Cô gái thấy mình là ‘tiên’ sau ca mổ
Tiên lượng chỉ còn sống chưa đầy nửa tháng với khối u 50 kg, cô gái không kìm được hạnh phúc khi tỉnh dậy nhẹ tênh sau ca phẫu thuật.
Một ngày cuối năm, đeo bên hông chiếc xắc xinh xinh, đội chiếc nón, cô gái Lê Thị Diễm (20 tuổi, ngụ Bạc Liêu) nhảy điệu chân sáo, nắm chặt bàn tay mẹ đến Khoa ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM tái khám. Hai mẹ con liên tục cười đùa vui vẻ.
Không dám nghĩ con sống được bao lâu nữa
Hầu như những ai điều trị lâu dài tại khoa hoặc các điều dưỡng, bác sĩ ở đây đều biết trường hợp của Diễm vì khối u của em không phải bình thường mà nặng tới 50 kg. Kỳ lạ là Diễm đã chung sống với căn bệnh và khối u lớn lên từng ngày từ khi mới sinh ra. Diễm được các bác sĩ Khoa ngoại 1 giải thoát khỏi khối u này cách đây tám tháng.
Không ai nghĩ hình ảnh cô gái đến khoa với cái bụng to như sắp vỡ với cô gái nhanh nhẹn, nhỏ nhắn hôm nay là một. Thay bằng nhịp thở khó nhọc, tiếng nói đứt hơi ngày nào là giọng cười trong trẻo, lanh lảnh.
Chị Đỗ Thị Mười – mẹ Diễm cho hay lúc mới sinh ra, Diễm đã có một tay to tay nhỏ và bụng ngày càng to, được chẩn đoán là bướu bạch mạch bẩm sinh. Dù chị đã đưa con đi chữa trị nhiều nơi nhưng không nơi nào dám phẫu thuật nên đành “sống chung với lũ”. Nhiều lần đi bán vé số, Diễm còn bị ngất xỉu giữa đường.
Cách đây hơn chín tháng, khi tìm được đến BV Ung bướu TP.HCM, tình hình của Diễm đã rất nguy kịch do khối bướu chèn ép tim, phổi nhưng mổ cũng chưa chắc đã cứu được. “Con thở khó khăn, lỗ chân lông bắt đầu rỉ nước. Lúc đó tôi cũng không dám nghĩ tới con còn sống được bao lâu nữa. Con nói với tôi dù mổ có xảy ra chuyện gì con cũng chấp nhận” – chị Mười nhớ lại.
Diễm trước khi mổ với khối u 50 kg và hiện tại. Ảnh: HL
Video đang HOT
“Chân em như muốn bay”
BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1, cho biết lúc đến khám ở bệnh viện, bé đã ở trong tình trạng rất nguy kịch nên ngay lập tức được tiến hành cấp cứu, lên phương án điều trị. “Bụng bé to như một quả bong bóng bị bơm nước, dịch ép vào tim, phổi nên bé thở rất khó nhọc” – BS Tiến miêu tả.
Một cuộc hội chẩn toàn viện và một số bệnh viện lớn nghi bé bị dò dưỡng trấp bẩm sinh. Kết quả xét nghiệm dịch ổ bụng cho ra kết quả tương tự. Khai thác bệnh sử, năm chín tuổi bé từng được mổ u nang buồng trứng nên được chuyển Khoa ngoại 1 để điều trị. “Không mổ thì bé chắc chắn sẽ chết. Chi bằng nắm lấy hy vọng cứu sống bé dù chỉ là mong manh thôi” – BS Tiến kể lại quyết định táo bạo của mình.
Nhận định nếu rút hết dịch ra cùng một lúc, bé có nguy cơ không qua khỏi nên các bác sĩ đã cùng hội chẩn, nghĩ ra phương án hút dịch từ từ cho cơ thể thích ứng với việc này. Trong vòng 10 ngày, bé đã được rút ra khỏi cơ thể mỗi ngày 2-3 lít dịch, đến khi bước lên bàn mổ, bé tiếp tục được hút ra 20 lít nữa. Tổng cộng 50 lít dịch đã được rút ra. Sau ca mổ, bé hồi phục khá kỳ diệu khi chân hết phù, bụng xẹp, hết dò dịch.
Hiện tại, dù triệu chứng bệnh bẩm sinh vẫn còn như phù tay voi nên bé vẫn phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giảm lượng dò dưỡng trấp và tái khám đều đặn.
