Cô gái xương thủy tinh gieo niềm tin cho người khuyết tật
Nằm khuất sâu trong con ngõ 11, phố Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, từ lâu ngôi nhà nhỏ số 13 của cô gái mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương đã trở thành điểm đến của đông đảo người khuyết tật.
Mọi người tìm đến Thu Thương không chỉ vì khâm phục nghị lực “thép” vượt lên căn bệnh quái ác của cô mà còn tìm được ở đây điểm tựa niềm tin vào cuộc sống.
Là con thứ hai trong gia đình có 4 người con ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), từ khi mới lọt lòng Thu Thương đã mắc căn bệnh xương giòn dễ gẫy. Em chỉ nằm và vận động bằng cách lăn. Năm 11 tuổi, Thương cùng gia đình rời quê lên Hà Nội. Năm 2003-2004, Thương tham gia lớp học nghề thủ công làm đèn kết từ những chiếc khuy áo, em đã tự kiếm được tiền từ đôi tay nhỏ bé của mình, giúp đỡ một phần kinh tế cho bố mẹ. Sau nhiều năm mày mò luyện cho thạo đôi tay để làm ra những sản phẩm tinh xảo, Thương đã bày bán sản phẩm trong chiếc tủ nhỏ tại nhà, qua bạn bè, sản phẩm của em ngày càng thu hút được sự chú ý của nhiều người. Tháng 4 năm nay, Thương cùng các bạn vận động gây quỹ Thương Thương và mở lớp dạy nghề miễn phí cho 5 bạn cùng cảnh ngộ. Thu Thương cho rằng: “Nếu cho con cá, người ta sẽ ăn hết, còn cho cần câu thì sẽ nuôi sống họ suốt đời. Em muốn giúp các bạn có nghề để các bạn tự tin hơn trong cuộc sống”.
Nguyễn Thị Thu Thương làm một sản phẩm thủ công từ cúc áo. (Ảnh: Báo Người Lao Động)
Gọi là lớp học nhưng đó chỉ là căn phòng rộng chưa đầy 10m2. Đây cũng là nơi Thu Thương trưng bày các sản phẩm của người khuyết tật, cũng là nơi sinh hoạt của các thành viên trong lớp. Tất cả học trò của Thương đều là người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Họ đều khao khát có một nghề để có thể nuôi sống bản thân nhưng đa phần lại không có điều kiện để đi học. Hiểu thấu tâm tư ấy, quỹ Thương Thương không chỉ dạy nghề miễn phí mà lo kinh phí ăn ở, sinh hoạt và đi lại cho học viên.
Video đang HOT
Dù nằm một chỗ nhưng Thu Thương vẫn tiêu thụ được sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có trang web thuongthuong.net. Số tiền thu được từ bán sản phẩm được trích vào quỹ để tiếp tục duy trì lớp học. Ít ai biết được, để có một lớp dạy nghề cho 5 thành viên trong hai tháng, ngoài nguồn kinh phí trích từ quỹ Thương Thương, cô gái nhỏ này đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Từ những thành công ban đầu, Thu Thương rất trăn trở làm sao có được nguồn kinh phí lớn hơn để xây dựng một xưởng thủ công quy mô hơn, giúp được nhiều bạn khuyết tật học nghề và có thêm thu nhập.
Ghi nhận những nỗ lực vượt lên bệnh tật, có nhiều đóng góp hữu ích của Thu Thương, nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội… đã được trao tặng cho cô như một lời tri ân giàu ý nghĩa.
Theo Ngọc Hương
Hà Nội mới
Nuốt nước mắt, mẹ nghèo nhốt con vào lồng sắt
Con trai suốt ngày chửi bới, đập phá, đánh đập những người xung quanh khiến bà phải đau đớn khi dùng hạ sách nhốt con vào lồng sắt.
Khi đã ở bên kia con dốc của cuộc đời, vợ chồng ông Nguyễn Tiến Đồng và bà Nguyễn Thị Lài (đều sinh năm 1957) tưởng sẽ được an nhàn khi các con đều đã trưởng thành. Số phận thật trớ trêu khi người con trai thứ hai sau khi lập gia đình không lâu thì phát bệnh tâm thần. Nhà nghèo, không có nhiều tiền chạy chữa nên căn bệnh quái ác ngày càng nặng.
Bà Lài đút cháo cho cậu con trai
Tai họa từ trên trời rơi xuống
Bước chân đến xóm Đồng Trụ, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hỏi nhà của vợ chồng ông Đồng, bà Lài không ai là không biết. Một phụ nữ trung niên bán hàng tạp hóa chia sẻ: "Cuộc đời éo le quá, không ngờ cái thằng thông minh thế lại bỗng dưng đổ bệnh, đáng nhẽ giờ nó cũng vợ con đề huề rồi đó". Nói xong, chị này còn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận ngôi nhà có hoàn cảnh đặc biệt này.
Nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà cấp bốn được xây lâu ngày xuống cấp nghiêm trọng. Một người hàng xóm của vợ chồng bà Lài cho hay: "Căn nhà hư hỏng lâu rồi nhưng gia đình chị Lài nghèo quá nên không có tiền sửa sang. Mọi thứ đáng giá trong gia đình, chị Lài đều đã đem bán để chạy chữa, thuốc thang cho con. Bà ấy làm vất vả quá nên già hơn cái tuổi 55 nhiều".
Làm việc quần quật những mong nuôi dạy con cái trưởng thành để được nương tựa lúc về già thế nhưng sự éo le của cuộc đời đã làm tan biến ước mơ tưởng chừng giản dị đó. Con trai thứ hai của ông Đồng, bà Lài là anh Nguyễn Xuân Tiến (SN 1984) lấy vợ được 3 tháng thì bắt đầu có triệu chứng bị tâm thần. Người vợ mới cưới ngay sau khi phát hiện anh bị bệnh đã bỏ đi. Không ngăn nổi nước mắt, bà Lài chia sẻ: "Đầu năm 2005, khi mới phát bệnh, suốt ngày nó cứ điên điên dại dại rồi hát hò thâu đêm. Một thời gian sau, khi bệnh tình nặng thêm thì nó bỏ nhà đi và rồi dần dần không hề ý thức được hành động của bản thân nữa". Được biết, gia đình đã mấy lần đưa anh đi chữa trị ở bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 Hà Nội, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh nhưng không hề thuyên giảm.
Người đàn bà khốn khổ
Dường như trong suốt quãng đời đã qua, bà Lài không có nổi một ngày sung sướng. Trước khi anh Tiến đổ bệnh, ông Đồng (chồng bà Lài) đi bộ đội từ năm 1975 đến 1986. Không biết có bị ảnh hưởng bởi các loại chất độc trong chiến tranh hay không nhưng lúc trở về quê hương cũng là lúc ông phát bệnh thần kinh. May mắn, ông Đồng chỉ bị nhẹ và vẫn kiểm soát được hành động của mình. Tuy vậy, kể từ đó, mọi công việc nặng nhẹ đều đổ lên vai bà.
Kinh tế gia đình lại chỉ trông vào 5 sào ruộng khoán nên cuộc sống của bà Lài và gia đình ngày càng khó khăn. Từ khi cả chồng và con đều bị tâm thần, bà Lài bán hết tài sản để lo chạy thuốc thang cho hai bố con nhưng chẳng thấm vào đâu.
Căn bệnh tâm thần của Tiến ngày càng trở nên trầm trọng, anh suốt ngày chửi bới, đập phá thậm chí đánh đập những người xung quanh. Không còn cách nào khác, bà Lài đành phải bảo người con trai đầu hàn một chiếc lồng sắt để nhốt chính người thân của mình vào trong đó.
"Khi đưa ra quyết định này, tôi đã thức suốt mấy đêm liền không ngủ, mong sao có thể tìm ra một phương cách nào khác. Tuy vậy, cuối cùng tôi vẫn phải đau lòng chấp nhận cách nhốt con vào lồng sắt", bà Lài ngậm ngùi.
Lúc chúng tôi tìm đến nhà bà Lài, một cảnh tượng vô cùng đau lòng diễn ra trước mắt. Bà mẹ nghèo đang bón cho người con trai nằm trong lồng sắt ăn từng muỗng cháo. Giờ đây mọi sinh hoạt của anh Tiến đều do người mẹ chăm sóc, lo lắng.
Không biết người phụ nữ khốn khổ này có thể gánh vác được gia đình mình đến bao giờ nữa. Giờ đây, chỉ có tình yêu thương với chồng con là nguồn động viên giúp bà Lài ngày ngày vật lộn với ruộng đồng để duy trì cuộc sống đầy vất vả.
Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về: bà Nguyễn Thị Lài, xóm Đồng Trụ Đông, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hoặc: Báo Đời sống & Pháp luật tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT 0462810837, hoặc số điện thoại đường dây nóng của chuyên mục "Ước mơ thành sự thật": 0978080388
Theo NDT
Người cha 20 năm dắt con đi 'tìm chữ' Suốt hơn bao năm qua, hình ảnh một người cha đen nhẻm, chân tây run rẩy dắt hai đứa con trên chiếc xe đạp cà tàng đến trường đã trở nên quen thuộc với người dân cụm 5, xã Tích Giang, Phúc Thọ (Hà Nội). Hai đứa con trai bị teo cơ, không đi lại được, người vợ nay ốm mai đau tưởng...