Cô gái siêu gầy một thời
Mắc chứng biếng ăn, Vicki Fox chỉ nặng 25 kg và hoàn toàn kiệt sức. Bố mẹ cô phải đấu tranh giành quyền ép con gái ăn thông qua một chiếc ống dẫn chất lỏng vào dạ dày.
Vicki chỉ nặng 25 kg vào năm 1999. Ảnh: The Sun.
Vicki được khuyến cáo rằng, nếu không ăn, cô sẽ chỉ sống được vài ba ngày nữa. Đó là vào năm 1999, khi cô gái này 16 tuổi. Cô được đưa tới bệnh viện trong tình trạng gần chết, các cơ quan bắt đầu suy thoái. Thận của Vicki đang hỏng dần và tim không thể đập đúng nhịp.
Những bức ảnh gầy giơ xương của Vicki gân chấn động nước Anh. Vòng eo của cô chỉ có 39 cm, bằng vòng cổ của một người bình thường. Khi đó, bố mẹ Vicki rất tuyệt vọng, phải ra tòa đấu tranh giành quyền ép Vicki ăn. Họ mất khoảng 20.000 bảng phí tòa để giành chiến thắng và đưa con gái tới bệnh viện, ép ăn bằng chất lỏng thông qua một cái ống.
Vicki kể lại: “Đó là một quyết định khủng khiếp mà bố mẹ tôi phải làm. Họ biết điều này có thể bêu xấu con gái nhưng đó là sự lựa chọn duy nhất để cứu sống tôi. Thời điểm đó, tôi không thể hiểu điều gì. Tôi không nghĩ mình sai và tôi ghét bố mẹ”.
Video đang HOT
Vicki hạnh phúc vì có con. Cô đã nặng 57 kg. Ảnh: The Sun.
Sau khi bị ép ăn, Vicki bắt đầu hồi sức và dần tăng cân. Năm 2000, cô được xuất viện. Giờ đây, sau 10 năm, cô gái siêu gầy thời nào đang hạnh phúc được trở thành mẹ. Vicki tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể sinh con vì căn bệnh biếng ăn. Khi cơ thể bị suy kiệt như thế, rất khó có thể thụ thai, thậm chí sau khi đã hồi phục. Tôi là một y tá và rất thích trẻ con. Nhưng tôi không nghĩ mình có thể trở thành mẹ. Bởi vậy, tôi rất vui sướng khi mang bầu. Tôi khá lo lắng về việc ăn nhiều hơn nhưng tôi biết mình phải làm điều đó vì em bé”.
Vicki chọn bệnh viện Stepping Hill để sinh con, nơi 11 năm trước cô suýt chết vì gầy yếu.
Hoài Vũ
Theo ngôi sao
Những dấu hiệu của chứng biếng ăn
Cuộc sống hiện đại với những lo âu vất vả khiến nhiều người bị stress và đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng biếng ăn.
Thêm vào đó, các phương tiện truyền thông thường ca tụng vóc dáng người mẫu "mình hạc xương mai" càng khiến chị em đua nhau giảm cân. Nỗi ám ảnh về trọng lượng khi bị bạn bè trêu chọc, những tổn thương tâm lý như thất tình, cha mẹ ly dị, bị mất việc... làm cho con người trở nên chán ngán với mọi thứ, không thiết ăn, uống và dần ngán ngẩm, sợ hãi khi nghĩ đến bữa ăn. Họ tự bỏ đói mình cho đến khi cơ thể suy kiệt, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Người mắc chứng biếng ăn luôn nghĩ mình đã thừa cân, dù họ đang rất ốm yếu và luôn tìm mọi lý do để né tránh bữa ăn. Căn bệnh này sẽ gây ra vòng luẩn quẩn: chán nản, trầm uất, gây ra chứng biếng ăn khiến cơ thể suy kiệt. Phụ nữ mắc chứng biếng ăn sẽ khó có con, rụng tóc và sớm lão hóa. Phụ nữ mang thai, nếu mắc chứng biếng ăn sẽ có nguy cơ sinh non cao, huyết áp thấp, gây ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con.
Khi bạn phát hiện mình hoặc người thân có những dấu hiệu sau, hãy nghĩ đến chứng biếng ăn để có biện pháp điều trị kịp thời:
- Không muốn ăn hoặc từ chối ăn trước mọi người.
- Sụt ít nhất 15% trọng lượng bình thường của cơ thể.
- Da thô ráp, hơi thở ngắn và yếu.
- Cực kỳ nhạy cảm với thời tiết lạnh.
- Không có cảm giác đói.
- Sợ hãi khi nghĩ đến việc tăng cân, tìm cách bỏ bữa ăn bằng mọi lý do.
- Rụng tóc, mất kinh.
- Chán nản, buồn rầu, lo âu về mọi thứ, thấy cuộc đời thật đáng chán.
- Tìm cách giảm cân bằng mọi cách.
Việc điều trị chứng biếng ăn càng sớm càng mang lại hiệu quả cao và cần có sự phối hợp của cả bác sĩ tâm lý, bác sĩ dinh dưỡng lẫn các chuyên viên xã hội. Sự giáo dục nhận thức cho người bệnh, điều trị chứng trầm cảm, tác động đến tâm lý để người bệnh thay đổi hành vi và lối sống là những biện pháp cơ bản để giải quyết chứng biếng ăn.
Theo Phụ nữ/mamashealth