“Nhiều khi em nằm mơ, em thấy bụng mình xẹp mất, em được chạy chơi với với các bạn” – Diễm kể ước mơ lớn nhất của mình từ khi có nhận thức về căn bệnh. Trong khi các bạn cùng lứa có thể chơi các trò vận động đá banh, nhảy dây, đá cầu thì em chỉ biết đứng nhìn. “Mỗi lần tết đến, các chị em đều được mẹ dẫn đi mua đồ còn em thì bụng to quá, phải cắt may đồ bầu. Năm nào không cắt may kịp thì không có đồ tết” – Diễm kể.
Chưa hết, mỗi lần ra đường đi bán vé số, rất nhiều ánh mắt tò mò, nghi ngại về cái bụng to của em. “Người ta kêu em là bé bầu, bé bụng bự, đó là người ta chưa hiểu nên em phải giải thích là em không có bầu mà em bị bệnh” – Diễm nhớ lại.
Sau ca mổ, dù được giải thoát khỏi khối u 50 kg nhưng Diễm vẫn phải tái khám đều đặn vì căn bệnh bẩm sinh vẫn còn. Tuy nhiên, đối với Diễm, cuộc sống của em đã hoàn toàn đổi khác và tươi sáng hơn. “Tỉnh dậy sau ca mổ, bước chân xuống giường, em cảm thấy chân mình nhẹ tênh, đi hổng chân luôn, cảm tưởng như muốn bay. Lúc đó em tưởng tượng mình là tiên” – Diễm kể giây phút mình không thể quên được trong cuộc đời.
Lần đầu tiên em có thể tự mình đi chọn những bộ đồ vừa ý của mình mà không phải cắt may nữa. Đến đêm em có thể ngủ thoải mái hơn. “Trước đây, khi còn mang khối bướu, em toàn phải ngủ ngồi mà nay em có thể lăn lộn được khắp giường” – Diễm vui vẻ kể.
Đặc biệt, em còn có thêm một người “cha nuôi” là BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1, người quyết định ca mổ thay đổi cuộc đời em. BS Tiến cũng là người vận động hỗ trợ chi phí ca mổ và giúp em có một số vốn sau ca mổ. Với số vốn này, em dự định sẽ học làm bánh kem và mở một tiệm bánh nho nhỏ, kết thúc những chuỗi ngày lênh đênh lê cái bụng đi khắp nơi bán vé số. “Bác Tiến như người cha thứ hai tạo ra em, khi em sắp chết, bác Tiến ban cho em cuộc sống mới. Em rất là vui khi được sống kiếp làm người mới” – Diễm nghẹn ngào xúc động.
Biệt danh “bé ễnh ương”
Từng tiếp xúc và phẫu thuật những ca mang khối u khổng lồ nhưng BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1, vẫn không khỏi bất ngờ với khối u 50 kg mà cô gái nhỏ nhắn đang mang. “Bình thường, những người mang khối u to từ 30 đến 40 tuổi trở lên. Cô gái còn rất trẻ nhưng phải mang cái bụng rất to, mà toàn thấy cái bụng không, khi khám bé đưa hết cái bụng ễnh ra sau khiến ai cũng kinh sợ. Em thở gấp tưởng sắp đuối đến nơi nên chúng tôi mới đặt biệt danh cho bé là bé ễnh ương” – BS Tiến kể lại.
HOÀNG LAN
Theo PLO
Bệnh nhân lao đao vì hết thuốc ung thư viện trợ
Đến thời điểm hiện tại, kho dược của các bệnh viện đều hết thuốc viện trợ Glivec, chỉ còn thuốc thương mại thông qua BHYT chi trả. Do đó, hầu hết các bác sĩ đã giảm liều dùng thuốc cho bệnh nhân xuống tới 1/3, hoặc gần 50% ngày uống thuốc trong tháng.
Người dân mua thuốc tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM
Từ ngày 31-12-2019, chương trình hỗ trợ thuốc Glivec trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại 7 bệnh viện (BV) trên cả nước là BV K, BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu TPHCM, BV Truyền máu - Huyết học TPHCM và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã chính thức kết thúc. Điều này tác động không nhỏ đến người bệnh, nhất là đối tượng người bệnh nghèo, không có khả năng chi trả.
Gánh nặng thêm nhiều
Mắc căn bệnh ung thư bạch cầu mạn dòng tủy và phải điều trị bằng thuốc Glivec đã hơn 3 năm qua, chị N.T.H. (38 tuổi, An Giang) hàng tháng phải lặn lội từ tỉnh lên BV Truyền máu - Huyết học TPHCM để khám và nhận thuốc điều trị.
