường. Khi thấy các em nâng niu đọc sách... tôi rất hạnh phúc. Tôi mong rằng, học trò giữ gìn cẩn thận và sẻ chia tri thức đến những người bạn của mình", thầy Sa chia sẻ.
Thầy Sa chắt chiu, tiết kiệm tiền để mua từng cuốn sách tặng học sinh.
Nhận để... cho đi
Năm học 2022 - 2023, lớp của thầy Sa tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Đăk Hà) có 32 học sinh khó khăn, người dân tộc thiểu số. Mong muốn giúp trò có sách đến trường, thầy Sa kêu gọi nhóm thiện nguyện Đồng Khánh Tâm hỗ trợ được 22 bộ sách giáo khoa lớp 10, còn 10 bộ thầy bỏ tiền túi để mua tặng các em.
"Tôi rất ngại khi chia sẻ câu chuyện thường ngày của mình lên mạng xã hội. Bởi tôi chỉ muốn giúp các em trong khả năng của mình. Mỗi khi cần sách gấp, nhưng không đủ điều kiện tôi mới chia sẻ với mong muốn các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ. Nếu nhà hảo tâm nào muốn giúp đỡ, tôi rất biết ơn nhưng chỉ xin nhận sách và hiện vật, chứ không nhận tiền", thầy Sa nói.
Sống cạnh nhà thầy Sa nên mỗi khi rảnh rỗi em Phạm Quỳnh Minh Tâm (lớp 3C, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Đăk Hà) lại rủ chúng bạn sang nhà thầy cùng đọc sách. Minh Tâm thường chọn cho mình những cuốn truyện cổ tích, sách giáo dục về kỹ năng sống. "Nhà thầy Sa có nhiều sách hay và bổ ích nên em rất thích. Những ngày cuối tuần em thường cùng các bạn qua chơi và mượn sách của thầy để đọc", em Minh Tâm chia sẻ.
Tiết Ngữ văn của thầy Nguyễn Bách Sa tại ngôi trường mới.
Là học sinh từng được thầy Sa tặng sách nhiều lần, Thái Thị Thu Hiền (sinh năm 2000) luôn biết ơn và trân trọng tấm lòng người thầy. Bởi trải qua ngần ấy năm, ngoài việc dạy chữ, thầy Sa luôn động viên, thấu hiểu và chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
"Khi được thầy Sa tặng những cuốn sách về kỹ năng sống em rất vui và hạnh phúc. Chính vì vậy, em luôn giữ gìn cẩn thận và sẻ chia với các bạn để cùng trau dồi tri thức. Em vừa tốt nghiệp đại học nên sẽ cố gắng tìm công việc ổn định để chung tay cùng thầy hỗ trợ sách cho những bạn khó khăn", Hiền bộc bạch.
Thầy Nguyễn Hùng Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (huyện Đăk Hà, Kon Tum), cho biết, thầy Nguyễn Bách Sa công tác tại trường gần 20 năm nay. Giữa tháng 9/2022 thầy được tăng cường về giảng dạy tại Trường PTDTNT huyện Đăk Hà. Trong quá trình dạy học tại Trường THPT Nguyễn Du, ngoài những kế hoạch của Ban giám hiệu nhà trường thầy Sa có nhiều sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi. Bên cạnh đó, thầy còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể và tình nguyện. Ngoài công tác chuyên môn, thầy Sa còn tích cực giúp đỡ học sinh khó khăn vươn lên trong học tập. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, cựu học sinh của nhà trường hỗ trợ sách giáo khoa, sách kỹ năng sống cho học sinh nghèo.
Cô Phạm Thị Minh Hà, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Đăk Hà - vợ thầy Sa), chia sẻ, ban đầu biết thầy Sa vừa dạy, vừa làm thêm bản thân cô không đồng ý vì lo lắng cho sức khỏe của chồng. Thế nhưng, khi biết thầy làm thêm để kiếm tiền mua sách tặng trò nghèo cô Hà liền ủng hộ.
"Ngoài giờ dạy trên lớp, anh Sa luôn cân đối giữa việc làm thêm và thời gian bên gia đình. Đồng thời, anh cũng quan tâm và cùng tôi chăm sóc, giáo dục các con. Tôi thấy việc làm của chồng ý nghĩa và thiết thực vì có thể giúp đỡ, mang tri thức đến cho học sinh. Bởi nơi đây, đời sống của các em còn quá nhiều thiếu thốn", cô Hà chia sẻ.
Nguyễn Quỳnh Thu (sinh năm 1998) từng là học sinh được nhận nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa từ thầy Sa. Giờ đây khi có công việc ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quỳnh Thu thường xuyên gom sách gửi về cho thầy để tặng các bạn nhỏ vùng khó.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Sa còn đi làm thêm để mua sách hỗ trợ học trò và tặng cho thư viện nhà trường. Việc làm của thầy Sa âm thầm nhưng mang ý nghĩa to lớn đối với học sinh nghèo và phát huy văn hóa đọc. Đồng thời, đây là hình ảnh đẹp của người giáo viên nên nhà trường đã chia sẻ và lan tỏa đến tất cả học sinh cùng thầy, cô giáo. - Thầy Nguyễn Hùng Chiến
Quảng Nam: Thầy giáo 24 năm "dệt" ước mơ cho học trò nghèo 24 năm gắn bó với bục giảng là gần ấy thời gian thầy Nguyễn Tấn Sinh, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vừa dạy học, vừa ngược xuôi giúp đỡ học trò nghèo. Kể về cuộc đời mình, thầy Sinh cho biết thầy xuất thân trong một gia đình lao động nghèo. Tuổi thơ của thầy là...