Theo chỉ định của bác sĩ, mỗi ngày chị H. phải dùng 4 viên thuốc Glivec 100mg, trung bình 120 viên/tháng. Tuy nhiên, lần tái khám gần đây, chị được thông báo đã hết thuốc viện trợ và chỉ được cấp 48 viên Glivec do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả và phải giảm liều, chia đều cho một tháng. Cầm số thuốc trên tay, chị H. lo lắng bởi nếu không được tài trợ, chị cũng như nhiều bệnh nhân khác không có khả năng chi trả.
"Thuốc viện trợ hết, mà hình như thuốc do BHYT cấp cũng khan hiếm nên bác sĩ cũng cho ít. Giờ họ cấp thuốc cho tôi đủ uống hơn 1 tuần thôi, nếu hết phải lên xin tiếp. Nhà xa, mỗi lần đi là khó khăn chồng chất khó khăn, kiểu này chắc chết sớm", chị H. buồn bã nói.
Còn ông N.T.T. (ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, cứ đều đặn 2 lần/tháng, ông lại lên BV Truyền máu - Huyết học TPHCM lấy thuốc. Lần này, trước khi đi, con trai ông đã gọi điện tổng đài để hỏi và được nhân viên khẳng định dù hết thuốc viện trợ nhưng còn thuốc thương mại. Khi cha con ông đến nơi, bác sĩ đưa 13 viên thuốc BHYT, chỉ đủ cho 3 ngày sử dụng. Ông hỏi thì được trả lời đang khan hiếm thuốc nên chia ít, mai mốt có sẽ cấp đủ. Lo sợ cha không có thuốc uống theo đúng phác đồ điều trị, con ông lên mạng mua với chi phí hơn 2 triệu đồng/ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, kho dược của các bệnh viện đều hết thuốc viện trợ Glivec, chỉ còn thuốc thương mại thông qua BHYT chi trả. Do đó, hầu hết các bác sĩ đã giảm liều dùng thuốc cho bệnh nhân xuống tới 1/3, hoặc gần 50% ngày uống thuốc trong tháng. Đầu năm 2018 cũng từng xảy ra tình trạng hết thuốc Glivec viện trợ khiến hơn 2.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc này trên cả nước lao đao. Nguyên nhân là do thay đổi về cơ chế cấp phép cho thuốc viện trợ.
Dư thuốc thương mại
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TPHCM, cho biết, chương trình cấp phát thuốc Glivec (Imatinib 100mg) cho người bệnh bạch cầu mạn dòng tủy tại BV thời gian qua được triển khai thông qua Chương trình GIPAP được tài trợ hoàn toàn từ Công ty Novartis (nguồn thuốc viện trợ) và Chương trình VPAP, gồm 40% do BHYT chi trả (nguồn thuốc thương mại) và 60% được Novartis tài trợ (nguồn thuốc viện trợ). Đến nay, chương trình này đã hết, BV có gửi văn bản tới Sở Y tế TPHCM chờ hướng dẫn. Dù chương trình viện trợ đã hết, nhưng BV vẫn còn nguồn thuốc thương mại do BHYT chi trả, BV vẫn tiếp tục cung cấp cho người bệnh.
Glivec hiện không có thuốc thay thế, song bệnh nhân có thể trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc uống giảm liều. Mức độ ảnh hưởng của việc ngưng hoặc giảm thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân nên bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc việc ngưng, giảm liều hay tạm dùng thuốc khác thay thế.
Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, BV đang điều trị khá tốt cho 200 bệnh nhân sử dụng thuốc Glivec. Đây là thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy - một dạng ung thư máu mạn tính. Thuốc rất đắt (chi phí khoảng 500 triệu đồng/bệnh nhân/năm). Theo hợp đồng, đến ngày 31-12-2019, nhà sản xuất ngưng viện trợ. Việc kết thúc viện trợ đồng nghĩa việc nhiều bệnh nhân khó có khả năng trang trải để mua thuốc điều trị. BV đã thông báo trước cho người bệnh về tình trạng này. Hầu hết người bệnh không phản ứng gì, chấp nhận thực tế ngưng nguồn thuốc viện trợ.
THÀNH AN
Theo SGGP
Vì sao béo phì lại có nguy cơ ung thư cao? Tình trạng béo phì và thừa cân có sự gia tăng đáng báo động ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng quốc gia với người trưởng thành từ 25 đến 64 tuổi, tỷ lệ này cao báo động. Đây là yếu tố gia tăng bệnh ung thư. Béo phì làm gia tăng nguy cơ ung thư? Gia tăng béo phì...